| Hotline: 0983.970.780

Nổi nênh đời buôn tràm

Thứ Sáu 01/08/2014 , 10:09 (GMT+7)

Họ là những ông chủ nhưng không khoác trên mình những bộ áo quần thơm tho, trải chuốt mà là những bộ quần áo lao động cũ, bày tay thô ráp, chai sần…

1. Ông chủ đầu tiên chúng tôi tiếp xúc trên chiếc ghe 20 mã lực đang đậu bên bờ kênh Chợ Đệm (xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. HCM) là ông Trần Văn Khánh, 51 tuổi, chủ ghe tràm.

Khi chúng tôi hỏi chuyện, ông Khánh cười buồn: “Tôi quê ở đâu cũng chẳng biết, vì từ nhỏ đến khi lớn lên, đã theo cha mẹ lênh đênh trên sông nước, đi dọc các con sông buôn bán đủ thứ hàng tạp hóa từ Campuchia về. Đến khi cha mẹ qua đời, tôi chẳng biết làm gì ngoài việc nối gót họ. Nhưng từ hơn chục năm nay, tôi theo nghề buôn tràm này.

Có thể nói, tôi đã nếm trải đủ mùi vị vui buồn của kiếp lênh đênh thương hồ. Từ sóng gió, trấn lột trên sông đến chuyện lời lỗ, bạn hàng lừa mất trắng ghe tràm… Cái nghề này, hay nói chung là đời thương hồ, chỉ lấy công làm lãi chứ không thể khá nổi”.

Rồi, vừa nhìn ra dòng kênh ông vừa nói tiếp: “Mỗi chuyến mình đánh ghe về vùng Mộc Hóa, Tân Hưng, Mỹ An… ở Long An mua tràm, chủ yếu là tràm bông vàng làm cừ, làm gỗ. Tràm được mua theo nhiều cách nhưng mua của nông dân, cách nào cũng dễ dãi và đơn giản như nhau, miễn là sòng phẳng. Mình có thể nhìn ruộng tràm rồi ước định giá hoặc đếm cây, tính tiền.

Nhiều người khắt khe quá thì họ đốn cây rồi cân, bán theo tấn. Riêng tôi thì thích tận tay thu hoạch tràm. Nghĩa là từ lúc chặt cây, chuốt cành lá cho tới khuân vác lên ghe đều phải tận tay đảm nhiệm hết. Có tràm rồi mới bắt đầu giong ghe lên Sài Gòn theo sông Vàm Cỏ Tây, Bến Lức, Chợ Đệm…

13-14-41_nh-3
Một trong những đứa con của vợ chồng ông Khánh trên ghe

Thú thực, đời mình thế nào cũng xong nhưng còn vợ và hai đứa con khổ thì không đành lòng. Có người em họ ở Tri Tôn, An Giang hứa cho mảnh đất, tôi tính đi vài chuyến nữa, kiếm thêm chút đỉnh rồi về cất tạm cái chòi để sắp nhỏ được đi học chứ không thể bắt chúng khổ như mình được”.

Kể về mối lương duyên vợ chồng, bà Lê Thị Phần, vợ ông Khánh, vừa lui cui dọn dẹp trong một góc ghe chật chội, lỉnh kỉnh đồ đạc, chăn chiếu, nồi niêu xoong chảo, được che chắn tạm bợ bằng vải bạt để tránh nắng mưa, kể: "Chúng tôi tình cờ gặp nhau trong những ngày rong ruổi mưu sinh, thấy hợp nhau nên gá nghĩa vợ chồng. Ông ấy là người chất phác, thương tôi thật lòng. Chúng tôi, ai cũng có một quá khứ nhưng không ai nhắc lại, mà chỉ nói về những đứa trẻ, ruộng tràm sắp chặt và những đận con nước lên xuống thôi”.

2. Tràm là một trong số ít loại cây có khả năng chịu nước tốt nhất, kể cả nước nhiễm phèn, mặn. Chính vì thế, cây tràm được dùng để làm chân móng cho hầu hết các công trình, kể cả những tòa nhà lớn. Và cây tràm đã đồng hành với công cuộc đô thị hóa, không chỉ ở các thành phố lớn, mà còn ở khắp các vùng miền.

Từ đây, đã có hàng ngàn nông dân mưu sinh bằng nghề buôn bán và trồng cây tràm. Ngày trước, ở các vùng sông nước ngập mặn ở Long An, Tiền Giang, An Giang hay Đồng Tháp, hầu hết những đám cây tràm đều mọc hoang, nay được trồng tỉa và chăm sóc cẩn thận.

13-14-41_nh-5
Những người trồng tràm cũng chẳng hơn gì người buôn cây

Thế nhưng, ngay cả những người trồng tràm cũng chẳng khá hơn người buôn cây. Như chia sẻ của anh Lê Đức Vạn, một người trồng tràm ở xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, Long An, thì khoảng 5 - 6 năm trước, mỗi cây tràm dài 8 m, giá chỉ 10 ngàn đồng, nhưng một bó (12 cây) đã đủ mua bao rưỡi gạo. Bây giờ, giá cây tràm ấy là 25 ngàn, nhưng để mua được từng ấy gạo, lại phải mất tới hai bó.

Chỉ vài bước chân từ ghe là có thể lên bờ, nhưng với những người coi ghe là nhà, điều đó không dễ chút nào. Họ chỉ mong những đứa con của họ không phải sống kiếp lênh đênh như cha mẹ chúng.

Để đảm bảo cuộc sống cho người mẹ già, người vợ đang mang bầu và đứa con chưa hết cấp hai của mình, anh Vạn sẽ phải trồng tràm nhiều hơn, làm việc vất vả hơn.

Tại một bến nước khác nằm ở ven dòng kênh Chợ Gạo, Tiền Giang, anh Nguyễn Văn Minh, một chủ ghe tràm tâm sự: “Hồi giữa tháng, tôi có nhận đơn hàng đổ ghe tràm 2 ngàn cây cho một chủ vựa ở kênh Bình Phan trong kia nhưng bữa qua chạy ghe lên tới nơi thì nước ròng, phải đợi cuối tuần mới giong ghe vô để xuống tràm được. Ban đầu cũng tính thuê xe tải chở thẳng vào cho khách nhưng nhà xe hét giá tới hơn hai triệu nên tôi đành neo đây đợi con nước lên”.

Khác với ông Khánh, cơ duyên đến với nghề buôn tràm của anh Minh rất tình cờ. Anh bảo, hồi trẻ anh từ Mỏ Cày, Bến Tre lên Bình Chánh làm công nhân. Ở trong xí nghiệp giày da được mấy năm, ngột ngạt quá anh xin ra ngoài làm thuê cho một vựa tràm ở Thuận An, Bình Dương.

Tại đây, anh có tình cảm với cô gái làm công trong vựa và sau đó, họ nên duyên vợ chồng. Thấy buôn tràm cũng có ăn nên vợ chồng anh bàn bạc, gom góp toàn bộ vốn liếng tích cóp được, vay mượn thêm chút đỉnh, về quê mua lại một chiếc ghe cũ rồi 2 vợ chồng cùng rong ruổi đi buôn tràm.

3. Những tháng ngày trên ghe, 3 đứa con, 2 trai, 1 gái của anh Minh lần lượt chào đời. Đứa lớn nhất nay đã 8 tuổi, đứa nhỏ nhất cũng sắp đến tuổi đi học mà chưa có đứa nào biết một chữ bẻ đôi.

13-14-41_nh-4
Ghe tràm của gia đình anh Nguyễn Văn Minh đang neo đậu chờ khách

“Cả 5 miệng ăn đều trông vào ghe tràm này, nên cuộc sống khó khăn lắm. Để có thêm đồng ra đồng vô, mọi việc, từ chặt đến chuyển tràm xuống ghe, bốc lên cho khách, tôi phải tự làm. Mùa này nước về, dưới miền Tây đang thu hoạch tràm nhiều nên giá thấp, nếu không có khách đặt trước, cứ mua mà không bán kịp thì lời chẳng bao nhiêu, có khi lỗ không chừng”, anh Minh nói.

Nhìn mấy đứa con, nét mặt buồn so, giọng trầm xuống, anh Minh nói tiếp: “Bây giờ mối lo lớn nhất của vợ chồng tôi là làm sao để tụi nhỏ được đi học. Nhưng khó quá…".

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm