| Hotline: 0983.970.780

Nơi những cánh chim bình yên

Thứ Tư 19/10/2011 , 12:08 (GMT+7)

Nằm bên cửa biển Lạch Trường, xã Hải Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) có rừng ngập mặn với diện tích 63 ha và cánh đồng lúa 40 ha đã trở thành đất lành cho chim trời trú ngụ.

Nằm bên cửa biển Lạch Trường, xã Hải Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) có rừng ngập mặn với diện tích 63 ha và cánh đồng lúa 40 ha đã trở thành đất lành cho chim trời trú ngụ. Có nhiều thợ săn về đây muốn tận diệt chim trời nhưng đành bất lực, bởi người dân và chính quyền ra sức bảo vệ.

Những thợ săn trong vùng cho biết: Ở xứ Thanh có xã Hải Lộc chim bay về nhiều lắm nhưng chưa người nào bắt được một con. Cứ đặt chân đến thì bị người dân xua đuổi, tịch thu dụng cụ. Ngoài ra còn bị chính quyền địa phương bắt về xử phạt hành chính để răn đe. Do đó, không giống với các xã khác. 

Rừng ngập mặn Hải Lộc trở thành chốn bình yên của chim trời

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm về xã Hải Lộc. Xuất hiện trước mắt chúng tôi là cánh rừng ngập mặn rộng lớn nằm bên cửa biển Lạch Trường - nơi phân cách huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc - hàng ngàn con chim cất cánh bắt đầu một ngày kiếm ăn, tiếng kêu ríu rít vang khắp cả vùng. Cụ Lê Văn Hoàn (78 tuổi) ở thôn Y Bích, xã Hải Lộc nói: "Sáng nào cũng vậy, chim cất cánh đi ăn kín cả bầu trời nên tôi tranh thủ ra từ sớm để ngắm. Thấy chim bay, cất tiếng gọi nhau sướng tai lắm".

Cụ Hoàn có thú vui ngắm chim trời hằng ngày

Rồi cụ Hoàn cho biết, trước đây, khu vực này là một vùng đất ngập mặn chẳng có cây cối nào mọc lên. Từ những năm 1986, có một dự án đầu tư trồng rừng nhằm bảo vệ tuyến đê Y Bích. Sau đó thì được chính quyền trồng thêm, rừng bây giờ dài hơn 3km với diện tích 63ha. Cây cối xanh tốt chim trời bay về đậu kín rừng làm tổ. Tuy nhiên người dân Hải Lộc không một ai bắt chim, chỉ có mấy đứa nhỏ thỉnh thoảng vào rừng lấy mấy quả trứng.

Thế nhưng vào năm 2005, từ đâu xuất hiện một số thợ săn mang theo đồ nghề như: lưới, nhựa, súng hơi... về hoạt động rất tinh vi. "Chỉ trong một thời gian ngắn từng đàn chim bị tận diệt hoặc bỏ rừng mà đi. Bởi hằng ngày những tay súng kéo về thi nhau xả đạn chim chết như ngả rạ, số chim mới bay về chưa kịp hạ cánh đã bay đi không dám quay lại", cụ Hoàn nhớ lại. 

Bẫy chim được dựng lên khắp cánh đồng các huyện ven biển Thanh Hóa

Trước nguy cơ chim trời bị tận diệt, lãnh đạo xã Hải Lộc và người dân đã thống nhất phương châm người người, nhà nhà bảo vệ chim. Xã Hải Lộc lập một tổ công tác gồm trưởng công an xã, dân quân và các trưởng thôn ngày đêm thay nhau canh giữ khu rừng. Còn người dân khi phát hiện thợ săn xuất hiện cứ báo lên cho xã để có biện pháp xử lý.

Ông Lê Doãn Huân, Phó Chủ tịch xã Hải Lộc, người có mặt từ ngày đầu trong đội bảo vệ rừng chim cho biết: "Việc xã chúng tôi bảo vệ chim trời không có chỉ thị từ trên xuống nhưng xã quyết liệt làm. Bằng sự quyết tâm của xã và đồng tình ủng hộ của nhân dân chỉ sau 2 tháng ra quân nạn tận diệt chim trời chấm dứt và từ biển khơi những đàn chim trời lại tìm về trú ngụ, làm tổ".

Bộ đồ nghề đánh bắt chim gồm loa, đài, lưới...

Ngoài những thợ săn có một số người dân xã Hải Lộc hám lợi đứng ra bảo lãnh cho người từ nơi khác về ăn ở trong nhà để bắn chim. Họ mang theo loa đài giăng lưới khắp cánh rừng, đồng lúa. Thấy vậy, chính quyền xã đã phối hợp với cán bộ thôn đến từng nhà tuyên truyền, sau đó họ đã giải nghệ.

Một con chim trời bị dính lưới

"Muốn bảo vệ rừng chim buộc phải bỏ tiền ra thuê người nhưng Hải Lộc là một xã nghèo lấy đâu ra kinh phí. Với diện tích rừng rất lớn nếu thuê cả chục người mới kham nổi. Nhưng rất may được người dân ủng hộ và đã không ít người xung phong nhận nhiệm vụ nên mới có ngày hôm này", ông Huân chia sẻ khó khăn.

Sau khi bị, chim bị khâu mắt

+ Ông Lê Doãn Huân, Phó chủ tịch UBND xã Hải Lộc, cho biết: "Đã không ít lần nhiều người mang súng hơi về đây tàn sát chim trời, khi chúng tôi phát hiện và đưa về xã để giải quyết nhưng không có chế tài xử lý. Bởi họ đưa giấy tờ đăng ký sử dụng súng ra, chúng tôi đành phải trả lại cho họ". 

+ Tình trạng tận diệt chim trời không chỉ có ở Thanh Hóa mà nhiều tỉnh thành khắp nước diễn ra rầm rộ. Mỗi ngày vô số chim trời bị giết hại. Để cứu lấy chúng đã có không ít cơ quan lên tiếng, vào cuộc ngăn chặn nhưng kết quả giống như "muối bỏ biển". Số lượng người đánh bắt ngày một nhiều với những công nghệ mới do đó chim trời giảm hẳn.

Trong số những người nhiệt tình bảo vệ rừng chim phải kể đến ông Nguyễn Văn Cường, trưởng thôn Y Bích và ông Ngô Anh Tuấn, trưởng thôn Trường Nam. Đã gần 10 năm nay, hai ông không ít lần bắt đuổi những thợ săn chim và có những lúc ẩu đả với bọn chúng nhưng hai ông không nản lòng.

"Để cứu chim trời thì nên làm đồng bộ, chứ một mình xã tôi bảo vệ còn các xã lân cận không bảo vệ thì cũng như không.

Hiện công nghệ diệt chim rất hiện đại, chim thì bay hết vùng này đến vùng khác. Do đó xã tôi cấm nhưng bay qua xã khác thì cũng bị diệt", ông Cường, trưởng thôn Y Bích bày tỏ.

Tận diệt chim trời

Chúng tôi rời Hải Lộc khi trời đã về chiều, cũng là lúc những đàn chim trời sau một ngày kiếm ăn chao cánh xuống rừng ngập mặn trú ẩn. Cụ Hoàn tự hào: "Ở dọc bờ biển tỉnh Thanh Hóa có nhiều cánh rừng ngập mặn, đồng lúa nhưng duy nhất ở Hải Lộc chim trời trú ngụ được bình yên. Hiện không có một thợ săn nào dám bén mảng tới đây. Bởi người dân phát hiện thợ săn đến là "xử" liền".

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất