| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm một gia đình chính sách

Thứ Năm 04/12/2014 , 09:06 (GMT+7)

Là gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng nhưng khi hòa bình lập lại, con cháu của ông Phồn - bà Dung đều không nhận được sự quan tâm đúng mực từ các cấp chính quyền.

Nhà có đến 3 liệt sỹ, bà nội được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, ông nội nhận nhiều Huân, Huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước. Với anh Nguyễn Hữu Lợi trú tại xóm Mỹ Sơn, xã Bài Sơn (Đô Lương, Nghệ An) đó là niềm tự hào lớn.

Nhưng xen lẫn niềm tự hào là nỗi niềm mỗi khi anh thắp nén hương đứng trước vong linh những người đã khuất.

Được biết, ông Nguyễn Hữu Phồn và bà Thái Thị Dung (ông bà nội của anh Lợi) đến với nhau và sinh hạ được 4 người con (3 trai, 1 gái). Theo tiếng gọi non sông, những người con trai của ông bà là Nguyễn Hữu Long (1929, bố đẻ anh Lợi), Nguyễn Hữu Chí (1941) và Nguyễn Hữu Ý (1945) đều lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam rồi lần lượt ngã xuống.

Thời điểm ấy, ông Chí và ông Ý chưa lập gia đình.

Vẫn biết chiến tranh tàn khốc, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng bà Dung vẫn không thể gắng gượng nổi trước cú sốc quá lớn. Cầm tấm giấy báo tử trên tay mà bà như đứt từng khúc ruột: “Thử hỏi còn nỗi đau nào lớn hơn thế, thời điểm đó tôi mới 5 tuổi nhưng vẫn nhớ như in, bà nội tôi vì quá đau buồn nên chẳng thiết ăn uống, chỉ trong vòng 1 tuần mà tóc bạc trắng, sau đó thổ huyết rồi qua đời”, ông Lợi bùi ngùi kể lại.

Để ghi nhận những công lao to lớn đó, Nhà nước đã trao tặng cho ông Phồn, bà Dung cùng 3 người con nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương chiến công hạng nhì… Tháng 12/1994, bà Thái Thị Dung được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Là gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng nhưng khi hòa bình lập lại, con cháu của ông bà đều không nhận được sự quan tâm đúng mực từ các cấp chính quyền. Chiến tranh nay đã lùi xa gần 40 năm nhưng buồn thay, anh Nguyễn Hữu Lợi và vợ là chị Trần Thị Mùi vẫn phải ngày ngày tá túc trong căn nhà xập xệ, xiêu vẹo sau hơn nửa thế kỷ gồng mình “chống chọi” với thời gian.

Ngôi nhà gỗ lợp ngói vảy nay đã xuống cấp trầm trọng, các cột bị mối mọt đua nhau gặm nhấm, tường nhà bong tróc tứ tung, thủng lỗ chỗ, vá chằng vá đụp.

20-44-36_2
Ngôi nhà hiện đã xuống cấp trầm trọng

Theo lời chị Mùi, ngày nắng còn đỡ chứ mưa xuống là khổ không sao kể xiết, căng bạt chỗ này thì dột chỗ kia, có khi nước chảy xuống ướt hết cả khu vực bàn thờ, nhìn cảnh ấy mà không khỏi xót xa.

Điều kiện kinh tế của gia đình vô cùng khó khăn nên 6 người con của anh Lợi không được học hành đến nơi đến chốn, có đứa thì làm công nhân, đứa lại đi xuất khẩu lao động mong đổi đời nhưng tựu chung chẳng ai thực sự khá giả. Bởi lẽ đó mà việc đóng góp kinh phí “đại tu” căn nhà để có chỗ thờ cúng đàng hoàng cũng đành phải gác lại.

“Đến miếng ăn hàng ngày còn phải chạy đôn chạy đáo thì biết lấy đâu ra tiền mà sửa chữa hả chú? Chúng tôi mong chờ hơn bao giờ hết sự quan tâm của các cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương, nhưng…”, nói đến đây chị Mùi không cầm được nước mắt.

Vẫn biết đã là luật thì phải tuân theo, nhưng chẳng phải đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là phong tục từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam đó sao? Chúng ta không thể quên đi những người đã anh dũng ngã xuống vì độc lập tự do của nước nhà. Thiết nghĩ, một gia đình chính sách “đặc biệt” như vậy xứng đang nhận được sự quan tâm sát sao hơn nữa từ cộng đồng.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết Nhà nước có chủ trương quan tâm, hỗ trợ các gia đình chính sách. Năm 2010, vợ chồng anh Lợi mạnh dạn viết đơn đề nghị được giúp đỡ. Sau khi tiếp nhận đơn, Sở LĐ,TB-XH tỉnh Nghệ An đã có công văn ngày 19/10/2010 xác nhận: "Ông Nguyễn Hữu Lợi là con của Liệt sỹ Nguyễn Hữu Long, cháu Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Dung, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, đề nghị chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ".

Thế nhưng theo những gì PV tìm hiểu được thì từ trước đến nay, gia đình anh Lợi nhận được rất ít sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan cùng chính quyền sở tại.

Mang những thắc mắc này tìm đến gặp ông Nguyễn Quang Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Bài Sơn thì nhận được câu trả lời: “Chúng tôi thực hiện công tác chính sách theo các văn bản Nhà nước tương đối trọn vẹn. Nhà anh Lợi là trường hợp đặc biệt nên địa phương cũng rất lưu tâm, nhưng xã cũng chỉ được hỗ trợ trong phạm vi cho phép.

Nếu anh Lợi quyết định nâng cấp, sửa chữa gian nhà cũ để làm gian thờ cúng thì chúng tôi sẽ vận động các tổ chức đoàn thể, cơ sở, đồng thời đề nghị lên huyện để có chính sách hỗ trợ”...

Còn bà Phạm Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng LĐ, TB- XH huyện Đô Lương khẳng định: Rất chia sẻ với hoàn cảnh hiện nay nhà anh Lợi, nhưng việc xây mới nhà tình nghĩa chỉ được áp dụng đối với trường hợp Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, mẹ Thái Thị Dung đã mất nên không thể triển khai được...

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.