| Hotline: 0983.970.780

Nơi tưởng niệm 2 triệu đồng bào "thây lạnh phơi đầy cỏ đất"

Thứ Sáu 19/08/2011 , 10:40 (GMT+7)

Dù nằm giữa lòng Thủ đô nhộn nhịp nhưng rất ít người dân Hà Nội biết đến ngôi mộ tập thể, có lẽ là đặc biệt nhất trên thế giới, tưởng nhớ 2 triệu đồng bào ta chết thảm khi xưa.

Dù nằm giữa lòng Thủ đô nhộn nhịp nhưng rất ít người dân Hà Nội biết đến ngôi mộ tập thể, có lẽ là đặc biệt nhất trên thế giới, tưởng nhớ 2 triệu đồng bào ta chết thảm khi xưa.

ĐỒNG BÀO MÌNH CÓ GÌ MÀ SỢ!

Phải luồn lách qua rất nhiều con ngõ chật hẹp trên đường Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, chúng tôi mới tìm thấy Khu Tưởng niệm nạn nhân chết đói năm 1945. Khác hẳn với không khí ồn ào của dòng xe cộ nườm nượp phía bên ngoài, bước qua cánh cổng Khu tưởng niệm, một không gian tĩnh lặng hiện ra với vô vàn cỏ cây, hoa lá. Mở cửa đón chúng tôi là ông Đặng Văn Tuyến, người trông coi hương khói cho đồng bào gần chục năm qua.

Đã bước qua cái tuổi lục tuần, định cư ở Hà Nội hơn 40 năm nhưng ông Tuyến vẫn còn giữ lại nét thật thà chất phác không thể lẫn vào đầu của người dân vùng Nam Hà xưa. Trong làn khói hương lờ mờ, bên cạnh là tấm bia đá khắc bài văn tế xót xa của GS Vũ Khiêu mà chắc hẳn những ai sinh ra và lớn lên vào thời đó đều thuộc lòng: “Một cơn gió bụi vừa tan/Hai triệu sinh linh đã mất/Khí oan tối cả mây trời/Thây lạnh phơi đầy cỏ đất…” . Ông Tuyến chậm rãi đọc bài văn tế rồi kể cho tôi nghe về lịch sử khu nghĩa địa đặc biệt này.

Ông Tuyến thắp hương tại khu tưởng niệm nạn nhân chết đói năm 1945

Khu tưởng niệm đồng bào ta chết đói những năm 1944 - 1945 thực chất có từ khá lâu. Ngay sau khi giành được độc lập, bà con nhân dân và chính quyền Cách mạng lâm thời đã thu gom xác những người dân chết vì đói rét, bệnh tật quy tụ lại ở Nghĩa trang Hợp Thiện (nay thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) để chôn cất. Bãi tha ma với cả triệu bộ hài cốt ấy bị bỏ hoang một thời gian rồi dần dà trở thành ruộng rau và nơi cư ngụ của người nghèo, lang thang.

Khu tưởng niệm bị chìm vào quên lãng cho đến một ngày cuối năm 2001, ba sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã bắt tay vào thực hiện đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944 - 1945”. Tiếp đến, tháng 9/2003, Khu tưởng niệm được TP. Hà Nội đầu tư cải tạo, xây dựng hoàn thành như ngày hôm nay với diện tích 158m2 mà điểm nhấn là “bể xương” tập thể rộng gần 50m2 chứa đựng hài cốt của hàng triệu đồng bào.

Vậy là từ đó, ông Đặng Văn Tuyến, tình nguyện ra trông coi Khu tưởng niệm lúc tuổi già. Theo chân ông đi xem lại những bức hình do nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp, chúng tôi không khỏi tái tê lòng. Những bức ảnh miêu tả đến chi tiết nỗi đau, sự mất mát to lớn đến tột đỉnh của một dân tộc cách đây hơn 66 năm; người dân chết la liệt gốc cây, đường phố, cảnh chính quyền Cách mạng lâm thời phát cháo cứu đói rồi những bức ảnh chụp bể xương chất thành núi khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi rùng mình ớn lạnh.

Tôi buột miệng hỏi, ngày nào cũng túc trực, trông nom ở “bãi tha ma” này từ sáng đến tối ông có sợ không? Nở một nụ cười ý nhị, ông Tuyến tâm sự: “Hầu như người nào đến thăm Khu tưởng niệm cũng đều hỏi tôi câu đó. Đây toàn là đồng bào của mình chứ có phải ai đâu mà sợ anh. Miễn sao mình sống và làm việc đúng cái tâm, không vụ lợi bản thân, tôi nghĩ chắc vong hồn các vị tiền bối chẳng trách móc gì mình đâu. Không biết có phải do các cụ phù hộ hay không mà con cái tôi đứa nào cũng thành đạt, chăm ngoan cả".

Người dân sống cạnh Khu tưởng niệm cho hay, khi trời mới tờ mờ sáng đã thấy ông Tuyến mặc áo nâu sồng lạch cạch mở cổng quét dọn, thắp hương ở khu tưởng niệm. Có năm, tiếng pháo nổ đì độp báo hiệu một năm mới bắt đầu nhưng bà con vẫn thấy ông Tuyến lịch kịch thắp hương tại Khu tưởng niệm mà không kịp về nhà đón giao thừa cùng con cháu. Từ ngày được giao trông nom đến nay, chưa hôm nào người dân sống quanh đây thấy ông Tuyến để tắt hương ở khu tưởng niệm cho dù là một ngày. Hôm nào ông đi vắng, vợ ông và các con đều có trách nhiệm giúp ông đến quét dọn, đón khách đến viếng thăm.

NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG

Trông coi tại Khu tưởng niệm đã gần 10 năm, ông Tuyến tiếp đón không biết bao nhiêu đoàn khách và những người từ khắp nơi vì biết tới khu tưởng niệm mà tìm đến. Nhưng có lẽ những vị khách đặc biệt đến từ đất nước Nhật Bản xa xôi thường xuyên lui tới Khu tưởng niệm mấy năm gần đây là ông Tuyến nhớ nhất. Trong cuốn sổ lưu bút 80 trang đặt tại phòng khách Khu tưởng niệm, có đến 60 trang là những dòng chữ tượng hình của du khách Nhật Bản lưu lại. Ông Tuyến cho biết, người Nhật Bản đến đây chủ yếu là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, người làm việc tại Việt Nam..

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, GS. Vũ Khiêu, người viết bài văn tế xúc động khi xưa, cho rằng: Trong lịch sử nước ta chưa khi nào có vụ chết chóc  lớn như vậy. Trong thế kỷ 20, trên thế giới cũng chưa có nơi nào xảy ra nạn đói khủng khiếp như thế. Vì vậy, GS. Vũ Khiêu đề xuất nên lấy một ngày trước thời điểm kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, thời điểm đau khổ nhất của nạn đói để tưởng nhớ đến đồng bào và nhắc nhở cho thế hệ mai sau cái giá của sự độc lập để họ biết và gìn giữ.

“Tôi còn nhớ như in, rằm tháng Bảy vừa rồi có một nhóm bạn trẻ người Nhật Bản đến thắp hương có hỏi tôi rằng: Tại sao ông lại chọn công việc này để làm? Tôi thật thà bảo rằng, đây là khu tưởng niệm hai triệu đồng bào đất nước tôi bị chết đói do phát xít Nhật gây ra. Tôi chọn công việc này khi về hưu là muốn trông nom, hương khói để đồng bào của đất nước tôi bớt cô quạnh. Nghe tôi nói vậy, nhóm bạn trẻ vô cùng xúc động. Qua phiên dịch tôi được biết họ tâm sự là bản thân họ không gây ra sự việc đau lòng đó, nhưng đất nước họ trong quá khứ gây nên thì bản thân họ cũng có trách nhiệm, dù không làm được việc gì lớn nhưng ít nhất cũng thắp được nén hương, đặt một cành hoa mong tổ tiên của đất nước ông tha thứ và xóa đi những hận thù khi xưa", ông Tuyến ngậm ngùi.

Gần một thập niên trông nom Khu tưởng niệm, ông Tuyến nhận thấy trước đây hầu như rất ít người dân Hà Nội biết đến Khu tưởng niệm này. Nhưng mấy năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền thành phố nên người dân biết đến Khu tưởng niệm ngày một nhiều hơn. Hầu như mùng 1 hay ngày rằm nào, bà con cũng đến thắp hương cầu cho vong linh người đã khuất được bình an, thanh thản.

Tuy nhiên, ông Tuyến cho biết cũng có một vài lần bọn nghiện ngập mò vào Khu tưởng niệm với ý định trộm tiền công đức, nhưng khi biết đây là Khu tưởng niệm nạn nhân chết đói năm 1945 thì bọn chúng đều bỏ đi, tuyệt không một lần quay lại. Nhưng điều khiến ông Tuyến trăn trở nhất hiện nay là Khu tưởng niệm hiện quá bé và chật chội, nhiều ngày lễ lớn người dân phải xếp hàng để vào thắp hương vì không có chỗ. Ông đề xuất thành phố Hà Nội nên dành một chút kinh phí mở rộng khu tưởng niệm và chọn một ngày nào đó trong năm để làm ngày giỗ chung cho hai triệu đồng bào.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.