| Hotline: 0983.970.780

Nơi vắng ánh trăng rằm

Thứ Tư 18/09/2013 , 10:31 (GMT+7)

Ở nhiều vùng quê nghèo, giấc mơ về một trung thu có quà, có bánh lại là điều xa vời.

Ở thành phố, không khí trung thu đã nhộn nhịp từ lâu. Đồ chơi, bánh trái cho con trẻ bày bán khắp nơi để đón trăng rằm tháng tám. Vậy nhưng, ở nhiều vùng quê nghèo, giấc mơ về một trung thu có quà, có bánh lại là điều xa vời.

Con trẻ thủy diện mơ trung thu

Giữa đầm Sam (huyện Phú Vang, TT- Huế) mênh mông sóng nước, cuộc sống của hàng trăm đứa trẻ thủy diện (mặt nước) vẫn theo con nước như đời bố mẹ của chúng. Ở đây, tết trung thu với ánh trăng rằm ấm áp dường như vẫn còn quá xa vời…

Ngày rằm trung thu cận kề, rảo chiếc xe máy từ thành phố Huế về khu đập Gốc trên đầm Sam (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang), không khí ở đây dường như vẫn còn im ắng lắm bởi không có tiếng trống múa lân dồn dập, không sắc màu sặc sỡ của những chiếc đèn lồng, đầu lân treo đầy nơi phố thị. Màu của một góc làng chài của cư dân thủy diện là màu bàng bạc của những chiếc thuyền, nhà chồ bạc phếch mưa nắng trong mùi tanh nồng của những phiên chợ cá buổi chiều.

Dập dềnh theo con nước là những đứa trẻ mưu sinh, chật vật với chiếc mui thuyền theo bố mẹ thả lừ (bẫy cá tôm), buông lưới kiếm gạo cơm. Bưng rổ hàu từ ngoài phá bước vào, người còn nhễ nhãi mồ hôi, em Trần Văn Bi (11 tuổi) chợt vui hơn trước ống kính của người viết, bởi theo như lời em nói, cứ mỗi lần có khách về đây tham quan, chụp ảnh là các em lại có quà vặt. Bi năm nay mới chỉ học lớp 5 nhưng một buổi đi học, một buổi phải theo bà ngoại ra giữa đầm phá mưu sinh. Mồ côi bố từ nhỏ, mẹ đi thêm bước nữa, để lại Bi cho bà ngoại từ khi còn ẵm ngửa. Lớn lên chút, cái chân đã biết trèo lên mạn thuyền, cái tay bắt đầu biết kéo lưới cũng là lúc Bi bước vào cuộc mưu sinh.


Trần Văn Bi một buổi đi học, một buổi phải phụ giúp bà ngoại

Cái khái niệm “tết trung thu” vẫn còn xa lạ lắm với Bi, bởi như nhiều đứa trẻ cư dân vạn đò khác, mỗi năm, chỉ khi nào có đoàn tham qua, khách phương Tây của các tổ chức từ thiện về, các em mới được phát quà, vui chơi thỏa thích. Ngồi trò chuyện, hỏi bà Hồ Thị Giàu (78 tuổi), bà ngoại Bi, hôm nay đã có quà gì cho cháu tết trung thu chưa? Bà Giàu bảo có nấu một bữa chè đậu xanh ăn hồi sáng rồi.

Nghe nhắc đến “tết trung thu”, Bi nhanh nhảu: “Trung thu mà cũng là tết nữa hả bà?”. Câu hỏi của Bi khiến bà Giàu có chút chạnh lòng, một giọt nước mắt như vắt cạn trong đôi mắt già nua, rồi như muốn xua tan cái không khí nghèo khó còn đeo đẳng, bà xách tay lưới ra cùng Bi ngồi gỡ cá, mặt cúi gằm… Bi ngồi gỡ cá nhưng chốc chốc lại nghe ngóng tiếng trống trung thu từ đâu đó trên phố xá xa hoa vọng về. Một chút hy vọng vẫn ánh lên trong đôi mắt trong veo của đứa trẻ nghèo!

Bám lớp từ những ngày cư dân thủy diện mới lên định cư, “điểm trường” ở khu đập Gốc trên đầm Sam là lớp ghép của gần 60 học sinh ở các làng chài thuộc xã Phú Xuân, Phú An và Phú Mỹ, thầy Trần Văn Hóa kể vanh vách về hoàn cảnh của những đứa trẻ vạn đò ở đây. Do đa phần các em là con em của cư dân thủy diện, được Nhà nước hỗ trợ tái định cư lên bờ sau trận bão năm 1999, cuộc sống khó khăn, thu nhập chính của họ vẫn gắn với tay chèo, vuông lưới nên những đứa trẻ ở đây đều không có điều kiện đến trường.

Vận động mãi, thầy Hòa đưa được 25 em vào học lớp ghép tại “điểm trường” đập Gốc. Thầy cũng đứng ra dạy tình nguyện chứ không thu tiền của các em. Học xong lớp ghép, em nào có điều kiện thì được bố mẹ cho học ở trường tiểu học, trung học gần trung tâm xã, còn không thì phải đi làm thuê hay theo đuôi con cá rong ruổi trên đầm Sam.


Trần Văn Sơn với giấc mơ về trung thu

Nói về những khó khăn của học sinh vùng thủy diện, thầy Hòa trăn trở: “Mọi năm đến ngày tết thiếu nhi, tết trung thu, thấy thương mấy em nên tui cũng lặn lội đi xin các nhà tài trợ, đoàn thanh niên ở các trường, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Chỉ cần có một buổi văn nghệ, diễn kịch thêm chút quà bánh phát trong đêm trung thu là các em vui lắm rồi. Chứ ở đây, gia cảnh em nào cũng khó khăn, cha mẹ đều làm nghề ngư, thu nhập bấp bênh cả. Nhiều em học rất giỏi nhưng cuối cùng vẫn phải đứt gánh giữa chừng cũng vì cái điều kiện sinh kế mà ra".

Vào nhà em Trần Văn Sơn (9 tuổi) cũng là lúc Sơn mới đi học ở “điểm trường” về, vẻ mặt buồn thiu, ngồi bó gối góc giường không thèm nói chuyện. Hỏi anh Trần Ngọ (35 tuổi), bố Sơn mới biết, đi học trên đường về, thấy mấy đứa trẻ trên xã, rủ nhau lên phố mua đầu lân về nhảy đêm trung thu, không có tiền nộp, Sơn buồn nên lủi thủi ra về.

Với những đứa trẻ là con em của cư dân thủy diện như Sơn, không cần quà bánh nhiều trong ngày trung thu, ước mơ của em là có được chiếc đầu lân nhỏ, cùng lũ bạn trong xóm nhảy múa lân trong ngày hội trăng rằm là hạnh phúc lắm! Cái màu sặc sỡ cùng tiếng trống trong ngày hồi là thứ âm thanh huyên náo gần như duy nhất của một ngày nơi xóm vạn đò thủy diện. Sơn bộc bạch: “Mọi năm theo cháu nhớ đến ngày này các anh chị ở các trường về tổ chức ca nhạc, diễn kịch rất vui mắt. Bọn cháu lại được phát quà bánh, mang đèn đi chơi với bạn ở xóm trên nữa nên rất thích”.


Trẻ em làng thủy diện thiếu một sân chơi ngày trung thu

Anh Ngọ chỉ mới 35 tuổi nhưng đã có 5 người con, hai đứa đã bỏ học, ba đứa vẫn bám trụ ở “điểm trường” của thầy Hòa. Cuộc sống khó khăn, sau trận bão lịch sử năm 1999, anh Ngọc dắt díu vợ con từ xã Phú An đến “định cư” ở đập Gốc. Căn nhà bờ - lô vá trước hụt sau, vẫn chưa đủ tiền tô trét dù đã qua bao mùa mưa bão. Anh Ngọc tâm sự: “Làm cha làm mẹ ai cũng muốn lo lắng cho con đầy đủ cả, chứ đến lễ, tết không có chút quá mình nhìn con cũng xót lòng. Nhưng vừa rồi, cháu Sơn đứng trên thềm nhà, bất cẩn ngã xuống trúng viên bờ - lô nên bị vỡ thận, phải chạy chữa hết mấy chục triệu đồng, giờ sức khỏe của cháu rất yếu".

Rời xóm vạn chài, để lại sau lưng tiếng mái chèo khua nước, đuổi cá trên đầm phá mênh mông. Về lại với phố thị ồn ào, huyên náo nhưng lòng chợt thấy trống vắng vô cùng…

“Cư dân thủy diện ở đập Gốc chừng 25 hộ của xã Phú Mỹ và một bộ phận của xã Phú An. Đời sống của bà con ở đây còn nhiều khó khăn, trẻ em sau lớp ghép thì ít có điều kiện được đến trường. Trong những năm qua, mặc dù địa phương đã mở nhiều lớp đào tạo nghề, tìm công ăn việc làm nhưng vẫn không hiệu quả", ông Thái Trĩ, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm