| Hotline: 0983.970.780

Nơi vợ chồng không dám bỏ nhau

Thứ Tư 12/11/2014 , 08:44 (GMT+7)

Vợ bỏ chồng sẽ bị nhà chồng phạt vạ 3 con trâu, chồng bỏ vợ sẽ phải đền “tuổi thanh xuân” cho vợ bằng 3 lạng đồng bạc. 

Còn nếu người chồng đi ngoại tình bị phát hiện sẽ phải đeo hai thanh gỗ vào cổ, đi khắp các bản hô to: “Tôi ngoại tình”...

Ngược lại, người vợ đi ngoại tình, chồng bắt được, anh em nhà vợ phải mua rượu cần, lợn bản sắm sửa mâm cơm sang xin lỗi bố mẹ chồng và chồng thay cho người đi ngoại tình.

Phạt nặng tội ngoại tình

Trong quan niệm của người La Ha (xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La), vợ chồng sống với nhau phải chung thủy, cấm kị việc “vợ nọ, con kia”. Tuyệt đối cấm anh em ruột, họ hàng lấy nhau.

Ông Quàng Văn Đoàn (bản Huổi Pao) bảo, riêng người La Ha không có chuyện đánh ghen như người dưới xuôi. Hình thức trị tội ngoại tình vô cùng độc đáo. Người chồng đi ngoại tình bị vợ hoặc anh em bắt được sẽ phải tự đi vào rừng, chặt một khúc gỗ của cây vương. Sau đó, dùng khúc gỗ này đẽo thành hai miếng nhỏ, đeo vòng qua cổ.

“Người này phải đi bộ khắp các bản, dùng một thanh gỗ khác gõ mạnh vào hai miếng gỗ vương, miệng hô to: “Tôi ngoại tình. Tôi ngoại tình”. Bao giờ đi hết đường mới được vợ cho phép về nhà nói chuyện”, ông Đoàn kể.

Chưa hết, sau đó người chồng phải mang một con lợn khoảng 30 kg sang làm cơm xin lỗi cả họ nhà vợ. Người chồng nào bị một lần xử phạt theo kiểu này, khiếp vía cả đời.

Còn nếu như người vợ ngoại tình bị bắt được, người La Ha lại có một cách xử rất riêng.

Trong tục cưới hỏi của người La Ha, anh em họ nhà vợ bao giờ cũng được ăn phần hơn. Cậu, chú, dì bên đằng vợ được xếp vào một mâm gọi là “lũng ta”. Khi bị bắt ngoại tình, vợ không được phép xin lỗi chồng và họ hàng nhà chồng.

Theo tục, “lũng ta” phải sắm rượu cần, lợn bản, gà bản, làm một vài mâm cơm để xin lỗi nhà chồng cho cháu gái. Tùy vào mức độ vi phạm mà mâm cơm xin lỗi to hay nhỏ. Ít thì một vài ché rượu cần, đôi gà, một con lợn. Nặng thì 4 - 5 ché rượu cần, đôi con lợn, dăm con gà.

“Tục bắt "lũng ta" phải đi xin lỗi cho cháu gái bởi vì, trước được ăn phần hơn. Ăn rồi mà không biết dạy con cháu, để nó đi ngoại tình thì đi mà xin”, ông Quàng Văn Phạo, một người dân khác ở đây, cho hay.

Ngoại tình đã thế, nhắc tới chuyện bỏ nhau, người La Ha coi đó như một nỗi sợ. Vì ai bỏ ai cũng đều bị phạt vạ hết sức nặng.

Vợ mà bỏ chồng trước, gia đình nhà chồng sẽ sang tận nhà vợ phạt vạ ba con trâu. Thời gian công sức người con trai đi ở rể được ước định bằng giá trị của ba con trâu.

Nhà nào có trâu thì phải trả bằng trâu, nhà nào không có trâu thì phải trả bằng tiền, khi xưa là bạc trắng. Ngược lại, khi người chồng bỏ vợ, gia đình vợ sang phạt vạ ba lạng đồng bạc.

14-32-25_3
Đồng bạc dùng khi bị phạt vạ nếu bỏ nhau

Nói đoạn, ông Phạo đi vào buồng lấy ra một đồng bạc cho chúng tôi xem. Đó là một đồng bạc của Pháp, được ông Phạo cất giữ mấy chục năm nay.

“Mỗi đồng bạc này mà đem ra cửa hàng vàng họ trả một triệu đồng. Ở bản này còn ít nhà giữ được đồng bạc này lắm”, một phụ nữ trong gia đình ông Phạo cho hay.

Vợ chồng bỏ nhau, theo tục thì con trai theo bố, còn con gái theo mẹ. Sau khi đường ai nấy đi, hai người vẫn được phép qua thăm bố mẹ. Tuy nhiên, ngày bố mẹ mất, người La Ha kiêng kỵ việc con rể, con dâu cũ đến viếng.

Trưởng bản Huổi Pao Quàng Văn Pánh cười như nắc nẻ: "Ở đây họ không dám bỏ nhau đâu, bỏ có mà mất cả vợ lẫn trâu à!".

Hai năm “cấm vận”

Bản Huổi Pao của người La Ha nằm tít trên đỉnh núi cao, nơi tận cùng của xã Nậm Ét. Sương mù giăng phủ quanh năm.

Từ trung tâm huyện, con đường duy nhất để vào để đi vào Nậm Ét rồi lên Huổi Pao là thuyền máy. Trời mưa, nước lòng hồ Thủy điện Sơn La như thêm phần hung dữ. Chiếc thuyền nhỏ chòng chành, nhiều phen như muốn lật nghiêng.

Trưởng bản Pánh dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, rồi rẽ vào nhà ông Quàng Văn Phạo. Ông Phạo vừa bước sang tuổi 72, thân hình gầy gò, khắc khổ vô cùng. Vợ ông đang bệnh nặng, cả nhà đang quây quần chờ thầy mo đến cúng.

14-32-25_1
Ông Quàng Văn Phạo và đồ đựng gạo, đỗ đi khi đi hỏi vợ

Nhấp chén nước ngâm rễ cây rừng, chúng tôi hỏi chuyện ông cưới vợ trước đây. “Không đơn giản đâu, không đơn giản đâu”, ông Phạo lắc đầu nguầy nguậy.

Cũng như nhiều thanh niên người La Ha khác, ông Phạo cũng phải đi ở rể khi lấy vợ. Ông lấy vợ ở xã Nậm Giôn (huyện Mường La). Gần chục năm trời đằng đẵng, ông nai lưng làm việc, báo đáp công ơn bố mẹ vợ vì đã có công sinh thành, nuôi dưỡng vợ mình.

Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ét Lường Văn Hướng cho biết, La Ha là dân tộc có số lượng người ít nhất ở xã cũng như cả tỉnh Sơn La. Người La Ha trước đây có tục ngủ thăm, tuy nhiên xảy ra nhiều hệ lụy nên chính quyền xã đã vận động bỏ.
“Người La Ha ở Nậm Ét giờ đã biết ra ngoài làm ăn, những hủ tục xưa dần dần được xóa bỏ. Gia đình nào cố tình cưới tảo hôn cho con, xã sẽ không cấp giấy đăng kí kết hôn, không cấp đất SX”, ông Hướng cho biết thêm.

“Nó bắt ở bao nhiêu thì phải mình phải ở bấy nhiêu thôi, người ít thì vài ba năm, người nào lâu thì hơn chục năm. Muốn về nhà mình thì phải xin phép, nó không cho là không được về. Không được làm trái ý bố mẹ vợ. Anh nào không chịu được cũng phải xin đấy”, ông Phạo gật gù.

Làm một bi thuốc lào rõ đanh, ông Phạo kể tiếp, cái đặc biệt nhất trong phong tục ở rể của người La Ha đó là trong vòng 2 năm đầu, vợ chồng không được “gần gũi” nhau. Nhà vợ bố trí cho con rể một góc riêng, cấm được mon men đến chỗ vợ.

“Có đôi nào chưa đủ hai năm mà có bầu không”, chúng tôi hỏi. Đang uống dở chén nước, ông Phạo đột nhiên dừng lại: “Ồ ồ, không có đâu. Nó phạt chết đấy”.

Mấy phụ nữ người La Ha đang quanh quẩn bếp lửa, nghe ông Phạo nói bỗng cười phá lên. Câu chuyện của chúng tôi càng lúc càng cao trào.

“Tại sao đã là vợ chồng lại không được ngủ chung?”, chúng tôi hỏi tiếp. Ông Phạo cười: “Nó sợ mình lừa con gái nó chứ sao, hết hai năm thử thách nó mới cho vợ chồng ngủ với nhau”.

Sau từng đó thời gian, nhà trai được phép mang trâu bò lợn gà sang chính thức cưới vợ cho con trai. Người con gái chính thức được lên "tằng cẩu", báo hiệu “tôi đã có chồng”. Hai vợ chồng có thể “gần gũi” và sinh con tại nhà vợ.

“Chuyện bình thường thôi, có người ở rể lấy vợ rồi đẻ con. Con trai gần đến tuổi cưới vợ, bố mẹ mới được phép đưa con về nhà nhìn mặt ông bà nội”.

Trường hợp, người con trai nếu mồ côi, không còn anh em họ hàng thì có thể sống tại nhà vợ đến hết đời.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm