| Hotline: 0983.970.780

Nơi vun đắp tâm hồn người tàn tật

Thứ Hai 17/02/2014 , 11:40 (GMT+7)

Trở lại Trung tâm Dạy nghề Người tàn tật tỉnh Nghệ An sau hơn ba năm, tôi cảm thấy vừa vui vừa bất ngờ vì cơ ngơi trung tâm bây giờ trở nên khang trang và sạch sẽ hơn rất nhiều so với những lần đến thăm và làm các hoạt động tình nguyện trước đây.


Tiết mục văn nghệ của các em học sinh tại Trung tâm.

Nằm ở xã Nghi Phú thuộc vùng ngoại ô thành phố Vinh, trung tâm có khoảng 220 học sinh trong đó 180 em ở nội trú.

Đối tượng học sinh được chia thành 03 nhóm: Nhóm thiểu năng trí tuệ, nhóm tật vận động và nhóm câm điếc. Các em đến từ TP Vinh và các huyện trong tỉnh Nghệ An.

Qua tiếp xúc với lãnh đạo và các giáo viên trong trường, tôi cảm nhận được mặc dù nhận được nhiều quan tâm của các sở, ban ngành, các tổ chức, cá nhân từ trung ương đến địa phương, trong nước cũng như nước ngoài nhưng với tính chất đặc thù của giáo dục đối tượng đặc biệt, vẫn còn rất nhiều khó khăn vất vả trong việc quản lý và giáo dục các em.

Các thầy cô, cán bộ trong trung tâm phải hết sức cố gắng và nỗ lực để chăm lo, dạy dỗ các em về đạo đức cũng như kiến thức và tay nghề để hành trang cho các em sau này.

Cơ sở vật chất bước đầu được đầu tư với hội trường to, rộng, có nhà đa chức năng và các phòng học mới. Tuy nhiên, các xưởng thực hành và ký túc xá thì bị xuống cấp và chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập và sinh hoạt của các em.

Tôi vào thăm xưởng thực hành mộc, nói đúng hơn là phòng thực hành vì chi phí không đủ để xây một xưởng nghề theo đúng nghĩa, các thầy cô phải lấy một phòng học trong trường, dọn hết bàn ghế đi và sắp xếp các công cụ thực hành vào đó. Vì vậy “xưởng” rất chật chội và lộn xộn.

Khi học sinh muốn thực hành theo nhóm, các em phải kéo ra ngoài sân để thực hành. Mùa hè thì nắng nóng, mùa đông thì gió, lạnh. Chưa kể những hôm mưa gió học sinh phải ngừng thực hành và học lý thuyết thay thế.

Trang thiết bị cũng là một khó khăn cho thầy trò nơi đây. Tỉ dụ như phòng máy tính thực hành của môn Tin học. Ban đầu phòng được trang bị 12 máy mà đến nay một nửa số đó đã bị hỏng hóc, không dùng được. Hai lớp có tổng số 25 em, chia 2 ca học nhưng mỗi ca cũng phải chia nhau 2 em một máy để thực hành.

Tôi không khỏi nghẹn ngào khi đến thăm ký túc xá nơi các em ngủ nghỉ và sinh hoạt hàng ngày.

Khu nhà sau thời gian dài không được sơn sửa đã xuống cấp, tường boong ra từng lớp, và mỗi khi mưa đến thì cơ man nào ủ dột, ngập ngụa.

Chưa hết, ký túc xá gồm 3 dãy, mỗi dãy khoảng 8 phòng, mỗi phòng chứa từ 2 - 3 giường đôi, tương đương 4 - 6 em. Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, số lượng học sinh nhiều hơn hẳn so với số giường, vì vậy hiện tượng một phòng 4 giường nhưng có tới 8 em ở là rất phổ biến.

Giường tầng 1 hai em một giường còn đỡ, giường tầng 2 mà cứ 2 em một giường thì thật là mối lo lớn. Tầng 2 cao hơn nền nhà trên 1 m, vì vậy không có gì đảm bảo khi các em ngủ say sưa, gác chân lên nhau, đạp nhau té hay đơn thuần là vô ý rơi ngã thì quả là vô cùng nguy hiểm.


Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các học viên luôn tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích.



 

Một điều trăn trở nữa khi tôi đến thăm trung tâm là chất lượng cuộc sống của các em.

Chế độ ăn được nhà nước trợ cấp là 360.000 đồng/ tháng và gia đình hỗ trợ 140.000 đồng/ tháng, trung bình các em có khoảng 16.700 đồng/3 bữa/ngày.

Con số quá ít ỏi đó liệu chất lượng dinh dưỡng của các em liệu có được đảm bảo?

Nói chuyện với các cô đầu bếp của trường, các cô nghẹn ngào: “Khổ lắm, thương các con lắm, bữa sáng 3 nghìn đồng, 2 bữa còn lại mỗi bữa được 6 nghìn đồng, ra chợ thời buổi đắt đỏ, giá cả leo thang này đau đầu lắm. 6 nghìn đồng một bữa chưa kể mắm muối, dầu mỡ, rồi điện, rồi nước, rồi ga, đủ thứ cô ơi. Hỏi như thế làm sao các cháu ăn cho no, cho ngon được?”

Các em học sinh ở đây đa số là con nhà nông dân nghèo, gia đình hoàn cảnh rất khó khăn nên bố mẹ không chu cấp được nhiều. Vì vậy nhìn các em gầy gò, còi cọc mà thương quá!

Nhưng mà xót xa nhất là khi mùa đông đến, các em phải chống chọi với bao nhiêu thứ trên đời. Mùa đông ở Nghệ An khá khắc nghiệt, nhiệt độ có khi xuống 4-6 độ C, với gió mùa đông bắc cấp 3, cấp 4. Ấy vậy mà các em cũng không được trang bị gì nhiều. Phòng ở không có hệ thống sưởi ấm, nhà tắm các em không có hệ thống nước nóng.

Người thường khỏe mạnh còn không chịu được, huống hồ gì các em? Cơ thể của các em vốn đã rất yếu rồi (nhất là các em có tật vận động) bây giờ thêm điều kiện thời tiết và cuộc sống khắc nghiệt như thế này nữa lại càng khó khăn.

Bởi vậy, cứ vào mùa đông, tỷ lệ học sinh bị ốm đau tăng cao, có lớp học sinh nghỉ đến hơn nửa.

Vậy với bao nhiêu khó khăn như trên, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của trung tâm đã làm gì để gắn bó với các em, duy trì trung tâm trong hơn 35 năm qua?

Với bộ máy bao gồm 43 cán bộ, giáo viên trong đó số giáo viên chiếm 26 người bao gồm cả giáo viên văn hóa và giáo viên nghề. Đội ngũ cán bộ và giáo viên trung tâm đã hết sức nỗ lực, tận tâm, tận tình dạy dỗ, bảo ban các em. Hàng năm trung tâm luôn cử giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ sư phạm để phục vụ tốt hơn nữa trong quá trình giảng dạy.

Đặc biệt với sự hỗ trợ của các tổ chức như Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tổng cục Dạy nghề, Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Đức (DED), các thầy cô tại trung tâm luôn được cập nhật những phương pháp giáo dục mới nhất, hiệu quả nhất.

Ngoài ra với niềm đam mê sư phạm và tình thương đối với các em học sinh, các giáo viên đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu, trải nghiệm để vận dụng tốt, phù hợp với môi trường và hoàn cảnh.

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.