| Hotline: 0983.970.780

Nơm nớp lo sợ khi vào cảng, âu thuyền

Thứ Ba 06/05/2014 , 07:15 (GMT+7)

Những luồng lạch bị bồi lắng, âu thuyền xuống cấp, bỏ hoang đang đẩy ngư dân Thừa Thiên- Huế đến tình trạng khó khăn khi đưa tàu thuyền ra vào cảng.

Trong khi đó, công tác nạo vét còn nhiều bất cập, chậm trễ dẫn đến tình trạng “tùy nghi di tản” trong mùa mưa bão…

Xuống cấp, bồi lắng

Xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Quang Dân- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có gần 300 phương tiện tàu thuyền, ghe tham gia khai thác thủy sản trên vùng biển và đầm phá. Trong đó, có 57 tàu đánh bắt xa bờ. Nghề biển mang lại nguồn thu lớn, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Thế nhưng, nhiều năm qua, ngư dân xã biển hết sức khó khăn khi âu thuyền Phú Thuận đã xuống cấp, bờ đê dẫn ra cầu cảng bị bão đánh sập khiến tàu thuyền không có nơi trú ngụ, công tác vận chuyển ngư lưới cụ khó khăn.

Ông Ngô Đức Hảo, một chủ tàu ở thôn An Dương cho biết, âu thuyền Phú Thuận được xây từ lâu. Trận bão số 10 năm 2003 sóng quật mạnh làm bờ đê dẫn ra cầu cảng bị xói lở, xe chở ngư lưới cụ không thể ra tới được nên tàu thuyền của ngư dân phải đi neo đậu ở các vùng biển khác, vừa nguy hiểm, vừa tốn kém chi phí xăng dầu.

Theo nhiều ngư dân ở đây cho biết, âu thuyền Phú Thuận có vị trí khá “đắc địa” trong việc cho tàu thuyền tránh trú bão được bảo vệ bởi những rừng cây, khu nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng chắn gió xung quanh.

Chỉ cần nâng cấp, sửa chữa âu thuyền Phú Hải cho khoảng 30 tàu thuyền neo đậu là được. Bên cạnh đó, do bờ đê ở cầu cảng khá ngắn nên công tác chắn sóng, bảo vệ tàu thuyền neo đậu trong mùa mưa bão vẫn chưa phát huy hiệu quả.

15-09-48-3151353619Luồng lạch âu thuyền Phú Hải bị bồi lắng, hẹp làm thuyền mắc cạn

Ông Nguyễn Quang Dân- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thừa nhận: “Âu thuyền Phú Hải được xây dựng năm 2000 với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Qua thời gian, âu thuyền đã xuống cấp, gây khó khăn, nguy hiểm cho ngư dân trong mùa tránh trú bão”.

Tại âu thuyền Phú Hải (xã Phú Hải, huyện Phú Vang), tình trạng bồi lắng làm cho luồng lạch cạn, hẹp cũng gây khó khăn, nguy hiểm và tốn kém cho tàu thuyền ra vào khu vực này.

Mặc dù được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí trên 40 tỷ đồng, do Sở NN- PTNT tỉnh TT- Huế làm chủ đầu tư, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 500 tàu thuyền của 3 xã và thị trấn của huyện Phú Vang, nhưng từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, khu vực neo đậu, tránh trú bão này đã “làm khổ” hàng trăm tàu thuyền của ngư dân.

Ông Nguyễn Ngọc Ái, chủ tàu mang số hiệu TTH 90136 ở xã Phú Hải cho biết: “Từ khi âu thuyền được xây dựng, đưa vào sử dụng, bà con ngư dân đã phát hiện ra luồng lạch ra vào đã bị cạn, hẹp, phản ánh nhiều lần nhưng không thấy khắc phục.

Từ đó đến nay, đã có hàng chục tàu thuyền bị mắc cạn. Bình quân mỗi tàu thuyền tốn kinh phí 2- 3 triệu đồng để thuê tàu kéo khi mắc cạn. Mùa mưa bão thì phải chen chúc neo đậu hay phải đi nơi khác tránh trú bão rất nguy hiểm và tốn kém”.

Tại luồng lạch của cảng cá Thuận An (huyện Phú Vang) trong nhiều năm qua cũng bồi lắng nghiêm trọng, làm nhiều tàu cá bị nạn.

Hiểm họa rình rập

Trong nhiều năm qua, việc các luồng lạch bị bồi lắng, thu hẹp đã gây ra hàng chục vụ tai nạn tàu thuyền làm thiệt hại về người và của chohàng chục ngư dân huyện Phú Vang và thị xã Hương Trà. Gần đây nhất là ngày 18/1/2014, tàu cá mang số hiệu TTH-26669 của ông Hồ Văn Hiền (43 tuổi, ngụ thị trấn Thuận An) sau khi đánh bắt cá, đang trên đường vào cảng Thuận An thì bị mắc cạn ngay tại luồng ra vào cảng.

15-09-48-4151352964
Luồng lạch cảng Thuận An bị bồi lắng dù đã nạo vét nhiều lần

Gặp sóng to gió lớn, chỉ trong thời gian ngắn, tàu ông Hiền đã nhanh chóng bị đánh chìm làm 4 ngư dân thiệt mạng; chiếc tàu sau đó được trục vớt vào bờ nhưng cũng hư hại nghiêm trọng. Những vụ tai nạn tương tự diễn ra khá nhiều lần trong những năm gần đây do tình trạng cảng biển, âu thuyền ngày một thêm bồi lắng.

Hiện trên địa bàn tỉnh TT- Huế có gần 20 âu thuyền, cảng cá phân bố ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc…đáp ứng khoảng 70% lượng tàu thuyền trên địa bàn tỉnh làm nơi neo đậu tránh trú bão. Trong đó nhiều âu thuyền, cảng đậu bị xuống cấp, bồi lắng và thậm chí bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng.

Ông Ngô Đức Ái, một chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phú Hải lo lắng: “Việc ra vào cảng đối với tàu thuyền là việc thường xuyên, nhưng cứ mỗi lần đưa tàu thuyền vào thì cứ nơm nớp lo sợ như đi vào cái bẫy. Tại cảng Thuận An, chiều sâu bị bồi lắng có nơi chỉ còn khoảng 1-2m; chiều rộng được thông báo là 60m nhưng thực tế chỉ được 20-30m. Nếu đưa thuyền vào không cẩn thận là dính bẫy ngay”.

Theo nhiều ngư dân, chỉ cần tàu thuyền vào cảng Thuận An mắc cạn, gặp gió lớn là bị đánh chìm liền. Có nhiều trường hợp đến mùa ra khơi, nhưng tàu cá không thể đi được vì bị kẹt cứng trong luồng cảng. Thực tế cho thấy, ngư dân đánh bắt thủy sản trên biển vốn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc các tàu cá phải đi tránh trú, cập bờ sau khi đánh bắt ở nhiều nơi gây tốn kém tiền bạc làm chi phí đánh bắt “đội” lên rất nhiều lần.

Chưa kể, khi tàu gặp nạn thì cả cơ nghiệp của họ xem như tiêu tan!

Chờ nạo vét đến bao giờ?

Hiểm họa tàu thuyền tại các cảng, âu thuyền ở TT- Huế là một hiện trạng có thực. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, công tác nạo vét vẫn còn nhiều bất cập.

 Ông Phan Minh Thắng- Chủ tịch UBND xã Phú Hải cho biết: “Đã nhiều lần chính quyền địa phương, ngư dân kiến nghị lên cấp trên để tăng cường nạo vét luồng lạch, tạo điều kiện cho ngư dân ra vào tránh trú, đánh bắt nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”. Theo ông Thắng, trước mắt, Sở NN- PTNT tỉnh TT- Huế cần rà soát, cắm cọc tiêu để hướng dẫn tàu chạy đúng luồng và tiến hành xác định lượng phù sa bồi lắng để có kế hoạch nạo vét hàng năm.

Tại cảng cá Thuận An, ông Hoàng Phước- Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho hay, năm 2013, Cục Hàng hải Việt Nam đã bố trí vốn để nạo vét luồng tàu của cảng Thuận An, nhưng đến nay vẫn chưa thấy dự án triển khai. Từ năm 2007 đến nay, tại cảng cá Thuận An đã tiến hành nhiều lần nạo vét luồng tàu chạy nhưng chỉ một vài năm là bồi lắng trở lại, gây tốn kém hàng chục tỷ đồng.

“Cần có phương án nghiên cữu kỹ lưỡng trước khi nạo vét nhằm tạo hiệu quả lâu dài”- ông Phước kiến nghị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất