| Hotline: 0983.970.780

Nơm nớp sạt lở đất

Thứ Năm 20/09/2012 , 10:32 (GMT+7)

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đặc biệt tại huyện Hải Lăng đi đâu cũng thấy dọc hai bên bờ sông đất bị sạt lở, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân lao động.

Sạt lở ở bờ Bắc sông Thạch Hãn ăn sâu vào đất nông nghiệp hơn 200 m, dài qua nhiều phường và thôn

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đặc biệt tại huyện Hải Lăng đi đâu cũng thấy dọc hai bên bờ sông đất bị sạt lở, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân lao động. Mùa mưa bão năm nay lại đến, người dân nơm nớp lo âu cho mạng sống của mình hơn bao giờ hết.

Nhiều điểm sạt lở bờ sông đáng báo động như ở bờ hữu sông Thác Ma, đoạn qua thôn Xuân Lộc, bờ tả sông Thác Ma, đoạn qua thôn Tân Điền, bờ tả sông Ô Lâu, đoạn qua làng Hội Kỳ đều thuộc xã Hải Chánh. Đó là ở phía Nam, còn dịch về phía bắc của huyện sạt lở tại đôi bờ sông Nhùng đoạn qua xã Hải Lâm và đôi bờ sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ càng nghiêm trọng hơn... với tổng cộng chiều dài sạt lở hơn 20 km.

Đất và làng nguy cơ biến mất

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng Nguyễn Giáp dẫn tôi đến thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, nơi có con sông Nhùng chảy qua xã, bờ sông đang bị sạt lở với mức độ rất nguy hiểm trên chiều dài hơn 2 km. Đất nông nghiệp hai bên bờ sông đã bị trôi theo con sông từ mấy năm nay.

Theo ông Giáp, cứ qua mỗi mùa mưa lũ, sông lại rộng hơn hàng chục mét trên chiều dài hàng km. Trung bình mỗi năm có hàng chục ha đất nông nghiệp của nông dân đang canh tác ở hai bên sông bị trôi ra sông, ra biển. Cụ Nguyễn Hoan ở thôn Xuân Lâm, ngao ngán: “Bà con chúng tôi mỗi lần nghe mưa xuống là nơm nớp lo âu. Đất sản xuất đã ít lại còn bị hà bá nuốt liên tục. Theo cái đà này thì không mấy năm nữa chúng tôi mất sạch đất sản xuất nông nghiệp”. Tại thôn Xuân Lâm, tình trạng sạt lở đất đã đe dọa đến cuộc sống của 63/170 hộ dân.

Ông Hoàng Liêm - Phó Chủ nhiệm HTX Xuân Lâm, cho biết: “Sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Riêng 15 hộ dân ở xóm Đồng Hóc ven con sông Nhùng có nguy cơ bị mất đất ở, nhà cửa. Hoảng sợ, bà con đối phó bằng cách trồng loại tre hóp nhằm hạn chế được phần nào sạt lở. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời, không thể ngăn chặn hiệu quả. Bà con mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, xem xét cho họ di dời lên vùng đất cao hơn để tránh xảy ra rủi ro, an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Tại làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh, nơi có con sông Ô Lâu chảy qua cũng đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở thời gian qua đe dọa đến sự tồn tại của ngôi làng cổ Hội Kỳ với nhiều căn nhà rường trăm tuổi bằng gỗ. Theo BCĐ Phòng chống lụt bão huyện Hải Lăng, sạt lở nặng ở bờ tả sông Ô Lâu, đoạn qua thôn Hội Kỳ dài 1km, có 49 hộ dân đang bị đe dọa nghiêm trọng. Con đường giao thông làm bằng bê tông của làng men sông Ô Lâu bị nước từ sông xói lở xuống đáy đường, lòn xuống dưới bê tông, chỗ sạt lở nguy hiểm này có chiều dài hơn 10 m, sâu hơn 20 m, người dân qua lại vô cùng bất an, mà không đi thì chẳng còn con đường nào khả dĩ hơn.

 Về Hội Kỳ thấy nhiều rặng tre già trăm năm dọc hai bờ sông để bảo vệ làng nay bị nước cuốn trôi, cảnh quan của làng ngày càng biến dạng do sạt lở đất. Có nhà dân bị sạt lở ăn sâu vào tận sân. Trưởng thôn Hội Kỳ - Dương Văn Cho, lo âu: “Nếu tình trạng sạt lở không sớm được quan tâm khắc phục thì nguy cơ mất đất, mất làng cổ là điều khó tránh khỏi”.

Theo nhiều người dân địa phương, cách đây hơn hai năm, khi tỉnh Thừa Thiên-Huế xây kè phía bờ Nam sông Ô Lâu thì dòng chảy có sự dịch chuyển, xói thẳng vào làng Hội Kỳ, gây ra tình trạng nguy hiểm trên. Ông Cho nói rằng tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đất sản xuất nông nghiệp của bà con cứ rơi tõm hàng ngày xuống sông, con đường giao thông qua lại làm bằng bê tông có nguy cơ bị cắt đứt bất kể lúc nào.

Trước mắt xây kè bảo vệ

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cùng các thành viên trong đoàn và Sở NN- PTNT tỉnh Quảng Trị mới đây đã kiểm tra tình hình sạt lở đất ở tỉnh Quảng Trị, ông đã đến bờ sông Thạch Hãn, đoạn chảy qua xã Hải Lệ và thị xã Quảng Trị.

Thạch Hãn là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây dọc theo lưu vực của con sông ngày càng sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt là đoạn chảy qua thôn Như Lệ của xã Hải Lệ và thị xã Quảng Trị, đoạn từ hạ lưu đập Trấm đến cầu Ga, sạt lở bờ sông có chiều dài nhiều km, uy hiếp đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân sống hai bên.

Ông Hồ Đại Nam, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng: “Huyện đang xem xét cho những hộ dân bị ảnh hưởng nặng di dời lên vùng cao trước khi mùa mưa lũ sắp đến để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho bà con. Chúng tôi kiến nghị tỉnh sớm hoàn thiện các khu tái định cư cho người dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai được chuyển đến sinh sống nhằm ăn cư, lạc nghiệp”.

Dọc bờ phía Bắc thuộc phường An Đôn và bờ Nam thuộc xã Hải Lệ, những cây sung lâu năm to đến hai người ôm, những rặng tre già đã bị quật ngã trơ gốc. Sạt lở tạo thành những hàm ếch to tướng đã ăn sâu vào diện tích đất sản xuất của bà con.

Theo các nhà chuyên môn, có 3 nguyên nhân chính gây nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở trên. Đó là rừng đầu nguồn bị tàn phá, khai thác cát sạn bừa bãi trên các dòng sông, và các công trình xây dựng ở thượng nguồn, cũng như ở hạ du làm ảnh hưởng đến dòng chảy.

Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng tình hình sạt lở ở trên hết sức nghiêm trọng, nếu không có biện pháp xây kè bảo vệ thì sạt lở sẽ làm mất hết đất sản xuất của nông dân. Xét về lâu dài, giải pháp xử lý vấn đề này vẫn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến dòng sông. Nhưng trước mắt vẫn là các giải pháp công trình xây dựng đê kè, chống sạt lở để bảo vệ dân và đất.

Song với nguồn kinh phí xây dựng lớn thì đây là vấn đề nan giải với một tỉnh nghèo như Quảng Trị, rất cần sự giúp sức từ Trung ương.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất