| Hotline: 0983.970.780

Nóng bỏng vốn cho DN, quản lý vàng

Thứ Tư 14/11/2012 , 08:21 (GMT+7)

“DN và NH như hình với bóng, DN muốn phát triển phải dựa vào NH và ngược lại. Trước đây, DN mang quà đến cho NH (quà chứ không phải tham nhũng!). Đến nay vẫn vậy, nhưng với những DN tốt thì NH sẵn sàng mang quà đến cho DN”, Thống đốc NHNN ví von.

* Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Khoảng 15 tỷ USD nằm bất động ở vàng.

Dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói “vấn đề rất nóng nhưng cứ hỏi và trả lời từ từ”, nhưng phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình ngày 13/11 của Quốc hội vẫn nóng rực với hàng loạt các câu hỏi liên quan đến thị trường vàng, nợ xấu, DN khó tiếp cận vốn NH…

“Quà đi quà lại nhưng không cho nhau vay thì… chết dở!”

Mở màn cho phiên chất vấn, hàng loạt các câu hỏi, nhóm câu hỏi được đặt ra với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về vấn đề DN khó tiếp cận với vốn NH. ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), ĐB Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) có chung một thắc mắc, lúc DN làm ăn tốt, đóng góp ngân sách không nhỏ, khi gặp khó khăn DN cũng cần được tiếp sức. Dù có giải pháp hỗ trợ nhưng việc DN khó tiếp cận vốn NH vẫn đang xảy ra. Làm sao để khối kinh tế này vay được vốn?


Dù có giải pháp hỗ trợ nhưng việc DN khó tiếp cận vốn NH vẫn đang xảy ra.

Theo Thống đốc Bình, giải pháp căn bản là phải xử lý nợ xấu và lãi suất. “Đúng là từ đầu năm, lãi suất cho vay còn cao và chỉ từ tháng 3 lãi suất huy động mới đưa về từ mức 14%/năm xuống 9%/năm nên cần độ trễ nhất định. Đến tháng 7, NHNN đã tiếp xúc với nhiều DN để giảm lãi suất”, ông Bình dẫn chứng. Theo ông, kết quả bước đầu có nhiều ấn tượng như: Trước tháng 7, lãi suất cho vay trên 15%/năm chiếm tỷ trọng khoảng 70% nhưng tỷ trọng này hiện chỉ còn khoảng 15%. Tuy nhiên, điều này chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Bởi thực tế, thanh khoản của hệ thống NH dù được cải thiện giúp lãi suất giảm nhưng thanh khoản còn hết sức mỏng, bấp bênh chứ chưa vững chắc.

“Dù lạm phát đã giảm nhưng luôn rình rập tăng, lãi suất còn cao so với khả năng hấp thụ. NHNN đang tìm mọi biện pháp, đưa lạm phát xuống và lãi suất cho vay xuống thấp hơn”, ông Bình khẳng định.

Không thỏa mãn với câu trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn thêm: “Huy động tăng trưởng 12% nhưng cho vay ra chỉ tăng trưởng 2,5%. Nhiều DN muốn tiếp cận nhưng không được. Vấn đề là mức tăng trưởng ấy đang chảy vào đâu?”.

Ông Bình giải thích, trước đây tăng trưởng tín dụng quá nóng khi một thời kỳ cho vay quá dễ dãi. Còn hiện nay, muốn tăng trưởng tín dụng mà an toàn là rất khó. Dưới góc độ quản lý vĩ mô, phải làm sao cân đối được để tín dụng tăng trưởng hài hòa nên không nhất thiết tập trung tín dụng vào các DN. Chẳng hạn, chỉ riêng hệ thống NH đến nay mua trái phiếu khoảng 183.000 tỷ đồng (chiếm 6 - 7% tăng trưởng tín dụng). Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng dự báo khoảng 5 - 6%, và nếu tính đầu tư gián tiếp qua trái phiếu khoảng 5%. Nghĩa là đầu tư NH cho nền kinh tế cũng xấp xỉ 10%.

“DN và NH như hình với bóng, DN muốn phát triển phải dựa vào NH và ngược lại. Trước đây, DN mang quà đến cho NH (quà chứ không phải tham nhũng!). Đến nay vẫn vậy, nhưng với những DN tốt thì NH sẵn sàng mang quà đến cho DN”, ông Bình ví von.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cắt ngang: Giờ vấn đề là DN không tiếp cận được vốn chứ không phải mang quà đi quà lại, kể cả với những DN đang làm ăn tốt. “Quà đi quà lại nhưng không cho nhau vay thì… chết dở!”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Đáp lời, ông Bình cho rằng: Hệ thống NH đã cơ cấu lại cho hệ thống DN 252.000 tỷ đồng, nghĩa là đã chia sẻ. Còn DN khỏe mạnh, thậm chí là hơi… yếu một tí, nếu cần vay, với tư cách Thống đốc, tôi sẵn sàng kêu gọi hệ thống NH cho vay, bởi thực tế một số NH nói rằng họ đang phải “đốt đuốc” đi tìm DN (?!).

15 tỷ USD nằm bất động ở vàng

Trả lời chất vấn của ĐB Dương Hoàng Hương xung quanh câu chuyện quản lý thị trường vàng, trách nhiệm của NHNN khi để giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với thế giới, cũng như xử lý số vàng tồn đọng trong dân, ông Bình thừa nhận việc giá vàng trong nước hiện nay có lúc cao hơn thế giới tới hơn 3 triệu đồng một lượng. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành NH khẳng định, hiện không có lý do để Nhà nước phải đứng ra bình ổn giá.

Theo ông, trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước biến động là gây ra nhiều biến động kinh tế vĩ mô, thể hiện qua biến động tỷ giá. Chênh lệch giá vàng chỉ cần 400.000 đồng/lượng cũng đã đủ để tạo hiện tượng đầu cơ, buôn lậu lớn.

Trước khi Nghị định 24 có hiệu lực (25/5/2012) thì mỗi năm có khoảng 10 - 30 tấn vàng nhập lậu, ứng với khoảng 0,5 - 1,5 tỷ USD. Các đối tượng gom ngoại tệ trên “chợ đen”, làm tỷ giá “chợ đen” tăng cao, tỷ giá thị trường chính thức cũng tăng theo, dẫn đến biến động XNK và gây bất ổn vĩ mô.

Còn nay, thấy rõ những khiếm khuyết trên nên Chính phủ đã có những điều chỉnh. Trước đây thị trường vàng bỏ ngỏ, không ai quản lý; mỗi bộ, mỗi cơ quan chỉ quản lý một khúc. Cả nước có trên 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng, các DN trong giấy phép kinh doanh nếu có câu “kinh doanh vàng” do Sở KH-ĐT tỉnh cấp thì đã có thể kinh doanh vàng. Quản lý như vậy rất bất cập.

Nghị định 24 ra đời nhằm chấn chỉnh lại thị trường vàng. Nghị định được xây dựng từ năm 2009, nhưng do có quá nhiều đụng chạm nên phải đến năm 2012 mới ban hành, trong đó có quy định quan trọng là nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Cùng với đó là Nghị định 95 về xử phạt hành chính trong kinh doanh vàng, trong đó có hình thức xử phạt bổ sung là sung công quỹ hiện vật, tang vật vi phạm…

Hai văn bản trên đã tạo khung pháp lý, tạo thay đổi quan trọng trong quản lý thị trường vàng. Kết quả đầu tiên là nhập lậu được chặn một cách cơ bản. Từ tháng 4/2012 trở lại đây thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định, còn chênh lệch với giá vàng quốc tế tăng dần lên 1 - 3 triệu đồng/lượng. “Nếu trước đây chênh lệch đó mang lại nguồn lợi rất lớn cho người nhập lậu, thì nay không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Trong rổ hàng hóa tính CPI cũng không có vàng, nên không phải là lạm phát tăng lên còn do giá vàng tăng, như một số ý kiến đưa ra”, Thống đốc nói.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) về giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế, ông Bình ước tính hiện có khoảng 250 - 400 tấn vàng nằm trong dân, nhưng đó không phải là vàng tự sản xuất ra mà chủ yếu phải bỏ ngoại tệ để nhập về. “300 tấn thì đã có khoảng 15 tỷ USD nằm bất động ở vàng. Hay chúng ta vẫn thường nói là một nguồn lực bị chôn vùi”, Thống đốc Bình đặt vấn đề.

Để khai thác nguồn lực này, theo ông, trước hết phải ngăn chặn tình trạng “chôn vùi” đó không tăng lên nữa, không tăng vàng hóa nữa, và phải làm sao cho nó giảm đi, hay như cách nói của một số người là “nung chảy” nó ra thành tiền đồng.

Không thỏa mãn với cách giải thích của Thống đốc về quản lý thị trường vàng, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) truy vấn: “Thống đốc có nói rằng khi giá vàng chênh với thế giới từ 400.000 đồng/lượng trở lên sẽ có biện pháp bình ổn. Vậy tại sao nay lại không can thiệp?”. Trước câu hỏi khó này, ông Bình trả lời hơi vòng vo: “Tôi đã giải thích việc này từ sáng, chắc có lẽ do trình độ giải thích của mình có hạn nên nhiều ĐB không hiểu. Xin phép trả lời dịp khác vậy”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bị đá đè tử vong khi đào dúi rừng

Ông Tẩn Phù Dìn ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã bị đá đè tử vong trong khi đào bới đất để bắt dúi rừng tại khu vực rừng vầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm