| Hotline: 0983.970.780

Nông dân bị... đè bẹp!

Thứ Năm 21/03/2013 , 09:46 (GMT+7)

Người chăn nuôi đang phải gồng mình mua TĂCN cao hơn các nước tới 20% khiến thua lỗ xảy ra liên miên. Theo tìm hiểu của NNVN, đủ loại tiêu cực phí DN dùng để “bôi trơn”; cộng với hoa hồng cho đại lý, chi phí quảng bá, tiếp thị “khủng”… đều được DN tính vào thức ăn và đổ lên đầu vật nuôi...

Người chăn nuôi đang phải gồng mình mua TĂCN cao hơn các nước tới 20% khiến thua lỗ xảy ra liên miên. Theo tìm hiểu của NNVN, đủ loại tiêu cực phí DN dùng để “bôi trơn”; cộng với hoa hồng cho đại lý, chi phí quảng bá, tiếp thị “khủng”… đều được DN tính vào thức ăn và đổ lên đầu vật nuôi, khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi của VN thuộc tốp cao nhất thế giới!

ĐỦ TẦNG NẤC TRUNG GIAN

Ngành chăn nuôi VN đang phải trả một giá quá đắt khi nguồn nguyên liệu TĂCN phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài. Trong năm 2012, để sản xuất được 15,5 triệu tấn TĂCN, các DN đã phải nhập 8 triệu tấn nguyên liệu, giá trị lên tới trên 3 tỷ USD.

Trong đó, lớn nhất là khô đậu tương 3,3 triệu tấn, lúa mì 2,4 triệu tấn, ngô 1,6 triệu tấn và bột cá, bột thịt xương, cám các loại… khoảng 1,6 triệu tấn. Thậm chí, các loại bột gluten ngô, bột bánh mì, bột lông vũ, khô dầu cọ, bột gan mực, các chất phụ gia, bổ sung trong TĂCN, mỗi loại cũng phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để nhập khẩu.

Ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội TĂCN VN cho biết, hàng năm chúng ta thiếu thức ăn giàu năng lượng khoảng 30 – 40%, thiếu thức ăn giàu đạm lên tới 70 – 80% và thiếu các loại vitamin khoáng, khoáng vi lượng, các chất phụ gia, bổ sung, các chất chống oxy hóa… lên tới 100%.

Để bổ sung, các DN sản xuất và xuất nhập khẩu nguyên liệu tự tìm hiểu thị trường, giá cả, cước vận tải hàng hóa từ các nước và khu vực trên thế giới về VN. Họ cũng tự thương lượng giá cả, tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa, tự chịu rủi ro về giá, về vận chuyển hàng hóa trên biển. Khi về tới cảng VN lại chịu sự kiểm soát ngặt nghèo của hải quan, thú y, BVTV. Lúc này, các phí tổn lưu kho, bến bãi, nạn mãi lộ vận tải đường sông, đường bộ… cũng xuất hiện dày đặc.

“Tất cả các chi phí phát sinh đó, người chăn nuôi đều phải gánh chịu vì các DN sẽ đẩy vào giá thành TĂCN” – ông Lịch khẳng định. Để minh chứng, ông Lịch nêu một ví dụ: Trong các danh mục thuế xuất nhập khẩu từ 2009 đến 2012, mặt hàng thức ăn bổ sung, phụ gia được Bộ Tài chính xếp vào mã thuế 2309 có thuế nhập khẩu ưu đãi bằng 0. Nhưng một đơn vị bên Hải quan lại tự ý xếp vào mã số khác 3302 để bắt truy thu thuế DN.


Nghề nuôi heo đang trở thành nỗi ám ảnh của nông dân!

Hiệp hội đã gửi khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Tài chính và đơn được được chuyển về Cục Kiểm tra sau thông quan. Nhưng đến nay, sau 1 năm, Hiệp hội không nhận được trả lời. “Đây là một trong rất nhiều sự việc công quyền cho “chìm xuồng”, gây khó, nhũng nhiễu DN” – ông Lịch bức xúc nói.

Trao đổi với NNVN, ông Phạm Đức Bình – Tổng Giám đốc Cty CP Thanh Bình (Đồng Nai), Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN VN cho biết, giá TĂCN khi đến tay người nông dân VN đã cao hơn 20% so với các nước xung quanh. Nguyên nhân, ngoài yếu tố tiêu cực phí, thì hệ thống trung gian ở giữa (tức các đại lý cấp 1, 2, 3…) quá dày đặc đã làm tăng giá thành TĂCN thêm ít nhất từ 5 – 8%.

“Nhiều người đã nói với tôi, các ông làm đại lý bán cám thôi mà cũng được đi du lịch khắp thế giới do các công ty TĂCN đài thọ hàng năm. Tiền đó ở đâu ra? Người chăn nuôi phải chịu hết. Rồi đủ thứ quảng bá, tiếp thị rầm rộ bằng mọi phương tiện, mọi cách thức với chi phí “khủng”. Ai chịu? Nông dân cũng phải trả tất thôi!”, ông Bình nói.

“CÁ NẰM TRÊN THỚT”!

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng – Chủ tịch HĐQT Cty Proconco khẳng định, chưa bao giờ chúng ta cảm thấy áp lực khó khăn đến với những người chăn nuôi nhiều như bây giờ, từ chăn nuôi trên bờ (heo, gà…) lẫn dưới nước (cá tra, tôm…). Điều này đồng nghĩa các DN TĂCN đang phải chịu chung cùng áp lực. Vì thế, nếu ta nói rằng, DN chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không nghĩ đến lợi ích người chăn nuôi là chưa toàn diện.

 “Riêng Proconco trong 2 tháng đầu năm nay đã sụt giảm sản lượng 15 – 20%. Đây là điều đáng báo động bởi việc giảm sản lượng TĂCN thường chậm hơn so với tình hình giảm đàn vật nuôi, tức hệ thống ngành chăn nuôi đang ở tình trạng hết sức nghiêm trọng. Trong năm 2012 có rất nhiều DN TĂCN nhỏ phá sản, máy nhắn tin của tôi liên tục nhận được tin DN này, DN kia rao bán nhà máy!”, theo bà Hồng.

Bà Hồng cũng lo lắng cho rằng, nếu các DN tìm cách giảm chất lượng để hạ giá bán nhằm tiêu thụ sản phẩm thì sẽ dẫn tới hậu quả lớn hơn nữa là giảm nhanh chất lượng đàn vật nuôi.

Nhiều năm hoạt động trong ngành chăn nuôi, ông Đàm Văn Hoạt – Tổng Giám đốc Cty TNHH Trại Việt (Vietfarm) cũng nhận định: “Tôi chưa thấy nước nào lại có chuỗi giá trị dài như ngành chăn nuôi của VN. Xin lấy ví dụ: Nhà máy TĂCN thì qua đủ đại lý các cấp mới tới nông dân; rồi nông dân khi bán heo cũng phải thông qua mối lái mới tới được lò mổ; sau đó lò mổ đưa ra chợ sỉ; chợ sỉ mới tới các chợ lẻ và lúc đó mới tới tay người tiêu dùng. Chính vì thế, giá heo và trứng bán tại chuồng của nông dân rất rẻ, nhưng tới tay người ăn lại cao ngất ngưởng do mất đủ loại phí từ các cấp trung gian này”.

Ông Hoạt tính toán, chỉ riêng tại thị trường TP.HCM với lượng heo tiêu thụ rất lớn thì trung bình phải mất tới 20 tỷ đồng để nuôi khâu trung gian (mà đáng lý phần lớn người chăn nuôi phải được hưởng). “Đây là điều hết sức bất hợp lý vì người tiêu dùng không chia sẻ được lợi nhuận cho người chăn nuôi” – ông Hoạt nói.

Theo ông Phạm Đức Bình, ở nước ngoài, người chăn nuôi là trung tâm chi phối DN TĂCN, chi phối lò giết mổ và tiêu thụ. Nhưng ở VN, người chăn nuôi là “con cá nằm trên thớt”, đầu vào và đầu ra đều bị áp đặt. Đây là nỗi buồn cho ngành chăn nuôi VN và là cơ hội cho thịt nhập khẩu đổ bộ vào nước ta.

Bất hợp lý nữa là khi giá heo, trứng lên cao thì tức khắc cơ quan chức năng tìm cách đưa xuống, bình ổn giá. Nhưng từ sau Tết đến nay, giá heo tụt thê thảm chỉ còn 37.000 – 38.000 đồng/kg lại không thấy nói đến biện pháp cứu người chăn nuôi. “Theo tôi, đó là sự bất công, nếu kéo dài sẽ dẫn đến đổ vỡ của ngành chăn nuôi VN” – ông Bình nói.

DOANH NGHIỆP FDI ÁP ĐẢO

Theo tìm hiểu của PV, năm 2012 VN có 234 DN TĂCN, trong đó có 194 DN còn sản xuất (40 DN ngưng sản xuất). Trong số này, có tới 95 nhà máy (chiếm 48%) đạt sản lượng thấp từ dưới 10.000 – 20.000 tấn/năm đều của người Việt. Loại hình trung bình sản lượng từ 20.000 – 50.000 tấn/năm có 37 nhà máy cũng phần lớn thuộc về DN VN.

Số ít còn lại là những nhà máy lớn đạt sản lượng trên 50.000 tấn/năm trở lên phần lớn thuộc sở hữu của DN FDI và các liên doanh. Trong đó, chỉ riêng 15 DN FDI và liên doanh sở hữu 44 nhà máy, sản xuất trên 7,1 triệu tấn thức ăn hỗn hợp quy đổi, chiếm 56,2% thị phần cả nước. Bình quân, mỗi nhà máy của DN FDI sản xuất gần 135.000 tấn/năm, trong đó một số tập đoàn đạt sản lượng lên tới trên 700.000 tấn/năm (lớn gấp hàng chục lần DN VN).

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất