| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 11/08/2010 , 08:15 (GMT+7)

08:15 - 11/08/2010

Nông dân chán ruộng

Câu ca dao: “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang. Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu” đã đi vào tiềm thức nông dân Việt Nam. Từ lâu người nông dân quý đất như vàng. Ấy thế mà ngày nay đất chật người đông, thì người nông dân lại quay lưng bỏ ruộng. Vì sao vậy?

Câu trả lời rất đơn giản: Ruộng không thể nuôi sống người nông dân nữa, hoặc nuôi sống theo kiểu bỏ đói (dạng như không chết đói nhưng đói đến lúc chết). Hiện nay thu nhập từ nông nghiệp quá thấp. Bình quân đất canh tác cho một nhân khẩu ở nông thôn phía Bắc khoảng 1 sào Bắc bộ (360m2). Với điều kiện thuận tiện, chăm sóc tốt cho năng suất 180- 200 kg lúa ở thời điểm hiện tại giá trị 800.000đ. Trừ chi phí giống 30.000 đồng, phân vô cơ (đạm 6kg, lân 20kg, kaly 5kg) hết 130.000 đồng, thuê làm đất 120.000 đồng, thuốc BVTV 35.000 đồng, phân chuồng 300kg hết 60.000 đồng, bao nilon ngăn chuột và khay gieo mạ 50 - 60.000 đồng, bơm nước 30.000 đồng, nộp các loại quỹ 30.000 đồng. Trừ hết chi phí ngày công nông nghiệp chỉ còn 15.000 đồng, hẻo quá.

Đấy là năm được mùa. Còn mất mùa coi như lỗ trắng. Có người nói không ngoa, giờ đây làm ruộng thành nghề dưới đáy nhất xã hội. Bởi ngày công phụ hồ cũng 60.000 đồng/người/ngày, đi nhặt phế liệu còn được 40- 50.000 ngàn đồng/ngày. Đi làm ôsin, trừ ăn đi rồi cũng được 1 triệu/tháng. Đi làm ở các Cty thấp cũng được 1,5 triệu/người/tháng. Thế nên lực lượng thanh niên trẻ ở nông thôn hiện nay hầu như bỏ đi hết. Mỗi khi huy động chiến dịch làm đường, nạo vét kênh mương tìm mãi không ra người trẻ khoẻ, chỉ toàn là ông già bà lão và trẻ con. Những người nhiều ruộng lại thường rơi vào những hộ neo đơn, bệnh tật...càng chết nữa.

 Cán bộ lãnh đạo thôn thường ở trạng thái bất đắc dĩ, già hoá, nhiều khi đến 60 tuổi vẫn gánh việc làng. Ở nông thôn ăn uống kém chất, tuổi đó đã lụ khụ thì lãnh đạo được ai. Một số có tính chất tư lợi, đánh trống ghi điểm, bảo thủ trì trệ làm việc với tính chất thời vụ (lương của bí thư chi bộ, trưởng thôn hiện nay khoảng 500.000 đ/tháng, thôn đông dân có thể hơn). Nhiều cán bộ ít đi sâu đi sát với quyền lợi của bà con.

Chúng tôi mong Đảng, Nhà nước chú ý mấy vấn đề sau: SXNN hiện nay vẫn có tính chất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, tiếp cận với KHKT còn yếu và thiếu. Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh. Khẩu hiệu: Lúa, lang, lạc, lợn đang đi vào lạc hậu. Lao động nông nghịêp nặng nhọc, mùa màng còn phụ thuộc nhiều ở thiên nhiên, khí hậu thời tiết, thiên tai dịch bệnh nên rủi ro cho SXNN là không thể tránh khỏi. Do thu nhập thấp, nhiều người không đầu tư thâm canh, hoặc cho hạ mức khoán xuống 25- 30kg/sào vẫn không có người làm, nhiều nơi đã xuất hiện những thửa ruộng hoang hoá. Cuối cùng các dịch vụ quá cao, thu không bù chi, nông dân không chịu nổi. Ngày càng nhiều nông dân ly hương chán ruộng.

Bình luận mới nhất