| Hotline: 0983.970.780

Nông dân chọn tạo lúa giống

Thứ Năm 02/01/2014 , 09:08 (GMT+7)

Ông Trần Thanh Hùng ở ấp Núi Voi, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên (An Giang) là nông dân duy nhất trong tỉnh được Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL mời đi dự hội nghị quốc tế để chia sẻ thành tích và học hỏi kinh nghiệm về quá trình lai tạo, SX lúa giống.

Ông Trần Thanh Hùng ở ấp Núi Voi, xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên (An Giang) là nông dân duy nhất trong tỉnh được Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL mời đi dự hội nghị quốc tế để chia sẻ thành tích và học hỏi kinh nghiệm về quá trình lai tạo, SX lúa giống. Hiện, ông đã chọn tạo thành công giống lúa NV1 (Núi Voi), NV2 và sở hữu hơn 20 dòng lúa khác.

Đam mê nông nghiệp

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, vừa học xong lớp 12, ông Hùng lập gia đình và canh tác 3 ha lúa do cha mẹ để lại. Ông kể: “Vì đất phèn nặng, từ xưa đến nay vùng Tứ giác Long Xuyên mỗi năm chỉ SX được lúa mùa một vụ. Nhiều gia đình không chịu đựng nổi cảnh đất bạc màu nên dần bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Riêng tôi, qua nhiều năm nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm SX và nghiên cứu tài liệu trên mạng Internet đã biết áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” vào đồng ruộng".

Nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương cho vùng Tứ giác Long Xuyên thau chua, rửa phèn nên ông chuyển sang làm lúa Thần Nông. Từ đó, mỗi năm ông SX 3 vụ lúa cho năng suất khá cao. Trung bình, mỗi năm có hơn 100 tấn lúa bán để trang trải cuộc sống gia đình, lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Với thành tích này, nhiều năm liền ông Hùng đều được nhận bằng khen "Nông dân SX kinh doanh giỏi" cấp huyện và tỉnh.

Ông Hùng cho biết: “Lâu nay nhiều người cho rằng, chỉ có kỹ sư mới lai tạo thành công lúa giống. Bởi họ có chuyên môn, tay nghề cao và đầy đủ các trang thiết bị máy móc cho việc lai tạo. Còn nông dân chúng tôi thì khó làm được, vì chỉ cảm nhận bằng mắt thường và thiếu dụng cụ. Nhưng từ năm 1999, Nhà nước có chủ trương xã hội hóa công tác giống, tôi đã tham gia lớp tập huấn làm giống lúa xác nhận.


Ông Hùng sắp “trình làng” 12 giống lúa mới có thể chịu hạn, chịu ngập úng khá tốt

Năm 2004 chương trình phát động xã hội hóa công tác giống lúa của tỉnh An Giang hợp tác với Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã triển khai đến xã Núi Voi. Sau đó, Trạm Khuyến nông huyện Tịnh Biên mở lớp tập huấn “Kỹ năng chọn tạo và SX lúa giống”. Tôi và nhiều nông dân lại tích cực tham gia”.

Với lòng đam mê nông nghiệp từ nhỏ và sự cần cù chịu khó học hỏi từ sự truyền đạt của các chuyên gia, ông Hùng đã vận dụng thành công kiến thức đó vào việc chọn tạo lúa lai giống.

Khi bắt tay vào làm, ông lấy giống Khaodak Mali (cây mẹ) chọn lai với giống MTL233 (cây bố). Đây là công việc không khó lắm, nhưng chọn giống đối với người nông dân mới là chuyện khó.

Ông nhớ lại, thời gian chọn tạo giống, suốt ngày ông ở ngoài đồng ruộng theo dõi từng ngày, để ý từng cây lúa, nâng như nâng trứng. Ông trực canh khi bông vừa trổ, chọn bông tốt và lấy những hạt lúa chưa mở ra (còn nguyên phấn) cắt 1/3 vỏ trấu của từng hạt thóc, dùng tăm tự thụ phấn cho từng hạt. Cứ làm đi làm lại, bồi hồi chờ kết quả. Bông lúa đã thụ phấn “đậu” được 10 hạt, còn các hạt khác đều lép. Gieo hơn 10 hạt thì có vài hạt nảy mầm, sau đó ông tiếp tục đem trồng. Thành công đầu tiên tuy ít, nhưng ông rất vui mừng.

Cứ như vậy, sau mỗi đời chọn F tự vẽ sơ đồ “gia phả” và ghi chú vào sách vở đàng hoàng, nếu không kỹ như thế thì sẽ thất bại. Ròng rã suốt 8 vụ lúa, ông Hùng mới lai tạo thành công giống lúa mới với cái tên NV1 (Núi Voi). Tuy nhiên, lúc này ông cũng chưa dám khoe với xóm giềng mà đem gieo sạ thử trên diện tích đất nhà để kiểm tra và so sánh với các giống lúa khác.

Sau vụ lúa, ông thu hoạch hơn 7 tấn/ha, lại kháng rầy, chịu phèn, nhẹ phân bón. Từ đó, ông mới dám trình làng giống lúa mới này đến người dân trong xã. Qua một vụ bà con trồng đã chứng minh được như lời của ông Hùng nói là cho năng suất khá cao, hạt gạo tốt, từ đó người dân tin tưởng và mê giống NV1 của ông làm ra. Nhờ sự thành công đó, ông đã công bố rộng rãi giống lúa này và được Trung tâm Khuyến nông An Giang trồng thử nghiệm tại các huyện. Giống lúa được đánh giá cao và mở ra triển vọng cho NV1.

Trung tâm Khuyến nông đã gửi giống về Viện Nghiên cứu phát trển ĐBSCL, nhờ đánh giá cơ bản và đăng ký khảo nghiệm giống cấp quốc gia. Hiện nay giống NV1 đang được Bộ NN-PTNT công nhận đưa vào bộ giống lúa mới khá triển vọng. Giống này có ưu điểm là thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 3 tháng, mùi thơm phảng phất, kháng rầy nâu, vượt trội hơn so với giống lúa thường, năng suất từ 6,5 - 7 tấn/ha, người tiêu dùng ưa thích, lại được giá thị trường cao hơn lúa thường từ 500 - 1.000 đồng/kg. Không dừng ở đó. Sau khi lai tạo thành công giống lúa NV1, ông Hùng còn lai chọn thành công thêm giống lúa NV2, TB1 (Tịnh Biên 1) và hơn 20 dòng lúa khác.

Chia sẻ thành công này, ông Hùng cho biết: “Tôi làm bằng sự đam mê của mình, chứ cái việc lai tạo giống lúa cực lắm, phải bỏ công mày mò, tỉ mỉ từng li từng tí. Các nhà khoa học khi nghiên cứu, họ có máy đo, kính lúp và những dụng cụ khác, dễ dàng đánh giá đặc tính giống mới qua các đời chọn lọc. Còn tôi thì cảm nhận bằng trực giác, kinh nghiệm và đánh giá của nông dân trong tổ giống.

Tuy vậy, việc làm này cũng có niềm vui. Đó là lúc chọn, tạo thành công giống NV1. Với 3 ha đất, tôi gieo sạ bằng giống NV1, dứt vụ cho năng suất 7 tấn/ha, bán được giá cao, nhiều bà con đến chia giống”.

Mang tinh hoa về

Cuối năm 2008, ông Trần Thanh Hùng lần đầu tiên đại diện cho hàng ngàn nông dân An Giang được Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL mời “xuất ngoại” sang Nicaragua với tư cách đại biểu chính thức để báo cáo về thành tích kinh nghiệm trong quá trình lai tạo và nhân giống lúa phục vụ cộng đồng do tổ chức “Tài trợ Phát triển Thế giới (DF)” của Na Uy tài trợ.

Khi được hỏi về nền nông nghiệp bên ấy phát triển như thế nào so với nông nghiệp nước ta, ông Hùng cười nói, nông nghiệp các nước Trung Mỹ khác với ĐBSCL chúng ta. Đồng ruộng của họ dạng bậc thang, khí hậu nhiệt đới, thiếu nước cho cây trồng, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên giống như miền Trung nước ta vậy. Cây lương thực chính là lúa miến (sorghum), bắp, đậu đỏ, còn diện tích lúa rất nhỏ, riêng gạo thì nhập khẩu từ Việt Nam sang để ăn.

Ông cho biết: “Lúc tôi trình bày tham luận được các nước Trung Mỹ tham dự hội nghị rất khen ngợi và đặt nhiều câu hỏi để tôi chia sẻ kinh nghiệm. Sau đó đi thực tế ở ruộng nghiên cứu của nông dân Nicaragua, họ mời tôi lai thử cây miến để họ học hỏi kinh nghiệm và đồng thời tôi cũng học của họ nhiều thứ về cách chọn tạo giống”.

Lần gần đây, ông Hùng còn được đi học tập ở Thái Lan, Ấn Độ và Brazil… Ở các quốc gia này, ông rất ấn tượng cách trồng lúa và lai tạo giống rất hiện đại của họ. Ông nói, nhờ đi nhiều chuyến tham quan ở các nước SX nông nghiệp trên thế giới đã rút ra được nhiều bài học và nâng cao kiến thức trong việc tạo giống.

Ông Hùng cho biết thêm, ông sắp “trình làng” 12 giống lúa mới có thể chịu hạn, chịu ngập úng… đảm bảo vẫn cho năng suất và phẩm chất hạt gạo thơm ngon có thể đưa sản phẩm ra cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, ông cũng được tỉnh Vĩnh Long mời làm bộ giống lúa siêu nguyên chủng LH8, chuẩn bị đem đi công nhận bộ giống quốc gia.

“Việc làm lúa giống của tôi chủ yếu bởi lòng đam mê, chứ không có ý định kinh doanh hoặc buôn bán. Tôi chỉ mong làm ra được giống lúa để giúp bà con nông dân tăng thu nhập”, ông Hùng chia sẻ.

Hơn 10 năm qua, việc nghiên cứu và tìm ra giống lúa mới là do tự ông bỏ tiền túi ra để làm chứ chưa nghĩ đến lợi ích cho bản thân. Hiện, các bộ giống lúa do ông Hùng SX ra đều được các tỉnh ĐBSCL chấp nhận trồng và nhân rộng, đều cho năng suất cao, bán được giá và được thị trường XK chấp nhận.

Ở ông, điều đặc biệt là ý thức cộng đồng cao. Ông thường chia sẻ hiểu biết kỹ thuật về hạt giống cho nông dân địa phương. Ông cùng tham gia chọn và SX lúa giống đạt năng suất, chất lượng cao nhằm một mục đích là phục vụ xã hội.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm