| Hotline: 0983.970.780

Nông dân chưa bị phạt tiền vì trồng “rau bẩn”

Thứ Ba 12/01/2010 , 15:00 (GMT+7)

“Chế tài xử phạt nông dân sử dụng sai (không đúng kỹ thuật) thuốc bảo vệ thực vật đã có từ năm 2003, với mức phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/hành vi. Nhưng đến nay, thanh tra chuyên ngành bảo vệ thực vật chưa phạt tiền được trường hợp nào...”

Thanh tra Cục Bảo vệ Thực vật lấy mẫu rau để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại Thanh Trì (Hà Nội)

“Chế tài xử phạt nông dân sử dụng sai (không đúng kỹ thuật) thuốc bảo vệ thực vật đã có từ năm 2003, với mức phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/hành vi. Nhưng đến nay, thanh tra chuyên ngành bảo vệ thực vật chưa phạt tiền được trường hợp nào...”

Ô
ng Trịnh Công Toản, Chánh Thanh tra Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết như vậy.

Trên bảo, dưới chưa... nghe

Vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng trong rau quả trong năm 2009 vừa qua có phần “dịu” so với năm 2008, thưa ông?

Ông Trịnh Công Toản: Đúng. Trong năm qua, hàng tháng chúng tôi đều lấy mẫu rau quả (nhập ngoại và sản xuất trong nước) đang bán trên thị trường để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, tỷ lệ mẫu rau có mức dư lượng thuốc vượt giới hạn cho phép năm nay còn trên 6%, giảm hơn năm trước (năm 2008 là 11%).

Đạt được con số này, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Chi cục Bảo vệ thực vật ở các tỉnh tăng cường tuyên truyền, tập huấn, thanh tra kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi đã tổ chức 2 hội nghị quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên rau ở Thái Bình và Lâm Đồng...

Sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc quản lý rau an toàn như nào?

Ông Trịnh Công Toản: Vừa rồi, Cục Bảo vệ Thực vật có thành lập nhiều đoàn do chính Lãnh đạo Cục xuống tận xã kiểm tra, hỏi người ta có biết quy định này, pháp lệnh kia không...?. Song, đến lãnh đạo địa phương còn trả lời... không biết. Mặc dù pháp lệnh, văn bản có rồi, nhưng họ trả lời là làm việc nhiệm kỳ, văn bản trước kia có thể đã phát, giờ mới được bầu lên thành thử không biết. Họ không biết trách nhiệm của họ đến đâu, quản lý thế nào...

Có cách nào để giảm bớt việc này, thưa ông?

Ông Trịnh Công Toản: Muốn quản lý tốt vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp quyết liệt của các cấp địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Chỉ thị số 1504 và văn bản số 2388 ngày 11/8/2009 về tăng cường công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên rau. Văn bản trên đã “kéo” chính quyền các địa phương vào công tác này.

Tiếp theo, chúng tôi soạn giáo trình phổ biến kiến thức pháp luật (nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm của địa phương...) rồi yêu cầu các chi cục bảo vệ thực vật triển khai tập huấn cho cấp địa phương, giúp họ hiểu rõ công việc mình phải làm vì an toàn của mọi người. Sau khi các tỉnh thực hiện tập huấn, phổ biến thì mọi việc đã được cải thiện tốt lên.

Ngoài ra, chúng tôi soạn 2 bản cam kết: Thứ nhất, các cửa hàng buôn bán thuốc phải tuân thủ quy định, như không buôn bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, niêm yết giá cả, các loại thuốc được sử dụng trên rau...

Thứ 2, đối với các vùng sản xuất rau trọng điểm, chính quyền địa phương, chi cục bảo vệ thực vật, các hộ trồng rau ký bản cam kết phải sử dụng thuốc trên rau như thế nào, bảo đảm thời gian cách ly, sử dụng thuốc gì...?

Trồng “rau bẩn”, chưa bị phạt tiền

Có một thực tế là người dân vì hám lợi, nên đã bất chấp những quy định an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta đã có những biện pháp gì để ngăn chặn việc này, ngoài tuyên truyền?

Ông Trịnh Công Toản: Từ năm 2003, ngành Nông nghiệp đã có chế tài xử phạt nông dân (theo Nghị định 26), quy định mức phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/hành vi, nhưng chưa áp dụng được. Hiện, chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ ban hành nhiều chế tài mạnh và cụ thể hơn nữa để làm công cụ cho các cơ quan thực hiện.

Như vậy phải chăng chúng ta đang ở tình trạng đã có “chìa khóa”, mà lại không “mở được cửa”?

Ông Trịnh Công Toản: Có lần, chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy định. Khi lập biên bản phạt, người nông dân nọ thản nhiên: "Nhà tôi nghèo lấy đâu ra tiền nộp, có mỗi luống rau, các ông cứ tịch thu." Vậy là, văn bản xử phạt dừng lại ở mức... cảnh cáo.

Ai cũng hiểu, không phạt nặng bằng kinh tế thì sự răn đe còn chưa có hiệu quả. Nhưng ngoài thanh tra bảo vệ thực vật, chúng tôi rất cần một sự phối hợp của chính quyền, công an địa phương. Như vậy, khi người dân không chấp hành nộp phạt, sẽ bị cưỡng chế hoặc tiêu hủy ruộng rau... thì mới có thể làm dân "sợ".

Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có những cơ chế thực sự khuyến khích người dân trồng rau quả an toàn. Hiện, ra ngoài chợ, rau an toàn và không an toàn lẫn lộn, giá cả như nhau.

Tôi cho rằng, để giải quyết việc này, phải có các chợ đầu mối, chỉ cho phép những sản phẩm an toàn, khu biệt với các sản phẩm không an toàn. Sản phẩm bán ở chợ này phải có xác nhận của cơ quan chức năng được sản xuất tại các vùng đủ điều kiện sản xuất an toàn, kiểm tra lấy mẫu, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc...

Ngoài ra, các tỉnh phải quy hoạch vùng rau an toàn. Song theo tôi thấy thì việc quy hoạch ở các tỉnh còn rất chậm, thậm chí chưa làm được. Hiện, diện tích rau an toàn của cả nước chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 8-10% tổng diện tích trồng rau cả nước mà thôi.

Để dân có thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, không thể không nói đến câu chuyện quản lý việc buôn bán loại thuốc này, thưa ông?

Ông Trịnh Công Toản: Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra các cửa hàng, đại lý, đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Chỉ tính riêng năm 2009, số tiền xử phạt đã ở mức trên 3 tỷ đồng.

Tết Nguyên đán đang tới gần, xin ông cho biết, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ làm gì để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng?

Ông Trịnh Công Toản: Về việc này, Bộ Nông nghiệp đã có chỉ thị phân công trách nhiệm đến các cơ quan thuộc bộ, tỉnh. Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phụ trách một đoàn liên ngành, tập trung kiểm tra một số cơ sở sản xuất rau quả, các siêu thị, chợ đầu mối.

Trong đợt kiểm tra tới đây, chúng tôi sẽ lấy mẫu một số mẫu rau quả nhập khẩu và sản xuất trong nước, tiến hành kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ lập hồ sơ vi phạm chuyển cho cơ quan địa phương xử lý thật nghiêm theo quy định của Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

 Cẩn trọng với hoa quả ngoại nhập

Trả lời câu hỏi thời gian vừa qua, cư dân mạng truyền tin rau quả ngoại nhập có chất bảo quản, gây phá hủy nội tạng, ông Toản trả lời đã tiếp nhận được thông tin này. Tuy nhiên, ông thừa nhận có nhiều thuốc bảo vệ thực vật không thể kiểm tra được vì không biết được hoạt chất của nó.

“Cách đây 4-5 năm, chúng tôi đã từng lấy mẫu rau quả nhập khẩu, song không thể phát hiện ra các hoạt chất bảo quản là loại gì”, ông Toản nói.

Ngoài ra, ông Toản cũng cho hay, trong suốt năm 2009, tháng nào Cục Bảo vệ Thực vật cũng lấy mẫu kiểm tra, kiểm soát rau quả nhập khẩu trên thị trường, nhưng không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Khi hỏi các chuyên gia nước ngoài, ông Toản cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Mò kim đáy bể.”

(Theo TTXVN)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm