| Hotline: 0983.970.780

Nông dân chuyên nghiệp là xu thế tất yếu

Thứ Sáu 18/06/2010 , 15:01 (GMT+7)

Từng giữ nhiều chức vụ từ cơ sở đi lên, hiện đang là Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, ông Vũ Quang Hải đang sống cùng nông dân; nhà ông vẫn làm ruộng ở một làng quê thuần nông, huyện Kim Động. Chính vì vậy, những chính sách về “tam nông” được ông đặc biệt quan tâm trên diễn đàn Quốc hội...

Từng giữ nhiều chức vụ từ cơ sở đi lên, hiện đang là Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, ông Vũ Quang Hải đang sống cùng nông dân; nhà ông vẫn làm ruộng ở một làng quê thuần nông, huyện Kim Động. Chính vì vậy, những chính sách về “tam nông” được ông đặc biệt quan tâm trên diễn đàn Quốc hội. Ông Hải cũng theo dõi kĩ loạt bài “Nông dân – Khi nào chuyên nghiệp?” và chia sẻ một số ý kiến với NNVN. 

Cần tạo môi trường an toàn 

ĐBQH Vũ Quang Hải.
ĐBQH Vũ Quang Hải bày tỏ: Nói nông dân bây giờ ỷ lại, không chăm chỉ như ngày xưa nữa thì rất đáng tội cho nông dân. Bản chất của người nông dân vẫn rất chịu thương chịu khó. Nhưng khi làm không hiệu quả thì họ xem nhẹ công việc đang làm hoặc bỏ. Còn nếu làm mà hiệu quả thì nông dân vẫn một sương hai nắng làm chứ. Ví dụ làm cây vụ đông, ai cũng biết làm thêm một vụ nữa cho nông dân nhưng khi có chính sách hỗ trợ tốt thì họ làm, vì họ có lợi nhuận. Còn không, để họ tự bơi, tự trồng, tự bán thì hạch toán lại không có lãi, hoặc lỗ, họ không làm nữa. Lỗ thì ai làm làm gì… 

Nhưng thưa ông, thực thế thì nông dân nào tự bươn bả, mày mò, xoay trần với thị trường thì họ đổi đời. Tức là, họ đi lên từ nghị lực, sự chịu thương chịu khó...

Bệnh thích dự án trong nông nghiệp cũng nặng rồi. Mà mang nặng trong nông nghiệp là rất nguy. Hiệu quả mà nông dân được hưởng lợi thì không rõ lắm, điển hình như các mô hình chẳng hạn. Chỉ có những dự án như một con kênh thì người trần mắt thịt nhìn mới biết, mới thấy hiệu quả thôi. Khi có một khoản tiền nhất định đào tạo nghề cho nông dân thì trường nào, tổ chức nào cũng muốn giành lấy dạy. Mang tiếng là cho nông dân nhưng nông dân có được hưởng mấy đâu?

 ĐBQH Vũ Quang Hải

Một trăm nông dân vật lộn với thị trường sẽ có vài người chiến thắng. Nhưng để phần đông nông dân khá giả lên trong cơ chế này thì Nhà nước không thể không tạo cho họ một môi trường an toàn. Tất nhiên, đã vận hành theo cơ chế thị trường thì tính ổn định, độ an toàn của nó chỉ tương đối. Nhưng ít ra chúng ta phải có chính sách bảo hiểm cho nông dân. Nông dân trồng nguyên liệu cho nhà máy, họ không chỉ được bảo hiểm mà nhà máy phải mua bảo hiểm cho họ nữa để họ luôn luôn giữ được một mức giá có lãi.

Ông nói vậy cũng rất đúng. Nhưng, theo ông, cái đáng chê nhất của nông dân ta hiện nay là gì?

Cái đáng chê nhất của nông dân mình là tư tưởng khép kín còn nặng nề. Thực tế thì nông dân vẫn dậy từ 3 giờ sáng làm đến 9 giờ tối ngoài đồng. Vấn đề như tôi đã nói là hiệu quả của việc ấy không mang lại cho nông dân một lợi ích thiết thực để người ta gắn chặt với đồng ruộng ấy. Hai là họ có cách tính toán khác, họ nhượng ruộng cho người khác, đi làm thợ xây để có tiền ăn ngay. Cuộc sống ăn ngay thì họ phải tính cách ăn ngay chứ.

Cứ cho là nông dân mình có sự lựa chọn thì nó có phù hợp với xu thế phát triển không khi mà chúng ta đang thực hiện Nghị quyết TƯ 7, mà để thực hiện thành công những mục tiêu của Nghị quyết thì đòi hỏi nông dân phải chuyên nghiệp?

Tôi cũng cho rằng là nông dân mình phải chuyên nghiệp. Đó là xu thế tất yếu. Họ phải có trình độ, có kỹ năng, có tư duy nhất định và có môi trường hoạt động chuyên nghiệp nhất định. Môi trường đó phải do Nhà nước nâng đỡ và được bảo hiểm. Hiện nay cơ chế nào để đảm bảo cho người nông dân gắn bó với đồng ruộng và để trở thành chuyên nghiệp? Đây là một câu hỏi rất lớn. Những mô hình liên kết doanh nghiệp, nhà khoa học… đã hình thành, đó là cách tạo môi trường hoạt động chuyên nghiệp. Nhưng không phải chỗ nào cũng có môi trường ấy. Ở những nơi tích tụ ruộng đất lớn, một nông dân họ cũng có thể làm được, tạo được môi trường để họ trở nên chuyên nghiệp. Nhưng ở ĐBSH thì chịu, làm sao có diện tích lớn thế? Muốn có môi trường thì phải có cơ chế chính sách. Vì tất cả là thị trường. Thị trường thì chỉ có bàn tay của Nhà nước mới can thiệp được thôi.          

Nghĩa là theo ông, để nông dân chuyên nghiệp, phải có môi trường chuyên nghiệp trước?

Đúng thế! Vì sao các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nông dân? Nó có nguyên nhân là môi trường này không hấp dẫn, hiệu qủa không cao. Nhà nước biết không? Biết. Và Nhà nước đang phải điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp như thế nào để kích thích được ngành này lên. Nếu không có việc điều chỉnh đó thì chả ai làm nông nghiệp cả. 

Vậy cái cốt lõi, cái quan trọng nhất để tạo môi trường chuyên nghiệp là gì, thưa ông?

Mình sống với nông dân, nhìn thấy thực trạng hiện nay mà buồn. Trong hệ thống của mình, có một việc là mấy năm gần đây vắng bóng những kỹ sư nông nghiệp trên những cánh đồng, đưa một giống mới, một sản phẩm mới vào đồng ruộng và chịu trách nhiệm đến phút chót. Vì sao lại vậy? Ở đây có một câu chuyện là những chính sách khuyến khích cho các nhà khoa học để họ gắn bó với đồng ruộng chưa thực sự hấp dẫn so với các việc khác nên chỉ còn ít những nhà khoa học tâm huyết thôi.

ĐBQH Vũ Quang Hải

Những chính sách của chúng ta để nông dân đi lên chuyên nghiệp trên tầm vĩ mô là tốt nhưng cái cốt lõi là đất đai - tích tụ ruộng đất thì chưa làm được. Rồi cơ chế nào để vận tải, vận chuyển cơ chế chính sách ấy vào cuộc sống, ai đứng ra làm, ai kiểm tra? Nếu bảo xây dựng chương trình nông thôn mới, xã nào, huyện nào, tỉnh nào cũng hồ hởi muốn làm, vì nó rõ rồi, dự án mà. Nhưng những cái khác, có thể có một khoản tiền, nhưng xa lắm mới nhìn thấy thì họ không làm. Có dự án thì mới có phần trăm, có việc làm còn những cái khác thì khó lắm. Để tỏ tường chính xác vấn đề này chúng ta cứ làm một điều tra tâm lý xã hội nông thôn xem nông dân phản ứng ra sao? 

“Làm gì còn cán bộ sáng sáng lội ruộng với dân” 

Có ý kiến cho rằng sự quan tâm của chính quyền địa phương với nông nghiệp, nông dân, nông thôn là sự quan tâm chưa thật?

Nông nghiệp, nông dân, nông dân vẫn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Song, cũng có địa phương quan tâm ở mức nhất định, có địa phương tích cực hơn. Tuy nhiên, sự tích cực bây giờ khác với tích cực của ngày xưa. Ngày xưa người ta mất ăn mất ngủ với dân. Bây giờ người dân gần như tự lo hết. Làm ruộng thì lo từ giống, phân bón, thuốc BVTV đến đầu ra. Cũng là cái lo nhưng cái lo cụ thể, hiệu quả của chính quyền ít hơn ngày xưa. Chuẩn bị có bão, lãnh đạo đi thăm chỉ đạo và chỉ thị. Chuẩn bị cấy, lãnh đạo cưỡi xe đi vòng một chuyến là xong. Chuẩn bị gặt cũng thế…

Như thế là không quan tâm thật lòng rồi…

Nói không quan tâm thật thì cũng oan. Nhưng quan tâm ở một chừng mực nhất định. Người ta quan tâm cái khác nhiều hơn, mà lẽ ra nông dân xứng đáng được quan tâm nhiều thế. Bây giờ họ đẩy hết cho thôn rồi. Tất cả đều ở thôn. Kiểm tra sâu bệnh, lấy nước, làm ruộng, thăm đồng… thôn cả. Làm gì còn anh cán bộ xã, cán bộ huyện lội ruộng sáng sáng chiều chiều lo đồng áng cho dân rồi họ nói cái gì là xác đáng cái ấy. Giờ dân không thấy thì phải tự lo cho mình thôi.

Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện cởi mở!

--------------------------------------------------------------- 

LTS: Nông dân - Khi nào chuyên nghiệp? Đây là câu hỏi lớn, tòa soạn không có tham vọng trả lời rành rẽ trong chuyên đề này, chỉ xin gợi mở vấn đề để các nhà hoạch định chính sách và bạn đọc quan tâm, đóng góp ý kiến cùng nhau tìm ra con đường giúp người nông dân đi tới chuyên nghiệp. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện một chuyên đề khác liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người nông dân, vì vậy xin được kết thúc loạt bài này tại đây.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm