| Hotline: 0983.970.780

Nông dân đá gà xuyên biên giới

Thứ Ba 08/02/2011 , 09:28 (GMT+7)

Phải đến lúc lang thang theo họ ôm gà đi đá xuyên biên giới tôi mới thấm hết cái chất chơi của nhà nông vùng này chẳng thua gì các đại gia lắm tiền nhiều của.

"Nông dân miền Tây Nam bộ  phong lưu đã chơi là chơi tới bến", điều đó đã trở thành thương hiệu. Nhưng phải đến lúc lang thang theo họ ôm gà đi đá xuyên  biên giới tôi mới thấm hết cái chất chơi của nhà nông vùng này chẳng thua gì các đại gia lắm tiền nhiều của. 

Chẳng ai biết thú đá gà xuất hiện ở miền Tây Nam bộ từ bao giờ, nhưng trong khoảng chục năm trở lại đây thì rộ lắm. Lang thang ở đây gần cả tháng trời tôi cũng nắm được khối chuyện liên quan đến thứ mà không ít nhà nông chọn làm nghề. Và nghề thịnh hành nhất với dân đá gà ở miền Tây là ôm gà chiến được tuyển chọn từ khắp nơi sang các trường gà tận Campuchia. 

Một ông bạn đồng nghiệp của tôi ở ĐBSCL có người nhà làm ở cửa khẩu Xà Xía (tỉnh Kiên Giang) nên việc làm thủ tục sang các trường gà trên đất Campuchia không quá khó. Giật mình đầu tiên ngay ở cửa khẩu, khi mà người kiểm tra thủ tục tiết lộ rằng một ngày cũng kiếm được bộn tiền nhờ vào việc để cho những nông dân chân đất ôm gà qua biên giới đá. Qua khỏi cửa khẩu chúng tôi mon men theo một nhóm nông dân áo quần còn nguyên mùi phù sa thâm nhập các trường gà rộ lên từ khi cửa khẩu mở ra. Giáp ranh với tỉnh Kiên Giang là tỉnh Campot, một trong những tỉnh không giàu của Campuchia nhưng nổi tiếng về các trò bài bạc.  

Chỉ cách cột mốc biên giới chưa đầy một cây số là các casino lộng lẫy dành cho những thượng khách có máu đỏ đen. Nơi mà H - "hoa tiêu" của chúng tôi khẳng định có hơn 90% là nông dân Việt. Trường gà mà chúng tôi thâm nhập có tên N.H nằm bên cạnh casino lớn nhất ở đây là Hà Tiên Vegas có đầy đủ các khán đài cùng những dịch vụ mà bất cứ khách hàng nào chỉ việc ngồi một chỗ và phất tay gọi. Xung quanh sới gà rộng chừng 20m2 hình vòng tròn là các khán đài có sức chứa hàng ngàn người. Phía nóc bên trên là chi chít camera liên tục chiếu xuống cùng dòng chữ: "Cấm quay phim chụp ảnh".  

H kể rằng hồi giữa năm cũng có người vào trường gà không biết vô tình hay cố ý đưa máy ảnh ra chụp bị bảo vệ trường gà phát hiện lôi ra nện cho một trận rồi đập nát chiếc máy ảnh mang theo. Còn trong số người tham gia độ gà, ai phát hiện có người chụp ảnh thì được trường gà thưởng cho 1 triệu đồng. Càng nghe càng hãi, đến lúc giữa sới các đội chọi mặc áo thể thao có in chữ hẳn hoi để phân biệt liên tục kêu giá độ bằng những tiếng hét đến lạc giọng mà số tiền độ có khi lên hàng chục triệu đồng thì tôi vãi cả mồ hôi. 

Sới đấu được giới hạn bằng 2 ô vuông xanh đỏ cho đôi gà tử chiến. Khi cặp gà được cáp độ xong, trọng tài ra hiệu băng cựa thì các biện gà bắt đầu quăng kèo dữ dội: “Gà xám 20 chai (20 triệu đồng), gà điều 10 chai, gà xám đá ăn 8, gà điều chấp đồng nửa...”.

Thấy tôi ngu ngơ với những lời ra giá, H kề tai giải thích: “Họ ra kèo thấy khó vậy đó, nhưng trí nhớ của họ kinh lắm, chỉ cần ai giơ tay bắt thì họ nhớ vanh vách từng người. Mấy tay biện gà này máu me cờ bạc dữ lắm, họ ở khắp nơi từ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An... về đây móc nối với trường gà làm biện, lắc tài xỉu”. Qua một trận gà, anh biện được hưởng 3% tiền cò. Ngày nào trúng mánh, anh này bỏ túi từ 300-500.000 đồng là chuyện bình thường. Xong trận là họ chung tiền sòng phẳng, còn ai thua độ mà quỵt sẽ bị đánh một trận nhừ tử rồi bắt người nhà đem tiền tới chuộc. "Bình quân mỗi ngày có khoảng 50 độ, mỗi độ số tiền chung chi hàng trăm triệu đồng. Tiền tỷ bỏ vào đó chứ chẳng chơi". 

Càng nghe càng thấy vã mồ hôi, vậy mà trên khán đài không ít nông dân với bề ngoài có vẻ khù khờ lại cầm cả xấp tiền ném vào rồi lấy phiếu căng mắt ra quan sát đôi gà chuẩn bị vào khu vực giao chiến. Luật chơi cũng khá đơn giản. Dân độ chỉ việc chọn xanh hoặc nhờ vào hai miếng băng màu đã được vấn vào chân gà rồi theo giá mà các đội độ phán ra. Chơi nhiều hay ít thì tùy vào khả năng từng người. Theo quan sát của chúng tôi độ gà nào dân độ cũng chơi ít nhất là một triệu, gần bằng với tiền lãi một sào ruộng thời sản xuất khó khăn. Một độ như thế nhiều lắm cũng chỉ kéo dài dăm phút bởi tất cả cựa gà đều được "độ" bằng một lõi thép dài gần 5cm. Chỉ cần dính một cú đá của đối phương thì gà đá hùng dũng đến mấy cũng thành gà thịt ngay. Và số phận những tay chơi chân đất cũng được quyết định một cách nhanh chóng như thế.    

Trong số những thượng đế đã cháy túi vì lạc nước khi chọn gà tôi lân la làm quen với V, một nông dân đã đứng tuổi đến từ tỉnh Đồng Tháp. Bình quân cứ vài ngày V lại theo đoàn độ sang đây ăn thua một lần. "Cũng có lúc thắng lúc thua nhưng máu đỏ đen đã ngấm vào máu nên giờ không theo không được. Trò đá gà này được và mất nhanh lắm nên nghiền lúc nào chẳng hay". Thời mới vào nghề, ông V cũng sắm cho mình một gà chiến mang đi đọ sức khắp các tỉnh miền Tây, đến một ngày gà của ông gần như vô đối, vượt qua khỏi những sới lặt vặt trong các ấp nên mới vượt biên sang gia nhập các sới lớn. Chẳng ngờ ngay trong độ đầu tiên, chú gà chọi dường như choáng ngợp với sân chơi quá lớn nên dính chưởng chỉ giãy đâu chừng vài cái rồi chết. Từ đó ông V chỉ đi theo độ rồi bắt tiền bên ngoài chứ không nuôi gà đá nữa. 

 Cũng từ lúc dính vào đá gà, ruộng đồng ông bỏ mặc cho vợ con, suốt ngày ám ảnh bởi hai màu xanh đỏ. Bao nhiêu tiền dành dụm được cũng nướng vào đá gà hết. Thay vì hình ảnh của một lão nông chỉ biết ruộng đồng, gặp ông không bàn chuyện đá gà thì không thể ngồi lâu được. Cuối buổi chiều khi các trường gà đóng cửa, nông dân lại kéo nhau về. Cũng có người phấn khởi vì thắng độ nhưng phần lớn đều lắc đầu tay trắng. Số tiền mất có khi bằng cả vài vụ lúa cộng lại. 

 Kungfu...gà đá 

Cũng vì "đời chinh chiến" của mấy chú gà độ ngắn ngủi như thế nên mấy năm gần đây phong trào nuôi gà đá ở các tỉnh miền Tây trở thành nghề hái ra tiền. Mỗi con gà đá được nuôi bài bản có thể bán giá gấp 5-10 lần so với nuôi gà thịt.

Còn khi đã ăn được 1-2 độ nào đấy rồi thì giá trị đội lên từ 15-20 triệu đồng là chuyện bình thường. Chả trách chỉ trong thời gian ngắn nông dân mê gà hơn mê ruộng. Các trại gà chủ yếu phục vụ cho cuộc chiến ở những sới ấp, sới làng nhằm "sơ tuyển" trước khi lên đường vượt biên. Lang thang miền Tây không khó để sa đà vào những sới mà ở đó những người nông dân không sát phạt số tiền lớn như các trường gà ở Campuchia nhưng độ máu me chẳng hề kém chút nào. 

 Ở đây có những câu chuyện về các ông chồng đêm đêm mắc võng bên chuồng gà ngủ thay vì vào với vợ. Thậm chí đôi lúc có thể nhịn ăn nếu cần mua cho gà chiến của mình một ít trứng vịt lộn hoặc thức ăn háu chiến nhất. Và thực tế họ mới là những người hiểu rõ về gà đá nhất. Với họ, cho dù là nông dân nhưng chuyện được hay mất mùa đôi lúc không quan trọng bằng chuyện thắng thua của một độ gà mình tham gia. Lão nông Ngô Văn Tươi ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cũng phất lên từ khi nắm bắt kịp phong trào nuôi gà đá phục vụ cho cuộc chiến tại các trường gà. Với các tay chuyện độ gà thì ông là bậc thầy về chuyện nuôi và tuyển chọn có uy tìn bậc nhất miền Tây.

Sau khi chiến thắng ở các giải đấu này, những chú gà đá thiện chiến nhất sẽ lên đường đi Campuchia và mang theo số phận của rất nhiều "tay chơi chân đất". Hơi buồn một điều là những chuyến đi ấy rủi nhiều hơn may nhưng không hiểu sao người nông dân Nam bộ vẫn đắm mình trong "cuộc chiến của những con gà".

Lão nói về kinh tế: "Mỗi tháng xuất bán 2-3 con cũng kiếm lời trên 10 triệu đồng, chỉ nuôi từ 7-8 tháng là xuất chuồng bán. Nếu nuôi được nhiều con gà hay, tướng tá chân cẳng đẹp, nhanh nhẹn, tung đòn giỏi thì tiền bán càng cao". Tương đương với mỗi năm, gia đình ông Tươi có thể chọn ra được hơn 150 con gà chiến trong tổng số khoảng 80-100 đàn gà đẻ. Thu tiền tỷ là chuyện bình thường. 

Gà đá sau khi được tuyển chọn xong thì tiến hành cho nhốt riêng ra "o bế" cho lớn chuẩn bị "đời chiến chinh". Sở dĩ ông Tươi là người có uy tín khắp vùng là nhờ vào bề dày kinh nghiệm, lão luyện, nhất là khả năng nhận diện về tướng mạo. Lão nông này cười khà khà chia sẻ bí quyết: Nuôi gà đá chẳng khác nào sư phụ dạy võ dạy kungfu cho các đệ tử. Trước hết phải chọn được những con hùng dũng, lông lá màu sắc phải bắt mắt, cặp chân cao, to khoẻ mạnh, vẩy ở chân đều đặn và cất tiếng gáy trong và thanh. Muốn gà mau lớn thịt săn chắc quan trọng ở khâu cho ăn, gà đá khác với gà thương phẩm lúc gà đá còn nhỏ cho ăn tấm, khi lớn lên cho ăn lúa ngâm trong nước trước 1 đêm mới đem ra cho ăn nhằm giúp dễ tiêu hóa thịt săn chắc và ít mỡ, nhanh nhẹn khi sáp độ. Gà 8-10 tháng là đạt trọng lượng từ 2,2-2,5 kg/con là có thể xuất bán.  

Mỗi thế đá của con gà độ đều có một bản lĩnh riêng. Có con tung đòn như vũ bão, có con lâm trận cả giờ, chân run rẩy nhưng vẫn lì lợm không đầu hàng trước đối thủ. Để có được một con gà độ đủ sức đưa ra chiến trường, người nuôi phải xổ liên tục bằng cách cho đá với những con gà thiện chiến nhất. Thông qua đó có thể xem chân, xem tướng, coi mắt, mỏ, mồng, bộ lông để đánh giá khả năng chịu đòn và tránh đòn; đặc biệt phải cho gà đá kinh qua trận mạc để có những miếng đánh đẹp và hiểm. Sau khi đã chấm con nào có thể ra trận mới tỉa lông ở các vùng đầu, cổ, ức, đùi và vô nghệ thường xuyên cho thịt săn chắc khi đối phương có đâm cựa sắt chúng không thể vô xâu được. Ngoài lúa ra, các tay độ gà còn cho ăn thêm giun, thằn lằn, dế, lòng đỏ trứng, thịt bò bầm nhuyễn, tép, chuối xiêm để bồi dưỡng và tăng cường sức chiến đấu.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm