| Hotline: 0983.970.780

Nông dân “đình công”, không chịu xuống đồng!

Thứ Tư 27/02/2013 , 09:33 (GMT+7)

Mặc dù chỉ còn vài ngày nữa sẽ hết hạn lịch gieo cấy vụ ĐX 2012 - 2013, tuy nhiên cho tới ngày hôm qua (26/2), hàng trăm ha ruộng tại xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cỏ vẫn mọc um tùm. Nông dân thì đồng loạt “đình công”, không chịu xuống đồng cày cấy. Vì sao vậy?

Mặc dù chỉ còn vài ngày nữa sẽ hết hạn lịch gieo cấy vụ ĐX 2012 - 2013, tuy nhiên cho tới ngày hôm qua (26/2), hàng trăm ha ruộng tại xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cỏ vẫn mọc um tùm. Nông dân thì đồng loạt “đình công”, không chịu xuống đồng cày cấy. Vì sao vậy?

Cơ sự trớ trêu ấy bắt nguồn từ việc xã Thượng Vực triển khai dồn điền - đổi thửa từ cuối năm 2012.

Phong trào dồn điền, đổi thửa ở các tỉnh miền Bắc đã nở rộ từ nhiều năm nay. Chuyện trục trặc, khúc mắc kiểu nhà này chê chọn phải ruộng xấu, nhà kia may mắn chọn được ruộng đẹp... khi triển khai dồn điển, đổi thửa có thể nói nhiều địa phương vấp phải. Tuy nhiên, việc hàng trăm hộ dân “đình công”, không chịu nhận ruộng do dồn điền, đổi thửa thì ít khi xảy ra như ở Thượng Vực.

Thời điểm này, trong khi hầu hết các xã ở huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) cũng như các tỉnh phía Bắc lúa đã được gieo cấy xanh mặt ruộng thì tới chiều qua, chúng tôi về những cánh đồng tại thôn Vực Trong (xã Thượng Vực), thấy những thửa ruộng đã tiến hành dồn đổi xong xuôi, đường giao thông nội đồng thẳng tắp, thế nhưng điều lạ là cỏ vẫn mọc um tùm. Hàng trăm nông dân thôn Vực Trong, thay vì hối hả cày cấy, lại tụ tập kín đường làng để “đình công”, không chịu nhận ruộng sau khi chính quyền xã đã tiến hành dồn điền, đổi thửa khá bài bản. Hiện tại, cả thôn Vực Trong với gần 300 hộ dân, có tổng diện tích hơn 190 mẫu ruộng nhưng mới chỉ lác đác một số hộ dân gieo mạ, còn lại phần lớn đều chưa gieo mạ. Điều này đồng nghĩa với với việc hàng trăm ha ruộng đất màu mỡ ở xã Thượng Vực có nguy cơ phải bỏ hoang trong vụ ĐX này.



Thay vì xuống đồng cày cấy, nông dân thôn Vực Trong (xã Thượng Vực) 
đổ ra ruộng “bãi công”

Vì sao nông dân thôn Vực Trong lại phản đối việc thực hiện dồn điền, đổi thửa gay gắt như vậy? Ông Nguyễn Công Lâm, trưởng nhóm đại diện cho hàng trăm hộ dân tại thôn Vực Trong khẳng định: Khi được UBND xã thông báo và họp bàn ở thôn Vực Trong về việc triển khai dồn điền, đổi thửa vào cuối tháng 9/2012, chủ trương này đã được đại bộ phận bà con trong thôn tán thành, ủng hộ. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, đặc biệt là việc hiến đất ruộng phục vụ dồn điền, đổi thửa.

Cụ thể, để triển khai việc dồn diền, đổi thửa, UBND xã Thượng Vực chủ trương kêu gọi các hộ dân hiến mỗi khẩu 30 m2 đất ruộng góp vào quỹ đất để quy hoạch và đào đắp lại hệ thống bờ thửa, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi... Hiện tại, bình quân mỗi khẩu (có đất) ở xã Thượng Vực là 480 m2 ruộng, nghĩa là sau khi dồn điền, đổi thửa, mỗi khẩu sẽ chỉ còn lại 450 m2. Về việc hiến đất trong quá trình dồn điền, đổi thửa tại những địa phương không có quỹ đất 5% (đất công ích), được biết huyện Chương Mỹ đã có nguyên tắc trích từ đất quỹ đất I (tạm gọi là “đất 64” - đất được nhà nước giao cho các khẩu theo Nghị định 64-CP năm 1993) để phục vụ cho quỹ đất tái quy hoạch lại hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi... Điều này có nghĩa là sau khi dồn điền đổi thửa, diện tích “đất 64” bình quân mỗi khẩu đương nhiên sẽ còn lại ít hơn so với khi chưa dồn điền đổi thửa.

Vấn đề nảy sinh ở chỗ, thôn Vực Trong hiện nay vẫn còn một diện tích khá lớn đất công ích 5% do thôn và xã quản lí. Các diện tích này từ vụ mùa năm 2012 trở về trước được giao cho các hộ dân trong thôn đấu thầu, canh tác theo hình thức kết hợp trồng lúa - nuôi vịt hoặc kết hợp nuôi cá - lúa. Người dân cho rằng khi tiến hành dồn điền, đổi thửa, quỹ đất 5% này đáng nhẽ phải được trích ra để dành cho việc tái quy hoạch và xây dựng hệ thống bờ bao, giao thông, thủy lợi..., thay vì phải “trưng dụng” mỗi khẩu 30 m2 thuộc “đất 64”.

Anh Nguyễn Công Sản, một hộ dân thôn Vực Trong cho rằng, đất công ích của thôn hiện còn rất nhiều, thậm chí vượt cao hơn nhiều so với tỉ lệ giới hạn 5% đất nông nghiệp theo quy định của Nghị định 64. Trước đây, đất này đa số kém hiệu quả, thế nhưng hiện nay lại trở thành “có giá” nhất trong số các diện tích đất nông nghiệp, bởi có thể kết hợp trồng lúa và chăn nuôi. “Đến nay, thời hạn sử dụng đấu thầu đất công ích đã hết. Với những diện tích đất công ích có giá trị như hiện tại, dân chúng tôi cho rằng hộ nào đã được giao sử dụng tiếp đất công ích thì phải cắt phần “đất 64” ở đồng lúa để bổ sung cho quỹ đất xây dựng giao thông nội đồng, thủy lợi... khi dồn điền đổi thửa, chứ chẳng có lí do gì lại ăn bớt tiếp mỗi khẩu 30 m2 ở khu vực đất trồng lúa vốn đã rất eo hẹp” - anh Sản nêu ý kiến.

Chính sự nhùng nhằng về vấn đề nêu trên mà suốt từ cuối năm 2012 đến nay, hàng trăm hộ dân thôn Vực Trong vẫn nhất quyết không chịu nhận ruộng, cho dù UBND xã Thượng Vực đã triển khai nhiều giải pháp thuyết phục.

Tới chiều qua (26/2), các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ phối hợp với UBND xã Thượng Vực đã phải triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục cho máy cày cày đất, kết hợp với việc vận động bà con thôn Thượng Vực nhận đất gieo cấy kịp thời vụ, nhưng xem ra người dân vẫn không mấy tán thành.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.