| Hotline: 0983.970.780

Nông dân "đói" vốn

Thứ Tư 06/07/2011 , 08:45 (GMT+7)

Không tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định 41 (về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn); Vay theo các hình thức khác cũng không đơn giản, trong khi lãi suất lại cao ngất trời. Vậy nên, hoạt động SX của người dân nông thôn nhiều nơi đang bị ngưng trệ.

Không tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định 41 (về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn); Vay theo các hình thức khác cũng không đơn giản, trong khi lãi suất lại cao ngất trời. Vậy nên, hoạt động SX của người dân nông thôn nhiều nơi đang bị ngưng trệ.

Khó như lên trời

Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã triển khai được hơn một năm nay. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của NNVN ở một số địa bàn thuộc tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Bắc Ninh… thì hầu hết người dân, chủ trang trại vẫn rất mơ hồ về nghị định này, nếu có cũng chỉ là biết sơ sơ qua “kênh” truyền tai nhau.

Chị Trần Thị Gái, chủ trang trại thôn Huyện Đội, xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân (Hà Nam) cho biết: “Năm ngoái nghe người dân trong xóm bàn tán nông dân sẽ được vay vốn phát triển nông nghiệp theo Nghị định 41, ai cũng mừng vì sắp sửa có vốn làm ăn. Ông nhà tôi còn bàn, năm nay có vốn sẽ đầu tư thêm mở rộng chuồng trại chăn nuôi vịt. Vậy nhưng, để vay được đồng vốn không hề đơn giản, bây giờ lại càng khó anh ạ”.

Một số người khác có biết về nghị định này, đã từng khấp khởi đến tiếp cận nhưng sau đó chưng hửng đi về. Ông Trần Văn Vui, Chủ nhiệm HTX Do Đạo, xã Nhân Thịnh, Lý Nhân lý giải: HTX có 10 mẫu làm trang trại. Muốn vay được vốn thì phải xây dựng đề án trang trại trình lên trên. Vậy nhưng, các trang trại của thành viên HTX chủ yếu là tự phát, quy mô trang trại nhỏ, nên việc vay được vốn đối với chúng tôi khó như tìm đường lên trời.

“Nếu cứ áp dụng theo đúng nguyên tắc của Nghị định, các hộ dân làm trang trại ở Nhân Thịnh sẽ không bao giờ với tay tới được vốn hỗ trợ của Chính phủ”- ông Vui khẳng định.

Làm gì cho lãi?

Không có được nguồn vốn hỗ trợ, người dân phải xoay sang tìm kiếm nguồn vốn khác. Vậy nhưng, nhiều cá nhân, hộ gia đình sẵn sàng mang sổ đỏ đất đai, tài sản đi thế chấp ngân hàng vay vốn cũng không giản đơn. Và nếu có vay được trong thời điểm này thì cũng cực kì nhỏ giọt.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Ngân hàng NN- PTNT huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cho biết, năm 2010 Chính phủ kiềm chế lạm phát, số vốn huy động đã hết nên giờ người dân có muốn vay cũng không được. Cũng theo ông Tuấn, hiện ai có nhu cầu vay vốn 5 -10 triệu chúng tôi cũng cho vay nhưng bằng những nguồn vốn khác (phải thế chấp) không phải là vốn theo nghị định 41. Còn nếu vay với số tiền lớn thì còn phải “dè chừng”.

Ông Tuấn cho biết thêm, đến thời điểm này ngân hàng cũng đang vướng mắc một khoản nợ lớn từ người dân. Khi họ vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp, vật nuôi lại không có chút kỹ thuật hay kinh nghiệm nào dẫn đến đổ vỡ phải nợ quá hạn ngân hàng.

Ông Nguyễn Công Thập, chủ trang trại ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) cho biết, trang trại nhà ông có quy mô diện tích hơn 2 hecta, được xây dựng cách đây 5 năm, tổng đầu tư lên đến hơn 300 triệu. Để có vốn mở rộng quy mô trang trại, hai vợ chồng bàn nhau mang sổ đỏ ra ngân hàng thế chấp. Vậy nhưng, toàn bộ trang trại, giấy tờ sổ đỏ đó, ngân hàng chỉ "mở hầu bao" cho vợ chồng ông vay 20 triệu. "Hiện mỗi con lợn giống trên dưới 1,7 triệu đồng. Toàn bộ tài sản của tôi như vậy mà ngân hàng chỉ cho vay được cỡ chục con lợn thì làm ăn cái gì”- ông Thập chán nản.

Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng được biết, bên cạnh một số hộ quyết tâm vay vốn đầu tư để duy trì quay vòng sản xuất, không ít hộ đã quyết định thu hẹp hoặc buộc phải "tạm ngưng". Ông Nguyễn Công Phác, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhân Thịnh chia sẻ: Hiện trên địa bàn xã có hơn 100 trang trại, nhu cầu cần vốn của người dân, HTX là rất lớn. Nhưng với lãi suất cao như hiện nay thì không phải chủ trang trại nào cũng dám vay. Thực tế các thành viên của HTX Do Đạo, Đồng Thủy chưa có ai vay quá 100 triệu.

Tìm hiểu ở một địa bàn khác, ông Nguyễn Văn Phán, chủ trang trại lợn ở TK5, thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết, gia đình ông vay 100 triệu đồng với mức lãi suất 17%/năm để nuôi lợn, thả cá. "Bây giờ dù thiếu vốn, nhưng ngân hàng có mời tôi thì tôi cũng chẳng dám vay thêm. Làm nông nghiệp đầy rủi ro, không gặp thời thì vỡ nợ như chơi. Trong khi lãi suất ngân hàng lên đến vài chục phần trăm/năm, không thể nào gỡ được" - ông Phán khẳng định. 

Cùng chung cảnh như gia đình anh Phán, anh Phạm Văn Tuyến (thị trấn Hà Trung) buồn rầu chia sẻ: "Thấy giá thịt lợn tăng cao, chúng tôi ham lắm. Muốn đầu tư tăng đàn nhưng chẳng có vốn. Còn đi vay ngân hàng thì lãi suất cao như vậy, lợi đâu chả thấy, không cẩn thận lại ôm nợ nào người. Vậy nên, tốt nhất là cứ tạm ngưng, chờ qua cơn bĩ cực này rồi tính".

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm