| Hotline: 0983.970.780

Nông dân - Khi nào chuyên nghiệp?

Thứ Hai 07/06/2010 , 11:15 (GMT+7)

Ở một đất nước có “rừng vàng, biển bạc đất phì nhiêu” nhưng những người chọn nông nghiệp vinh danh cho nghề của mình lại đang phải sống bằng những nguồn thu khác. Vì sao nông dân vẫn nghèo? Những phóng viên trẻ của NNVN thử đi tìm một vài lời giải cho câu hỏi vừa lớn vừa dai dẳng đó.

LTS: Ở một đất nước có “rừng vàng, biển bạc đất phì nhiêu” nhưng những người chọn nông nghiệp vinh danh cho nghề của mình lại đang phải sống bằng những nguồn thu khác. Vì sao nông dân vẫn nghèo? Những phóng viên trẻ của NNVN thử đi tìm một vài lời giải cho câu hỏi vừa lớn vừa dai dẳng đó.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải: Nông dân không còn cần cù như xưa

Hơi tí là kêu trợ cấp

Chúng tôi hay nghe cụm từ, người dân Việt chúng ta cần cù, chịu khó. Tiến sĩ là người gần gũi với bà con nông dân, ông nhận xét gì về nhận định vừa nêu?

Tháng 4 vừa rồi, tôi đi giúp dân chống dịch lợn tai xanh. Nhà đầu tiên chúng tôi đến lợn còn khoẻ nhưng gia chủ cứ lao vào trói lại định đem đi tiêu huỷ lấy 25.000đ/kg hỗ trợ. Tôi bảo: “Lợn còn khoẻ mà?”. Gia chủ tỉnh bơ: “Đã báo thú y đến đăng ký huỷ rồi bác ạ”. Rất nhiều hộ dân trong làng khênh lợn ra đồng, đào một cái hố nông choèn, một lúc sau, chẳng thấy lợn đâu hết. Bỗng dưng có hai vợ chồng nông dân phóng xe máy ra hớt hải bảo với mọi người: “Giá lợn đền bù hạ rồi”. Bà con nhao nhao bảo thế thì không đăng ký huỷ nữa, vây lấy tôi, nằng nặc đòi dẫn về nhà cứu lợn.  

Từ sản xuất manh mún, lạc hậu đến SX lớn, chuyên nghiệp là một hành trình dài

Trở về nhà nông dân nọ, họ dẫn tôi ra chuồng lợn. Vừa ra đến nơi, tôi vội bịt mũi, thối lui vì mùi quá khủng khiếp. Hỏi: “Sao bác để chuồng lợn bẩn thế, hôi thế?”. Người nông dân điềm nhiên: “Thế còn tốt đấy. Đã 9 ngày nay chúng em bận đi lễ hội chưa rửa chuồng mà”. Cái chuồng lợn cỡ 9 mét vuông nhốt 7 con lợn mỗi con trên 1 tạ. Mái chuồng vỡ, xung quanh chuồng che bao tải bẩn thỉu đến mức mới ngửi đã buồn nôn. Tức mình, tôi xăm xăm đi tháo bớt mấy viên gạch đằng sau chuồng, rồi bảo người nông dân vào dọn rửa, họ bảo không có… máy bơm. Thế là tôi cùng học trò phải lội xuống ao xách từng xô nước thau rửa chuồng, sạch sẽ rồi mới dùng nước ozone phun xịt khử trùng.

“Tại tỉnh nọ, quýt rụng như sung, hôm đó tôi lên hướng dẫn bà con cách phun chế phẩm giúp quýt không rụng… Những vườn quýt ở trên núi, trèo lên đầu gối chạm cằm, đi xuống lưng tụt xuống trước… leo đến nơi, họ bảo tôi: “Ông ơi, ông ở lại đây phun hộ chúng cháu, cháu đi đám cưới dựng rạp, giết gà, mổ lợn 3 ngày nữa mới về”.

Họ nhiệt tình không? Nhiệt tình quá đi chứ. Chăm hay lười? Chăm quá đi chứ. Có điều nhiệt tình để sai chỗ. Người nông dân mở ti vi, mở báo đài ra là thấy toàn lễ hội rồi loa xã, đài huyện cũng tuyên truyền về lễ này, hội kia, họ dễ bị lôi cuốn, bỏ bê công việc” - TS Nguyễn Văn Khải.

Có lần tôi tới một vùng ruộng rau, đất to bằng nắm đấm, phân trâu vãi to bằng quả trứng gà. Mở cửa nhà trồng nấm, vừa nóng, vừa tối, nấm chết rất nhiều. Tôi mới hướng dẫn họ bảo đập đất nhỏ, phân trâu bẻ vụn ra, mở cửa nhà trồng nấm cho thoáng…Họ làm theo răm rắp. Mấy ngày sau, lên vẫn thấy ruộng rau đất to bằng nắm đấm, phân to như quả trứng gà, nhà trồng nấm nóng sực…Tất cả là do thói quen xấu, không chịu rèn luyện.

 

Người nông dân bận cái gì? Họ chưa nhận thức được việc nào quan trọng, việc nào không. Họ không có kế hoạch lao động sản xuất. Hay a dua theo phong trào, thấy cỗ bàn, lễ hội là nườm nượp rủ nhau đi mà quên mất cái quan trọng nhất của mình là phải lao động. Hơi tí là họ kêu Nhà nước trợ cấp mà tiền trợ cấp bằng tiền thuế của người khác.

Nghe ông kể chuyện thì nông dân mình còn nhiều tính xấu quá. Trong khi đó, chúng tôi vẫn thấy họ đầu tắt mặt tối; bán mặt cho đất, bán lưng cho trời?

Không, tôi không nói xấu người nông dân mà chỉ nói thật. Chúng ta cũng có những nông dân rất hay. Có người sang Thái Lan xem bóng đá, vô tình thấy quảng cáo nuôi ba ba, xin ở lại học nghề đến hết thời gian quy định của hộ chiếu, về Việt Nam, xoay tiền lại xin sang học tiếp rồi mở trại ba ba rất thành công ở miền Trung. Trước năm 2003, lượng xuất khẩu thanh long của ta rất nhỏ do khâu bảo quản khó, có anh nông dân ở Bình Thuận đề nghị các nhà khoa học giúp đỡ bảo quản, kéo dài thêm 5-8 ngày rồi vay tiền, áp dụng đã xuất khẩu được số lượng rất nhiều… 

Tiến sĩ Khải hướng dẫn cách thắp đèn cho vườn thanh long

Nhưng nói chung nông dân Việt vẫn thiếu hiểu biết kiến thức, tư tưởng dao động, ỉ lại. Không chỉ nông dân đâu, mà cán bộ hay đại loại những người có trách nhiệm ở nông thôn thường máy móc, sợ trên, cố tìm cái gì nhàn nhất cho mình, kể cả dối trên, lừa dưới. Tôi đi một xã miền núi để hướng dẫn họ bảo quản hoa quả. Mười hai lần đi không hề gặp một cán bộ xã nào, đến lần thứ mười ba, tình cờ “túm” được một cán bộ xã liền hỏi: “Tôi đưa 260 kéo để cắt hoa quả lên đây đã một tháng rồi sao các anh không phát cho dân? Mùa thu hái đã đến rồi còn gì?”. Vị cán bộ chống chế: “Đã chắc gì dân dùng mà phát? Hiệu quả chắc gì hơn vặt bằng tay?”.

Bực quá, tôi mới cược với vị cán bộ qua cuộc đấu giữa hai nhà báo, hai đứa trẻ dùng kéo thu hái hoa quả thi với sáu nông dân dùng tay vặt quả. Sau mươi phút, những nông đã mỏi nhừ tay mà mới hái được một ít quả còn cánh nhà báo và hai đứa trẻ đã cắt được đầy sọt. Đem bức xúc đó trình bày với ông chủ tịch huyện, hỏi sao các vị không triển khai, phổ biến phương pháp bảo quản hoa quả rất đơn giản mà hiệu quả này, ông ta nói thẳng: “Bảo quản được thì nông dân không khen gì em mà hỏng thì họ đập chết em. Tốt nhất là để họ tự mày mò”.

Nói như vậy để thấy cán bộ cơ sở của ta thường không dám phổ biến cho dân cái mới nếu không có chỉ thị của trên. Họ sợ trách nhiệm. Nếu họ không làm được không cho ai làm cả. Nông dân một số nơi bị đè nén, thấp cổ bé họng phải tuân theo ý muốn của cấp trên dù người trên họ có vị trí rất nhỏ. Điều nguy hiểm, nông dân làm sai, sử dụng thuốc sâu bừa bãi, dùng cách bảo quản nông sản độc hại, nhà báo lên tiếng, chính quyền địa phương đó phản đối lời phê phán, bao che khiến nông dân càng tiếp tục làm hại môi trường, làm hại chính mình. Có dịp Tết, tại UBND xã trồng rau, ông Chủ tịch cao giọng nói báo chí ngày mai phải cải chính bài viết xấu về rau xã mình, tôi mới dẫn nhà báo ra xem cảnh nông dân vẫn tưới phân tươi cho rau, vị Chủ tịch đó liền lảng đi mất.

Đừng cho cá cũng đừng cho cần câu, mà…

Cách dạy, phổ biến KHKT cho nông dân hiện nay của chúng ta ông thấy thế nào?

Tất cả cách cầm tay chỉ việc là sai, đừng cho họ con cá cũng không cho cần câu mà phải dạy học làm cần câu tuỳ theo điều kiện họ làm được, tuỳ theo mùa để bắt các loại các khác nhau. Xét một cách chung, không có nông dân lười cũng không có nông dân chăm mà chỉ vì họ không có điều kiện làm việc. Nông dân ta cũng hám giàu lắm, làm việc cũng nhiệt tình lắm cho nên phải làm cho người ta thấy có lợi thì họ hăng hái ngay. Cái khó nhất là không để nhiệt tình của người nông dân là ngọn lửa rơm, ào ào đi trồng vải rồi chặt vải, ào ao đi trồng dưa rồi đổ dưa, ào ào trồng mía rồi nhổ múa…chẳng mấy chốc họ không còn tin vào cái gì nữa.

Nông dân Bắc Bộ có thực sự sống nổi nhờ nghề nông?

Hiện nay, ngoài Bắc hầu như rất khó sống bằng nghề nông vì tư liệu sản xuất rất thấp, ruộng bé, vườn chật, máy móc thiếu. Thực chất nông dân đang sống bằng nguồn tiền khác, đấy là một nguy cơ. Chính phủ đã thông qua một số chính sách hỗ trợ nông dân, thoáng nghe rất hay nhưng xét kỹ, nhiều cái chưa hợp lý như dịch lợn tai xanh, nếu nông dân được vay tiền để nâng cấp chuồng trại, vệ sinh khử độc là hết dịch ngay.

Nông dân Việt Nam giờ không còn cần cù nữa, không như xưa nữa vì công việc của họ không được đáp đền xứng đáng. Ngay trên phương tiện thông tin đại chúng, sách, báo, đài, tivi không còn dạy chúng ta yêu nông dân kiểu ngày xưa chúng tôi học vỡ lòng yêu luỹ tre xanh, yêu người cầm cuốc, yêu anh đi cày…những bài thơ, bài hát thấm vào máu thịt. Giờ có người nào sáng tác về nông dân đâu? Đời sống người nông dân so với xưa có lên nhưng so với các nước chúng ta quá chậm, so với nhiều người ở thành phố khoảng cách giữa nông dân và thị dân quá dài.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Điểm danh' những mỏ lộ thiên cần tăng cường phòng chống mưa bão

QUẢNG NINH Các đơn vị của TKV đang rà soát kế hoạch phòng chống mưa bão năm 2024, xác định vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.