| Hotline: 0983.970.780

Nông dân là chủ thể

Thứ Sáu 05/07/2013 , 09:16 (GMT+7)

Tái cơ cấu nông nghiệp, các chính sách cần hướng đến nông dân, làm sao để nông dân phải được hưởng thành quả xứng đáng với công sức lao động của mình...

Tái cơ cấu nông nghiệp, các chính sách cần hướng đến nông dân, làm sao để nông dân phải được hưởng thành quả xứng đáng với công sức lao động của mình...

Theo TS.Nguyễn Thế Bình (ảnh) - Q.Phân Viện trưởng, Phân Viện Quy hoạch & Thiết kế Nông nghiệp miền Nam, tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn với quy hoạch và KHCN để tạo được sức cạnh tranh cho hàng hóa; phải tính đến khả năng bền vững về các mặt kinh tế, môi trường và xã hội của hệ thống sản xuất và cần phát huy được cao hơn các cây con chủ lực, mũi nhọn, có lợi thế trong mỗi vùng sinh thái. Trong đó, các chính sách cần hướng đến nông dân, làm sao để nông dân phải được hưởng thành quả xứng đáng với công sức lao động của mình. PV NNVN đã có cuộc trao đổi với TS.Bình về vấn đề này...

KHÔNG TĂNG ĐẦU TƯ, KHÔNG THỂ TÁI CƠ CẤU

Thời gian qua, lúc các ngành hàng khác lâm nguy thì nông nghiệp là cứu cánh để vực dậy nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, việc đầu tư cho nông nghiệp lại quá nhỏ so với các ngành khác. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Đúng vậy, một trong những thách thức hiện nay là đầu tư cho nông nghiệp rất hạn chế. Vốn đầu tư phát triển của toàn xã hội vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 13,8% năm 2.000 xuống 6,2% năm 2010 và còn 6,0% năm 2011. Đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn mặc dù đã tăng trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thấp, tỷ trọng FDI nông nghiệp trong tổng FDI chung của cả nước giảm từ 8% năm 2001 xuống chỉ còn dưới 1% vào năm 2012.

Vì thế, theo tôi nếu không tăng đầu tư cho nông nghiệp theo một tỷ lệ thích hợp thì sẽ không tạo được đột phá, không thực hiện được mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp đã đặt ra.

Đặc biệt, trong thực tế, những thuận lợi dành cho nông nghiệp không đảm bảo tính dài hạn, khi nguồn tài nguyên cạn kiệt, giá nông sản biến động thất thường và có chiều hướng đi xuống… sẽ làm cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, thu nhập của người làm nông nghiệp bị ảnh hưởng. Mặt khác, các nước phát triển bảo hộ thị trường nông sản nội địa và trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp của họ đã tạo ra rào cản cho việc XK nông sản, làm cho các nước đang phát triển có lợi thế nông nghiệp (như nước ta) không phát huy được hết tiềm năng của mình và nông nghiệp trong nhiều trường hợp không còn là động lực cho phát triển và giảm đói nghèo của khu vực nông thôn.

Phía Nam từ lâu đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn như: gạo, thủy sản, cà phê, tiêu, điều, cao su... Tuy nhiên, sự bấp bênh về giá cả, thị trường và tính bền vững chưa cao. Theo ông lý do tại sao?

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường là yếu tố quyết định cho sản xuất, tuy nhiên, giá nông sản thế giới không ổn định và xu hướng chung là giảm, trong khi nông sản của ta giá thành còn cao, chất lượng còn hạn chế lại chưa có thương hiệu riêng. Vì thế, vấn đề đặt ra không chỉ là coi trọng sản xuất, để giảm chi phí trung gian, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn là vấn đề tiêu thụ, tức là phải giải quyết đồng bộ các nội dung có liên quan đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ tư vấn, tiếp thị quảng cáo, xây dựng thương hiệu…

Lấy ví dụ ĐBSCL, chúng ta đều biết là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất và đa dạng nhất của cả nước. Lúa là cây trồng chủ lực, chuyên môn hóa lớn nhất của vùng; sản lượng lúa của vùng chiếm trên 50% tổng sản lượng lúa và hàng năm đóng góp đến 90% sản lượng gạo XK của cả nước. Nhưng sản xuất lúa còn rất không ổn định, thu nhập của nông dân thấp do chất lượng gạo XK của ta quá thấp vì chúng ta còn duy trì tỷ lệ quá cao giống lúa chất lượng thấp trong cơ cấu các giống lúa, tính cạnh tranh kém.

Tuy nhiên, việc đa dạng hóa phát triển các đối tượng cây trồng ngoài lúa gặp phải tâm lý bất lợi chính từ phía nông dân: do phải đầu tư cao hơn; do thiếu kiến thức và kinh nghiệm; do kết quả sản xuất chưa chắc chắn, chưa có tiền lệ và quan trọng nhất là do tính bấp bênh của thị trường tiêu thụ, làm cho người sản xuất có xu hướng chọn việc đảm bảo nhu cầu lúa gạo hơn là chấp nhận mạo hiểm trồng những loại cây khác.

CỞI MỞ NỚI RỘNG CHÍNH SÁCH “HẠN ĐIỀN”

Sản xuất lớn, nhiều ý kiến cho rằng rào cản hiện nay là chính sách "hạn điền". Theo ông, cần có chính sách cởi mở hơn về vấn đề này hay không?

Sản xuất nhỏ, manh mún, không tập trung, khi thu hoạch nông sản không bán được trực tiếp cho những nhà buôn lớn để được giá cao, nếu không có thương lái thì chẳng ai mua, nếu có bán được thì phải chịu giá thấp, dẫn đến thừa giả tạo, làm người sản xuất khốn đốn, thua thiệt… đó là những gì mà nông nghiệp nước ta đang phản ánh.

Xác định nguyên nhân của tình trạng này, nhiều người nghĩ ngay đến chính sách “hạn điền” mà ta đang thực hiện và việc tháo gỡ cho phép tích tụ ruộng đất để người sản xuất có cơ hội làm ăn lớn. Theo tôi đây là một chủ trương lớn, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, cần phải cởi mở hơn, nghĩ thoáng hơn về vấn đề này. Có trên 80% hộ nông dân nước ta quy mô ruộng đất sản xuất chỉ dưới 1 ha, việc tích tụ rất yếu, trong sản xuất rủi ro tăng cao nên các hộ rất khó đầu tư để mở rộng sản xuất.

Vậy phong trào xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” hiện nay có phải là một cách tích tụ ruộng đất?

Phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn đang phát huy những kết quả tích cực, nhưng theo tôi đó chỉ là giải pháp bây giờ, huy động những “nông hộ nhỏ” vào làm chung để tạo nên những “cánh đồng lớn”. Vấn đề căn cơ hơn, chiến lược hơn, cần nghiên cứu để có chính sách cởi mở hơn nới rộng chính sách “hạn điền”, tạo điều kiện cho nông dân tích tụ ruộng đất cao hơn và tìm biện pháp khắc phục các hạn chế có thể xảy ra khi một bộ phân nông dân không còn đất, có thể phải theo cách suy nghĩ và lựa chọn kiểu đánh đổi.


Nông dân phải được thụ hưởng xứng đáng thành quả lao động trong quá trình
 tái cơ cấu

LIÊN KẾT NÔNG DÂN TẠO GIÁ TRỊ THỤ HƯỞNG

Nông nghiệp nước ta có rất nhiều mặt hàng XK đứng nhất nhì thế giới, nhưng nông dân hầu hết vẫn nghèo. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo ông cần có chính sách và tổ chức như thế nào để đưa nông dân vào sản xuất chuyên nghiệp, bài bản và hiệu quả hơn?

Câu chuyện vì sao nông dân nghèo, có những thời kỳ nông nghiệp phát triển tốt, nông sản bán ra thế giới nhiều, nhưng hầu hết nông dân vẫn nghèo… là câu chuyện được bàn bạc, trao đổi nhiều, nhưng chưa có giải đáp thỏa đáng.

Lấy ví dụ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 về “hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa giữa doanh nghiệp nhà nước với nông dân”, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa đi vào được cuộc sống. Việc thực hiện hợp đồng mới chủ yếu cho một ít diện tích trồng lúa, còn các cây, con khác vẫn còn gặp khó khăn, do  thực tế các doanh nghiệp gặp phải 3 trở ngại chính: một là, do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, hợp tác xã chưa phát triển, để có đủ hàng hóa, doanh nghiệp phải ký và theo dõi thực hiện hợp đồng với rất nhiều hộ nông dân, đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí; hai là, doanh nghiệp chỉ có thể ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dài hạn với nông dân khi bản thân họ có đầu ra ổn định, trong bối cảnh hiện nay, những trường hợp có đầu ra ổn định còn rất ít, nên thường có ký là chỉ ký ngắn theo vụ sản xuất; ba là, nếu nông dân không làm đúng hợp đồng đã ký, sản xuất hàng hóa không đúng chất lượng hoặc không bán hàng cho doanh nghiệp mà bán ra thị trường với giá cao hơn… thì doanh nghiệp phải chịu toàn bộ hậu quả.

Việc tổ chức nông dân cá thể, quy mô nhỏ hiện nay bằng cách nào đó để họ trở thành chủ các trang trại, gia trại lớn, sản xuất hiện đại hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn, giá thành sản phẩm hạ hơn hoặc nếu chưa được như vậy thì chí ít họ cũng được tập hợp trong một tổ chức của mình như hợp tác xã để hỗ trợ lẫn nhau trong các khâu sản xuất, dịch vụ khoa học, thương mại… là rất cần thiết. Có như vậy thì trong chuỗi giá trị sản phẩm họ sản xuất và bán ra, phần được hưởng của họ mới có cơ hội tăng cao, tương xứng với công sức. 

Tôi đã đi tham quan và làm việc ở nhiều nước, quả thật về mặt tổ chức nông dân, để nông dân tự bảo vệ nhau, họ hơn ta rất nhiều. Chúng ta phải hướng đến việc chuyên nghiệp hóa trong nông nghiệp và người nông dân cũng phải được chuyên nghiệp hóa trong sản xuất.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.