| Hotline: 0983.970.780

Nông dân lập doanh nghiệp

Thứ Sáu 19/10/2012 , 10:17 (GMT+7)

Nơi thượng nguồn sông Hồng có rất nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao. Ông chủ của những mô hình kinh tế đó là những nông dân chính hiệu.

Nơi thượng nguồn sông Hồng có rất nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao. Điều lạ lùng, ông chủ của những mô hình kinh tế đó không phải là những người tài cao học rộng, họ là những nông dân chính hiệu. Bây giờ lại có thêm những nông dân dám thuê đất sản xuất và lập doanh nghiệp để kinh doanh…

>> Bói trứng và chuyện ma chài
>> Cao nguyên khát, cao nguyên xanh, cao nguyên trắng
>> Lên thượng nguồn sông Hồng

Trở lại câu chuyện Thào Diu trưởng thôn Na Lốc - Cốc Phương (Mường Khương, Lào Cai) mà tôi chưa kịp giới thiệu trong bài viết trước. Do học tập được cách trồng dứa của người Trung Quốc đã mang lại cho gia đình anh một nguồn thu lớn, nên mọi người trong thôn làm theo. Giống dứa Queen thu hoạch từ cuối tháng mười hai đến đầu tháng ba, thời gian chỉ có ba tháng.

Nếu mọi gia đình cùng trồng trong một thời gian, khi dứa chín sẽ chín đồng loạt trong vài ngày nên việc thu hoạch rất khó khăn, nhất là bị các thương lái ép giá, hàng trăm tấn dứa nếu không bán kịp chỉ đổ ra làm phân. Bởi thế, các hộ phải trồng rải ra, để khi thu hoạch gia đình này không trùng với gia đình kia. Trưởng thôn Thào Diu lên lịch cho từng hộ trồng, làm cỏ, phun thuốc... mọi người làm đổi công cho nhau, hết nhà này thì sang nhà kia, thu hoạch cũng vậy.

Phó chủ tịch huyện Mường Khương Phạm Bá Uyên cho hay: Năm 2012, giá dứa giảm mạnh, đầu vụ giá 5.000đ/kg, sau xuống 4.000đ/kg, rồi 2.500-2.000đ/kg, giá bình quân cả vụ chỉ được 3.000đ/kg. Nhân cơ hội giá dứa rẻ, thương nhân Trung Quốc ào sang mua, cuối vụ giá có nhích lên nhưng cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Giống dứa Queen trồng ở thôn Na Lốc-Cốc Phương chất lượng cao, như do đường vận chuyển quá xa, các nhà máy chế biến dứa từ Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng... phải mất công vận chuyển đoạn đường từ 350-400km, nhưng cũng chỉ được ba mươi phần trăm, còn bảy mươi phần trăm là vỏ và lõi quả dứa. Sản phẩm của các nhà máy phải cõng cước phí vận tải quá lớn như vậy thì không chịu nổi, nên giá thu mua quả dứa cứ trụt dần.

Trong thôn Na Lốc- Cốc Phương có một thanh niên trẻ tên Sùng Vư, anh nói tiếng Kinh và tiếng Trung khá sõi, gia đình anh trồng cả chục vạn gốc dứa, năm nào cũng vậy, sau vụ dứa anh ôm một bọc tiền lớn mấy chục vạn Nhân dân tệ sang Trung Quốc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng... cho gia đình và anh em trong thôn.


Sùng Vư, người nông dân “cả gan” xây dựng nhà máy sơ chế dứa

Nhiều người Trung Quốc làm ăn buôn bán với anh, không nghĩ rằng anh là nông dân mà là đại gia của Việt Nam. Nhận thấy tình hình giá dứa không ổn định do các nhà máy chế biến của Việt Nam và Trung Quốc chi phí quá lớn vào cước vận tải, nên giá thu mua dứa quả tươi khá bấp bênh, Sùng Vư quyết định lập dự án thành lập công ty Phúc Tín, xây dựng nhà máy sơ chế dứa trị giá 50 tỷ đồng do anh làm giám đốc.

Ông Phạm Bá Uyên cho hay: Dự án xây dựng nhà máy sơ chế dứa quả tươi của Sùng Vư huyện dự kiến đặt tại thôn Na Lốc 4. Hiện các ngành của tỉnh Lào Cai đang thẩm tra tính khả thi của dự án. Nhà máy ra đời sẽ sơ chế những quả dứa đủ tiêu chuẩn cho các nhà máy sản xuất dứa xuất khẩu, quả nhỏ sẽ ép lấy nước, còn vỏ dứa chế biến thành phân vi sinh cung cấp cho bà con trồng dứa...

Vì sao Sùng Vư dám “cả gan” đầu tư vốn vào xây dựng nhà máy sơ chế dứa một công việc xa lạ đối với nông dân vùng cao, ngoài vốn tự có anh còn huy động anh em họ hàng và các nhà máy chế biến dứa trong nước cùng tham góp vốn, Sùng Vư trả bằng sản phẩm. Khi biết Sùng Vư xây dựng nhà máy sơ chế dứa, một số nhà máy chế biến dứa của Trung Quốc cũng đánh tiếng được góp vốn với anh.

Đấy là chuyện làm ăn của những nông dân phía Đông, còn bây giờ tôi trở lại phía Tây sông Hồng. Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bát Xát Nguyễn Hồng Sơn, chục năm trở lại đây Bát Xát phát triển mạnh hai cây chuối và dứa. Hiện Bát Xát có khoảng 400ha chuối trồng dọc bờ sông Hồng.

Toàn bộ diện tích chuối này sản phẩm đều xuất khẩu sang Trung Quốc qua lối mở theo đường tiểu ngạch. Giá chuối quả xanh cao nhất từ 3,5-4 Nhân dân tệ/kg, quy đổi thành tiền Việt Nam khoảng 14.000đ/kg. Hiện nay chuối xanh loại quả đẹp có giá từ 5.000-6.000đ/kg. Tính ra mỗi ha trồng chuối cho thu nhập từ 250-300 triệu, trừ chi phí đầu tư ban đầu cùng giống, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, vận chuyển, tiền thuê đất... mỗi ha khoảng 150-200 triệu, lãi 100-150 triệu/ha.


Sùng A Páo khoe những buồng chuối to

Trên địa bàn huyện Bát Xát hiện có ít nhất 3 doanh nghiệp đang đầu tư trồng chuối mô xuất khẩu. Đó là Cty Toàn Thắng đã thuê 70ha đất của nông dân xã Bản Qua, Cty Kim Anh thuê 30ha đất ở xã Trịnh Tường và Cốc Mỳ, Doanh nghiệp Hoàng Bằng do Hoàng A Sìn làm giám đốc. Hoàng A Sìn người dân tộc Giáy xã Trịnh Tường là nông dân chính hiệu. Doanh nghiệp Hoàng Bằng thuê 25ha đất ở xã Cốc Mỳ và liên kết với các hộ dân ở thôn Nậm Choỏng thêm 19ha nữa.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Doanh nghiệp Hoàng Bằng xuất khẩu trực tiếp chuối quả xanh cho các đối tác phía Trung Quốc mà không phải qua trung gian. Bởi thế giá bán của DN Hoàng Bằng cao hơn giá của người dân. Năm nay giá chuối xuống thấp chỉ có 3.500-4.000đ/kg, nhưng Doanh nghiệp Hoàng Bằng vẫn bán được giá 1,7 Nhân dân tệ/kg, tính ra khoảng 5.000đ/kg.

Như vậy, trên vùng đất Bát Xát hiện nay, không một cây trồng nào mang lại lợi nhuận cao hơn so với trồng chuối mô xuất khẩu.

Lầu A Páo là trưởng thôn Lũng Pô 2, xã A Mú Sung trồng 40ha chuối, trong đó có khoảng hai chục ha là đất mà Lầu A Páo thuê của người dân. Ở xã Nậm Chạc cũng có ông tên là Páo, người dân gọi là Páo Nậm Chạc đã gom 90ha đất của các hộ dân để trồng chuối. Các hộ dân góp đất là thành viên do ông Páo làm trưởng nhóm cùng làm và chia nhau sản phẩm.

 Bố con ông Phàn A Hoà, Phàn A Toóng người Dao thuê 47ha đất ở xã Bản Vược và Trịnh Tường để trồng chuối. Những “đại điền chủ” Lầu A Páo, Phàn A Hoà, Phàn A Toóng... không thành lập doanh nghiệp, nhưng hoạt động sản xuất và kinh doanh của họ lại như doanh nghiệp rất có hiệu quả.

Trên đường từ Trịnh Tường trở về, chúng tôi qua khu vực trồng chuối xã Bản Qua. Sùng A Páo là người Mông huyện Văn Bàn được Cty Toàn Thắng thuê trồng, chăm sóc 2,5ha chuối. Páo cho biết: Vợ chồng cháu ở đây được 3 năm rồi, lương tính theo sản phẩm mà Cty giao khoán là 200 tấn chuối. Nếu đạt số lượng đó thì Cty trả 100 triệu, nếu vượt thì còn được nhiều hơn. Vợ chồng cháu không làm hết phải thuê anh em ở trên quê xuống làm giúp, hết 20 triệu, còn lại thì mình được hưởng...

Nói rồi Páo dẫn tôi đi xem vườn chuối chỉ ít ngày nữa là được thu hoạch. Anh vạch một buồng chuối phủ túi ni lon cho tôi xem: Đây là vụ thứ hai, chuối năm nay tốt, quả to thế này chắc là bán được giá cao chú ạ...

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.