| Hotline: 0983.970.780

Nông dân ngửa mặt trông trời

Thứ Sáu 04/03/2011 , 10:07 (GMT+7)

Trong khi hầu hết các công trình thuỷ lợi ở Tây Nguyên đang thiếu nước tưới trầm trọng, nhiều công trình đã xuống đến mực nước chết thì xăng dầu lại tăng giá.

Trong khi hầu hết các công trình thuỷ lợi ở Tây Nguyên đang thiếu nước tưới trầm trọng, nhiều công trình đã xuống đến mực nước chết thì xăng dầu lại tăng giá. Người nông dân ở đây, đặc biệt là với những gia đình chuyên canh cà phê đành ngày ngày ngửa mặt cầu mưa vì đã vào đợt tưới...

>> Làng chài trong cơn ''áp thấp''

Trận mưa nhỏ ở vùng cà phê Ia Sao cách đây khoảng một tuần không đủ nước để rửa lá cà phê thì ngay sau đó, cái nắng lại đổ về. Nắng hạn khô khốc, mực nước ở các công trình thuỷ lợi lại tiếp tục rút xuống. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Gia Lai đã có trên 7 ngàn ha cây trồng bị hạn, tăng gần 2.000 ha chỉ trong vòng một tuần. Lo lắng lớn nhất của nông dân Tây Nguyên hiện nay là không có nước tưới cây. Đặc biệt là đối với những vườn cà phê, do đầu tư lớn, bây giờ không có nước tưới thì xem như chịu…chết cháy.

Xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa hiện có trên 1.100ha cà phê đã cho thu hoạch. Trung bình hàng năm, sản lượng cà phê xã này khoảng 3.000 tấn nhân. Niên vụ cà phê vừa qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai thiếu nước tưới do nắng hạn kéo dài, thế nhưng nguồn nước ở địa bàn xã này vẫn luôn được đảm bảo. Tuy nhiên năm nay thì khác hẳn. Ngay từ đợt tưới đầu tiên, nông dân trồng cà phê ở đây phải lắm nhọc nhằn mới có được nước tưới.

 Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Chủ tịch xã này cho biết: “Con suối lớn chảy qua địa bàn đáp ứng tưới tiêu cho hơn một nửa diện tích các loại cây trồng của xã nhưng vẫn chưa bao giờ sử dụng hết nguồn nước này. Vậy mà năm nay, vì không có nước tưới, nhiều người dân ở tuyến trên đã chắn ngang con suối, làm cho hàng trăm hộ dân đang tưới ở hạ lưu phải chịu cảnh đứt nước suốt 5 giờ đồng hồ liền”.

Mương nước tự nhiên cung cấp nước tưới cho trên 100ha ruộng, hàng trăm hecta cà phê khu vực giáp ranh giữa 2 xã Nam Yang và Kon Gang (huyện Đăk Đoa) trong hàng chục năm qua vẫn luôn đảm bảo đủ nước. Thế nhưng tới thời điểm này, con mương đã khô kiệt khiến phần lớn đồng ruộng bỏ hoang, nông dân trồng cà phê khốn đốn. “Tôi làm cà phê ở đây đã 20 năm nhưng chưa bao giờ bị thiếu nước tưới. Mương nước này chưa khi nào cạn khô như năm nay. Bình thường, 2 ha cà phê của tôi chỉ tưới độ 3 ngày là xong, nhưng năm nay tôi tưới cả tuần rồi mà mới chỉ được một nửa. Cứ nổ máy tưới được chừng 10 gốc thì lại hết nước, phải tắt máy ngồi chờ” - ông Trần Minh (thôn 2 xã Nam Yang) than phiền.

Hàng trăm hộ dân trồng cà phê dọc nguồn nước này cũng lâm vào cảnh buồn rầu ngồi chờ nước như ông Minh. Nhiều người đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để đào hồ, móc mương, khoan giếng… thế nhưng, nguồn nước cũng không được cải thiện là bao.

Không có nước tưới cà phê đang là tình hình chung của Tây Nguyên, tuy nhiên, đó chỉ mới là một nỗi khổ. Nỗi khổ thứ 2 phải kể đến là nhiều nơi còn nước nhưng…cũng  không thể tưới bởi nhiều gia đình đã cảm thấy đuối sức đầu tư vì  giá xăng dầu tăng vọt. Có vườn cà phê chỉ cách nguồn nước chưa đến ngàn mét nhưng đành bó tay vì không có tiền mua dầu chạy máy bơm nước.

Anh Dương Đức Toàn ở phường Tây Sơn (TP.Pleiku, Gia Lai) có vườn cà phê 1,5 ha. Khi giá dầu (loại dầu 2,5S) còn 15.030 đồng/lít, anh chi phí tưới cho đợt 1 chỉ hết 2,1 triệu đồng. Còn bây giờ, dầu lên 18.630 đồng/lít, anh phải chi 2,9 triệu đồng tưới cho đợt 2 (tăng 800 ngàn đồng chỉ trong một thời gian ngắn). Với gia đình tạm gọi là có điều kiện như anh Toàn thì còn có thể “xoay” được, nhưng với nhiều nông dân vùng sâu thì để bù vào khoản đội giá như trên, quả là không dễ chút nào.

Ông Thới Văn Nhàn ở Ia Ko (huyện Chư Sê) cho biết: Nhà ông có 1,6 ha cà phê kinh doanh. Thường thì tưới đến đâu, ông mới mua dầu đến đó (bởi không đủ tiền để mua dự trữ). Đợt tưới lần 1, ông chi trên 2 triệu đồng mua dầu tưới cho 1,6 ha cà phê. Tuy nhiên với giá dầu hiện tại, ông phải bù thêm gần 700 ngàn đồng nữa mới đủ tưới. Trong tình hình nguồn nước mỗi ngày một xa vườn cà phê thì sợ rằng, 700 ngàn đồng đội lên ấy, may ra mới đi được nửa chặng đường tới vườn. “Mà đâu chỉ tưới nước, xăng dầu lên thì những thứ khác như phân bón, thuốc trừ sâu cũng sẽ lên theo. Chắc chắn gia đình tôi không đủ tiền để chăm sóc tiếp” -ông Nhàn than vãn.

Không đủ tiền để chăm sóc tiếp, đồng nghĩa với việc vườn cây sẽ bị xuống cấp, không chỉ trong năm này mà còn ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây của những năm sau đó. Xin thưa rằng: Ở Tây Nguyên, trường hợp khó khăn như gia đình ông Nhàn là… đa số! Theo đó, những vườn cà phê ở Tây Nguyên- vùng chuyên canh cà phê lớn nhất nước đang phải đối diện với khả năng mất trắng là có thật.

Có mặt tại huyện Krông Păk, địa phương trồng cà phê trọng điểm của tỉnh Đăk Lăk, những ngày này từng đoàn xe công nông nối đuôi nhau chở ống đi bơm nước tưới cà phê. Gặp anh Trần Trọng Xoa, thôn Tân Tiến (xã Ea Yông) đang đi mua phân để chuẩn bị tưới cà phê đợt hai, anh Xoa nhăn nhó: “Nhà có 1,2 ha cà, vụ trước thu được gần 4 tấn nhân, trước Tết thấy cà lên được 39, sợ giá xuống tôi đã vội bán hết mà không dám ký gửi các đại lý bởi nhỡ họ vỡ nợ thì mất trắng. Nào ngờ sau Tết giá cà phê cứ tăng liên tục, tính ra mất toi trên 20 triệu. Đã thiệt thòi vì bán cà giá rẻ, trong khi đó giá vật tư đầu tư cho cà phê cứ tăng ào ào. Mặc dù có giếng giữa rẫy nhưng mỗi đợt tưới đã phải tiêu tốn hết 150 lít dầu, trong khi đó bình thường mùa khô phải tưới 4 đợt, còn nếu hạn kéo dài thì phải tưới 5- 6 đợt, với giá dầu tăng lên 18.600 đồng/lít thì mất đứt 10 triệu tiền bơm nước, tăng gần 3 triệu so với vụ trước”.

Mong ước lớn nhất của người trồng cà phê ở Tây Nguyên hiện nay là cầu cho trời mưa- mưa thật to mới có thể cứu vãn vườn cây.

Không chỉ chi phí bơm nước tăng mà tiền phân bón cũng tăng khủng khiếp. Để có vườn cà trĩu quả, năm vừa qua anh Xoa đã phải đầu tư 26 triệu tiền mua phân bón, nhưng năm nay nếu lượng phân bón đầu tư như vụ trước thì ít nhất phải trên 40 triệu đồng do các loại phân đều tăng giá vùn vụt, chưa kể tiền công thuê thu hoạch cũng tăng theo. Anh Xoa ngao ngán: “Nếu vụ tới cà không có năng suất và giá không giữ được mức cao như hiện nay thì nguy cơ lỗ là điều chắc chắn”.

Còn tại buôn Phê, xã Ea Phê, anh Y Nhạn đang tưới nước đợt 2 cho rẫy cà 0,5ha. Do lấy nước từ suối cách rẫy khoảng 300m nên mỗi lần tưới tốn khoảng 100 lít dầu, giờ đã tưới lần hai thì từ nay đến mùa khô anh phải tưới thêm 3 đợt mới đảm bảo cho cà phê phát triển. Y Nhạn cho biết: “Chi phí cái gì cũng tăng thế này mà giá cà lên xuống thất thường. Không đầu tư thì không có thu, biết là mạo hiểm nhưng chẳng còn cách nào khác”.

Anh Trần Quốc Vĩnh, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Krông Păk cho hay: Toàn huyện có 18.000 ha cà phê, do đây là vùng trồng cà phê sớm nên đa số diện tích cà đã bị “lão hóa” cho năng suất thấp, trong khi đó chi phí đầu tư tăng như hiện nay thì giá có cao người trồng cà lãi cũng chẳng bao nhiêu. Nhiều xã như Ea Kênh, Ea Giêng, Ea Uy, Vụ Bổn xa sông suối nên nguồn nước tưới chủ yếu khai tác từ nước ngầm. Hiện nay nhiều vùng, mực nước ngầm tụt rất nhanh, thấp hơn trung bình mọi năm 1,5m. Lo sợ thiếu nước tưới, mặc dù đợt 1 mới tưới được trên 10 ngày nhưng người nông dân nhiều vùng đã tưới đợt 2, trong khi đó mỗi đợt tưới phải cách nhau 25- 30 ngày, chính vì tưới cách nhau quá gần đã gây lãng phí nguồn nước trong khi đó lại tăng chi phí đầu vào.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm