| Hotline: 0983.970.780

Nông dân người Nùng chế máy cày bừa

Thứ Tư 01/01/2014 , 10:44 (GMT+7)

Câu chuyện về một nông dân người Nùng ở xã đặc biệt khó khăn Pờ Ly Ngài (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) mới học hết lớp 9 chế tạo thành công máy cày bừa liên hợp từ động cơ xe máy cũ đã khiến nhiều người giật mình.

Câu chuyện về một nông dân người Nùng ở xã đặc biệt khó khăn Pờ Ly Ngài (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) mới học hết lớp 9 chế tạo thành công máy cày bừa liên hợp từ động cơ xe máy cũ đã khiến nhiều người giật mình. Nếu không đến tận nơi, chứng kiến chiếc máy vận hành trên đồng đất thì không thể tin đó là sự thật.

33 tuổi mới tốt nghiệp THCS

Đường từ thị trấn Vinh Quang (huyện Hoàng Su Phì) vào trung tâm xã Pờ Ly Ngài bây giờ đã được khoác lớp nhựa bóng mịn. Xe máy không còn phải nhảy chồm chồm như ngựa vía mỗi lần va đá hộc hay chết máy giữa dòng suối nước ngập quá ống bô như trước. Nhưng, bức tranh thiên nhiên về một xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn vẫn được khắc họa đậm nét bằng núi cao, mây mù, ruộng bậc thang và đại ngàn hoang thẳm.

Khi nghe Chủ tịch xã Pờ Ly Ngài Lê Bá Hồng khoe rằng địa phương có một nông dân sáng chế được máy cày bừa liên hợp bằng động cơ xe máy cũ, tôi vô cùng sửng sốt, quyết tâm tìm bằng được “nhà sáng chế” này để kiểm chứng thực hư.


Lãnh đạo xã Pờ Ly Ngài tham quan mô hình máy cày bừa liên hợp của anh Khoán

Quá trình tìm đường đến nhà anh Phu Vần Khoán (tác giả của chiếc máy cày bừa liên hợp) ở thôn Na Vang đơn giản hơn tôi nghĩ. Bởi, cứ nghe thấy từ “Khoán máy cày” thì dân bản địa ai cũng biết. Mời tôi vào nhà thưởng trà tâm sự bên chiếc bàn con, anh Khoán mở đầu bằng những câu chuyện đã diễn ra cách đây vài thập kỷ trước.

Là anh cả trong một gia đình nghèo đông con, ký ức tuổi thơ của Khoán đầy ắp những tháng ngày gian khó, sáng lẽo đẽo theo đuôi con trâu, chiều lếch thếch cầm liềm cắt cỏ hoặc chui rúc trong rừng sâu đào củ mài đem về vùi vào than nướng ăn cho đỡ đói. Có lẽ, cuộc sống lam lũ mưu sinh đã lấy đi những nét thanh xuân cuối cùng trên khuôn mặt người đàn ông 42 tuổi, thay vào đó là những nếp nhăn dúm dó thường chỉ thấy ở người đã qua ngũ tuần.

Nhắc đến chuyện học hành, bằng cấp, anh Khoán có phần chạnh lòng. Khi học hết lớp 4, vì bố mẹ cạn tiền, anh đành gác lại việc học hành để lo miếng cơm, manh áo. Mãi đến năm 2000, anh mới được học lớp bổ túc văn hóa theo chương trình phổ cập giáo dục THCS của huyện. Học hết lớp 9, biết tin Trung tâm dạy nghề Hoàng Su Phì mở lớp dạy nghề sửa chữa xe máy cho lao động nông thôn, anh Khoán lập tức đăng ký.

Thất bại + thất bại = thành công

Cầm chứng chỉ học nghề trong tay, nhưng phải 6 năm sau (2011) anh Khoán mới có đủ tiền sắm máy nổ, tậu máy cắt, máy hàn và mua đồ nghề mở tiệm sửa chữa xe máy. Thấy trong dân có rất nhiều xe máy cũ. Có trường hợp máy vẫn tốt nhưng hư hỏng nặng phần khung, không có tiền thay phụ tùng mới, chủ xe bán với giá rẻ. Anh Khoán tiếc quá mua về hết.

“Mình thấy bà con làm ruộng vất vả quá. Từ tháng 3 đến tháng 5 hạn hán triền miên. Đất cứng như đá không thể cày bừa. Thế nên, cứ có một trận mưa lớn là bà con đua nhau đắp bờ rồi thúc trâu, bò cày chạy mưa. Nhưng sức trâu, bò có hạn, sáng cày mệt rồi thì chiều phải dẫn đi ăn. Mà ruộng bậc thang lại giữ nước kém, nắng lên là ráo hoảnh. Tháng 6 là thời vụ gieo cấy nhưng nhiều gia đình không kịp làm đất, phải bỏ hoang ruộng đồng. Người ta bảo tấc đất tấc vàng, để cỏ dại mọc thay lúa mà lòng tiếc lắm”, anh Khoán chia sẻ.



Anh Khoán đang tiếp tục chế tạo chiếc máy cày bừa “thế hệ F3” để khắc phục những điểm yếu của 2 chiếc máy cày trước

Từ suy nghĩ ấy, anh Khoán nung nấu ý định chế tạo máy cày bừa bằng động cơ xe máy. Những bản thiết kế đầu tiên được hình thành trên giấy, sau đó anh thu gom các loại sắt để tạo khung, làm bánh lồng, tay lái… Càng làm càng thấy khó, các chi tiết không khớp với nhau, phải cắt ra, hàn lại nhiều lần. Cuối cùng, sau hơn một tháng hì hục chế tạo, chiếc máy cũng đã chạy được bằng hai bánh lồng (làm từ khung sắt xoắn phi 17 đan sắt V4). Bộ phận lưỡi cày và răng bừa được thiết kế phía sau bánh lồng, có thể tháo lắp thay thế cho nhau để phục vụ từng khâu làm đất.

Sau khi chạy thử trên các thửa ruộng bậc thang, lưỡi cày, răng bừa đã bám được xuống đất nhưng chiếc máy còn quá nhiều khiếm khuyết. Không có bộ phận giảm xóc nên không chịu được rung chấn, rung lắc bần bật, một vài mối hàn đã bung ra. Hai cần lái cũng chỉ được làm tạm bợ bằng sắt xoắn phi 17 gây bỏng rát bàn tay, sức người bị phá ghê gớm.

Anh Khoán nhiều đêm thức trắng suy nghĩ cách khắc phục những hạn chế của “thế hệ máy cày F1”. Đầu tiên, phải thay đổi vật liệu khung máy chắc chắn hơn. Hai cần lái được sử dụng ống tuýp sắt thay cho thanh sắt phi 17, tránh gây bỏng rát cho người điều khiển. Để giảm rung lắc đến mức tối đa, anh đã gắn thêm 2 trục giảm xóc nối với cần lái. Đèn chiếu sáng được gắn thêm ở đầu máy để có thể hoạt động cả đêm lẫn ngày.


Anh Khoán phân tích sự khác biệt giữa hai chiếc máy cày bừa liên hợp thế hệ F1 và F2

Mặt khác, độ rộng vành bánh lồng được thu hẹp hơn để dễ dàng quay đầu trong điều kiện diện tích thửa ruộng bậc thang chật hẹp. Sự ra đời của “thế hệ máy F2” là một bước đột phá mang tính cách mạng để tiến tới một chiếc máy cày bừa liên hợp hoàn hảo.

Để chứng thực về tính khả dụng của chiếc máy, anh Khoán điều máy cày bừa ra một thửa ruộng bậc thang gần nhà, cắm chìa khóa vào ổ, ấn nút đề khởi động. Tiếng máy nghe vẫn có độ êm chứ không gào rú ầm ĩ như máy nổ của Trung Quốc sản xuất. Người cầm lái từ từ tăng ga để hai bánh lồng lăn, răng bừa bập sâu đánh tơi đất, người điều kiển miệng vẫn cười toe toét nhìn tôi chẳng có vẻ gì mệt mỏi.

Anh Khoán hồ hởi: “Ở đồng bằng không tính, nhưng với đặc thù ruộng bậc thang như ở Pờ Ly Ngài nói riêng và huyện Hoàng Su Phì nói chung, tính khả dụng của nó cao hơn bất cứ loại máy nào. Thứ nhất là thiết kế nhỏ gọn, không quá nặng, hai người có thể xách từ thửa thấp lên thửa cao dễ dàng. Thứ hai, máy sử dụng động cơ xe máy nên tiêu tốn năng lượng rất ít. Và điều cực kỳ quan trọng là có thể dễ dàng sửa chữa khi xảy ra hỏng hóc, bởi xã nào cũng có ít nhất 1 - 2 thợ sửa xe máy”.

“Tôi đã nhận được vài đơn đặt hàng rồi”

Do tận dụng lại động cơ của xe máy cũ, vì thế, giá thành sản xuất ra một chiếc máy cày bừa liên hợp của anh Khoán chỉ mất 4 - 5 triệu đồng (chưa bằng một nửa so với máy cày mini Trung Quốc bán trên thị trường). Mặc dù đang trong thời kỳ nghiên cứu cải tiến và thiết kế tạo hình, nhưng nhiều người dân ở xã Pờ Ly Ngài đã “mê” chiếc máy cày của anh Khoán lắm rồi.


Chiếc máy cày của anh Khoán hoạt động tốt trên những thửa ruộng bậc thang

Ông Thèn Sào Chấn - một nông dân ở thôn Pô Chuông, chia sẻ: Trước đây, bà con mua máy của Trung Quốc về với giá 12 - 13 triệu đồng, nhưng máy vừa to lại vừa nặng, khó di chuyển trên ruộng bậc thang và quay đầu. Có anh bị hỏng động cơ, chẳng biết sửa chỗ nào đành phải thuê cả cái ô tô tải chuyển xuống trung tâm huyện sửa, tính ra mất 2 - 3 triệu đồng. Hôm trước xem anh Khoán cày bừa thử trên ruộng, tôi thấy khoái chí lắm. Kể cả phụ nữ cũng nổ máy đi cày bừa được, mà hiệu quả làm đất lại gấp 5 - 6 lần sức trâu, bò.

Anh Khoán tiết lộ: “Một vài người dân trong xã hứa sẽ mua máy cày của tôi, nếu cải tiến thêm về chất lượng khung máy và mẫu mã”. Để làm được điều đó, mong muốn lớn nhất của anh là nhận được sự hỗ trợ về vốn của nhà nước, và sự giúp đỡ của các chuyên gia về chế tạo máy để sản xuất được những chiếc máy cày bừa chất lượng tốt nhất cung cấp cho bà con nông dân.

Ông Lê Bá Hồng, Chủ tịch UBND xã Pờ Ly Ngài, cho biết: Ban lãnh đạo xã Pờ Ly Ngài đánh giá rất cao mô hình sáng chế của anh Phu Vần Khoán. Với việc sáng chế ra máy cày bừa liên hợp dùng động cơ xe máy, anh đã giảm được đáng kể chi phí sản xuất, người nghèo cũng có thể tiếp cận được. Trong thời gian tới, nếu được các cấp, các ngành, nhà khoa học và doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ, thì việc tiến tới sản xuất đại trà là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm