| Hotline: 0983.970.780

Nông dân phía Bắc bắt đầu mê túi bao trái cây

Thứ Năm 21/07/2016 , 09:15 (GMT+7)

Nếu như ở các vùng cây ăn quả phía Nam, túi bao trái cây từ lâu đã được áp dụng thì phía Bắc, nông dân vẫn khá lạ lẫm với biện pháp kỹ thuật này. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian có mặt, túi bao trái cây được nông dân miền Bắc thích mê.

Nhất cử lưỡng tiện

Những ngày này, người dân tại xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khá lạ lẫm khi một số vườn bưởi ở đây bỗng nhiên lủng lẳng những chiếc bao trắng toát. Ông Nguyễn Đình Huệ ở thôn Tiên Lữ, chủ nhà vườn gần 100 gốc bưởi, người tiên phong áp dụng túi bọc quả ở vùng bưởi này tự tin: "Với việc sử dụng bao trái, vườn bưởi của tôi năm nay chắc thắng 100%, với khoảng trên 4.000 quả".

Hơn 20 năm gắn bó với trồng bưởi, cây bưởi Diễn đưa về vùng đất Chương Mỹ đã giúp gia đình ông Huệ thoát nghèo, xây nhà, mua xe. Nhưng trồng bưởi cũng gặp lắm bài toán đau đầu vì rất lắm sâu bệnh, có khi thu hoạch đến nơi cũng có thể trắng tay...

Tháng 2 - 3 hàng năm, lúc bưởi mới đậu quả như nắm tay là mùa của sâu đục quả. Thoát được giai đoạn này, sẽ tới nạn rệp sáp, rệp muội, ốc sên gặm vỏ có thể khiến quả sần sùi còi cọc, vỏ dày, ruột teo lại rồi rụng.

Tới giữa năm, nắng nóng gay gắt có thể khiến bưởi bị nám từng mảng, nếu gặp mưa vết nám lở loét dần rồi thối quả hoàn toàn. Tới tháng 8, tháng 9, lúc bưởi đã ngả vàng có thể ăn được sẽ tới lượt nạn ruồi vàng hoành hành. Ruồi vàng đục một lỗ nhỏ, các loại nấm bệnh theo đó chui vào trong phá hoại ruột. Vì thế bưởi bị ruồi vàng đục có thể nhìn bề ngoài vẫn nguyên vẹn bắt mắt, nhưng bổ ra thì bên trong bị thối hoàn toàn.

Ruồi vàng đục quả là kẻ thù đáng gét nhất của người trồng bưởi, có năm có thể gây rụng, hỏng tới 20% số quả trong vườn. Để tiêu diệt, lâu nay người trồng bưởi phải dùng bẫy dẫn dụ ruồi vàng, nhưng cũng rất mất công bởi cứ 20 ngày lại phải thay bẫy một lần.

Ông Huệ cho biết, bưởi thơm, ngọt nên cũng là mồi ngon của lũ chuột. Mỗi năm, ông phải đánh bả chuột hàng chục lần nhưng cũng không tránh khỏi bị chúng phá hoại. Ngoài những kẻ thù trên, kiến có thể làm tổ ở gần quả bưởi để phá hoại vỏ, các đợt mưa bão có thể khiến bưởi rụng kha khá. Để phòng nấm bệnh hại quả, chủ vườn bưởi còn phải phun hàng chục lần thuốc BVTV, vôi, phèn chống nấm quả… Hàng năm, tỉ lệ bưởi rụng sau đậu quả vì sâu, bệnh có thể lên tới 20 - 30%.

Vụ bưởi năm 2015, nhờ một người bạn trong miền Nam mách nước, ông Huệ đã liên hệ mua gần 4 triệu đồng túi bao trái cho toàn bộ vườn bưởi. Kết quả thật ngoài mong đợi. Nhờ được túi bao kín hoàn toàn nên không còn một loại sâu hại nào có thể đụng tới, cũng không còn phải phun trừ nấm, không còn phải bẫy ruồi vàng, lũ chuột cũng đành bó tay.

Năm 2015, miền Bắc nắng nóng kỷ lục, đa số các vườn bưởi không được bao trái đều bị cháy nám rất nặng. Cuối năm ruồi vàng lại hoành hành rất dữ nên một số vườn bị rụng quả la liệt. Tuy nhiên nhờ có túi bọc nên vườn của ông Huệ gần như cho thu hoạch 100%, đạt tới hơn 4.000 quả, tăng gần 500 quả so với mọi năm.

“Đúng là... tuyệt vời ông mặt trời! Không ngờ chỉ với cái túi đơn giản vậy nhưng lại giải quyết hết được mọi thứ. Không những tăng thêm số lượng quả, bưởi được bọc túi mẫu mã rất đều, sáng đẹp chằn chặn nên dân buôn rất thích, mua với giá tới 45.000 đồng/quả, cao hơn thị trường 5.000 đồng/quả. Tính ra, tôi chỉ tốn 4 triệu đồng tiền mua túi và 1 triệu đồng tiền công, nhưng trừ ra vẫn tăng thêm được tới 30 triệu đồng so với năm trước”, ông Huệ đắc chí.

Lan nhanh như lốc

Tiếng lành đồn xa, ngay từ đầu năm 2016, phong trào áp dụng bao túi cho quả bưởi đang được các chủ vườn đồng loạt áp dụng, nhiều nhất là vùng bưởi tại các huyện ngoại thành Hà Nội như Đan Phượng, Chương Mỹ, Mê Linh, Quốc Oai… cũng như một số vùng bưởi tại Bắc Giang, Hưng Yên… Rảo quanh vựa bưởi tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thời điểm này, có sự khác biệt so với những năm trước là đã xuất hiện khá nhiều vườn bưởi bao quả trắng toát.

17-07-09_dscf3061
Ảnh: Lê Bền

 

Những ngày này, ba nhân viên kinh doanh của Cty TNHH Lân Hùng chi nhánh tại Hà Nội luôn phải quàng chân lên cổ trước các đơn hàng tấp nập của các nhà vườn cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc gọi về. Chính anh Nguyễn Tiến Tiến, trưởng bộ phận kinh doanh của Cty tại Hà Nội cũng ngỡ ngàng trước tốc độ đón nhận sản phẩm túi bọc quả của nông dân phía Bắc.

Anh Tiến cho biết, Cty TNHH Lân Hùng hiện có trụ sở tại Biên Hòa (Đồng Nai), trước đây là DN chuyên SX các loại túi xách vải. Cách đây 5 năm, nhận thấy cơn sốt về cầu sử dụng túi bao quả, Cty đã chuyển sang SX các loại túi bao trái cây để cung cấp cho các tỉnh phía Nam. Từ năm 2015, Cty bắt đầu thử nghiệm đưa sản phẩm túi bao quả ra chào hàng tại một số vùng cây ăn quả lớn tại phía Bắc, nhất là các vùng trồng bưởi tại các huyện ngoại thành Hà Nội.

Chỉ sau một vụ đầu tiên, hiệu quả từ các mô hình áp dụng túi bọc quả đã nhanh chóng tạo hiệu ứng lan truyền nhanh như một cơn lốc tới các tỉnh có vùng trồng bưởi lớn quanh Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Chỉ trong vài tháng qua, hàng trăm nghìn chiếc túi bọc quả (hầu hết là túi bọc bưởi) đã tiêu thụ hết veo. Ngoài Cty TNHH Lân Hùng, hiện cũng đã có thêm một vài DN khác đưa sản phẩm túi bao trái cây được SX tại phía Nam ra phân phối tại phía Bắc do dư địa thị trường phía Bắc còn rất mới mẻ.

Anh Tiến cho biết, các loại túi bao trái cây trên thị trường hiện rất đa dạng cho các loại quả như ổi, mít, xoài, bưởi… Đa số các loại túi này được SX bằng chất liệu vải không dệt, có loại mỏng một lớp và loại dày 2 lớp. Đặc trưng của chất liệu vải không dệt là mềm nhẹ, không thấm nước nhưng vẫn đảm bảo thoát khí để trái cây có thể quang hợp. Ngoài tác dụng ngăn sâu bệnh, hạn chế nắng nóng và mưa, túi bọc còn giúp quả có mẫu mã đồng đều, tăng chất lượng bên trong và thời gian bảo quản do không bị tác động của yếu tố tự nhiên, đồng thời kiểm soát 100% không bị nhiễm thuốc BVTV.

Về màu sắc, đa số các loại túi đều có màu trắng để giảm hấp thụ nhiệt, giúp trái cây không bị cháy nám vào mùa hè. Để bớt công bao trái, các Cty SX túi bao trái hiện đã có kèm theo gậy bao trái, chỉ cần đứng dưới đất cũng có thể dễ dàng bao trái ở trên cao, không cần phải leo trèo.

“Hiện túi bao trái bưởi có giá khoảng 1.000 đ/túi, có thể dùng được trong 2 năm. Với mỗi cây bưởi khoảng 40 - 50 quả, chi phí để mua túi bao trái chỉ khoảng 40 - 50 nghìn đồng, ngang với giá 1 trái bưởi nên nông dân không tốn nhiều chi phí. Mỗi cây bưởi chỉ mất khoảng 15 - 20 phút để thực hiện bao trái nên cũng không mất nhiều thời gian công sức, nhưng lại đem lại hiệu quả rất tốt. Thời gian tới, biện pháp này chắc chắn sẽ được nông dân tiếp tục áp dụng rộng rãi hơn nữa”, anh Tiến phân tích.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm