| Hotline: 0983.970.780

Nông dân “xé rào” xuống giống

Thứ Hai 08/07/2013 , 10:35 (GMT+7)

Bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng, nhiều nông dân ĐBSCL vẫn “xé rào” xuống giống lúa thu đông trước lịch thời vụ cả tháng.

Bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng về tình hình dịch bệnh và nguy cơ mất mùa nếu nước lũ đổ về sớm, nhiều nông dân ĐBSCL vẫn “xé rào” xuống giống lúa thu đông (TĐ) trước lịch thời vụ cả tháng; thậm chí những nơi ngoài vùng quy hoạch, không đủ điều kiện SX vẫn đua nhau gieo sạ.

Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích xuống giống lúa TĐ sớm nhất trong khu vực ĐBSCL, một số nơi nông dân đã tự phát xuống giống ngoài vùng quy hoạch. Theo báo cáo nhanh của ngành nông nghiệp Đồng Tháp, năm nay diện tích xuống giống ngoài vùng quy hoạch tăng cao hơn các năm trước.

Theo quy hoạch, vụ lúa TĐ năm nay toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ xuống giống khoảng 120.000 ha nằm trong các ô bao an toàn, trong khi đó tính đến ngày 4/7 con số diện tích đã tăng lên 140.000 ha. Số vùng xuống giống ngoài đê bao tập trung tại các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và Lai Vung…

Trong khi đó, huyện Tân Hồng và Hồng Ngự là những địa phương chịu ảnh hưởng nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất sớm, nguy cơ mất mùa rất cao. Còn các huyện ở hạ nguồn như Lai Vung tuy không bị trực tiếp lũ nhưng xuống giống sớm hơn khung thời vụ, gây khó khăn trong vấn đề kiểm soát tình hình dịch bệnh, rầy nâu và bệnh VL – LXL.

Ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết: “Đến nay nông dân trong huyện đã xuống giống vụ thu TĐ được 10.919 ha, vượt 30% so với diện tích được quy hoạch. Trong số này có hơn 3.000 ha xuống giống ngoài lịch khuyến cáo”.

Theo ông Hậu, việc tiêu thụ lúa hiện đang gặp nhiều khó khăn, giá lúa giảm mạnh, nông dân không có lời, nhưng thực tế diện tích xuống giống lúa TĐ lại tăng, cho thấy nông dân rất tích cực trong sản xuất, muốn tận dụng hết khả năng của đất, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn.

Các ngành chức năng đã khuyến cáo nông dân không nên SX lúa TĐ quá nhiều, vì khả năng tiêu thụ sẽ tiếp tục còn gặp khó khăn, từ đó hiệu quả không cao, thậm chí bị lỗ; những diện tích xuống giống ngoài quy hoạch còn có nguy cơ thiệt hại do nước lũ và dịch hại.

Chúng tôi có mặt tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự là nơi đầu nguồn hàng năm chịu ảnh hưởng của lũ đỗ về làm ảnh hưởng nhà cửa và hoa màu của bà con nông dân rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết: “Toàn xã có gần 2.000 ha đất trồng lúa, vụ TĐ năm nay xã chỉ chủ trương SX lúa với diện tích 110 ha trong khu đê bao, số diện tích còn lại không được làm. Tuy đã có thông báo nhiều lần đến bà con nông dân, thế nhưng bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành chức năng, hơn 350 ha ngoài vùng đê bao, không đảm bảo an toàn đã được nông dân xuống giống”.


Nông dân “xé rào” xuống giống trước khung thời vụ khuyến cáo

Theo kế hoạch năm nay, huyện Hồng Ngự chỉ chủ trương SX lúa TĐ trên diện tích 6.500 ha ở xã cù lao Long Phú Thuận và khu đê bao 2.600 ha ở hai xã Thường Thới Tiền, Thường Phước và một phần diện tích của xã Thường Phước 1. Đây là những diện tích có khu đê bao khép kín, đảm bảo an toàn khi nước lũ tràn về.

Theo chu kỳ lũ hằng năm thì chưa đầy 3 tháng nữa, lũ sẽ tràn đồng. Thế nhưng theo ghi nhận thực tế tại cánh đồng thuộc ấp 3, xã Thường Phước 1 đến đầu tháng 7/2013 đa phần số diện tích ở đây đã xuống giống hết, có nơi lúa mới xuống được vày ngày, như thế sẽ không kịp thời gian thu hoạch lúa khi nước lũ tràn về.

Ông Đỗ Văn Tươi, ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp “làm liều” xuống giống lúa trên diện tích gần 1ha, mặc dù đây là khu vực được khuyến cáo không làm lúa TĐ do không có hệ thống đê bao khép kín để bảo vệ lúa khi nước lũ tràn về.

Ông Tươi cho biết: “Vụ lúa HT vừa rồi tôi làm lúa sớm nên thấy còn nhiều thời gian lũ mới về, nếu bỏ vụ TĐ để đất trống thì tiếc quá. Nên nhắm mắt làm đại, nếu thắng thì có lúa bán tiêu xài, nếu gặp thiên tai coi như trắng tay.

Nông dân tụi tôi khổ lắm, gia đình có 6 người sống bằng nghề nông nếu không làm lúa thì làm cái gì bây giờ. Muốn chuyển lúa để làm thứ khác nhưhng cũng chẳng biết trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả, làm ra bán cho ai”.

Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự cho biết: “Ngay từ đầu huyện đã chủ trương kiên quyết không cho người dân xuống giống ngoài quy hoạch. Thế nhưng người dân vẫn làm, nên UBND huyện chỉ đạo các xã tiến hành lập biên bản từng hộ dân đã xuống giống, mọi thiệt hại về sau người dân phải tự chịu, nhà nước không hỗ trợ”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo thống kê sơ bộ tính đến thời điểm này toàn tỉnh có khoảng 20.000 ha SX lúa gieo sạ trước khung thời vụ và nằm ngoài vùng SX lúa TĐ theo quy hoạch. Nhiều hộ dân ở ngay khu vực đầu nguồn lũ, ruộng ngoài khu vực đê bao vẫn tự ý xuống giống, chấp nhận với canh bạc “may rủi”, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. 

Hàng trăm ha lúa TĐ nằm ngoài đê bao do nông dân tự phát xuống giống ở khu vực đầu nguồn lũ đã thật sự gây khó khăn cho địa phương trong công tác chống lũ bảo vệ sản xuất sắp đến. Những diện tích xuống giống ngoài quy hoạch chắc chắn sẽ gặp thiệt hại nếu nước lũ đổ về sớm. 

Tại Kiên Giang, diện tích quy hoạch lúa TĐ toàn tỉnh là 80.000 ha, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, một phần Tân Hiệp, Hòn Đất… Lịch thời vụ được ngành nông nghiệp khuyến cáo là trong tháng 7 (5-20/7) thế nhưng đến nay nhiều nơi nông dân đã xuống giống cả tháng.

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đến thời điểm này nông dân đã gieo sạ được 61.000 ha lúa TĐ, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành và Hòn Đất. Ngành khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch lúa HT phải tập trung làm đất, tăng cường bón các loại phân hữu cơ vi sinh nhằm cải tạo đất và để rơm rạ phân hủy hết, thời gian cách vụ tối thiểu phải từ 15-20 ngày để tránh ngộ độc hữu cơ.

Khuyến cáo là vậy nhưng nhiều nơi ngay sau khi vừa thu hoạch lúa HT xong nông dân đã cho máy vào xới, trục để làm tiếp vụ lúa TĐ. Hiện nay, tại ấp kênh 4B, xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang nhiều diện tích lúa TĐ đã được hơn 1 tháng, đang chuẩn bị làm đòng.

Ông Nguyễn Văn Tấn, một nông dân ở đây tâm sự: “Biết là làm liên tục lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ, làm tăng chi phí nhưng tranh thủ làm sớm vừa tránh được lũ vừa có lợi về giá khi thu hoạch. Kinh nghiệm của nông dân là bán lúa đầu vụ bao giờ cũng dễ hơn lúc đông ken. Hơn nữa, chung quanh họ làm, mình không làm cũng không được”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất