| Hotline: 0983.970.780

Nông gia mới là Nông thôn mới

Thứ Hai 21/02/2011 , 08:30 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Cao Đức Phát trong chuyến đi kiểm tra tình hình xây dựng NTM tại 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trong chuyến đi kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long trong 2 ngày (18 - 19/2) vừa qua.

Làm việc tại Trà Vinh, ngày 18/2, Bộ trưởng cùng thành viên trong đoàn đã đi thực tế kiểm tra vùng qui hoạch sản xuất tôm, lúa, màu của xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh. Ông Nguyễn Văn Bền, PCT UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh báo cáo: Sau 2 năm xây dựng xã nông thôn mới, đến nay Mỹ Long Nam đã đạt được 10/19 tiêu chí của chương trình NTM. Người dân đang hưởng lợi thiết thực từ chính mồ hôi và công sức của mình khi cùng nhà nước làm NTM. Hiện tại, cánh đồng Tây 800 ha của xã Mỹ Long Nam là vùng sản xuất tôm sú chuyên canh đạt giá trị sản xuất cao, đã có những gia đình thu nhập trên 1 tỷ đồng. 

Bộ Trưởng thăm cánh đồng tôm và kiểm tra lộ NTM xã Mỹ Long Nam, Cầu Ngang, Trà Vinh

Ông Lâm Thanh Bình, GĐ Sở NN – PTNT Trà Vinh cho biết: Nông dân trong xã Mỹ Long Nam bây giờ không còn cảnh đi tìm ngân hàng để vay tiền mà tìm để gửi tiền. Thống kê sơ bộ, số dư tiền gửi của bà con trong các ngân hàng thương mại hiện tại là trên 200 tỷ đồng. Nhà mới mọc lên san sát, nhà đẹp, nhà biệt thự ngày càng nhiều. Nếu như trước đây xã Mỹ Long Nam không có nhà tường kiên cố thì nay đã hơn 40% căn nhà của hộ dân đạt tiêu chí nông thôn mới. Thu nhập đầu người từ 16 triệu đồng/người/năm (năm 2009) nay đã tăng lên 20 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,6 lần so với bình quân thu nhập toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn cần Trung ương hỗ trợ. Nhất là khâu hỗ trợ dạy nghề để chuyển đổi lao động nông thôn; có chính sách hỗ trợ chi phí dồn điền đổi thửa để tập trung ruộng đất, thực hiện cơ giới hóa SX. 

Bộ Trưởng thăm vùng trồng đậu phộng xã Mỹ Long Nam, Cầu Ngang, Trà Vinh

Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao việc Trà Vinh đã xác định đúng hướng và ưu tiên chương trình NTM. Đặc biệt, để đẩy mạnh phát triển sản xuất, địa phương chọn tôm, lúa và màu làm chủ lực là đúng lợi thế của địa phương. Đây là điều mà các địa phương khác cần học hỏi phát huy mạnh hơn. Cái khó nhất mà các địa làm được là “thúc đẩy phát triển kinh tế nông hộ” và kế đến là chuyển dịch kinh tế. Mục tiêu của việc xây dựng NTM là phải giúp cho nông dân làm tăng thêm thu nhập, cuộc sống sung túc và hạnh phúc, nhà nhà đều mới là nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng NTM các địa phương không nên cứng nhắc mà cần lựa chọn lợi thế và tập trung vào phát triển kinh tế nông hộ. Còn về lâu dài thì địa phương cũng phải tính đến chuyện giải quyết việc làm tại chỗ. Các địa phương phải khởi động mạnh việc xây dựng cuộc sống ở khu dân cư gắn với NTM. Việc phát động thi đua giữa các hộ dân trong xóm ấp cũng là một cách để kích thích nông dân đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm thu nhập trong nông hộ. 

Bộ Trưởng thăm cánh đồng khoai lang của xã NTM Thành Đông, Bình Tân, Vĩnh Long

Chiều cùng ngày Bộ trưởng làm việc với UBND và các sở, ngành tỉnh Trà Vinh. Ông Lâm Thanh Bình, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2010 đạt gần 8 nghìn tỷ đồng, vượt 0,42%, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp chiếm gần 5 nghìn tỷ đồng, tăng trên 3,6%, thủy sản chiếm gần trên 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%. Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó 65% hộ được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Bộ Trưởng nhận định: Trong lĩnh vực cây trồng: lúa, ngô, mía, cây ăn trái…của Trà Vinh đang phát triển rất tốt vì vậy tỉnh cần có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất lúa gạo cùng với việc thâm canh tăng năng suất. Trà Vinh xem xét mở rộng diện tích lúa thu đông, giảm dần vụ lúa hè thu. Đối với cây ngô (bắp nếp, bắp lai) hiện đang cho giá trị cũng tương đương lúa, sản lượng cao, quy trình sản xuất ngày càng đơn giản, nhu cầu trong nước hiện vẫn còn rất lớn, tỉnh cũng cần có kế hoạch mở rộng diện tích ngô.  Về NTM, Bộ trưởng đề nghị trong năm 2011, tỉnh cần hoàn thành đề án quy hoạch tại từng xã đã chọn làm điểm NTM. Theo đó, từng địa phương phải xác định rõ thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, ví dụ như xã Mỹ Long Nam là: Tôm, nghêu, lúa, màu. 

Bộ Trưởng thăm cánh đồng trồng hành của huyện Bình Tân, Vĩnh Long

Làm việc tại Vĩnh Long ngày 19/2, Bộ trưởng đến thăm trại gà 36.000 con của bà Trần Thị Vân ở ấp Phú Hòa Yên, xã Song Phú, huyện Tam Bình, Vĩnh Long và kiểm tra việc triển khai thực hiện NTM tại xã Thành Đông, Bình Tân, Vĩnh Long. Tại cánh đồng khoai lang nằm trên xã điểm xây dựng NTM – xã Thành Đông, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Đông cho hay: Trong 19 tiêu chí thì Thành Đông mới đạt 6/19, nguyên nhân là do xuất phát điểm chỉ mới có 3 tiêu chí đạt. Tuy nhiên, kế hoạch trong năm 2011, xã sẽ cố gắng tập trung mọi nguồn lực để đạt thêm 6 tiêu chí, trong đó tiêu chí đẩy mạnh phát triển kinh tế và phát triển sản xuất được nâng lên hàng đầu. Vì trong thực tế thu nhập bình quân của xã còn rất thất so với tiêu chí- chỉ mới 15,2 triệu đồng/người/năm. 

Bộ Trưởng thăm trang trại gà của nông dân Vĩnh Long

Bộ trưởng Cao Đức Phát:

NTM là mọi người dân phải hòa mình trong chủ trương phát triển của đất nước. Chương trình NTM khác hẳn so với nông nghiệp – nông thôn trước đây là triển khai đến cấp xã. Theo đó, NTM là mọi người dân cùng làm và vì vậy, khâu tuyên tuyền vận động cuộc sống mới ở khu dân cư từ nay về sau phải gắn thêm NTM. Cái gốc cần tuyên truyền là phải giúp người dân trong mỗi hộ làm cho gia đình mình mới, nhà nhà xóm ấp mới. Tất cả cho cuộc sống nông hộ giàu hơn thì khi đó sẽ trở thành NTM.

Báo cáo với Bộ trưởng, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long  cho biết: Kế hoạch đến năm 2015, Vĩnh Long xây dựng 22 xã NTM trên 89 xã trong tỉnh. Hiện tại, đang thực hiện 2 xã điểm là: xã Trung Hiếu, (Vũng Liêm) đã đạt được 10/19 tiêu chí; xã Thành Đông (Bình Tân) thì mới đạt 6/19 tiêu chí. Sở dĩ tiến độ còn chậm là do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, hiện tại mỗi xã chỉ mới được đầu tư 10 tỷ/xã. Tuy nhiên, năm 2011 tỉnh chỉ đạo các địa phương phải hoàn thành việc công bố quy hoạch. Tăng cường khâu tuyên truyền để giúp người dân hiểu được quyền lợi của việc làm NTM. Theo đó, các địa phương cần xác định tiêu chí trọng điểm thực hiện để làm đầu tàu kéo các tiêu chí khác tiến lên.

Đánh giá về SX nông nghiệp của huyện Bình Tân,  Bộ trưởng đã rất phấn khởi khi địa phương này đã tìm được hướng đi riêng để giúp nhà nông làm giàu. Giá trị bình quân đạt 130 triệu đồng/ha/năm là rất cao so với mức bình quân cả nước (khoảng 30 triệu đồng/ha/năm). Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, địa phương cần dồn sức thêm cho chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản, dạy nghề nông thôn... Chăn nuôi thì phải tiến lên công nghiệp và phải kiểm soát tốt môi trường. Mặt khác, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục quan tâm đến khâu thị trường,  cần phải chú ý nhiều đến chất lượng sản phẩm. Cái gốc là phải sản xuất ra sản phẩm có chất lượng thì khi đó sẽ bán được giá cao từ 15 – 20%. Muốn vậy, nhà nông phải áp dụng quy trình sản xuất tốt.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm