| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp 6 tháng đầu năm: Tín hiệu sáng trở lại

Thứ Hai 30/06/2014 , 08:20 (GMT+7)

SX nông nghiệp đang ghi nhận những tín hiệu vui trở lại sau thời gian dài ảm đạm. Sáu tháng đầu năm 2014, SX nông nghiệp khá thuận lợi khi không có thiên tai, dịch bệnh, toàn ngành chỉ có mối lo lớn là tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của tình hình biển Đông, nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực của nước ta như lúa gạo, cao su, sắn và sản phẩm sắn... vốn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc tiếp tục đối mặt thách thức. Tuy nhiên trái với lo lắng, SX nông nghiệp nước ta thậm chí đã có nhiều tín hiệu cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2013.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ gia tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2014 đạt 2,96% (so với mức tăng 2,14% cùng kỳ năm 2013); giá trị SX nông, lâm, thủy sản (theo giá cố định năm 2010) tăng 3,4% (so với 2,4% cùng kỳ năm 2013). Trong đó, giá trị SX nông nghiệp tăng 2,5%, lâm nghiệp tăng 6% và thủy sản tăng 6%.

Mặc dù từ đầu tháng 5/2014, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Hoàng Sa vốn là ngư trường đánh bắt lớn truyền thống của ngư dân nước ta, đồng thời ban hành lệnh cấm đánh cá 2 lần từ đầu năm đến nay, tuy nhiên hoạt động khai thác đánh bắt hải sản vẫn tiếp tục diễn ra bình thường và tăng trưởng mạnh.

Giá lúa gạo sẽ ở mức khá trở lên

“Ngoài đơn hàng hơn 800 nghìn tấn XK sang Philippin, Tổng Cty lương thực Miền Nam (Vinafood II) đã ký được HĐ mới trên 200 nghìn tấn XK với sang Malaysia. Nhiều khách hàng trong khu vực châu Á cũng đang quay trở lại NK gạo Việt Nam.
Vì vậy từ nay đến cuối năm, giá lúa gạo khu vực ĐBSCL nhiều khả năng sẽ đạt mức giá khá trở lên. Hoạt động kinh doanh lượng thực của cả nước chắc chắn sẽ ổn định trở lại. Về phía Vinafood II, chúng tôi hi vọng sẽ cắt được lỗ trong thời gian tới.

Vinafood II cũng đang xúc tiến XK gạo với triển vọng rất sáng sủa sang các thị trường mới có giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản, Mexico... dù các nước này dựng hàng rào kỹ thuật rất nghiêm ngặt.
Trong khi đó các phòng kiểm nghiệm trong nước hiện không đáp ứng được yêu cầu, thường phải gửi mẫu sang Thái Lan, mỗi mẫu tốn kém tới 500 USD nên rất khó khăn cho DN. Thời gian tới, nếu Chính phủ, Bộ NN-PTNT đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu kiểm nghiệm chất lượng gạo thì chúng ta hoàn toàn mở rộng được thị trường XK gạo”.

(Ông Huỳnh Thế Năng – Tổng GĐ Vinafood II)

Sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 1,41 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khai thác biển đạt gần 1,33 triệu tấn, tăng 5,6%. Đối với nuôi trồng thủy sản, mặc dù dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn mọi năm, tuy nhiên tổng sản lượng nuôi trồng 6 tháng đầu năm vẫn đạt 1,45 triệu tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm tăng 26%...

Về trồng trọt, theo Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa ĐX cả nước đạt 20,8 triệu tấn, tăng hơn 800 nghìn tấn so với vụ ĐX 2013, trong đó các tỉnh phía Nam tăng trên 700 nghìn tấn.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trồng trọt tiếp tục tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo đó 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã chuyển đổi được trên 80 nghìn ha lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị hơn như ngô, mè, rau...

Đối với ngô - cây trồng có nhiều tiềm năng để thay thế lúa, nửa đầu năm 2014 đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể diện tích trên cả nước với mức tăng hơn 10% so với vụ ĐX năm 2013. Đối với các loại cây công nghiệp như điều, cà phê..., chương trình tái canh đang được rốt ráo thực hiện.

Sáu tháng đầu năm 2014, ngành chăn nuôi cũng đã ghi nhận tín hiệu đáng mừng trong nhiều năm qua, đó là tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt suốt từ cuối năm 2013 đến nay.

Theo Cục Chăn nuôi, giá các sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, thịt gà đã và đang có đà tăng trở lại một cách bền vững (giá thịt lợn hơi từ 45 – 55 nghìn đồng/kg, tăng từ 2-5 nghìn đồng/kg so với đầu năm), giúp nông dân có lãi ổn định.

Cục Thú y cho biết sau một thời gian dài kiểm soát tốt dịch bệnh trên cả nước, hiện Cục đang xúc tiến với nhiều đơn vị và địa phương tiến tới xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hướng tới mục tiêu XK sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới.

Về tình hình XK, hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực trong 4 tháng đầu năm có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên do trong tháng 5/2014, ảnh hưởng của những căng thẳng trên biển Đông, trao đổi nông sản giữa hai nước Việt – Trung có những biến động nhất định. Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công thương đã kịp thời có các chỉ đạo tháo gỡ, nhờ đó việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản như thủy sản, hoa quả, cao su... ổn định trở lại.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch XK toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 14,88 tỉ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,17 tỉ USD, tăng gần 7%; thủy sản tăng 28,6% và lâm sản tăng 12% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 4,5 tỉ USD.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Từ nay đến cuối năm, việc tái thiết, mạnh tay chấn chỉnh lại ngành lúa gạo, triển khai thực hiện chính sách cho ngư dân, mà trọng tâm là thực hiện chuỗi đánh bắt, chế biến ngành cá ngừ đại dương sẽ là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ rốt ráo chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện đàm phán, khơi thông và mở cửa các thị trường mới cho nông sản Việt Nam.

Đối với ngành cao su, đây là cơ hội để tái cơ cấu lại SX, chuyển từ XK thô sang chế biến, nếu cần, chúng ta có thể mời tư vấn quốc tế giúp đỡ. Ngành cao su không thể mãi XK được 1 triệu tấn cao su thô, để rồi phải đi NK hàng triệu tấn sản phẩm công nghiệp khác làm từ cao su.

Cũng về vấn đề cao su, qua báo cáo sơ bộ của các tỉnh cho biết đến thời điểm này, có khoảng 3.000 ha cao su đã bị nông dân chặt bỏ, trong đó chỉ có khoảng trên 500 ha thuộc thời kỳ kiến thiết cơ bản, còn lại đa số là cao su già cỗi, đến thời kỳ thanh lý trồng mới. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát lại tình hình, nắm bắt nguyên nhân để có các khuyến cáo, giải pháp giúp nông dân giữ lại các vườn cao su nếu cần thiết”.

Sản xuất cao su vẫn có lãi

“Lượng cao su của Tập đoàn CN Cao su Việt Nam XK sang Trung Quốc thường chỉ chiếm 25-30% nên việc biến động của thị trường cao su Trung Quốc là không quyết định tới khó khăn của Tập đoàn.

Hiện tại, các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc, mặc dù giá cao su khá thấp nhưng vẫn tiêu thụ rất tốt. Hiện lượng tồn kho toàn Tập đoàn chỉ có khoảng 40 nghìn tấn, tương đương mức tồn kho trung bình nhiều năm và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.

Về giá, mặc dù từ tuần lễ thứ 3 của tháng 6/2014, giá cao su có lúc chỉ còn 38 – 39 triệu đồng/tấn, xấp xỉ với giá thành, tuy nhiên hiện đã có tín hiệu tăng trở lại.

Tập đoàn CN Cao su Việt Nam cũng đã đặt ra kịch bản cho trường hợp giá cao su bán ra 42-43 triệu đồng/tấn, như vậy vẫn có lãi ít nhất 5 triệu đồng/tấn.

Trong năm nay, chúng tôi sẽ hạn chế tối đa đầu tư, đảm bảo lương cán bộ công nhân đạt 80-85% so với năm 2013 (5-5,5 triệu đồng/người trong toàn ngành). Đối với cao su vùng Đông và Tây Bắc, Tập đoàn sẽ rà soát lại, đảm bảo phát triển chậm nhưng chắc, thậm chí có thể không trồng mới trong năm nay và cả năm 2015... ”.

(Ông Lê Minh Châu – Phó TGĐ Tập đoàn CN Cao su Việt nam)

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm