| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp biến đổi gen: Hiện đại, tất yếu, cần chấp nhận

Thứ Năm 05/08/2010 , 09:15 (GMT+7)

GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, gợi ý cách giải bài toán dân số - lương thực này: “Sử dụng TPBĐG là tất yếu đối với loài người trong tương lai gần”. Bộ NN-PTNT cũng nhận định nhu cầu TPBĐG sẽ tăng nhanh chóng ở nước ta.

Thành quả của cách mạng sinh học

Với việc sử dụng công nghệ di truyền (genetic engineering techniques), kỹ thuật tái tổ hợp DNA, con người đã tạo ra nhiều gen mới cho vật nuôi, cây trồng trong nông nghiệp. Thực phẩm biến đổi gen (TPBĐG, genetically modified food, GMF) là những thức ăn có được từ những sinh vật được biến đổi gen (SVBĐG, genetically modified organisms, GMO) này. Các nhà khoa học đã chuyển gen để cho ra đời các vật nuôi, cây trồng có được tính năng vượt trội như năng suất cao, hàm lượng chất dinh dưỡng nhiều, khả năng chống sâu rầy khỏe.v.v…

Dân số thế giới hiện đã đến 6 tỷ người, dự đoán sẽ tăng lên từ 8 đến 10 tỷ vào giữa thế kỷ XXI, khi dân số gia tăng đòi hỏi phải có nguồn thực phẩm bổ sung tương ứng. GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, gợi ý cách giải bài toán dân số - lương thực này: “Sử dụng TPBĐG là tất yếu đối với loài người trong tương lai gần”. Bộ NN-PTNT cũng nhận định nhu cầu TPBĐG sẽ tăng nhanh chóng ở nước ta.

Trên thế giới, TPBĐG đã được đưa vào sử dụng từ thập niên 90 của thế kỷ XX. Đại diện cho các TPBĐG thời kỳ này là đậu nành, bắp ngô, cải dầu và dầu hạt bông. Còn những vật nuôi, thì mãi đến năm 2006, các nhà nghiên cứu mới thử gắn thêm gen của giun tròn vào lợn để chúng có khả năng tạo ra nhiều a-xít béo omega-3, họ cũng biến đổi gen để lợn có khả năng hấp thu hiệu quả chất phospho trong thực phẩm…

Danh sách TPBĐG ngày nay đã khá dài: đậu nành, bắp ngô, dầu hạt bông, rau alfalfa, đu đủ Hawai, cà chua, khoai tây, khoai sọ, cải dầu, mía, củ cải đường, lúa gạo, nhộng tằm…Diện tích nuôi trồng SVBĐG, kể từ năm 1997 đến nay đã tăng lên gấp 80 lần, từ 17.000 km2 đến 1.340.000 km2. Nông nghiệp biến đổi gen trước đây chủ yếu là ở Bắc Mỹ, những năm gần đây việc nuôi trồng SVBĐG phát triển nhanh chóng ở nhiều nước, đặc biệt là nước nghèo, đang phát triển như nước ta.

Theo thống kê năm 2009, tỷ lệ TPBĐG toàn thế giới tăng đến 95%, trong đó Mỹ (46%), Brasil (16%), Argentina (15%), Ấn độ (6%), Canada (6%), Trung Quốc (3%), Paraguay (2%) và Nam Phi (2%). Ngành sản xuất lương thực Châu Mỹ ước tính đến ba phần tư thực phẩm chế biến sẵn ở Hoa Kỳ có chứa thành phần TPBĐG. Trong nông vụ 2009/2010 ở Hoa Kỳ, 93% đậu nành, 93% bông, 86% bắp ngô và 95% củ cải đường là loại biến đổi gen.

Khoảng từ năm 2005 đến nay TPBĐG đã dần dần hiện diện trên thị trường cũng như trong bữa ăn người Việt. Nhiều nghiên cứu về SVBĐG cũng đã được tiến hành tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Sinh học nhiệt đới… Tuy còn chưa được áp dụng đại trà trên đồng ruộng, nhưng bước đầu trong phòng thí nghiệm, chúng ta cũng đã thành công trong việc chuyển các gen kháng thuốc diệt cỏ, gen kháng sâu, gen tăng tổng hợp provitamin A, v.v… vào một số cây kinh tế chủ lực như lúa, bắp cải, ngô, đu đủ, hoa…

An toàn sức khỏe và quản lý thực phẩm

Liên quan đến TPBĐG, có hai vấn đề “nóng” còn nhiều tranh cãi: một là vệ sinh, an toàn thực phẩm và hai là quản lý, bảo vệ người tiêu dùng.

* Về vấn đề an toàn thực phẩm:

Cho đến hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng và xác đáng nào cho thấy TPBĐG có hại cho sức khỏe con người và môi trường sinh sống. Đã có người tiêu dùng dị ứng TPBĐG, nhưng thật ra về y học, dị ứng thức ăn là do cơ địa từng cá nhân, có thể người dị ứng người không, hoàn toàn không phải là do thức ăn bị nhiễm độc. Một số nhà khoa học Nga, Pháp và Áo nghi ngờ rằng TPBĐG, cụ thể là đậu nành, có thể ảnh hưởng lên khả năng sinh sản của chuột lang thí nghiệm, nhưng chưa kết luận gì vì còn phải “theo dõi thêm”!!!

Xin ghi lại ý kiến của một số nhà khoa học có uy tín: GS.VS Vũ Tuyên Hoàng cho rằng: TPBĐG không đáng sợ như chúng ta tưởng. Trên thực tế, những ảnh hưởng của nó lên con người ở các nước sử dụng nhiều TPBĐG như Mỹ, Brasil, Argentina, Canada… chưa đáng kể. GS.Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam nhận định: Không nên coi TPBĐG là cái gì đó quá kinh khủng. PGS.TS Trần Linh Thước, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM cho biết: “Có thể thấy sự hiện diện của SVBĐG trong đậu nành, bắp… Nguồn đậu nành giá rẻ nhập từ Mỹ chắc chắn là TPBĐG. Tuy nhiên, không nên quá hoang mang, vì ở Mỹ, người ta vẫn sử dụng phổ biến TPBĐG. Riêng tôi, nên xem việc chuyển gen sẽ xúc tiến lai tạo nhanh hơn. Còn phân tích theo hướng rủi ro thì hầu như trên thực tế rất ít xảy ra, phải chứng minh trên cơ sở khoa học mới kết luận được".

* Về quản lý và bảo vệ người tiêu dùng:

Trên thế giới có các quan điểm về quản lý TPBĐG khác nhau:

- Các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) yêu cầu chặt chẽ: Thực phẩm có nguyên liệu biến đổi gien ≥ 0,9% bắt buộc phải có nhãn mác.

- Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc thì quy định dán nhãn khi nguyên liệu biến đổi gien ≥ 1 - 5%.

- Hoa Kỳ, Argentina, Canada, Malaysia, Philippine… không quy định dán nhãn mác. Tất cả TPBĐG được quản lý như thực phẩm thông thường.

Ở nước ta tuy TPBĐG mới xuất hiện gần đây, nhưng các nhà quản lý cũng đã có những quy trình kiểm soát nhất định:

- Quyết định 42 về việc ban hành “Quy chế về công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm”, trong đó quy định rõ TPBĐG phải có bản sao Giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm.

- Quyết định 212/2005/QĐ- TTg quy định TPBĐG lưu thông trên thị trường phải có nhãn ghi “Sản phẩm có sử dụng công nghệ biến đổi gen”.

Xu hướng tất yếu, cần tiếp nhận

Dân số thế giới tăng, đương nhiên nhu cầu lương thực phải tăng theo. Các nhà khoa học nông nghiệp hy vọng công nghệ tái tổ hợp DNA sẽ là một công cụ “mũi nhọn”, để tiến hành một “cuộc cách mạng xanh thứ 2”: tăng năng suất và cải tạo chất lượng cây trồng, vật nuôi nhằm giải quyết nạn đói (world hunger crisis). GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, khẳng định: “Sử dụng TPBĐG là tất yếu đối với loài người trong tương lai gần”. Chuyên viên kinh tế Paul Collier, ĐH Oxford ví von: “Biến đổi gen tương tự như điện hạt nhân: không ai thích nó cả, nhưng tình thế thay đổi nên con người buộc phải chấp nhận nó”, “Biến đổi gen giúp chúng ta có vụ thu hoạch nhanh hơn và chất lượng sinh học tốt hơn là dùng hóa chất nguy hại (chemical farming )”.

Những lợi ích thấy rõ của TPBĐG như năng suất tăng, khả năng chống sâu bệnh tốt (sẽ giảm dùng thuốc bảo vệ thực vật), chất dinh dưỡng nhiều v.v. ai cũng đã thấy. Còn một điều cần lưu ý là chính trong tự nhiên, cây cỏ cũng có quá trình tiến hóa, đột biến (mutation), lai tạo ngẫu nhiên… Từ quần thể vô vàn cây “hoang dại”, tổ tiên chúng ta đã chọn lọc, thuần hóa để có được những cây thực phẩm ăn được ngày nay. Cây lý gai vốn là một loại cây hoang không ăn được ở Trung Quốc, nhờ công nghệ biến đổi gen nó được chuyển thành cây Kiwi cho nước ép rất ngon. Hạt cải dầu (rapeseed, canola) được trồng khá lâu đời ở Ấn Độ, gần đây được chuyển đổi gen để loại bỏ a-xít erucic độc hại và khử mùi để cho loại dầu ăn mới rất thơm ngon…

Lai giống là việc làm quá lâu đời của nông gia. Biến đổi gen là cách “tạo giống” mới nhanh chóng hơn, tốt hơn của các nhà khoa học nông nghiệp hiện đại. Với những kiến thức, kinh nghiệm khoa học có cơ sở, thiết nghĩ việc ứng dụng công nghệ gen vào nông nghiệp là điều tất yếu, cần phấn khởi tiếp nhận và phát triển tích cực.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất