| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp cấm, y tế cho xài!

Thứ Tư 14/03/2012 , 10:09 (GMT+7)

Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến các đối tượng kinh doanh, sử dụng trái phép chất Salbutamol độc hại trong chăn nuôi có thể “lách luật”, biến nó thành thần dược giúp heo siêu nạc. Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc chính thức với Bộ Y tế để có chế tài siết chặt kẽ hở trên…

Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến các đối tượng kinh doanh, sử dụng trái phép chất Salbutamol độc hại trong chăn nuôi có thể “lách luật”, biến nó thành thần dược giúp heo siêu nạc. Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc chính thức với Bộ Y tế để có chế tài siết chặt kẽ hở trên…

BẮT, PHẠT, RỒI… THẢ!

Trao đổi với NNVN hôm qua 13/3, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện đang có một số trở ngại trong việc xử lý các đối tượng kinh doanh, sử dụng chất độc hại Salbutamol. Cụ thể, Bộ NN-PTNT cấm sử dụng chất này trong chăn nuôi, nhưng Bộ Y tế lại cho phép sử dụng trong việc hỗ trợ một số bệnh lý (đặc biệt là hen suyễn). “Chính vì thế, Công an tỉnh Đồng Nai đã không thể khởi tố 2 đối tượng Phạm Minh Phú (34 tuổi, ngụ ấp Gia Yên, xã Gia Tân, huyện Thống Nhất) và Nguyễn Thị Thùy Dung (28 tuổi, ngụ ấp Dốc Mơ 2, xã Gia Tân, huyện Thống Nhất) dù bắt quả tang đang vận chuyển 5 kg Salbutamol vào tháng 12/2011 (NNVN đã phản ánh). Họ chỉ cần nói rằng đang vận chuyển đi bán cho các cơ sở y tế, không bán cho người chăn nuôi nên công an cũng khó xử lý. Cuối cùng, 2 người này chỉ bị phạt 6,5 triệu đồng rồi được thả về để địa phương theo dõi, quản lý”. 

Cần có chế tài nghiêm ngặt với các loại chất cấm trong chăn nuôi heo

Liên quan đến 2 cửa hàng bán thuốc thú y Duy Hào và Gấu ở khu vực Trảng Bom, chuyên cung cấp loại thuốc “siêu tạo nạc” cho người nuôi heo ở khu vực huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom và Thống Nhất (Đồng Nai) vừa bị báo chí phanh phui, ông Dương cho biết cả hai cửa hàng này đã bị cơ quan chức năng đối chất và đã xác nhận vi phạm. Ông Dương cũng cho biết, bên QLTT tỉnh Đồng Nai cũng phát hiện thêm 2 công ty tại khu vực huyện Trảng Bom nghi kinh doanh chất cấm này. Trong đó, 1 công ty bị thu giữ 228kg chất kích thích đã được đóng thành gói có trọng lượng 1kg và 5kg dán nhãn mác là chất “Super Weight 2” và “Bcomplex-C”; và 1 công ty bị thu giữ 36kg chất kích thích được đóng gói thành phẩm với trọng lượng 1kg. Để có bằng chứng thuyết phục, QLTT đã gửi mẫu đi xét nghiệm và sẽ có kết quả trong vài ngày tới. Tuy nhiên, ông Dương băn khoăn cho rằng: “Hiện cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang củng cố hồ sơ để xử lý, nhưng có thể cũng chỉ phạt hành chính ở mức từ 10 đến 40 triệu trên một trường hợp vi phạm thôi”.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho biết, Bộ NN-PTNT đang cùng với các địa phương tiếp tục điều tra, phân tích để xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng sẽ họp với Bộ Y tế để thống nhất các biện pháp, tránh gây khó khăn trong công tác quản lý ngành chăn nuôi. “Chúng tôi tin qua vụ việc này, ngành y tế sẽ có chế tài thật chặt, chứ không thể để tình trạng vô tư vận chuyển, buôn bán khối lượng lớn chất độc hại Salbutamol mà cuối cùng không xử lý hình sự được” – ông Dương nói.

ĐỪNG ĐÁNH RẮN GIỮA KHÚC!

Theo tìm hiểu của NNVN, giá heo tại phía Nam (đặc biệt là tại Đồng Nai) hiện đang rất “căng” vì 2 lý do: Ngoài nguyên nhân Trung Quốc không nhập thịt heo Việt Nam, cái chính vẫn là do người tiêu dùng quay lưng với thịt heo và có dấu hiệu tẩy chay trước thông tin heo bị ăn chất cấm. 

Chắc chắn, người tiêu dùng sẽ ngoảnh mặt với thịt heo chứa chất kích thích độc hại

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Mẽ - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn (ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết: “Ngày 13/3, giá heo hơi tại công ty Phú Sơn chỉ bán được 46 triệu đồng/tấn, giảm 6 – 7 triệu đồng/tấn so cách đây vài tuần (trước khi có thông tin báo chí lên tiếng hàng loạt cửa hàng tại Trảng Bom kinh doanh chất “siêu tạo nạc”). Tình hình này đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty dù chúng tôi là một thương hiệu lớn, gần 30.000 con heo trong chuồng luôn đảm bảo nuôi theo quy trình sạch, an toàn”. Ông Mẽ cũng cho rằng, đây chính là cơ hội tốt để cơ quan chức năng vào cuộc, làm trong sạch môi trường chăn nuôi để bảo vệ người tiêu dùng. “Nhưng tôi sợ nhất là họ chỉ đánh rắn giữa khúc, không làm tới đầu tới đũa thì còn nguy hiểm hơn vì các đối tượng vi phạm sẽ nhờn pháp luật, đồng thời sẽ rút kinh nghiệm để hoạt động tinh vi hơn nữa. Cuối cùng thì chỉ có những người chăn nuôi đàng hoàng sẽ chịu lây tiếng xấu và thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế” – ông Mẽ lo lắng nói.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi:

Salbutamol là chất rất nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của hàng chục triệu người tiêu dùng nên Bộ Y tế phải có chế tài thật cụ thể. Đặc biệt là phải có quy định vận chuyển thật chặt chẽ để những đối tượng kinh doanh trái phép không lợi dụng được. Tôi khẳng định, không cần phải dùng đến bất cứ loại hóa chất kích thích tăng trưởng nào nhưng con heo vẫn nạc và ít mỡ. Chỉ cần người chăn nuôi biết lựa chọn con giống tốt và thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn, vệ sinh, người tiêu dùng ủng hộ thì sẽ đạt được hiệu quả thôi.

Còn ông Trần Quang Trung – chủ trại chăn nuôi heo (gần 2.000 con) tại ấp Phúc Nhạc 1, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, Đồng Nai bức xúc nói: “Tôi nuôi heo suốt hơn 20 năm nay nhưng chưa bao giờ lại chịu cảnh nội trong mấy ngày mà giá heo sụt giảm tới 10 triệu đồng/tấn. Cái này rõ ràng là do một số trại chăn nuôi hám lợi, dùng chất cấm gây hại rồi”. Vào tháng 2 vừa qua, tại hội nghị ngành chăn nuôi Đồng Nai nói không với chất cấm, ông Trung đã tham gia tẩy chay chất siêu tạo nạc. Nhưng ông cũng chẳng ngờ, chuyện một số cửa hàng và trại chăn nuôi xài chất cấm như cơm bữa bị phanh phui đã khiến tất tần tật các trang trại chăn nuôi heo Đồng Nai, từ tốt đến xấu, đều phải gánh chịu hậu quả. “Trước khi báo chí đưa thông tin này, rất may tôi đã bán được đàn heo 300 con với giá 50 triệu đồng/tấn. Từ đó đến nay, toàn bộ số heo còn lại vẫn phải giữ trong chuồng không bán được vì giá quá thấp, nhu cầu cũng sụt giảm. Hiện nhiều con đã cân nặng lên tới 1,2 – 1,3 tạ rồi mà chưa biết tính sao?” – ông Trung than thở.

Bình luận về chuyện giá heo sụt giảm mạnh, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định: Đây là bài học đau đớn và để lại hệ lụy lâu dài cho ngành chăn nuôi. Nếu người chăn nuôi không thay đổi thì thiệt hại sẽ còn tiếp diễn và ngày càng nặng nề. Bởi lẽ, mỗi năm nước ta tiêu dùng đến 47 triệu con heo tức chiếm tới 75% cơ cấu tiêu dùng thịt, chỉ cần người tiêu dùng “nói không” tức khắc có tác động rất lớn. “Đừng vì cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài, đặc biệt là gây hại cho sức khỏe của cả cộng đồng. Đây không còn là chuyện vi phạm luật pháp đơn thuần, mà còn vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức!” – ông Dương nói.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất