| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp ĐBSCL trước biến động nguồn nước

Thứ Ba 14/12/2010 , 09:40 (GMT+7)

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD) đã có những tác động rõ rệt tới ĐBSCL...

Lo nước hạ nguồn

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD) đã có những tác động rõ rệt tới ĐBSCL. Nếu như trong suốt 40-50 năm về trước, nước biển tuy vẫn dâng lên nhưng khá chậm và hầu như không có tác động gì mấy tới đời sống cư dân ven biển ĐBSCL, thì trong một vài năm trở lại đây, ảnh hưởng của NBD đã thấy rất rõ.

Kỷ lục và mức đỉnh triều cường trên sông Sài Gòn liên tục bị phá vỡ và đã lên tới 1,56 m trong năm nay. 3 thành phố lớn ở ĐBSCL đã thường xuyên bị ngập nặng do triều cường là Vĩnh Long, Cần Thơ và Cà Mau. Nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền, trong đó có những tỉnh như Bến Tre, Sóc Trăng…, có những thời điểm gần như bị nước mặn bao vây toàn bộ. Rồi bờ biển Tây ngày xưa vốn khá ổn định, giờ đây đã bị xói lở mạnh, nhất là đoạn từ Bảy Háp đến An Biên.

BĐKH đã khiến cho 7 năm qua, ĐBSCL liên tục bị hạn, trong đó, các năm 2004, 2008 và 2010, hạn kết hợp với kiệt làm cho tình hình thiếu nước càng thêm trầm trọng. Từ năm 2003 đến nay, lũ ở ĐBSCL liên tiếp ở mức dưới trung bình. Giông lốc xuất hiện ngày càng nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện tại, những yếu tố trên chưa gây ảnh hưởng nhiều tới sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, nhưng đó sẽ là những mối đe doạ về lâu dài, nhất là về khả năng cung cấp nước ngọt phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản khu vực này.

Những tác động của con người cũng đang và sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL trong những năm tới. Trước hết, đó là các phát triển công nghiệp, nông nghiệp ở thượng và trung lưu sông Mekong: Trung Quốc phát triển thuỷ điện, chuyển nước khỏi lưu vực, công nghiệp; Lào phát triển thuỷ điện, khai thác rừng, tăng cường lấy nước để tưới cho nông nghiệp; Thái Lan tăng cường nước tưới cho nông nghiệp, chuyển nước khỏi lưu vực, phát triển thuỷ điện và công nghiệp; Campuchia cũng tăng cường tưới cho nông nghiệp, xây dựng hệ thống đê bao, phát triển thuỷ điện, công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, can thiệp vào Biển Hồ.

Theo Ủy hội sông Mekong, đến nay, ở thượng lưu sông Mekong thuộc Trung Quốc, 6 hồ chứa đã trữ tới 21 tỷ m3 (4,6%). 40 hồ trên các dòng nhánh vùng hạ lưu đang trữ 22 tỷ m3 (4,7%). Đến năm 2030, trên các dòng nhánh hạ lưu sẽ có thêm 30 hồ, với lượng nước trữ thêm là 20 tỷ m3 (4,2%). Bên cạnh đó, ở dòng chính hạ lưu sẽ có 11 hồ trữ khoảng 2,5 tỷ m3 (0,5%). Như vậy, sau 20 năm nữa, tổng dung tích tất cả các hồ chứa ở lưu vực sông Mekong sẽ trữ 65,5 tỷ m3, chiếm 14% dòng chảy của sông.

Tổng nhu cầu sử dụng nước sông Mekong cũng đang và sẽ tăng rất nhanh. So với năm 2000, tổng nhu cầu sử dụng nước năm nay đã tăng 11%, đến năm 2030 sẽ tăng 50% và tăng lên 100% vào năm 2050. Việc gia tăng mạnh nhu cầu dùng nước sông Mekong chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, khi mà nhu cầu dùng nước ở khu vực này cũng tăng lên đáng kể. Năm 2009, tổng nhu cầu nước trong 5 tháng mùa khô ở ĐBSCL là 7,667 tỷ m3, đến năm 2020 sẽ tăng lên thành 9,62 tỷ m3 (tăng 25,5%) và tới năm 2030 là 9,98 tỷ m3 (tăng 30,1%).

 Theo TS Hoàng Quốc Tuấn (Phân viện Quy hoạch - Thiết kế Nông nghiệp Miền Nam), Campuchia có trên 2 triệu ha đất lúa, chỉ cần nước này làm thêm 1,5 vụ lúa, là nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ có vấn đề. Việc phát triển mạnh kinh tế ở thượng lưu cũng là tác nhân chính đang gây ra sự suy giảm chất lượng nước ở hạ lưu sông Mekong, khi lượng phù sa giảm từ 150 triệu tấn/năm xuống còn 90 triệu tấn/năm (giảm 40%) ...

Nếu như những tác động của con người như xây dựng công trình thuỷ điện đầu nguồn, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản... ở thượng và trung lưu sông Mekong, hầu như chỉ đem tới những mối lo ngại cho ĐBSCL, thì BĐKH và NBD, ngoài những nguy cơ đã được cảnh báo, cũng có những tác động tích cực tới sản xuất nông nghiệp ở khu vực này. Trong đó, tác động đáng kể nhất là làm cho mực nước ở vùng nước ngọt dâng cao lên.

Theo GS.TS Nguyễn Sinh Huy, khi mực nước ngọt dâng cao nhờ áp lực của NBD, sẽ là cơ hội tốt để đẩy nước ngọt từ sông Tiền sang hệ thống sông Vàm Cỏ, và từ sông Hậu sang sông Cái Lớn – Cái Bé. Vùng ven sông, cửa sông ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh..., sẽ tăng được khả năng tưới tự chảy thay cho dùng bơm điện như lâu nay. Khả năng chuyển nước vào khu vực nội đồng trên toàn ĐBSCL cũng dễ dàng hơn. Mực nước ngầm sẽ có cơ hội được gia tăng. Việc tiếp nhận nước mặn - lợ từ biển dễ dàng hơn cho nuôi trồng thuỷ sản. Khả năng tương tác sông - biển cũng sẽ được cải thiện, tạo điều kiện tốt hơn cho đa dạng sinh học vùng cửa sông. Bởi vậy, GS.TS Nguyễn Sinh Huy cho rằng BĐKH, NBD cũng là một cơ hội tốt để cải tạo ĐBSCL.

Theo các nhà khoa học thuỷ lợi, nếu giữ nguyên như hiện tại, đến năm 2050, hệ thống thuỷ lợi ĐBSCL sẽ không còn đủ khả năng bảo đảm sản xuất nông nghiệp ở quy mô hiện nay: các dự án ngăn mặn không đủ nước để sản xuất 2 vụ; 4/5 bán đảo Cà Mau (trừ Tây sông Hậu), toàn bộ các dự án Gò Công, Bảo Định, Bắc Bến Tre, Mỏ Cày, Nam Măng Thít, Tiếp Nhật..., bị mặn bao bọc và xâm nhập, các vùng ngập sâu (900.000 ha) không đủ thời gian trồng lúa 2 vụ...

Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá lớn, và chỉ cần nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi hiện nay, nhất là nâng cấp, hoàn chỉnh hệ thống đê biển, hoàn toàn có thể đảm bảo sản xuất nông nghiệp ổn định trong 100 năm tới. Tuy nhiên, những giải pháp công trình chỉ có tác dụng với phần nước mặt. Trong khi đó, khả năng nước mặn thẩm thấu vào lòng đất, gây giảm năng suất, chất lượng cây trồng là không nhỏ. Bên cạnh đó, về cục bộ, vẫn có những vùng chịu ảnh hưởng nặng của hạn, mặn ... Vì thế, những giải pháp phi công trình như giống, thời vụ, tiến bộ kỹ thuật, phương thức sản xuất..., cũng cần được đặc biệt chú trọng để giúp cho nông nghiệp ĐBSCL chủ động, tiếp tục phát triển trong điều kiện BĐKH, NBD và các tác động của con người ở thượng lưu sông Mekong.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm