| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp - điểm tựa của nền kinh tế

Chủ Nhật 01/01/2012 , 07:30 (GMT+7)

Nằm sâu trong khủng hoảng toàn diện của kinh tế thế giới, cũng chịu tác động không nhỏ những khó khăn chung của đất nước, nhưng nông nghiệp Việt Nam năm 2011 vẫn có những bước tiến vững chắc. Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây: Nông nghiệp đã đại thắng!

Nằm sâu trong khủng hoảng toàn diện của kinh tế thế giới, cũng chịu tác động không nhỏ những khó khăn chung của đất nước, nhưng nông nghiệp Việt Nam năm 2011 vẫn có những bước tiến vững chắc. Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây: Nông nghiệp đã đại thắng! Trong khi nền kinh tế nhập siêu thì nông nghiệp tạo ra nguồn ngoại tệ mạnh nhờ xuất siêu, tạo công ăn việc làm, góp phần đắc lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội.

Thắng lợi trong khó khăn

Nền kinh tế đã đi hết năm kế hoạch 2011 với nhiều khó khăn, thách thức. Bức tranh tổng thể của kinh tế Việt Nam năm qua nhìn chung là sự trầm lắng trong sản xuất công nghiệp, sự trì trệ của các hoạt động dịch vụ và kinh doanh. Đặc biệt, chủ trương cắt giảm đầu tư công trên diện rộng, cả từ nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ và DN nhà nước đã, đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế mũi nhọn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã không ngần ngại xác nhận rằng, mặt trái của chính sách tín dụng thắt chặt đã tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua và trong thời gian tới, sẽ có nhiều dự án, công trình bị đình hoãn, đồng thời không rót thêm vốn dự án mới. Thông tin mới nhất trong khối ngân hàng cho biết, đã có một vài ngân hàng, hoặc đang thực hiện giao dịch mua bán, sáp nhập, hoặc khó khăn trong thanh khoản. Đây là động thái “tái cơ cấu” khiên cưỡng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế, khu vực kinh tế nông nghiệp vẫn có những bước phát triển nhảy vọt ngoài cả tiên liệu của nhiều chuyên gia,  Nói như ý kiến của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nông nghiệp đã cứu cả đất nước một lần nữa!

Theo phân tích của ông Doanh, suốt 25 năm sau đổi mới, nền kinh tế nước ta đã 3 lần gần rơi vào khủng hoảng. Lần thứ nhất vào cuối năm 1988, chính sách khoán 10 đã khiến cho nông nghiệp đứng thẳng dậy, phát triển như vũ bão, làm chỗ dựa cho cả công nghiệp, dịch vụ vượt qua khó khăn. Lần thứ 2 là cuối những năm 1990, khu vực Đông Nam Á khủng hoảng, cả công nghiệp và dịch vụ đều suy thoái, nhưng nông nghiệp nước ta vẫn tăng trưởng rất tốt, những người bị “dội lại” từ công nghiệp lại về với nông nghiệp để kiếm sống.

Lần thứ 3 là năm 2008 đến nay chưa chấm dứt, khủng hoảng tài chính toàn cầu, cả công nghiệp và dịch vụ lại suy giảm mạnh, nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng cứu nền kinh tế. “Giả sử, nếu nông nghiệp mất mùa, thì dẫu chúng ta có thực hiện nhóm 8 giải pháp của Chính phủ tốt đến bao nhiêu, chỉ số giá cả cũng không thể giảm như thế được. Đó là công lớn của ngành nông nghiệp. Lần này, nông dân đã cứu đất nước 1 lần nữa”, ông Doanh phân tích.

Có lẽ ít năm nào, sản xuất nông nghiệp nước ta lại vượt qua nhiều khó khăn và đạt được thành công vượt trội như năm 2011, khi mà suốt trong năm qua, ngành nông nghiệp luôn đối mặt với hàng loạt khó khăn chồng chất, từ hạn hán, rét đậm ngay từ đầu năm, đến dịch bệnh chưa dứt và lũ lụt thiên tai hoành hành dữ dội tại miền Trung... Thế nhưng đến lúc này, những người làm nông nghiệp đã có thể thở phào nhẹ nhõm về những kết quả đạt được ngoài mong đợi.

Nổi trội nhất, theo Bộ NN-PTNT là thành tích sản xuất và XK gạo. Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, sản lượng lúa cả năm ước đạt 42 triệu tấn quy thóc, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra từ đầu năm và so với cùng kỳ năm 2010. Cũng từ sản lượng cao đó, XK gạo năm nay đạt 7,3 triệu tấn (năm 2010 là 6,8 triệu tấn), kim ngạch hơn 3,5 tỷ USD. Giá gạo XK năm nay cũng đạt mức cao, 505 USD/tấn, cao hơn 8,1% cùng kỳ. Đây là những con số ấn tượng, giúp Việt Nam vươn lên thành cường quốc XK gạo hàng đầu thế giới.

Cùng vui chung niềm vui với nông dân trồng lúa, công nhân ngành cao su và cà phê cũng hăng say lao động sản xuất và đạt những thành tích rực rỡ. Với riêng cà phê, tổng sản lượng XK cả năm ước đạt gần 1,2 triệu tấn, tương đương với thành tích XK của năm ngoái, nhưng giá trị tăng đến 1,5 lần, đạt gần 2,5 tỷ USD. Ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch HĐTV TCty Cà phê Việt Nam lý giải, do cà phê Việt Nam ngày càng tạo được thương hiệu trên thế giới, vì vậy, giá tăng so với năm ngoái hơn 50%, bình quân đạt 2.210 USD/tấn. Cao su, một trong những mặt hàng chủ lực của cây công nghiệp Việt Nam, cũng đạt kim ngạch 2,7 tỷ USD, tăng hơn 37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Đóng góp lớn vào thành tích XK của ngành nông nghiệp là các sản phẩm thủy sản với kim ngạch cả năm ước đạt gần 6 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản năm 2011 đạt gần 24 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ.

Để nông dân không bị tổn thương

Có thể nói, nông dân đã ghi công lớn vào thành tích ấn tượng kể trên. Về điều này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Vệt Nam, cho biết, Thái Lan đã và đang tìm hiểu lẫn thán phục nông dân Việt Nam về sự linh hoạt và dạn dày, có thể đứng vững trước những tình huống bất lợi của thị trường. Năng suất lúa Việt Nam ở mức cao nhất trong các nước ASEAN.

Báo chí Thái Lan từng viết, XK gạo tăng nhanh của Việt Nam chủ yếu là do khả năng cạnh tranh cao, nhờ chi phí thấp hơn, giá tương đối rẻ và chất lượng được cải thiện. Thái Lan khó có thể cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu gạo (trắng) bởi nhiều yếu tố như năng suất thấp hơn, chi phí sản xuất và giá cao hơn, tiếp thị lại rời rạc.

Trước đó, báo cáo của Đại học Haward, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Viện Chính sách và Chiến lược PTNT (IPSARD - Bộ NN-PTNT) đều nhận định, với 1.000 đồng kích cầu nông nghiệp sẽ kích thích sản xuất 1.622 đồng và 1% GDP = 1 triệu việc làm mới, là những con số cao nhất so với việc kích cầu vào những lĩnh vực khác. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho toàn xã hội mà còn góp phần hạn chế đà lạm phát, nhập siêu.

Tổng kim ngạch XK toàn ngành nông nghiệp năm 2011 đạt mức kỷ lục với hơn 23 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2010. Trong đó, XK các mặt hàng gạo ước đạt 3,5 tỷ USD, cà phê 2,5 tỷ USD, cao su 2,7 tỷ USD và thủy sản đạt gần 6 tỷ USD. Đặc biệt, XK lâm sản và đồ gỗ đạt gần 4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2010. Đã có 3 mặt hàng có kim ngạch XK trên 3 tỷ USD là thủy sản, đồ gỗ và gạo. XK hạt điều cũng có kim ngạch trên 1,4 tỉ USD.

Nhưng theo GS-TS Peter Timmer, chuyên gia cao cấp Trung tâm Hội nhập toàn cầu của Mỹ, bà con nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong một thị trường đầy biến động. Khi giá lúa gạo tăng cao, bà con hưởng lợi ít nên không thể trở nên giàu có nếu chỉ trồng lúa, bởi diện tích quá nhỏ so với bình quân trên đầu người. Nhưng một khi giá lúa gạo sụt giảm, bà con lại chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD, không ít lần nhắc lại, khi nền kinh tế gặp khó khăn, nếu những ngành khác bị vỡ kế hoạch ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế các nước, nhất là quốc gia lấy XK làm chính như Việt Nam, chính nông nghiệp góp phần ngăn chặn sự suy giảm tốc độ tăng trưởng XK. Nhưng cũng theo ông Sơn, những con số ấn tượng trên sẽ thật sự trọn vẹn hơn nếu Nhà nước có chính sách tạo ra sự cân bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi, hạn chế thấp nhất những “thương tích” cho nông dân, những người thường chịu thiệt thòi khi có biến động thị trường.

Trên thế giới, năm 2010 chứng kiến nhiều chuyển động trong chiến lược phát triển nông nghiệp hầu hết ở các nước XK nông sản mạnh, điển hình là Thái Lan và Mỹ. Chiến lược đầu tư phát triển nông nghiệp của các nước này đang hướng mạnh vào các chương trình phát triển bền vững, tiết kiệm và bảo tồn nguồn lực nội địa, giảm quy mô sản xuất nông nghiệp nội địa, dịch chuyển đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn sang các nước đang phát triển. Châu Phi đang là điểm đến đầu tư nông nghiệp khá sôi động của giới DN Mỹ.

Xu hướng nông nghiệp toàn cầu hóa cũng đã và đang mở ra cánh cửa mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, cũng đặt nông nghiệp Việt Nam trước những thách thức mới. Phát triển bền vững nông nghiệp sẽ là cơ sở để Việt Nam tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sụt lún nghiêm trọng tại kho một công ty lương thực thiệt hại 10 tỷ đồng

CẦN THƠ Vụ sụt lún xảy ra tại kho Bến Thủy của một công ty lương thực, ước tính thiệt hại 10 tỷ đồng, ngành chuyên môn đang tìm hiểu nguyên nhân.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm