| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp, ngành học nào cũng bị... chê!

Thứ Ba 09/11/2010 , 10:37 (GMT+7)

Nhiều trường Cao đẳng, Trung cấp nghề ở ĐBSCL đã phải xin điều chỉnh lại chỉ tiêu tuyển sinh do ngành học nào cũng bị... chê!

Nhiều học sinh vẫn thích chen chân vào các ngành học được cho là “cao sang” và chê các lớp có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp

Nhiều trường Cao đẳng, Trung cấp nghề ở ĐBSCL đã phải xin điều chỉnh lại chỉ tiêu tuyển sinh hoặc bỏ không mở lớp do số sinh viên đăng ký quá thấp, thậm chí có lớp chỉ được một vài em đến làm thủ tục nhập học. Hầu hết các lớp này đều liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Trương Thị Trúc Loan, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề Kiên Giang lắc đầu ngao ngán: Năm nay trường dự kiến tuyển sinh 140 sinh viên hệ cao đẳng và 800 sinh viên hệ trung cấp. Trong đó, hệ trung cấp có 12 ngành và dự kiến sẽ mở tổng cộng 25 lớp. Số lượng thí sinh đăng ký thì cao nhưng ngành thì nhiều, ngành lại rất ít. Điều này đã gây khó khăn cho việc mở lớp.

Các ngành như Công nghệ ô tô, Điện Công nghiệp, Kế toán doanh nghiệp có số thí sinh đang ký rất đông, vượt xa so với chỉ tiêu. Ngược lại, ngành Nuôi trồng thủy sản, Chế biến và bảo quản thủy sản, Chăn nuôi gia súc gia cầm lại rất ít thí sinh theo học. Có lẽ do tâm lý thí sinh không thích những ngành có liên quan đến nông nghiệp.

Trong khi đó, Kiên Giang là tỉnh nông nghiệp, rất cần người có chuyên môn về lĩnh vực này. Tổng số học sinh, sinh viên đăng ký theo học so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường thì dư nhưng khổ nỗi lại mất cân bằng giữa các ngành nghề. Ngành thì tăng vọt so với chỉ tiêu, ngành thì quá ít không thể mở lớp. Sinh viên chê nghành nông nghiệp nên không chịu đăng ký theo học, trong khi tỉnh lại rất cần.

Tương tự, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang trong năm học này cũng đành phải gác lại hai lớp Nuôi trồng thủy sản (hệ Cao đẳng) và Chăn nuôi thú y (hệ Trung cấp). Ông Lâm Quốc Hòa, Phó phòng Đào tạo nhà trường cho biết, lớp Nuôi trồng thủy sản xét tuyển sinh khối B, chỉ tiêu 60 sinh viên nhưng đến giờ chót chỉ có 9 em đến làm thủ tục theo học. Còn lớp Chăn nuôi thú y, xét tuyển hai môn Toán và Sinh, chỉ tiêu cũng 60 học viên nhưng cuối cùng không tuyển sinh được em nào.

Vì vậy, nhà trường đành bỏ không mở hai lớp này theo như kế hoạch ban đầu. Nếu em nào có nguyện vọng theo học thì nhà trường sẽ bảo lưu kết quả, năm sau có lớp thì nhập học. Còn không thì cho thí sinh rút hồ sơ, làm thủ tục chuyển sang học ngành khác.

Thí sinh Trần Trung Hiếu ở TP Rạch Giá, Kiên Giang tâm sự: “Thấy nhiều bạn chê ngành thủy sản nên em đăng ký cho dễ đậu. Khi nhận được giấy báo trúng tuyển cả nhà ai cũng mừng. Không ngờ gần đến ngày nhập học nhà trường lại thông báo không mở được lớp do không đủ số lượng sinh viên theo học. Em quyết định rút hồ sơ chứ bảo lưu kết quả đến năm sau không biết có lớp học không. Mất không thời gian một năm chờ đợi thì uổng lắm”.

Ngay cả những trường có thế mạnh về đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp cũng rất khó tuyển sinh đủ số lượng theo chỉ tiêu đề ra. Ông Trương Minh Chuẩn, Giám đốc Phân hiệu ĐH Thủy sản Nha Trang tại Kiên Giang cho biết, năm nay số thí sinh nhà trường tuyển sinh được rất thấp so với chỉ tiêu. Riêng lớp Nuôi trồng thủy sản không thể mở vì không có thí sinh. Còn lớp Công nghệ chế biến thủy sản nhà trường cố gắng duy trì với số sinh viên khoảng 30 em, trong khi chỉ tiêu một lớp học là 70-80 sinh viên.

Nguyên nhân do số thí sinh đăng ký ít, nhiều em lại có điểm thi quá thấp nên không đủ điều kiện xét tuyển. Dù ít nhưng trường cũng cố gắng duy trì lớp vì đây là ngành truyền thống và là thế mạnh của trường. Không hiểu sao các em lại chê ngành thủy sản trong khi xã hội lại đang rất cần. “Ở ĐBSCL, ngoài cây lúa thì nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu là lĩnh vực rất được quan tâm. Nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn những năm tới sẽ rất thiếu lao động có tay nghề trong lĩnh vực này” – ông Chuẩn trăn trở.

Tình trạng sinh viên chê các ngành liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp đang diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các địa phương. Điều nay đang gây khó khăn cho các nhà trường trong việc lập kế hoạch đào tạo, mở lớp. “Mặc dù trước khi bước vào mùa tuyển sinh, nhà trường đã tổ chức đi về các địa phương làm tư vấn tuyển sinh cho các em học sinh cuối cấp. Định hướng nghề, cũng như thông tin về nhu cầu của xã hội để các em có sự chuẩn bị chọn nghề cho tương lai. Thế nhưng, nhiều em vẫn thích chen chân vào các ngành được cho là “cao sang” và chê các lớp có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp” – bà Loan tâm sự.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất