| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp và nông dân trước biến đổi khí hậu

Thứ Sáu 29/04/2011 , 08:07 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu với các biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, chủ yếu là do các hoạt động kinh tế - xã hội của con người gây phát thải quá mức vào khí quyển các khí gây hiệu ứng nhà kính.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) với các biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng (NBD), chủ yếu là do các hoạt động kinh tế - xã hội của con người gây phát thải quá mức vào khí quyển các khí gây hiệu ứng nhà kính.

Nồng độ CO2 trong tầng khí quyển có thể tăng lên đến 540-970 ppm (phần triệu) vào năm 2100 so với khoảng 370 ppm vào năm 2000. BĐKH được cho là hệ quả của sự tiếp tục và gia tăng phát thải các sản phẩm từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, sự thay đổi trong sử dụng đất (phá rừng, biện pháp canh tác nông nghiệp) và những yếu tố khác (thí dụ như sự biến động của bức xạ mặt trời). Tính toán gần đây cho thấy có nhiều kịch bản có thể xảy ra nếu như không có những chính sách mạnh mẽ, hữu hiệu toàn cầu và sẽ dẫn đến sự biến đổi lớn về khí hậu với nhiệt độ trung bình của không khí trên mặt đất dự kiến gia tăng từ 1,4 đến 6,4oC vào năm 2100 so với mốc năm 1990.

Niềm vui được mùa

Ảnh hưởng đến nông nghiệp

Theo số liệu quan trắc mực nước biển trong thời kỳ 1961-2003 cho thấy tốc độ tăng của mực nước biển trung bình toàn cầu khoảng 1,8 mm/năm, trong đó đóng góp do giãn nở nhiệt là 0,42 mm/năm và tan băng khoảng 0,70 mm/năm. Nhiệt độ ấm lên trong khí quyển sẽ kích thích bốc hơi nước trên bề mặt nước, giãn nở thể tích nước của đại dương, gia tăng ẩm độ không khí dẫn đến vũ lượng gia tăng, băng ở hai cực tan chảy và mực nước biển dâng cao.

Khác với vùng ôn đới, những loài cây trồng nhiệt đới hiện tại sẽ giảm năng suất tức thì khi nhiệt độ gia tăng vì hiện nay chúng đã được trồng trọt trong điều kiện gần đến giới hạn trên của sự chống chịu nhiệt độ cao. Hai vùng sẽ phải chịu đựng sự tác động tiêu cực rộng lớn của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp là châu Á và châu Phi.

Ở Việt Nam chúng ta chưa có nhiều số liệu khoa học như những nước khác nhưng có lẽ sẽ không khác biệt nhiều so với Ấn Độ và Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sản xuất lúa gạo tại châu Á có thể sẽ giảm 4% trong thế kỷ này. Ở Ấn Độ, nếu nhiệt độ không khí gia tăng 2oC, năng suất lúa sẽ giảm 0,75 tấn/ha và tại Trung Quốc năng suất lúa nước trời sẽ giảm từ 5 đến 12%. 40 quốc gia vùng cận Sahara ở châu Phi sẽ giảm sản lượng cây lương thực lấy hạt từ 10 đến 20% do BĐKH.

Biến động dị thường

Ở Việt Nam, kết quả phân tích trong thời gian qua cho thấy biến đổi của các yếu tố khí hậu và mực nước biển có những điểm đáng chú ý. Trong 50 năm qua (1958-2007) nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng lên khoảng 0,5 đến 0,7oC. Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè và nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc tăng nhanh hơn ở các vùng khí hậu phía Nam. Nhiệt độ trung bình năm của bốn thập niên gần đây (1961-2000) cao hơn trung bình năm của 3 thập niên trước đó (1931-1960). Xu thế biến đổi của lượng mưa trung bình/năm trong 9 thập niên vừa qua (1911-2000) không rõ rệt theo các thời kỳ và trong các vùng khác nhau, có giai đoạn tăng lên và có giai đoạn giảm xuống.

Lượng mưa/năm giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam. Tính trung bình trong cả nước, lượng mưa/năm trong 50 năm qua (1958-2007) giảm xuống khoảng 2%. Số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Việt Nam giảm đi rõ rệt trong hai thập niên qua. Tuy nhiên, các biểu hiện dị thường lại xuất hiện với tần suất cao hơn mà gần đây là đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày trong tháng 1 và tháng 2 năm 2008 ở Bắc bộ.

Những năm gần đây, bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn. Quỹ đạo bão có dấu hiệu dịch chuyển dần về phía Nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có đường đi dị thường hơn. Số ngày mưa phùn trung bình/năm ở Hà Nội giảm dần từ thập niên 1981-1990 và chỉ còn gần một nửa (15 ngày/năm) trong 10 năm gần đây. Về mực nước biển, số liệu quan trắc tại các trạm hải văn dọc ven biển Việt Nam cho thấy tốc độ dâng lên của mực nước biển trung bình là khoảng 3 mm/năm (giai đoạn 1993-2008), tương đương với tốc độ tăng trung bình trên thế giới. Trong 50 năm qua, mực nước biển tại trạm hải văn Hòn Dấu dâng lên khoảng 20 cm.

Kịch bản BĐKH thế kỷ 21

BĐKH trong thế kỷ 21 phụ thuộc chủ yếu vào mức độ phát thải khí nhà kính, tức là phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy các BĐKH cho Việt Nam được xây dựng dựa trên các kịch bản phát triển kinh tế xã hội toàn cầu. Con người đã phát thải quá mức khí nhà kính vào khí quyển từ các hoạt động khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, phá rừng. Do đó cơ sở để xác định các kịch bản phát thải khí nhà kính là: sự phát triển kinh tế ở qui mô toàn cầu, dân số thế giới và mức độ tiêu dùng, chuẩn mực cuộc sống và lối sống, tiêu thụ năng lượng và tài nguyên năng lượng, chuyển giao công nghệ, thay đổi sử dụng đất…

Hiện nay các nước trên thế giới chưa thống nhất được mức độ cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính dựa trên cơ sở một văn bản pháp lý mà tất cả các nước đều phải tuân thủ. Ở nước ta chọn kịch bản phát thải khí nhà kính ở mức trung bình để xây dựng kịch bản BĐKH. Căn cứ vào kịch bản này, tình trạng khí hậu của Việt Nam đến năm 2100 so với trung bình giai đoạn 1980-1999 sẽ có sự thay đổi.

Cụ thể nhiệt độ tăng 2 đến 3oC trên phần lớn diện tích cả nước. Riêng khu vực Đông bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên có nhiệt độ tăng nhanh hơn so với những nơi khác. Lượng mưa/năm tăng trên hầu khắp lãnh thổ. Mức tăng phổ biến từ 10-20%, riêng Tây Nguyên, Nam Trung bộ từ 5-10%. Lượng mưa mùa khô giảm (có nơi đến 30%) và lượng mưa mùa mưa tăng (có nơi từ 20-30%). Ở các khu vực khác nhau lại có thể xuất hiện những ngày mưa dị thường với lượng mưa gấp đôi so với kỷ lục hiện nay. Mực nước biển cao nhất ở vùng từ Cà Mau đến Kiên Giang (82 cm), thấp nhất ở vùng Móng Cái (64 cm). Trung bình toàn Việt Nam là 72,6 cm.

ĐBSCL chịu tác động

ĐBSCL là một vùng đất thấp và tiếp giáp với biển Đông thông qua rất nhiều cửa sông lớn. Đây là vùng sản xuất lương thực lúa gạo chủ yếu cho an ninh lương thực quốc gia và là nơi sinh cư của hơn 17 triệu dân. Vào mùa mưa với vũ lượng lớn, mực nước biển dâng cao, nước ở thượng nguồn sông Mekong đổ về nhiều sẽ gây ra lụt lội trên diện rộng. Mùa nắng, mực nước biển dâng cao, kết hợp với nguồn nước sông Mekong cạn kiệt do các đập chặn dòng trên thượng nguồn làm cho nước biển xâm nhập sâu hơn vào trong nội đồng. Đầu mùa mưa cần nhiều nước ngọt hơn và thời gian lâu hơn để rửa mặn.

Vũ lượng ít, mực thủy cấp thấp, nhiệt độ cao, nước bốc hơi nhanh, dẫn đến những vùng đất phèn được hình thành rộng hơn. Nguồn nước ngọt mùa nắng cạn kiệt sẽ giảm nguồn nước tưới cho trồng trọt và cho sinh hoạt của người dân, đặc biệt là ở vùng ven biển và bán đảo Cà Mau.

Cộng đồng nông dân trong vùng cần hành động với tinh thần là một khối thống nhất, theo một kế hoạch cụ thể chung và mang tính khả thi cao nhằm thể hiện năng lực nội sinh của chính mình. Có như vậy mới tiếp nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước và các nước phát triển, các tổ chức quốc tế một cách hiệu quả; đồng thời mở ra sự hợp tác mới với ngành công nghiệp và vận hành các hệ thống canh tác thích nghi mang tính chất bền vững như hệ thống lúa – thủy sản. Sử dụng các giống lúa chống chịu mặn, phèn, ngập, nóng. Để giảm thiểu tác hại, nông dân cần trồng cây gây rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn; tuyệt đối không phá rừng, không phá rừng để mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Hình thành ngành nông nghiệp dưới tán rừng. Trồng cây ăn trái và cây rừng dọc các bờ lộ, ven đê, bờ ruộng.

Rừng cây càng nhiều sẽ góp phần làm giảm lượng khí nhà kính CO2 trong khí quyển. Nông dân không đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Thiết kế và chế tạo máy bón phân chôn dưới sâu vào tầng khử, đặc biệt là phân đạm để hạn chế khí nhà kính N2O trong quá trình phản nitrate hóa. Máy này cần gọn nhẹ, bề rộng của bánh nhỏ để không phá hư cây lúa trong quá trình vận hành vào trong ruộng lúa. Tưới nước luân phiên giữa ướt và khô để giảm khí nhà kính methane phóng thích ra từ ruộng lúa ngập nước. Ở những vùng thiếu nước, dễ thoát thủy khi mưa, chuyển sang canh tác lúa hảo khí hoặc các cây trồng cạn, rau màu. Sản xuất và sử dụng phân từ các trang trại chăn nuôi để tạo năng lượng từ biogas.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất