| Hotline: 0983.970.780

Nông sản hữu cơ - đừng phát triển ồ ạt theo phong trào, lại rơi vào 'vết xe đổ' VietGAP

Thứ Tư 22/02/2017 , 08:56 (GMT+7)

Vài năm gần đây, trang trại, cửa hàng, thương hiệu sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ có sự phát triển vượt bậc về số lượng, là tín hiệu tốt cần khuyến khích, song hữu cơ tại Việt Nam cần quy chuẩn, tiêu chí, tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng. Nếu cơ quan quản lý không nhanh chóng có công cụ quản lý... rất dễ đi vào vết bánh xe của VietGAP.

Hữu cơ Việt Nam đang ở đâu?

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), từ 2015 trở về trước, rau hữu cơ không có cơ quan nhà nước nào quản lí cụ thể do chưa có quy định pháp lý. Nhưng mới đây, Bộ KH-CN đã ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ.

15-35-30_fb_img_1487126494064
Phong trào sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ đang phát triển nóng
 

Do đó, nhiệm vụ quản lý, giám sát, thanh, kiểm tra xử lý mặt hàng hữu cơ hiện dựa theo TCVN 11041:2015 của Bộ KH-CN và Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nói như vậy không có nghĩa Bộ NN-PTNT né tránh trách nhiệm trong quản lý, thực tế Bộ NN-PTNT có xây dựng dự thảo dự thảo TCVN: Sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm trồng trọt hữu cơ và chuyển hồ sơ sang Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lượng chất lượng (Bộ KH-CN) thẩm định, nhưng do Bộ KH-CN đã công bố TCVN số 11041:2015, nên việc ban hành thêm TCVN về hữu cơ là không cần thiết.

Trong một báo cáo tham luận tại hội thảo về rau hữu cơ, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN và môi trường (Bộ NN-PTNT) Phạm Đồng Quảng cho biết, do hữu cơ tại Việt Nam hiện là tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện nên ngoài TCVN số 11041:2015 do Bộ KH-CN ban hành, đang tồn tại song song một số hình thức sản xuất hữu cơ khác, là tiêu chuẩn của tổ chức phi Chính phủ hoặc của các nước khác đang hoạt động tại Việt Nam.

Cụ thể, hiện tại Việt Nam đang có các tổ chức chứng nhận hữu cơ như: Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ PGS - Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (Participatory Guarantee Systems - PGS) được Tổ chức IFOAM (International Federation of Organic Agriculture Movements), Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ) công nhận.

Tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA-NOP (US Department of Agriculture - National Organic Product); Tiêu chuẩn hữu cơ Liên minh châu Âu (EU Organic Farming - Ủy ban châu Âu - Europe Commission); Tiêu chuẩn IFOAM và Hiệp hội Nông sản hữu cơ Việt Nam.

15-35-30_fb_img_1468562116183
Ảnh: Nguyên Huân
 

Ngoài ra, một số ngành nông nghiệp địa phương, điển hình là Sở NN-PTNT Hà Nội cũng ban hành 10 quy trình sản xuất rau hữu cơ tạm thời do đòi hỏi cấp bách của thực tế nhằm hướng dẫn nông dân, HTX, doanh nghiệp áp dụng trong sản xuất hữu cơ. Nhưng nhìn chung, các quy trình hữu cơ tại Việt Nam đa phần các tiêu chuẩn, tiêu chí đều dịch từ tài liệu nước ngoài.

Mặc dù TCVN về hữu cơ do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) ban hành và có hiệu lực được một thời gian khá lâu, song nhiều địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước không hề hay biết đã có tiêu chuẩn này. Thực tế, hiện nay hầu như chưa có mô hình hữu cơ nào áp dụng theo TCVN 11041:2015 của Bộ KH-CN nên các cơ quan chức năng từ đó cũng không thể thanh, kiểm tra, xử lý.
 

Quản lý hữu cơ như thế nào?

Do mặt hàng nông sản hữu cơ đang rất “hot” nên thị trường, đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM xuất hiện nhan nhản các cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ. Tại Hà Nội, PV NNVN tiến hành khảo sát cơ sở cũng phải lên tới cả trăm cửa hàng và tất cả đều thuộc các tổ chức phi Chính phủ hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, còn các cơ quan quản lý nhà nước đều đứng ngoài cuộc.

15-35-30_fb_img_1482135091156
Ảnh: Nguyên Huân
 

Một lần nữa phải khẳng định xu hướng sản xuất hữu cơ là rất tốt và cần được khuyến khích. Hơn nữa, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đang làm hữu cơ thực sự với những tiêu chuẩn, tiêu chí vô cùng khắt khe, song cũng cần phải nhìn nhận thực tế nhiều đơn vị đang nhập nhèm, à uôm lợi dụng hữu cơ để thu lợi bất chính. Đơn cử như tại Hà Nội, với số lượng cửa hàng lên tới hàng trăm, chỉ cần nhân lên bình quân mỗi cửa hàng 1 ngày tiêu thụ khoảng 20kg hữu cơ, tổng lượng rau hữu cơ đã lên tới vài ba tấn, một con số không thể không đặt dấu hỏi.

Là một doanh nghiệp đang mặc kẹt giữa sản phẩm an toàn và sản phẩm hữu cơ, bà Vũ Thị Vân Phượng, Giám đốc VietRAP Investment ngậm ngùi cho biết, cả xã hội đang chạy theo hữu cơ cũng giống như phong trào làm VietGAP cách đây mấy năm. Nếu cơ quan quản lý không nhanh chóng có công cụ quản lý, giám sát kịp thời rất dễ đi vào vết bánh xe của VietGAP như ở thời điểm hiện tại.

Theo bà Vũ Thị Vân Phượng, tiêu chuẩn VietGAP, AseanGAP, GlobalGAP hay tiểu chuẩn hữu cơ về cơ bản đều rất tốt khi hướng đến nền sản xuất an toàn, hiệu quả, minh bạch hơn. Lỗi ở đây là do những người xây dựng quy trình chọn sai đối tượng để áp dụng triển khai.

Đơn cử như tiêu chuẩn VietGAP, thay vì hướng đến doanh nghiệp, nhà máy chế biến, đặc biệt là nông sản xuất khẩu thì lại chọn đối tượng là số đông nông dân hay HTX “bình mới rượu cũ”. Để rồi khi ồ ạt triển khai trên diện rộng không thành công lại quay sang xem nhẹ khiến những doanh nghiệp làm thật thiệt thòi rất lớn. Với VietRAP Investment, theo bà Phượng kể cả không có tiêu chuẩn VietGAP doanh nghiệp vẫn phải sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn đó mới truy xuất được nguồn gốc, mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

+ Theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp trên thế giới hiện nay, tiêu chuẩn hữu cơ hiện là quy trình thực hành xuất nông nghiệp cao cấp, khắt khe nhất. Ngay cả những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản… diện tích và sản lượng nông sản hữu cơ cũng chiếm tỉ trọng rất khiêm tốn. Do đó, rất nhiều người lo lắng việc phát triển hữu cơ ồ ạt và có phần dễ dãi như hiện nay rất dễ khiến mô hình này đi vào vết bánh xe đổ của VietGAP.

+ Do đó, quay trở lại phong trào phát triển hữu cơ hiện nay, Giám đốc VietRAP Investment Vũ Thị Vân Phượng cho rằng là xu thế tốt, nhưng quan điểm của bà là hữu cơ phải thực sự là hữu cơ đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chí, chỉ tiêu,… khắt khe chứ không nên khuyến khích các sản phẩm nông sản gắn mác hữu cơ nhưng mới chỉ đạt đến cấp độ sản xuất theo hướng hữu cơ.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

'Ghim' một đời, 'trọn' khoảnh khắc cùng DOJI

Cưới hỏi là trái ngọt của chặng đường tình yêu đôi lứa mà ở đó, nhẫn cưới là một tín vật thiêng liêng khiến khoảnh khắc sánh đôi trở nên trọn vẹn.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.