| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn đảo điên vì… “ông điện”

Thứ Tư 12/05/2010 , 07:15 (GMT+7)

Khác với ngành chăn nuôi, nếu mất điện còn khắc phục được bằng cách dùng máy phát điện thay thế, đối với các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các khu vực ở nông thôn, mất điện đồng nghĩa với việc ngừng sản xuất. Thiệt hại của mỗi hộ sản xuất lên đến cả chục triệu đồng mỗi ngày.

Làng nghề “chạy đâu cho thoát”

Bị cắt điện, sản phẩm gốm bị giảm đáng kể về chất lượng

Khác với ngành chăn nuôi, nếu mất điện còn khắc phục được bằng cách dùng máy phát điện thay thế, đối với các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các khu vực ở nông thôn, mất điện đồng nghĩa với việc ngừng sản xuất. Thiệt hại của mỗi hộ sản xuất lên đến cả chục triệu đồng mỗi ngày.

>> Chăn nuôi khốn khó

Cắt điện – cắt đường mưu sinh

Cơn mưa đầu hạ chưa dứt, ông Nguyễn Văn Tân, thôn Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã hối công nhân và người nhà ra “chạy” mẻ gốm mới ra lò. Suốt cả 2 tháng nay, ông đã trông chờ, hy vọng vào mẻ gốm này để thu hồi vốn và một phần có lãi, bởi lẽ, gần nửa số vốn của ông, hơn 200 triệu đồng, đã đổ vào đây. Nhưng quan trọng hơn, nghề gốm ở Thổ Hà đang trên đường phục hồi. Nếu thành công với công nghệ nung gốm bằng điện, cộng với chất men da lươn mà ông vừa chế tác, thì sản phẩm của làng nghề này sẽ có cơ hội trở lại thời hoàng kim, thời mà trên bến dưới thuyền, khắp các tỉnh đồng bằng bắc bộ, một số tỉnh miền núi, đều sử dụng gốm của Thổ Hà.

Nhưng, khi cửa lò gốm được mở, trái với những mong muốn của ông, các sản phẩm quách sành, lọ hoa, bình trang trí… đều trở thành thứ “quái thai”. Cái thì nứt vỡ, cái thì nửa chín nửa sống. Thậm chí, đa phần sản phẩn đều méo, dị dạng. Ông Tân chua xót nói: “Nung gốm 2-3 ngày thì đến 4 lần cắt điện. Thử hỏi, không hỏng gốm mới là chuyện lạ. Ngay từ lần cắt điện đầu tiên, tôi đã dự đoán thế nào cũng bị ảnh hưởng, nhưng vẫn phải tin rằng mình sẽ thành công. Tuy nhiên, như anh thấy đấy, vì mất điện, tôi thất bại hoàn toàn rồi”.

Vốn nhỏ, ông Tân tính đường nung gốm bằng điện, thay vì bằng than hoặc gas như trước đây để tiết kiệm chi phí. Theo tính toán của ông, mỗi một mẻ gốm đầu tư khoảng 200 triệu đồng, nếu “xuôi chèo mát mái”, sản phẩm chất lượng tốt, tiêu thụ hết, khi trừ mọi chi phí, gia đình ông có lãi khoảng 20-30 triệu đồng. Nhưng vì “mẻ gốm mất điện” này, ông Tân lại “lõm” vào vốn đến quá nửa. Khi mất điện, ông cũng có nghĩ đến phương án sử dụng máy phát điện để thay thế, nhưng ngặt vì tiền có hạn, giá máy phát công suất lớn đủ để chạy lò gốm quá cao, ông đành chấp nhận đứng “nhìn từng đồng tiền bỏ ta ra đi không bao giờ quay lại”…

Không riêng gì lò gốm của ông Tân, nhiều gia đình làm nghề sản xuất bánh đa, mỳ sợi tại xã Vân Hà cũng đang lao đao vì bị cắt điện. Đối với sản xuất mỳ sợi, một trong những nghề nuôi sống hàng trăm hộ của làng Vân, xã Vân Hà, thì việc bị cắt điện coi như cắt đường mưu sinh của họ, bởi lẽ, không có điện, một mẻ gạo xay ra chỉ trong 1 ngày sẽ bị ôi thiu, hoặc chua không thể sản xuất thành phẩm. Ông Nguyễn Đình Toàn, một trong những gia đình sản xuất mỳ sợi quy mô lớn của làng Vân than thở: “Điện cắt liên tục, chất lượng điện lại kém, nên việc chúng tôi phải đổ nguyên liệu đi, không thể sử dụng được, là chuyện thường tình. Vả lại, cũng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để sắm máy phát điện. Do đó, sản xuất để có lãi đã khó, sản xuất trong tình trạng điện đóm phập phù thế này, còn khó hơn vạn lần”.

Những người dân làm nghề ở đây cho biết, tính ra, trăm sự mưu sinh khó khăn, chung quy lại cũng chỉ tại “ông nhà đèn”.

Luyện thép cũng “treo lò”

Tại làng nghề sản xuất gỗ lớn nhất miền Bắc - Đồng Kỵ, TX Từ Sơn (Bắc Ninh), tình trạng mất điện đang diễn ra như cơm bữa. Ông Vũ Đức Vượng, chủ một cơ sở sản xuất gỗ xẻ lớn nói: “Bây giờ, đang là thời điểm cần giao hàng, nhưng cứ làm được mấy ngày lại mất điện 1 ngày, khiến chúng tôi rất khó khăn, nghề làm gỗ dùng rất nhiều điện, nên ngoài điện lưới không có máy phát điện nào đủ tải để cung cấp cho các khâu sản xuất từ xẻ gỗ đến bào, mài…”. Hiện ở Đồng Kỵ có đến vài nghìn hộ sản xuất, nên cứ mỗi ngày bị cắt điện, là cả làng nghề mất đến vài chục tỷ đồng do không sản xuất được.

Ngành chế biến thuỷ sản bị ảnh hưởng nặng

ĐBSCL là khu vực sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản lớn, vì thế tình trạng cắt điện luân phiên đã làm cho hoạt động sản xuất của nhiều DN bị ảnh hưởng nặng. Tại tỉnh Cà Mau, hiện có 39 DN chế biến thủy sản xuất khẩu đang lao đao với lịch cúp điện. Ông Hồ Văn Dòn - Phó Tổng GĐ Công ty Camimex Cà Mau, cho biết: “Máy phát điện dự phòng phải thường trực để đối phó với tình trạng mất điện có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Không biết lý do gì, mấy ngày nay điện lưới chập chờn. Trong khi kho lạnh cần giữ nhiệt độ từ 18-22oC nên phải chạy điện dự phòng để bù đắp điện năng thiếu hụt thường xuyên”.

Thảm hơn là làng nghề luyện thép Đa Hội, phường Châu Khê, TX Từ Sơn (Bắc Ninh). Mới chớm bước vào những ngày đầu hè, nhưng không khí ở đây đã trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nhưng cái nóng ở đây không phải do các lò thép đỏ lửa, mà nóng vì tình trạng mất điện diễn ra triền miên suốt từ gần 1 tháng nay. Gặp chúng tôi, anh Trần Văn Dũng, chủ một cơ sở sản xuất thép ở khu công nghiệp Mả Ông ngán ngẩm than: “Anh tính, cả mẻ thép gần 10 tấn của tôi đang phải vứt đống nằm kia, nếu không mất điện tôi đã sản xuất xong trong ngày hôm nay để giao cho khách hàng đúng hẹn. Mình là người đi mua hàng (điện), mà lại cứ bị bên bán (ngành điện) cắt suốt như thế này, không còn biết phải xoay xở thế nào nữa, đành chịu thiệt”.

Tình trạng mất điện ở Đa Hội giờ đã trở thành chuyện thường ngày, theo đó cứ khoảng 3-4 ngày, lại có một ngày bị cắt điện luân phiên với thời gian cắt liên tục tới cả 24 giờ. Anh Dũng cho biết, trung bình, mỗi ngày tôi luyện khoảng 6-10 tấn thép, khi mất điện buộc phải dừng hoạt động, mỗi ngày đi đứt cả chục triệu đồng. Tình cảnh của anh Dũng cũng là tình trạng chung của hơn 1.700 hộ chuyên làm nghề sản xuất thép ở Châu Khê, mỗi khi bị cắt điện là cả làng rơi vào tình trạng “treo lò”. Ông Nguyễn Văn Trường, một chủ sản xuất thép có công suất lớn nói: “Đặc thù của nghề sản xuất thép là lượng điện cần dùng rất lớn, nên phải phụ thuộc vào một nguồn điện duy nhất là điện lưới, máy phát điện chỉ đủ dùng cho sinh hoạt, còn sản xuất thì đành chịu”.

Với hơn 1.700 hộ làm nghề sản xuất thép, trung bình mỗi ngày cả phường Châu Khê ngốn tới trên 300.000kWh điện, do đó mỗi khi phụ tải rơi vào tình trạng quá tải, làng nghề này là đối tượng được “ưu tiên” cắt đầu tiên, đồng nghĩa với thiệt hại lên tới cả gần 20 tỷ đồng mỗi ngày. Ông Phan Văn Thinh - Chủ tịch UBND phường Châu Khê cho biết: “Chúng tôi cũng thông cảm với ngành điện, nhưng việc cắt điện nên được thực hiện luân phiên ngay trong 1 ngày, có thể cắt vào giờ cao điểm, còn giờ thấp điểm nên đóng điện lại cho dân sản xuất, chứ cắt liên tục như hiện nay là rất khó khăn”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất