| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn luẩn quẩn trong tình trạng làm ruộng thì 'thiếu', làm nghề thì chưa tới

Thứ Năm 16/02/2017 , 09:19 (GMT+7)

Tuy đã về hưu, “ở ẩn” tại quê nhà nhưng ông Phùng Quang Hùng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc dường như vẫn còn đau đáu với vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ông bảo rằng: Một tỉnh công nghiệp nổi tiếng cả nước biết như Vĩnh Phúc có khoảng 600.000 lao động nhưng tất cả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề mới thu hút được khoảng 100.000 lao động.

“Chân ngoài” dài hơn “chân trong”

Còn 50 vạn thì 10 vạn không nói tha phương cầu thực nhưng phải đi làm khắp các nơi, có khi vào tận TP Hồ Chí Minh làm một ngày 8 nghề, nghề cuối cùng lúc 11h đêm là tẩm quất, mát xa.

17-40-27_dsc_7187
Giữ xe lợn xuống dốc
 

Còn 40 vạn làm gì? Hỏi người ta bảo là không thất nghiệp. Tiêu chí thất nghiệp của đất nước mình không được thuyết phục cho lắm. Thời kháng chiến chống Mỹ 1 lao động 1ha gieo trồng, 2 đầu lợn nhưng giờ 3 lao động mới chung nhau 1ha vì làm gì còn ruộng nữa? Ngược lại trước đây 1 công lao động làm 1 sào thì nay chỉ làm 3 - 4 tiếng vì máy móc đã thay cho sức người. Một năm 3 vụ đáng lẽ mỗi vụ phải làm 3 tháng thì nay làm dưới 1 tháng, như vậy 9 tháng còn lại của năm người lao động làm gì? Đúng là vẫn có 1 sào ruộng, vẫn có công ăn việc làm đấy nhưng thực tế thất nghiệp phải đi làm lằng nhằng từ phu hồ, cắt tóc đến bốc vác...

Ông Hùng hình dung, mô hình sản xuất nông nghiệp thời gian tới gồm có ba loại: Thứ nhất là nông hộ nhưng tiến lên quy mô lớn 1, 2, 3ha từ đó liên kết thành các HTX chuyên canh có kinh nghiệm, có thương hiệu đàng hoàng. Thứ hai là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ ba là các doanh nghiệp cỡ lớn. Tuy nhiên muốn phát triển nông thôn phải giải được bài toán việc làm. Có việc làm mới thúc đẩy được quá trình chuyển nhượng, bán ruộng. Đào tạo nghề cho người cao tuổi là bài toán rất khó chưa ai lo liệu. Vấn đề này không phải tầm tỉnh nữa mà phải tầm chính phủ.

“Làm sao phải xuất khẩu được 10 triệu lao động sang nước ngoài thay vì 1 triệu như bây giờ. Có định hướng của nhà nước, có công nghiệp hóa, có nhiều nông dân chán ruộng sẽ càng thúc đẩy nhanh việc tích tụ đất. Hơn 20 năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, 1 ha nông nghiệp của tỉnh cho thu 120 triệu/năm nhưng 1 ha công nghiệp lại cho thu tới 38 tỉ. Tồn tại duy nhất của Vĩnh Phúc hiện nay là thừa lao động nhưng thiếu việc làm”.


Một chứng chỉ học nấu ăn hiếm hoi còn sót lại
 

Đó là tầm vĩ mô, còn ở cơ sở, ông Nguyễn Văn Vĩnh - Bí thư xã Hướng Đạo (Tam Dương, Vĩnh Phúc) thống kê trong số 10.500 khẩu của xã có khoảng 5.000 lao động trong đó nửa ra làm ngoài (công nhân, mộc, xây, buôn bán) nửa làm nông nghiệp. Sau khi đi vãn một nửa ra ngoài thì nửa còn lại làm thay công việc nông gia của họ nên diện tích bình quân đầu người tăng lên gấp đôi, từ 1 sào thành 2 sào, vẫn cứ manh mún.

Đất của Hướng Đạo toàn là bậc thang, khe lạch chia cắt nên doanh nghiệp không buồn vào lấy mà người dân cũng chẳng thiết tha với dồn điền đổi thửa. Nhà ít cũng phải 5 - 7 mảnh, nhà nhiều phải 15 - 17 mảnh, thậm chí hơn. Như nhà ông Bí thư có 6 sào nhưng chia thành 12 mảnh, có mảnh chỉ 2 thước (48m2), cày xong phải cuốc bốn góc trâu không thể xoay tới. Nhưng vẫn không ai chịu bỏ ruộng hay chuyển nhượng nên cả xã mới chỉ có khoảng 20 gia trại với quy mô rất nhỏ, nếu nuôi lợn thì trung bình 50 con, nếu nuôi gà thì trung bình 1.000 con, chấm hết.
 

Làm ruộng trong trạng thái chán nản

Ông Phạm Minh Trưởng - Trưởng thôn Cao Hảo thú thật bây giờ nông dân chỉ những người dạng trở đi vướng núi, trở lại vướng sông mới chấp nhận làm ruộng. Họ làm ruộng trong tâm trạng chán nản nhưng vẫn giữ với chút hi vọng đền bù sau này.

Về hàng hóa từ sản xuất nông nghiệp, đáng kể nhất ở thôn ông phải kể đến cây dưa chuột với diện tích khoảng 20 - 30 mẫu. Cứ 7 ngày 1 lần dân định kỳ phun thuốc BVTV để giữ nhưng nếu mắc bệnh như sương mai, vàng lá thì 3 - 4 ngày lại một lần phun. Ý thức của người dân ở đây đã hơn xưa nhưng vẫn khá kém.

Như anh Dương Văn Khiên hộ trồng 3 sào dưa khẳng định trước khi phun thuốc sẽ phải hái thật đau (hái cả quả già lẫn quả non) để rồi hai ngày sau mới dám hái tiếp. Nhưng cách này cũng chẳng lấy gì làm đảm bảo an toàn khi hầu hết các thuốc đều có thời gian cách ly khoảng 7 ngày.

Có tư duy sản xuất hàng hóa nhưng là để bán cho người tiêu dùng trên thành phố chứ hầu như người dân rất ngại ngần khi phải ăn dưa do chính mình trồng ra, nếu có ăn vẫn phải gọt vỏ thật kỹ. Chăm chỉ cật lực sau gần hai mươi năm xây dựng gia đình tổng tài sản từ con bò, đàn lợn, của nổi, của chìm anh chị Khiên được khoảng 50 triệu, thuộc vào dạng khá trong làng.

Vợ chồng Nguyễn Văn Thạo tiếng là nông dân nhưng chỉ có 1,3 sào mà vẫn cấy. Một vụ hơn 3 tháng họ chỉ mất chừng 10 ngày công cho các công đoạn từ cày bừa, cấy hái, chăm bón đến thu hoạch còn lại ngót 90 ngày là thất nghiệp, phải đi gánh gạch thuê hay làm chân “chỉ trỏ” cho cánh lái buôn lợn. Mỗi đàn lợn “chỉ trỏ” thành công được trả công 30.000 - 50.000 đồng. Thu nhập từ làm thuê chỉ đủ để đong thêm lượng thóc ăn còn thiếu mỗi năm và trang trải mức sinh hoạt tùng tiệm trong gia đình. Tổng tài sản của gia đình anh không quá 5 triệu đồng gồm cái tủ lạnh mới mua trị giá 3 triệu và 2 cái xe máy Tàu nát.
 

Chứng chỉ học nghề để trẻ… gấp máy bay

Lượng người dở thất nghiệp đang rất lớn ở nông thôn dù là cận các khu công nghiệp khổng lồ đi chăng nữa như ở Hướng Đạo. Nhu cầu đào tạo nghề trở nên rất bức thiết nhưng nhiều khi vẫn theo kiểu… trên giời. Bà Hoàng Thị Sợi, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ xã bảo mấy năm trước một Trung tâm dạy nghề có đến địa phương mở các lớp học tiếng Trung Quốc để đi giúp việc Đài Loan, lớp học về chăn nuôi và lớp học về nấu ăn.


Bắt lợn giống bán
 

Học tiếng, học chăn nuôi ít người ham nhưng học nấu ăn thì có tới hơn 1.000 người đăng ký - con số thật khổng lồ nếu xét trên phạm vi một xã có 5.000 lao động. 15 chi hội phụ nữ thì cả 15 hồ hởi tham gia, hồ hởi tuyên truyền. Trẻ học đã đành người luống tuổi cũng học. Nữ học đã đành nam giới cũng học. Nhà các chi hội trưởng phụ nữ lúc ấy ngày nào cũng đông nghịt người đến hết nằm rồi lại bò xoải ra như những cái rải khoai để viết hồ sơ học nấu ăn.

Mỗi khóa học tuy kéo dài 3 tháng nhưng thời gian thực học khá nhàn, tuần chỉ đôi buổi mà lại còn được tiền (nếu là hộ nghèo được 300.000 đồng). Bởi thế mà thôn 135 nghèo khó như Cao Hảo khi đó có trên 100 người đăng ký. Họ đi học không phải muốn có nghề mà chỉ mong có chút hỗ trợ nên có nhà đăng ký tới 3 người.

Ông Phạm Minh Trưởng - Trưởng thôn cho hay chuyện dạy nghề không hiệu quả có lỗi của cả hai phía, nhà nước xác định dạy nghề không trúng cái dân cần, người dân xác định không trúng mục đích học mà chỉ ngóng để lấy tiền hỗ trợ. Có nhà 4 người thì tới 2-3 người đăng ký, buổi đầu còn nghe cho có lệ còn những buổi sau cứ thay nhau mà điểm danh để lại tranh thủ đi gánh gạch thuê kiếm tiền.

Bản thân ông trưởng thôn cũng đăng ký học cho mình và vợ, cũng được cấp chứng chỉ đàng hoàng nhưng bây giờ không biết để đâu. Thế còn hơn, nhiều nhà mất cả chứng chỉ vì con cháu đem gấp… máy bay hay xé ra làm đồ hàng hết lượt.

Tới bây giờ, sổ tiết kiệm vẫn là một khái niệm xa xỉ ở nhiều vùng nông thôn. Ông Trưởng nhẩm tính cả cái thôn Cao Hảo với 242 hộ của mình số nhà có tiền để gửi tiết kiệm có khi không đếm đủ số ngón trên hai bàn tay. Điều đó chứng tỏ nghề nông bây giờ quá mạt hạng nhưng những nghề phụ khác thay thế cũng chẳng có nhiều điều khả quan.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.