| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn Mai Sơn khoác áo mới

Thứ Sáu 24/11/2017 , 14:55 (GMT+7)

Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Bộ mặt nông thôn Mai Sơn đổi mới. Cơ sở hạ tầng khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện.
 

Vượt lên khó khăn

Cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Sơn La, huyện Mai Sơn bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm khá thấp. Với đặc thù của một huyện miền núi, dân cư sống rải rác, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp... đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn.

14-15-44_ms1
Huyện Mai Sơn hiện có 2.700 ha cây ăn quả các loại

Thêm vào đó là một bộ phận cán bộ thôn bản, xã và người dân chưa hiểu  hết mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng NTM nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước...

Trước những bộn bề khó khăn đó, Đảng bộ huyện Mai Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ từng nút thắt. Với quyết tâm tạo sự chuyển biến trong tam nông, huyện xác định và coi xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. BCĐ xây dựng NTM từ huyện đến các xã; Ban phát triển các thôn, bản đươc thành lập. Thành viên BCĐ cấp huyện được phân công, phân nhiệm rõ ràng, phụ trách giúp các xã xây dựng lộ trình thực hiện các tiêu chí.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Mai Sơn, cho biết: Ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình, huyện Mai Sơn đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong xây dựng NTM. Quan điểm chỉ đạo của huyện là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm chứ không dàn trải; vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó, làm đâu được đấy.

Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, huyện lồng ghép các chương trình, dự án, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. “Cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc huy động nguồn lực đóng góp trong nhân dân. Lấy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân để làm “bàn đạp” thực hiện các tiêu chí khác”, ông Thắng nhấn mạnh.

Hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức hội thi “Phụ nữ Mai Sơn với công tác xây dựng NTM” đã thu hút nhiều đơn vị tham gia; tuyên truyền, vận động 23/23 cơ sở xây dựng và duy trì các mô hình sáng tạo, phù hợp như “Con đường phụ nữ tự quản”, “Ánh sáng thôn bản”... Phát huy vai trò xung kích của lực lượng đoàn viên, thanh niên, Huyện đoàn Mai Sơn đã phát động phong trào “Tuổi trẻ Mai Sơn chung sức xây dựng NTM”. Đoàn viên, thanh niên các xã tích cực xuống cơ sở, giúp dân đào hố rác, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, tư sửa đường liên thôn, liên bản, các công trình thuỷ lợi...
 

Nông thôn đổi mới

Về các xã, bản vùng sâu, vùng xa, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay từ diện mạo nông thôn cho đến nhận thức của người dân. Những con đường NTM được đổ bê tông bằng phẳng, chạy dài vào bản và vươn tới từng ngõ xóm, nhà dân. Đi về các thôn, bản chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt hớn hở, nụ cười tươi tắn của bà con nông dân về những mùa màng bội thu...

14-15-44_ms2
Nhiều người dân phát triển vườn ươm giống cây ăn quả các loại để cung cấp cho người dân

Ông Trần Đắc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã hiểu được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó tích cực tham gia. Đến nay, toàn huyện đã triển khai được hơn 230 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài hơn 160 km.

“Cái được lớn nhất trong xây dựng NTM ở Mai Sơn là sự đồng thuận của người dân. Bà con các dân tộc địa phương, ai cũng tích cực tham gia xây dựng NTM, tạo nên phong trào rộng khắp. Hàng nghìn hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa, sân thể thao... với cả chục nghìn mét vuông. Bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Hàng trăm tuyến đường nội bản, liên bản, đường nội đồng... được cứng hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương, phát triển kinh tế”, ông Trần Đắc Thắng phấn khởi, nói.

Cùng với đường giao thông nông thôn, hệ thống mương phai, thủy lợi, nhà văn hóa... cũng được huyện chú trọng xây dựng, tu sửa, nâng cấp mang lại diện mạo mới cho các xã, bản. Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền huyện Mai Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo các xã vận động bà con đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, chú trọng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm... Các xã vận động nông dân trồng cây ăn quả gắn với phát triển các HTX để liên kết theo chuỗi hang hóa...

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về đất đai, huyện Mai Sơn đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Mai Sơn là một trong những địa phương của Sơn La đi đầu trong chương trình ghép cải tạo nhãn. Toàn huyện đến thời điểm này đã trồng được hơn 2.000 ha cây ăn quả các loại như xoài, bơ, thanh long, nhãn...

Cà phê vốn được coi là thế mạnh của huyện, là cây “xóa đói giảm nghèo"  được huyện quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển. Mới đây, huyện Mai Sơn đã tổ chức công bố chỉ dẫn địa lí cho cây cà phê, tạo bước ngoặt cho cà phê Mai Sơn ngày càng phát triển... Nhờ đa dạng hóa các loại hình sản xuất, đời sống bà con các dân tộc được nâng lên so với trước. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng qua các năm. Nhân dân có điều kiện để đóng góp tiền của thực hiện các tiêu chí NTM...

Đến thời điểm này, huyện Mai Sơn đã có xã Chiềng Ban đạt chuẩn NTM, xã Mường Chanh đang hoàn tất các thủ tục để được công nhận NTM, 6 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí, 12 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí, toàn huyện đạt bình quân gần 10 tiêu chí/xã...

Tính đến tháng 9/2017, huyện Mai Sơn đã giải ngân tổng số vốn hơn 15.897 triệu đồng, trong đó vốn chương trình NTM là 3.239,2 triệu đồng (vốn sự nghiệp 198,6 triệu đồng, vốn đầu tư 3.040,6 triệu đồng); vốn lồng ghép chương trình 135 là 2.572 triệu đồng; kinh phí thực hiện Nghị quyết 115 của HĐND tỉnh 2.537,89 triệu đồng; vốn ngân sách huyện 7.548 triệu đồng...

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm