| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới là ưu tiên số 1

Thứ Sáu 27/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Sau 4 năm thực hiện xây dựng NTM, Bình Định đã có những bước đột phá ngoạn mục, PV NNVN đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, về vấn đề này.

10-35-08_h-q-du0169ng
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Trọng trách hàng đầu

Sau 4 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của Bình Định đã thay đổi như thế nào, thưa ông?

Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn; song nhờ cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở đều đồng lòng đặt công tác xây dựng NTM làm trọng trách hàng đầu, nên diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tươi sáng hẳn ra, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Đến nay, kết quả xây dựng NTM của Bình Định đã đạt được những thành tựu nổi bật.

Khi mới bắt đầu triển khai, bình quân cả tỉnh đạt 6,5 tiêu chí/xã. Đến nay đã có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí và công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2014; 20 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 55 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 37 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Số tiêu chí đạt bình quân/xã 11,4 tiêu chí, tăng 6,2 tiêu chí so với cuối năm 2010.

Đến cuối năm 2014, đường GTNT đã đạt 70,7% tổng chiều dài; nâng số xã đạt tiêu chí giao thông lên 48 xã. Kênh mương nội đồng được kiên cố đạt 42,3% tổng chiều dài cần kiên cố; nâng số xã đạt tiêu chí thủy lợi là 53 xã. Có 42 xã đạt tiêu chí trường học, 21 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 57 xã đạt tiêu chí y tế, có 78 xã đạt tiêu chí giáo dục, 77 xã đạt tiêu chí văn hóa, 31 xã đạt tiêu chí môi trường.

Về phát triển sản xuất (SX), nâng cao thu nhập, thời gian qua, Bình Định đã tập trung phát triển có hiệu quả các chuỗi SX ngành hàng chủ lực như: Liên kết khai thác, thu mua và xuất khẩu (XK) cá ngừ đại dương sang thị trường Nhật Bản; liên kết SX, tiêu thụ tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm trong nhà); SX, tiêu thụ lợn thịt tại xã Cát Hải (huyện Phù Cát) và tại nhiều vùng khác; SX, tiêu thụ giống lúa; SX bò thịt chất lượng cao; dự án chuỗi trồng rừng SX kinh doanh cây gỗ lớn; dự án chuỗi chăn nuôi nông hộ; chuỗi dự án chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả phục vụ cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó đẩy mạnh nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa, lạc... Đến cuối năm 2014, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt 23 triệu đồng.

Không huy động quá sức dân

Theo ông, vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xây dựng NTM ở Bình Định được phát huy như thế nào?

Trong xây dựng NTM, người dân được trực tiếp tham gia góp ý các nội dung về định hướng quy hoạch và đề án xây dựng NTM trên địa bàn.

Các nội dung thực hiện đều được Ban phát triển thôn đưa ra bàn bạc công khai, lấy ý kiến người dân, khi đã đạt được sự đồng thuận mới triển khai thực hiện. Do đó, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn đều phù hợp với ý nguyện của người dân. Việc huy động đóng góp được bàn bạc công khai, dân chủ và phải đạt được sự đồng tình cao.

Đặc biệt, việc đóng góp được thực hiện theo tinh thần tự nguyện và không huy động quá sức dân. Những hộ nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách đương nhiên không phải đóng góp. Người dân được trực tiếp tham gia thực hiện thi công, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả, chất lượng, hiệu quả của từng công trình.

Theo đánh giá của ông thì công tác tuyên truyền quan trọng như thế nào trong việc xây dựng NTM?

Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đi trước một bước trong quá trình thực hiện xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM; giúp cho các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân xác định được nhiệm vụ, vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong công cuộc xây dựng NTM.

gtnt143254821
Người dân tích thực tham gia làm đường GTNT

Từ đó tạo được sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị đến người dân trong quá trình triển khai. Công tác này đã tạo sự lan tỏa lớn, giúp huy động tổng hợp các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, con em quê hương trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp chung sức xây dựng NTM.

Ý thức về môi trường chưa cao

Trong xây dựng NTM, có những tiêu chí khó thực hiện ví như về môi trường, tăng mức thu nhập của người dân, vậy trong thời gian tới Bình Định sẽ có giải pháp nào để biến khó thành dễ?

Tiêu chí môi trường được xem là tiêu chí khó thực hiện trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM. Qua 4 năm thực hiện tại Bình Định, thực tế cho thấy nhận thức, ý thức của người dân trong việc tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường trên địa bàn chưa cao.

Chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức việc tổ chức thu gom rác thải để xử lý theo đúng quy định, đồng thời chỉ một số ít địa phương có bãi xử lý chất thải tập trung.

Đa số các xã chưa có các điểm thu gom, trung chuyển rác thải. Do đó người dân vứt rác bừa bãi, hoặc tự xử lý chưa đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường.

Cơ sở hạ tầng về môi trường như hệ thống thu gom, thoát nước thải, rác thải tại các khu dân cư tập trung, các điểm SX chưa được đầu tư xây dựng để đảm bảo thu gom và xử lý theo quy định.

Nghĩa địa tại khu vực nông thôn chưa được quy hoạch tập trung, hoặc đã có quy hoạch nhưng chưa được đầu tư xây dựng để thực hiện việc quy tập mồ mả và chôn cất, nhiều khu nghĩa địa còn nằm rải rác, xen lẫn trong các khu dân cư.

Để khắc phục, trong thời gian tới chúng tôi sẽ quyết liệt chỉ đạo các ban, ngành, hội đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ môi trường nông thôn.

Các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn phải tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên không vứt rác, xác chết súc vật xuống ao, hồ, kênh mương,… thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường như tổ chức thu gom, dọn dẹp vệ sinh tại các khu dân cư, nơi công cộng.

Chúng tôi sẽ quy hoạch và từng bước xây dựng các bãi xử lý chất thải tập trung, các điểm thu gom, trung chuyển rác thải tại các xã; một số xã có điều kiện thuận lợi hợp đồng với Cty vệ sinh môi trường sở tại để tổ chức thu gom rác thải.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân phương pháp tự thu gom, xử lý chất thải tại vườn nhà đảm bảo theo đúng quy định. Từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng để thu gom, xử lý rác thải các loại như: xây dựng các kênh thu gom, thoát nước thải tại các khu dân cư tập trung, khu SX, xây dựng các hố pi xi măng thu gom thuốc BVTV tại các cánh đồng…

Mỗi xã phải quy hoạch, xây dựng ít nhất 1 khu nghĩa địa tập trung để từng bước chuyển các khu nghĩa địa nhỏ lẻ trên địa bàn về nghĩa địa tập trung, tạo không gian, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển SX tại các xã xây dựng NTM cho phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, huyện và các quy hoạch chuyên ngành hiện nay; xây dựng đề án phát triển SX gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Về trồng trọt sẽ nhân rộng mô hình SX và tiêu thụ các loại giống lúa thuần trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang phát triển cây trồng cạn như lạc, ngô, ớt...

Ngành chăn nuôi sẽ đẩy mạnh phát triển bò thịt chất lượng cao, bò sinh sản tại các vùng trung du, miền núi và các địa phương có điều kiện phát triển chăn nuôi bò. Ngành thủy sản thì tập trung nhân rộng mô hình khai thác, bảo quản và tiêu thụ theo chuỗi theo công nghệ khai thác của Nhật Bản đối với cá ngừ dại dương.

Về lâm nghiệp sẽ phát triển trồng rừng SX kinh doanh cây gỗ lớn tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ XK, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.