| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn, nỗi lo tuổi già

Thứ Hai 08/01/2018 , 09:45 (GMT+7)

Theo thống kê, hơn 80% người già (từ 60 tuổi trở lên) ở nông thôn không có lương hưu, nghĩa là không có bất cứ thu nhập thường xuyên nào để đảm bảo cho cuộc sống, một khi đã không còn sức lao động nữa.

10-02-16_tuoi_gi_nh_minh_ho
Tuổi già (Ảnh có tính chất minh họa)

Những người sinh từ năm 1958 trở về trước ở nông thôn, ai cũng trải qua hai thời kỳ, đó là thời bao cấp và thời “mở cửa”. Thời bao cấp, tuyệt đại đa số là xã viên Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN). Thu nhập của xã viên chủ yếu là lương thực, được HTXNN chia cho mỗi vụ, theo số ngày công lao động của mình.

Đến tuổi 60, tuy không còn là “lao động chính (từ 16 tuổi đến 59 tuổi)” nữa, trở thành “lao động phụ (60 tuổi trở lên)”, nhưng vẫn được HTXNN giao công việc vừa sức và vẫn được chia hoặc bán thóc giá rẻ theo diện “điều hòa”, thường là bằng 2/3 số lương thực được chia của “lao động chính”. Mức chia đó tuy không đủ, phải sống rất dè sẻn, nhưng dù sao cũng vẫn là có cái ăn, dù là rau cháo.

Có thể nói, mức chia “điều hòa” thời đó chính là một thứ lương hưu cho những người già ở nông thôn. Thời mở cửa, HTXNN chuyển thành HTXDVNN, vai trò phân phối lương thực không còn nữa, nông dân được giao đất canh tác lâu dài.

Những người già cũng chỉ có từ 1 đến 1,5 sào đất canh tác, ngoài ra không còn bất cứ một thứ ưu tiên nào. Thu nhập càng ngày càng kém, lại thêm lúa má sâu bệnh, thiên tai... Do tuổi cao không thể làm được những công việc nặng, nên phải nào là thuê cày bừa, thuê cấy, thuê gặt... Trừ đầu trừ đuôi, nên 1 sào hay 1,5 sào đất canh tác có khi chỉ còn một vài trăm ngàn, làm sao sống nổi?

Lớp người sinh từ năm 1958 trở về trước, đa số đông con, vì hồi đó chưa có chính sách kế hoạch hóa gia đình. Bình quân mỗi cặp vợ chồng ở nông thôn có từ 5 đến 6 con. Sau một thời gian dài vật lộn, lao động cật lực, dựng vợ gả chồng cho từng ấy đứa con, lo cho mỗi đứa một cơ nghiệp xong, những đôi vợ chồng già lại trở thành trắng tay, như là ngày mới lấy nhau.

Chỉ có điều thời mới lấy nhau thì còn phơi phới tuổi xuân, ăn không biết no, làm không biết mệt. Còn bây giờ là chân chậm mắt mờ, ra ao khó như đi biển. Không chỉ thế, do thời trẻ lao lực nên khi cái già xồng xộc đến, không chỉ chân chậm mắt mờ, mà còn không biết bao nhiêu là thứ bệnh đi theo, tiền ăn có khi không nhiều bằng tiền thuốc.

Con cái thì nháo nhào bỏ quê tha hương đi khắp nơi làm thuê làm mướn kiếm sống, cũng chẳng có điều kiện chăm sóc, nuôi nấng. Cùng lắm là một tháng đôi lần chúng mang cho được con cá, bát canh, chứ nuôi nấng thì không thể. Vì vậy, với mỗi người dân quê, một khi bắt đầu nhận thấy dấu hiệu của tuổi già, thì cũng là lúc nỗi lo ập đến. Lo cái ăn, cái mặc, lo bệnh tật, lo phụ thuộc vào con cái...

Sau hơn 50 năm gắn bó, vào tuổi 70, vợ chồng hai cụ Thứ - Liên hàng xóm nhà tôi đành phải chia lìa, do không thể nào tự lo nổi cuộc sống. Cái nhà đang ở bán được 200 triệu, chia đều cho 2 đứa con, rồi mỗi cụ đến ở với một đứa. Gọi là nuôi bố, nuôi mẹ, nhưng hai cụ chẳng lúc nào ngơi tay, nào quét nhà quét sân, nào trông cháu... Thế mà vẫn mang tiếng ăn bám con.

Ông Nguyễn Đình Nhung ở xã Thụy Ninh (huyện Thái Thụy, Thái Bình) đã vào tuổi 78, nhưng hàng ngày vẫn phải lăn lưng với hai sào ruộng, hết cấy lúa đến trồng ngô. Vợ mất đã lâu. Mỗi sáng, ông đạp xe ra hàng bún lòng ở chợ, ăn một bát bún 5 ngàn cùng với vài chén rượu mang theo. Gặp tôi, ông bảo:

- Tôi phấn đấu hết sức cũng chỉ được mỗi ngày 15 ngàn. 5 ngàn ăn sáng, 10 ngàn mua nửa lít rượu chia làm 3 bữa. Không có rượu, tay chân nó run rẩy không làm nổi việc gì.

- Thế còn cơm nước, thì ông ăn bằng gì - Tôi hỏi.

- Thì lúa cấy ở ruộng đấy, đủ ăn rồi. Thức ăn thì hàng ngày kiếm con cua con ốc, vặt nắm rau ở bờ dậu, quanh quéo xong thôi, với lại con cái nó có cái gì ăn nó cũng mang cho. Con cá bằng hai đốt ngón tay là đủ bữa rồi.

- Thế chúng nó không đỡ đần ông tý nào à?

- Ôi dào, chúng nó lo thân nó còn không xong nữa là. Kể ra thì chúng nó cũng đỡ đần đấy. Thằng lớn hàng tháng đóng tiền điện cho, tháng thì hai chục, tháng thì ba chục. Tôi có dùng điện làm gì đâu. Mỗi tối chỉ thắp một cái bóng, vài tiếng là tắt để đi ngủ. Thằng thứ hai mỗi năm mua cho một cái thẻ bảo hiểm y tế. Hai đứa con gái, mỗi đứa một năm cũng cho được vài trăm, thì vẫn dắt lưng để dành đấy, phòng khi ốm nặng.

Còn không biết bao nhiêu là cảnh đời như vợ chồng cụ Thứ - Liên hay ông Nhung nữa, không thể thống kê hét trong một bài báo. Tuổi già, đó là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất ở nông thôn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm