| Hotline: 0983.970.780

Trở lại Quảng Phú

Thứ Ba 02/10/2012 , 10:19 (GMT+7)

PV NNVN đã trở lại tâm điểm nơi bị cô lập xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ghi nhận cuộc sống khó khăn trăm bề của người dân nơi đây sau lũ.

Sau trận lũ lịch sử đầu tháng 9 vừa qua, PV NNVN đã trở lại tâm điểm nơi bị cô lập xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ghi nhận cuộc sống khó khăn trăm bề của người dân khi cây trồng, vật nuôi, của cải đã trôi vào miệng “hà bá”.

>> Tương Dương bộn bề

Ruộng thành… phân xanh

Trở lại Thọ Xuân sau đợt “đại hồng thủy”, người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại cảnh nước lũ dâng cao trông thấy, chẳng mấy ai kịp mang theo vật dụng gì khi chạy lũ. Nhà nhanh chân lắm cũng chỉ dắt được con trâu, còn lại toàn bộ gia tài đều bị nhấn chìm trong biển nước.

Theo thống kê của huyện Thọ Xuân, ước tính tổng thiệt hại trong trận lũ vừa qua lên tới 250 tỷ đồng. Trong con số “khổng lồ” ấy thì xã Quảng Phú chiếm tới khoảng 121 tỷ đồng. Bao gồm diện tích lúa mất trắng 302 ha; mía 519 ha, ngô 99,5 ha, rau màu 149 ha. Bên cạnh đó, diện tích ao hồ ngập tràn là 120 ha; gia súc, gia cầm chết 15.000 con. Cả xã có 1.700 hộ thì chiếm tới 674 ngôi nhà bị ngập trong nước, nguyên nhân do vỡ đê xóm 1 Đá Lát 40 m; vỡ đê bao xã Quảng Phú tại 2 điểm: xóm 6 Hòn Nhãn 40 m; xóm 16 Đồng Quan 50 m.

Khi chúng tôi đến, nước lũ cơ bản đã rút. Nhưng đồng ruộng không còn một cây lúa đứng thẳng, thay vào đó trên thân, lá, hạt bám một lớp bùn màu vàng đặc quánh nằm rạp theo mực nước xuống dần. Chỗ nước cạn từng thảm lúa nằm dịn dưới bùn. Lá, thân ngâm mình dưới nước lâu ngày bốc lên một mùi hôi thối nồng nặc. Anh Lê Văn Thảo (xóm 13, xã Quảng Phú) cho biết, gia đình chủ yếu sống nhờ vào đồng ruộng. Nhà anh có 7 sào mía, 7 sào lúa, hàng năm chỉ dựa vào nấy ruộng cũng đủ nuôi con cái ăn học. Vậy mà sau trận lụt 1,4 mẫu ruộng nhà anh mất trắng chưa kể đến hơn 100 con gà (mỗi con nặng 1,5-2kg), hơn 40 con ngan, vịt bị nước lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại gần 60 triệu đồng.


Ruộng lúa bốc mùi hôi thối nhưng người dân vẫn phải đi mót từng bông lúa thối về

Chỉ tay về cánh đồng lúa nhà mình, anh Thảo ngậm ngùi: Nhà chẳng còn gì ăn nữa, tài sản trong gia đình cũng hết. Vợ anh, chị Lê Thị Hạnh đang lúi húi xuống ruộng đang bốc mùi thối hoắc mót lại từng cọng lúa với hi vọng gỡ gạc chút ít. Bên cạnh ruộng lúa là cả một bãi đất trồng mía rộng bạt ngàn, nước rút tới đâu lá biến “thành phân” tới đó. Thân cây rêu bám đầy, còn lại vài chiếc lá đang ngả màu úa vàng của bệnh thối nõn. “Vụ này coi như mất trắng. Chẳng trách được ai, chỉ là do ông trời không thương người dân thôi. Giờ gia đình tôi chỉ mong có cơm ăn từ đây đến tháng 5 năm sau là may lắm rồi. Cũng may vừa nộp hết tiền học cho các cháu, bây giờ nhà trường có thu thêm khoản nào nữa chắc cũng chịu”, chị Hạnh giãi bày.

Vừa dứt lời, chị Hạnh nói tiếp trong sự đồng cảm: “Nhà tôi còn trẻ có thể làm lại được, chứ nhiều nhà chỉ toàn người già, gia cảnh khó khăn tội lắm. Như nhà ông Nguyễn Văn Lực trong xóm, nhà 8 người con 4 người đã lập gia đình ở riêng, còn lại 4 đứa thì 1 đứa bị bại liệt nằm một chỗ, 2 đứa bị bệnh thần kinh ngớ ngớ ngẩn ngẩn. Duy nhất còn một thằng út không bị bệnh gì, nó vừa ra quân về. Trong trận lũ này chuyện nhà cửa một tay nó lo hết".

Cần sự hỗ trợ lâu dài

Rời nhà chị Hạnh, chúng tôi ghé thăm nhà ông Lực, vừa nhắc đến ông bà đã thẫn thờ, tiếc cho đống tài sản bị trôi sạch. Đứa con vừa bị bại liệt vừa bị thần kinh đang nằm trong một góc giường cười lên khanh khách, tiếng cười đến là xé lòng, thắt chặt từng khúc ruột vợ chồng ông. Hai đứa bệnh thần kinh trong đợt sơ tán lũ vội ôm theo được một con mèo con, giờ chúng còn có cái để âu yếm, nô đùa.

Ông bà thẫn người là phải. Khi tôi hỏi tài sản thiệt hại bao nhiêu? Ông Lực tính nhẩm sơ bộ: Nhà 1 mẫu mía, 7 sào lúa, 3 sào ngô, hơn 300 con gà, 70 con ngan, cả nhà hy vọng để dành đến tết bán sẽ được một cái tết tươm tất, vậy mà giờ trắng tay. Cái mà ông thấy đau nhất là 4 tấn lúa trong rương của vụ trước chưa kịp bán đã bị nước lũ phá bung, cuốn trôi. Cũng may hôm đó nhờ hàng xóm đến vét lại cho được một ít. Do bị nước, không có nắng phơi nên giờ số vét được cũng đã mọc mầm trắng xóa.


Lúa, đậu bị ngâm trong nước đã mọc mầm trắng người dân vẫn phải tận dụng để làm gạo ăn

Ông kể: Nếu các con tôi mà đi lại được như người bình thường thì chắc hẳn 4 tấn lúa đó sẽ di chuyển được. Khi nước lên, dẫn được các cháu lên cao đến khi quay lại nước đã ngập ngang nhà. Đồ đạc chỉ mang theo được mấy thứ đồ điện. Ông còn nhớ như in, lúc đó hàng xóm kêu la inh ỏi “cứu tôi với, cứu tôi với” nhưng có ai cứu được ai đâu, họ cũng phải lo chạy thoát thân cả.

Đang ngồi nói chuyện với chúng tôi, thằng con ông Lực từ đâu chạy về trên tay cầm vài con cá chết khoe với bố. Tôi hỏi, cá ở đâu mà nó bắt được như vậy? Ông đáp: Nó có bắt được đâu, đó là cá chết nó đi nhặt về đấy. Ruộng lúa bây giờ hôi thối lắm, như một hố phân vậy. Cá đồng không sống nổi nên nổi trắng. Bây giờ đỡ hơn rồi, hôm nước mới rút tôi và thằng con trai ra nhặt được cả chậu lớn, con nào mới chết thì nấu ăn luôn, con chết nổi lên rồi mổ bụng phơi khô làm thức ăn ăn dần.

“Từ ngày nước lũ rút đi, đàn ông, thanh niên trong xã đã rục rịch rời làng vào Nam, ra Bắc làm thuê kiếm sống. Có gia đình 4 người con thì 3 đứa vào Nam cùng lúc, họ đi vừa là kiếm tiền, vừa đỡ bớt gánh nặng cho gia đình trong lúc khó khăn này”, ông Lực cho biết.

Theo kế hoạch của huyện, vụ đông năm nay phải hoàn thành trước ngày 25/9. Tuy nhiên, hiện đã quá thời vụ mà cả xã chẳng mấy nhà làm nổi đất. Theo ông Lực, để khắc phục được toàn bộ diện tích hoa màu chết thối này phải mất cả tháng trời, chưa kể công làm đất, lại không có tiền mua giống má… Như nhà ông cất được vài yến đậu tương giống chuẩn bị cho vụ đông nhưng đã bị nước ngập làm cho thối nhũn.

Ông Lực nói, trời sẽ còn mưa tiếp, bây giờ chỉ cần một trận mưa nhỏ cũng đủ làm ngập úng ngay, nên có gieo giống mà nước lại ngập thì uổng công, mất trắng. Ông nói có lý, bởi sở dĩ Quảng Phú bị ngập như thế này là do vỡ đê. Sau lũ, các cơ quan chức năng chỉ mới gia cố, ai dám chắc rằng nước lên nó lại không vỡ nên người dân không muốn bị thiệt hại kép về tài sản, hoa màu.

Nói về chuyện sau lũ, ông Đỗ Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú ngao ngán: Tới đây dân Quảng Phú sẽ khó khăn và khổ đấy. Trước mắt chính quyền địa phương đã khắc phục được điện, nước sinh hoạt. Hiện xã cũng đã xây dựng cho người dân kế hoạch sản xuất vụ đông. Tuy nhiên, về lâu dài dân sẽ thiếu thốn đủ thứ vì tài sản mất hết. Mong rằng cấp trên hỗ trợ về đời sống cho người dân từ đây cho đến tháng 5/2013.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.