| Hotline: 0983.970.780

Lũ nhỏ, khó khăn lớn

Thứ Năm 04/10/2012 , 09:16 (GMT+7)

Vào những ngày này, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con sống nghề chài lưới than phiền vì lũ nhỏ.

Giữa mùa lũ mà nước ở các huyện đầu nguồn tỉnh An Giang, Đồng Tháp vẫn chưa về. Mực nước cao nhất nhất đo được ở các trạm thủy văn Tân Châu, Hồng Ngự, Tràm Chim, Trường Xuân so với cùng kỳ những năm trước hãy còn ở mức rất thấp, kém hơn mức trung bình đến 1-2m.

Lũ nhỏ ngoài dự đoán

Nhiều người dân sống trong “rốn” lũ cho biết: “Năm nào lũ về nhiều, nguồn thủy sản trở nên dồi dào, bà con tha hồ giăng lưới, cắm câu, đặt dớn, kéo vó. Còn năm nào lũ nhỏ như năm nay thì sản vật thiên nhiên giảm, cá tôm ít, bà con thất thu lớn.

Vào những ngày này, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con sống nghề chài lưới than phiền. Em Nguyễn Thanh Sang, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), sống bằng nghề đặt lọp cua cho biết: Mỗi năm lũ lớn với 200 cái lọp, đặt một ngày chạy được gần 50-60kg cua. Năm nay lũ nhỏ, em chỉ kiếm 5-10kg một ngày. Giá 1kg cua hiện tại bỏ cho người thu mua chỉ 8.000-10.000 đồng”. Còn anh Lê Văn Mướp, thương lái bán sản vật mùa lũ ở chợ Trường Xuân – Tháp Mười, nói: “Mấy năm lũ lớn, mỗi ngày tôi thu vô hàng chục kí rắn, hàng trăm kí lươn; rồi rùa, cua, ốc dồi dào từ bên nước bạn Campuchia chở qua. Năm nay, các mặt hàng đó giảm đáng kể từ 4-5 lần so với năm ngoái”.

Có thể nói, cá linh là nguồn lợi dồi dào nhất của An Giang trong mùa lũ. Những năm trước, mỗi ngày lượng cá linh tập trung về các chợ đầu mối hàng chục tấn, vậy mà năm nay, tới giờ này vẫn khan hiếm. Ai có hàng bán đắt như tôm tươi, giá cá biến động có khi lên đến trên dưới 100.000đ/kg. Anh Trần Văn Hai, một người bao năm sống nhờ con lũ than thở: “Tôi có 300 thước lưới. Năm ngoái giờ này, mỗi ngày tôi kiếm được trên 10 kg cá tôm. Năm nay thu được không tới 1kg; phải tranh thủ đi câu, bắt ếch để có thêm thu nhập”.


Năm nay mực nước quá thấp, nguồn lợi thiên nhiên trở nên hiếm hoi

Ông Võ Văn Bé, một lão nông ở xã Khánh An, huyện An Phú - An Giang cho biết: “Những ngày này năm trước, bà con ở các huyện đầu nguồn đã vui vẻ sống chung với lũ, bằng cách tận dụng mùa lũ để làm giàu qua nhiều công việc thích hợp, như đánh bắt, nhổ bông súng và khai thác các loài đặc sản như rùa, rắn, lươn, cua, ếch... Nhưng năm nay mực nước quá thấp, nguồn lợi thiên nhiên trở nên hiếm hoi”. Lão nông Nguyễn Văn Lập, cũng buồn rầu than thở: “Năm rồi, mùa lũ tôi đặt cua kiếm được 400-500 ngàn đồng/ngày là chuyện thường. Năm nay, nước nhỏ kiếm 100 ngàn/ngày chắc cũng khó”.

Thất thu nhiều mặt

Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: “Để chuẩn bị đón con nước về như những năm trước, năm nay tỉnh có kế hoạch mở rộng diện tích xuống giống tôm càng xanh mùa lũ đến 2.000ha, tăng khoảng 700ha so với năm ngoái. Nhưng đến nay, tỉnh chỉ xuống giống được 1.300ha, tập trung chủ yếu ở huyện Tam Nông và một số huyện đầu nguồn”. Địa phương có diện tích xuống giống tôm càng xanh mùa lũ lớn nhất tỉnh là huyện Tam Nông. Năm 2011 diện tích xuống giống đạt trên 800ha. Dự kiến năm nay xuống giống 1.000ha. Nhưng nếu nước không lớn hơn, e rằng người nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn.Theo nhiều hộ dân nuôi tôm ở các huyện đầu nguồn: “Năm nay nước chỉ ngập ngang đầu gối; nước nhỏ như vậy nuôi tôm không lớn, lại tốn nhiều tiền thức ăn, gấp 2-3 lần so với nước lũ nhiều”. 

Đến chợ thủy sản nước ngọt Trường Xuân, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) nghe anh Nguyễn Văn Dũng, quản lí góp chợ và một số thương lái thu mua cho biết thấy thêm buồn. Anh Dũng nói: “Năm nay, nhìn chung việc góp chợ cũng thất thu, bởi sản lượng bà con đánh bắt đưa về đây, giảm tới 4-5 lần so với năm ngoái. Các năm qua, chợ nhóm cả đêm, đông đúc từ 4 giờ chiều tới 4, 5 giờ sáng. Còn bây giờ thưa thớt”. Anh cho biết, như mặt hàng cua đồng, mỗi ngày cũng 5-7 tấn; còn bây giờ, tối đa chỉ 1 tấn/ngày. Các mặt hàng khác như các loại cá đồng, tôm tép, rùa rắn…, cũng giảm theo tỉ lệ tương tự. Chỉ có chuột thì nhiều hơn mọi năm. Có lẽ do nước ít, nên chuột còn điều kiện sinh sôi nẩy nở, phát triển bầy đàn. Với cái kiểu này, thì mùa lúa tới, e rằng bà con lại phải đối phó với chuột. Anh Dũng cho biết thêm.

Lũ lớn gây thiệt hại, khó khăn cho bà con. Nhưng lũ nhỏ cũng có thiệt hại của nó; bởi cá tôm không lên ruộng thì lấy gì đánh bắt, thả nuôi… Còn người làm lúa cũng sẽ khó khăn, bởi họ không rửa được ruộng sau 3 vụ mùa của năm còn để lại dư lượng phân, thuốc. Và tất nhiên, phù sa không có cho đồng ruộng là một thiệt thòi.

Xem thêm
Việt Nam coi nông nghiệp Nhật Bản là hình mẫu về khoa học, cách thức và thái độ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập về khoa học, về cách thức, và cả thái độ.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghĩa tình mùa hạn, mặn

Kiên Giang Giữa mùa nắng, hạn gay gắt, nhiều nơi nước quý như vàng. Được trao tặng bồn nước, người dân cảm động bảo: 'Đây là bồn chứa đựng những giọt nước nghĩa tình, yêu thương'.