| Hotline: 0983.970.780

Vị đắng mía đường đầu vụ

Thứ Sáu 12/10/2012 , 09:29 (GMT+7)

Đầu tháng 10/2012, niên vụ mía 2012 ở ĐBSCL được nhiều nhà máy khởi động bằng việc đồng loạt mua mía và sản xuất đường, nhưng vị đắng cũng đến.

Sau nhiều lần mua rồi ngưng, đầu tháng 10/2012, niên vụ mía 2012 ở ĐBSCL được nhiều nhà máy khởi động bằng việc đồng loạt mua mía và sản xuất đường, nhưng vị đắng cũng đến.

Nước lũ lên, giá xuống

Cố đẩy chiếc xuồng chở mía đi cặp liếp mía đang ngập lé đé nước, ông Phan Hữu Tiến ở ấp Mỹ Thành, xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp, Hậu Giang), nói: “Nước lên nữa mía chắc chết, mắc rẻ gì cũng phải bán mong kiếm chút cháo”. Ông quẹt hồ hôi, kể nhà có 10 công mía, đã thu hoạch hai công bán giá 800 đ/kg, lỗ nặng. Nay lại không thấy ai mua nữa. “Nước lên, mía ngập rồi trổ cờ là chết và chắc nhà tui cũng chết theo luôn”, ông nói như khóc.

Bà Nguyễn Thị Phượng có ruộng mía cặp bên ông Tiến cho biết, nhà bà có 8 công mía chưa bán được cây nào. Tính bán mía kiếm tiền đong gạo ăn nhưng tình hình như vậy là đói rồi. Năm nay mía giá 800 đ/kg cũng không có người mua. Nước ngập tới nơi rồi. Đầu vụ mía đã vay 30 – 40 triệu mua hom, phân bón, đại lý đòi hoài chưa biết lấy đâu mà trả. Rầu thúi ruột.

Ông Lương Minh Tâm ở ấp Mỹ Thành, xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp, Hậu Giang) có 15 công mía đã bán được 3 công còn lại chờ người mua và chờ giá trong khi thiếu ngân hàng 20 triệu. Theo ông Tâm, nếu bán mía được giá 1.000 đ/kg còn có ăn, năm nay 800 đ/kg là lỗ. Bỏ công bỏ cán để rồi mang nợ nần. Vay ngân hàng nay trả lãi muốn chết.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, giá mua mía đã giảm 50 đ/kg so đầu vụ. Thương lái mua tại ruộng chỉ 750 đ/kg đến 800 đ/kg so giá thành sản xuất là 820 đ/kg. “Lo hơn là giá mía có thể còn xuống nữa trong lúc nước lụt lên từng ngày, bán cũng chết mà không bán cũng chết”, ông Đồng nói.

Đường tồn kho, nhà máy lỗ

Ngày 8/10, TGĐ Cty CP Mía đường Sóc Trăng Cổ Chí Dũng cho biết, nhà máy đã ép được 1.000 tấn đường nhưng chưa bán được ký nào cả. TGĐ Nhà máy đường Tây Nam Lê Văn Hiệu cho hay, từ đầu niên vụ đến nay, nhà máy của ông cũng đã ép được 1.000 tấn đường nhưng chưa bán được.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, GĐ Cty CP Mía đường Bến Tre thì cho biết, Cty đang lỗ 1.000 đ/kg đường sản xuất ra. Nguyên nhân của tồn kho và lỗ, theo lãnh đạo các nhà máy đường là do giá đường thấp, 15.000 đ/kg. Đường nhập lậu lại tăng.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng tiêu thụ đường đang giảm trong khi sản lượng đường của các nhà máy tăng nên xảy ra dư thừa. Dự kiến năm 2012 sẽ dư thừa khoảng 200.000 tấn. Năm 2012, theo tính toán của Hiệp hội, mức tiêu thụ cả nước khoảng 1,5 triệu tấn đường, các nhà máy đã sản xuất dư. Nhưng đường nhập lậu dự báo còn thêm khoảng 0,5 triệu tấn.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.