| Hotline: 0983.970.780

Đánh tan giấc mơ vàng sa khoáng

Thứ Ba 23/10/2012 , 10:05 (GMT+7)

Những năm trước, cứ vào cuối mùa thu đến hết mùa xuân năm sau, bao giờ các mỏ vàng sa khoáng cũng khai thác rầm rộ. Còn năm nay thì ngược quy luật.

Những năm trước, cứ vào cuối mùa thu đến hết mùa xuân năm sau, bao giờ các mỏ vàng sa khoáng cũng khai thác rầm rộ. Còn năm nay thì ngược quy luật.

PV NNVN đã lặn lội hàng trăm km đến thực tế tại một số mỏ vàng sa khoáng như Hoàng Phài ở xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn do Cty CP 19/8 khai thác; mỏ Vằng Ma ở bản Nghiển, xã An Thắng, huyện Pác Nặm của Cty CP TM và khoáng sản Nguyên Phát; mỏ vàng Ao Tây của DNTN Kim Mỹ Hưng; mỏ vàng Bản Giang, xã Lương Thượng của Cty CP An Thịnh; mỏ vàng Nà Làng ở xã Lương Thượng, huyện Na Rì của Cty TNHH Hùng Dũng… Đến bất cứ mỏ vàng sa khoáng nào cũng thấy máy xúc trống gầu, sàng tuyển han đỏ hoen ố.

Mỏ vàng nhộn nhịp nhất là mỏ Nà Làng thì từ đầu năm đến nay chỉ làm việc hoàn thổ. Lúc chúng tôi có mặt, chỉ có vài chiếc xe tải vẫn miệt mài chở đất hoàn thổ, còn dưới bãi ruộng, mấy chiếc máy xúc ra sức lu lèn, san gạt đất với hy vọng nhanh bàn giao trả lại đất cho nông dân.

Thấy hiện tượng lạ, tôi hỏi một số người dân và những công nhân làm tại mỏ này, được biết, họ đã ngừng khai thác vì sợ phải áp dụng mức phí môi trường mới. Chính vì lẽ đó họ chấp nhận “ăn non”, chỗ nào có cũng không khai thác nữa mà báo cáo đã khai thác hết để hoàn thổ, trả lại mặt bằng. Những chỗ đã khai thác như mỏ Hoàng Phài, mỏ Ao Tây, mỏ Bản Giang đã hoàn thổ xong, san gạt thành ruộng.

Trong câu chuyện với các chủ mỏ, có mỏ thì đã may mắn là khai thác cơ bản hết tài nguyên, có chủ mỏ vẫn hy vọng cơ hội “trúng ục”, nhưng cũng chỉ sản xuất cầm chừng.

Không chỉ các mỏ vàng sa khoáng, kể cả các mỏ vàng gốc, mỏ quặng kim loại như sắt, chì, kẽm… trong khu vực huyện Chợ Đồn đều trong tình trạng “sản xuất cầm chừng”, vì giá bán quặng năm nay thấp hơn mọi năm, trong khi các mỏ quặng tại Bắc Kạn hàm lượng lại nghèo, giá nhân công khai thác cao, cùng với việc áp mức thu phí môi trường mới tăng rất cao, khiến các chủ mỏ hạn chế đẩy nhanh tiến độ. Hầu hết các chủ mỏ, nhất là chủ mỏ vàng sa khoáng đều hy vọng tỉnh Bắc Kạn sẽ “đổi ý”, tức thu thấp hơn mức quy định. Còn nếu vẫn áp dụng mức thu phí môi trường theo Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ngày 16/7/2012 của HĐND tỉnh Bắc Kạn thì “giấc mơ vàng sa khoáng” của các chủ mỏ sẽ tan tác theo mây khói. 

Trái lại, nông dân sống trên đất vàng sa khoáng đang có cơ hội giữ được ruộng vườn. Mức phí áp dụng cho 1 m3 đất quặng vàng sa khoáng ở mức 180 nghìn đồng, thì hiếm có mỏ vàng sa khoáng nào ở Bắc Kạn có thể nào đào đãi vàng mà có lãi. Những năm qua, hầu hết các mỏ vàng sa khoáng khi thuê tư vấn đánh giá trữ lượng, hầu hết đo vẽ “khảo sát trên giấy”, các chủ mỏ thích thế nào cũng được, nhất là việc thổi phồng trữ lượng tài nguyên có thật tại mỏ lên gấp nhiều lần để “kêu gọi đầu tư”, hoặc dùng làm tài sản sang tay các khoản nợ nần, thậm chí dùng cả cho việc thế chấp ngân hàng!

Ông Nguyễn Văn H, một chủ mỏ vàng sa khoáng tại huyện Na Rì tạm tính: Trung bình, muốn đãi được 1 chỉ vàng sa khoáng, chủ mỏ phải tuyển rửa đến vài ba chục m3 đất đá (trừ lúc trúng ục). Nếu tính theo mức thu 180 nghìn đồng/m3 đất khai thác vàng sa khoáng thì chỉ có lỗ nặng và ở Bắc Kạn này không có mỏ vàng sa khoáng nào còn nguyên khai, chủ yếu là tát vét, tận thu lại thì khó có thể làm đủ tiền nộp phí môi trường.

Chúng tôi lấy thắc mắc của một số chủ mỏ đến làm việc với ông Hứa Đình Bích - Phó Chi cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Kạn thì được biết, hiện tại, các doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng, kim loại màu hầu hết vẫn đang chịu nợ phí môi trường. Ông Bích cũng thẳng thắn cho rằng: Nếu áp theo mức thu phí này chẳng doanh nghiệp nào dám xin mỏ vàng sa khoáng nữa. Nhưng cái hay của Nghị định 74 của Chính phủ là đánh phí môi trường cao, sẽ giúp bà con nông dân giữ được đất nông nghiệp. Vì những năm qua Bắc Kạn đã “nướng” nhiều ha đất trồng cây lương thực cho các chủ mỏ khai thác vàng sa khoáng, hậu quả sau khai thác vàng chỉ còn lại sỏi đá bạc màu. Hoàn thổ xong, giao cho dân vẫn không thể trồng lúa.

Để minh chứng, ông Bích đã lấy ví dụ cụ thể: Mỏ vàng Vằng Ma ở bản Nghiển của Cty CP TM và Khoáng sản Nguyên Phát, nếu theo đề án khai thác vàng thì phí môi trường phải nộp của mỏ này là hơn 97 tỷ đồng, hiện tại mới nộp được hơn 300 triệu đồng, biết đến bao giờ mới nộp hết?

Còn người dân xã Lương Thượng (nơi có tới 4 mỏ vàng sa khoáng trên đất ruộng lúa) lại như mở cờ trong bụng, hàng ngày họ kéo nhau ra xem xe ủi, ô tô máy xúc của Cty TNHH Hùng Dũng, Doanh nghiệp từ nhân Kim Mỹ Hưng gấp rút chở đất vùi lấp, san ủi mặt bằng. Các doanh nghiệp này phải hoàn thổ từ đầu năm 2012, nay về cơ bản đã bàn giao lại cho dân. Người dân các thôn Nà Làng, Pàn Xả, Vằng Khít đang vui hết chỗ nói. Họ đang mong doanh nghiệp mau rút lui để trả lại đất cho dân trồng cấy.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lật thuyền trên hồ thủy điện Sơn La

Chiều 22/4, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, thi thể 2 nạn nhân trong vụ lật thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được tìm thấy.