| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi, thú y - các ông ở đâu?

Thứ Tư 24/10/2012 , 09:44 (GMT+7)

Trước khi Báo NNVN đăng loạt phóng sự điều tra này, các báo cáo của Cục Thú y và Cục Chăn nuôi – hai cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT báo cáo về thực trạng gà giống Trung Quốc nhập lậu ào ạt vào Việt Nam, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn khôn lường đối với ngành chăn nuôi gia cầm… như không. Tại sao vậy?

Trước khi Báo NNVN đăng loạt phóng sự điều tra này, các báo cáo của Cục Thú y và Cục Chăn nuôi – hai cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT báo cáo về thực trạng gà giống Trung Quốc nhập lậu ào ạt vào Việt Nam, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn khôn lường đối với ngành chăn nuôi gia cầm… như không. Tại sao vậy?

>> Đại Xuyên – trung tâm gieo rắc đại họa
>> Bắc Giang – “thành phố trung chuyển gà giống lậu”
>> ''Bao luật'' khủng khiếp
>> Gà lậu đại náo Móng Cái
>> “Gà bay” quốc lộ 1
>> Giáp mặt trùm gà lậu chân Dốc Quýt
>> Mẻ lưới đầu tiên

Không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng

PV NNVN không đủ khả năng để bắt tận tay, day tận mặt những cán bộ có trách nhiệm làm việc tại các cơ quan chức năng như biên phòng, hải quan, kiểm dịch động vật ở cửa khẩu, chính quyền địa phương… nhận tiền của các trùm buôn lậu gà giống từ Trung Quốc. Nhưng, với những gì các trùm nhập lậu gà giống Trung Quốc nói, như “tướng” Duyên ở cửa khẩu Hữu Nghị, “Bình Chi Ma” ở cửa khẩu Chi Ma, “Thúy gà” ở Móng Cái, G - một chiến sỹ làm việc ở Trạm kiểm soát liên ngành cây số 15 Móng Cái, cho đến các ông trùm trung chuyển gà lậu ở Bắc Giang như Chung Hợp, Dung Thống, “Dũng Vịt”, rồi đến các ông chủ phân phối gà giống Trung Quốc nhập lậu ở Đại Xuyên (Hà Nội) như bà chủ cơ sở Lai Bẩy, Hải Hà… thì các cơ quan chức năng này đều đã bị mua chuộc để cho gà lậu chạy trót lọt từ biên giới Trung Quốc vào Việt Nam và có thể ngênh ngang, thách thức khi đi trên các tuyến giao thông về các vùng nông thôn tiêu thụ.

Theo lời nói của các ông trùm gà giống lậu, để bao biên cho 1 xe ô tô 1,5 tấn từ bên Trung Quốc về đến Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái là 27 triệu đồng, đi qua khỏi địa phận Quảng Ninh thêm 13 triệu đồng nữa, đi qua địa phận Hải Dương (đoạn huyện Chí Linh) là 3 triệu đồng, đi qua địa phận Bắc Ninh (huyện Quế Võ, TP Bắc Ninh) là 3 triệu đồng, từ Bắc Giang đi Đại Xuyên (Hà Nội) là 10 triệu đồng. Tổng cộng, một xe ô tô chở khoảng 1 vạn con gà giống Trung Quốc nhập lậu 16 ngày tuổi, hoặc 5 vạn con 1 ngày tuổi từ Móng Cái về đến Đại Xuyên (Hà Nội) mất tổng cộng 56.000.000 đồng, chưa kể tiền bốc vác.

Còn gà lậu về qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), trên QL1, theo lời “tướng” Duyên, chỉ tính riêng tiền bao biên và bao luật khu vực cửa khẩu thôi đã lên 1.700 đồng/con, tương đương 17.000.000 đồng/xe ô tô chở được 1 vạn con gà giống. Từ cửa khẩu vận chuyển đến hết đất Lạng Sơn chi phí mất 500 đồng/con gà nữa, tương đương 5.000.000 đồng/xe gà giống lậu 1 vạn con.


"Lô cốt" chứa gà giống lậu nhà ông Chung Hợp ngay cạnh trụ sở 
Chi cục Thú y Bắc Giang

Qua những điều các ông trùm trong các đường dây nhập lậu và buôn bán gà giống Trung Quốc khẳng định, và qua những chứng cứ, hình ảnh NNVN đã “chộp” được trong hơn 10 ngày đêm, rõ ràng, hàng chục vạn con gà giống nhập lậu từ Trung Quốc mỗi đêm không thể nghênh ngang đi trên các con đường và dễ dàng gieo rắc đại họa về các vùng nông thôn được. Vậy, ai là những người đã trực tiếp nhận tiền của các ông trùm này để gà giống lậu hoành hành, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ.

Các tỉnh có biên giới tập trung chỉ đạo chính quyền từng xã, thôn biên giới cam kết không tham gia vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu gia cầm, nhất là nhập khẩu qua các đường tiểu ngạch, vận chuyển, buôn bán vào nước ta; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm.

Các địa phương giáp với các tỉnh biên giới chỉ đạo, yêu cầu các lực lượng chuyên môn về thú y, quản lý thị trường, công an phải có biện pháp cụ thể kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn, không để gia cầm chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ vận chuyển vào tiêu thụ trên địa bàn hoặc vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh khác.

Các Bộ: Công thương, Quốc phòng, Tài chính, Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng ở Trung ương và địa phương tăng cường và phối hợp lực lượng để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập khẩu, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, nhất là nhập, vận chuyển, tiêu thụ qua đường tiểu ngạch.

(Công điện số 1108/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)

Chính những điều đang diễn đã làm cho các địa phương, cụ thể là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương… không thực hiện quyết liệt sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vô trách nhiệm hay bị mua chuộc?

Ông Nông Văn Tiệp, Trạm trưởng Kiểm dịch cửa khẩu Chi Ma, thuộc Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn khẳng định: “Chúng tôi chỉ có chức năng kiểm dịch động vật xuất nhập khẩu, tức là đi đường chính ngạch. Còn gia cầm giống đi đường tiểu ngạch thì chúng tôi không kiểm soát được. Anh hỏi có gia cầm giống nhập lậu từ Trung Quốc vào hay không? Thì tôi khẳng định là có. Nhưng số lượng đợt này ít hơn đợt trước. Hôm lâu, Chi cục Thú y điện lên hỏi về trứng gà giống và gà giống nhập lậu, tôi cũng trả lời như thế. Việc bắt giữ và ngăn chặn từ đường biên lại thuộc về thẩm quyền của biên phòng và hải quan”.

Trong khi đó, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma Hoàng Văn San lại khẳng định: Thời gian vừa qua, phối hợp với các cơ quan chức năng chúng tôi bắt được trên 10 vụ, với gần 10 ngàn con. Nhưng chủ yếu là bắt được lẻ tẻ, do người dân ở khu vực Chi Ma này lén đi gánh gà giống thuê từ bên kia biên giới về. Chúng tôi chỉ phối hợp và có thẩm quyền ở khu vực cửa khẩu này, còn đường ngang ngõ tắt dọc 20 km đường biên lại thuộc thẩm quyền của cơ quan khác.

Như chúng tôi đã đề cập trong kỳ 1 loạt phóng sự điều tra này, gà giống nhập lậu từ khu vực cửa khẩu Chi Ma, chủ yếu tập kết về chợ Giếng Vuông, nằm ở trung tâm TP Lạng Sơn (Lạng Sơn), với số lượng khoảng 10.000 con/phiên chợ. Phải khẳng định đây là chợ bán gà giống nhập lậu từ Trung Quốc, vì không có ai bán gà giống được sản xuất trong nước. Theo “Bình Chi Ma” và những bà chủ bán gà giống lậu ở đây, do giá rẻ, gà ta ở chợ này không thể cạnh tranh được. Vả lại, người dân Lạng Sơn đã quen nuôi loại gà Tàu này rồi, mặc dù có khi dân mua 100 con về nuôi thì chết đến 80 con, hoặc gặp dịch CGC liên miên như hồi đầu năm. Khi được hỏi, bày bán công khai như thế này không sợ các cơ quan chức năng sao? “Bình Chi Ma” khẳng định: “Mỗi ngày đều phải đóng tiền thôi. Thi thoảng có người khác thì đóng tiền nhiều hơn”. Vừa trả lời tôi xong, có một người mặc đồng phục, chả rõ cán bộ thị trường hay thú y vào thu tiền các bà chủ bán gia cầm lậu ở đây.


Cán bộ thu tiền của các bà chủ gà nhập lậu TQ công khai tại 
chợ Giếng Vuông (Lạng Sơn)

Trả lời NNVN, ông Hoàng Quy, Chi cục trưởng Thú y Lạng Sơn khẳng định: “Gà giống Trung Quốc trên địa bàn tỉnh cũng có nhưng không nhiều. Anh hỏi cụ thể là trong thời gian qua phát hiện bao nhiêu thì phải chờ, hoặc hỏi bên Sở NN-PTNT vì bên đó là cơ quan tổng hợp”. Liên hệ với Chi cục trưởng Chi cục Thú y Lạng Sơn, bà Chi cục trưởng cũng khất dịp khác, bảo bận.

Còn tại trung tâm ấp gia cầm Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), chúng tôi đếm được gần 20 cơ sở bày bán gia cầm Trung Quốc nhập lậu một cách công khai. Việc mua bán giống gà Trung Quốc nhập lậu diễn ra công khai, hàng ngày, xe ô tô, xe máy chở gà giống ra – vào khu vực này tấp nập mỗi buổi sáng và bất kỳ người dân nào ở khu vực Đại Xuyên cũng nhận biết được đâu là giống gà ta đâu là gà Trung Quốc, nhưng Trạm kiểm dịch Đại Xuyên, nằm ngay cạnh đó không hề hay biết. Khi chúng tôi liên hệ với ông Trạm trưởng Thú y huyện Phú Xuyên để làm việc thì ông này nói “để khi khác”. Còn một nhân viên của ông trả lời PV tại Trạm Thú y Phú Xuyên rằng: “Làm gì có việc buôn bán gà giống Trung Quốc ở đây. Có, anh em chúng tôi biết ngay. Toàn là đồn nhảm!”.

Trụ sở Chi cục Thú y Bắc Giang nằm ở số 167, đường Giáp Hải, “thành phố trung chuyển gà giống lậu” Bắc Giang, tức là nằm ở giữa 5 cái “lô cốt” trung chuyển gà giống lậu trên đường này. 2 “lô cốt” gà giống lậu gần nhất với trụ sở Chi cục Thú y Bắc Giang là “lô cốt” nhà Chung Hợp và Dung Thống, chỉ các trụ sở của Chi cục này vài chục mét – nơi mà chúng tôi đã mật phục nhà Dung Thống đêm 10/10. Bất kỳ người dân nào trên đường Giáp Hải đều nhìn thấy hoạt động trung chuyển gà giống nhập lậu của 7 ông chủ ở đây trong đêm hoặc ban ngày, nhưng Chi cục Thú y Bắc Giang nằm ngay cạnh lại không biết, không nhìn thấy. Một cán bộ của Chi cục Thú y Bắc Giang không nhìn thấy, nhưng mấy chục con người của Chi cục này ăn lương nhà nước, hàng ngày làm việc kiểm dịch, lại không thể nhận biết sao? Cho dù Chi cục Thú y Bắc Giang có bao biện kiểu gì đi chăng nữa, thì 1 đứa trẻ lên 3 cũng không thể tin được. Chỉ có thể là, như lời ông chủ Chung Hợp nói: “Đã bao hết rồi”?

Sau khi NNVN đăng loạt bài phóng sự điều tra này, các cơ quan chức năng Quảng Ninh mới bắt được 4 xe ôtô, mang các BKS: 17K-5035, 15C-019.80, 30B-6755, 34C-014.39 (2/4 chiếc xe này PV đã chộp được và theo dõi, đưa biển số lên NNVN) chở 49.000 con gà giống nhập nhậu từ Trung Quốc. Và tỉnh Quảng Bình mới bắt được 1 xe ô tô khách giường nằm, có máy lạnh 61 hộp đừng gà giống Trung Quốc vận chuyển từ Đại Xuyên - Hà Nội vào.

Rõ ràng, hoạt động nhập lậu, vận chuyển gà giống Trung Quốc, đặc biệt là việc bày bán và vận chuyển công khai tại Lạng Sơn, Bắc Giang và Hà Nội đã bị cơ quan thú y ở đây, bị chính quyền ở đây làm ngơ.

Còn Cục Thú y và Cục Chăn nuôi thì sao? Trong các văn bản chính thức, NNVN chưa thấy 2 Cục này báo cáo bằng văn bản gửi lãnh đạo Bộ về tình hình gà giống lậu Trung Quốc tràn vào nước ta. Và, cũng không tham mưu cho Bộ NN-PTNT gửi cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của việc nuôi gà giống Trung Quốc nhập lậu đối với người nuôi gia cầm và các địa phương. Như vậy là 2 cơ quan này không biết? Mà, cũng khó biết được khi cơ quan thú y và chăn nuôi ở dưới địa phương cũng không biết! Chỉ đến khi Báo NNVN đăng loạt phóng sự điều tra này, Cục trưởng Cục Thú y mới nói: “Đề nghị công an vào cuộc”.

Trong khi đó, trong văn bản 1087 mới đây gửi các địa phương của Cục trưởng Cục Chăn nuôi về việc tăng cường chăn nuôi an toàn phục vụ Tết Nguyên đán cũng không hề đề cập đến 4 từ “gà giống nhập lậu”. Theo như lời ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi, thì rõ ràng, Cục Chăn nuôi đã biết rất rõ hoạt động buôn bán gà giống nhập lậu công khai tại Đại Xuyên (Hà Nội), vậy tại sao không đề nghị xử lý theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tại sao lại không cảnh báo thẳng rằng rằng “gà nhập lậu” mà chỉ nói chung chung là “không rõ nguồn gốc”?

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm