| Hotline: 0983.970.780

Xới rừng đào rễ mua bán sang Trung Quốc

Thứ Sáu 30/11/2012 , 09:05 (GMT+7)

Gần đây, hàng trăm người dân ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đổ xô lên rừng đào rễ cây mua. Bình quân 1 ngày một người đào được gần 1 tạ rễ tươi. Ước tính mỗi ngày có hàng chục tấn được đào bán cho thương lái, sau đó xuất sang Trung Quốc.

Gần đây, hàng trăm người dân ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đổ xô lên rừng đào rễ cây mua. Bình quân 1 ngày một người đào được gần 1 tạ rễ tươi. Ước tính mỗi ngày có hàng chục tấn được đào bán cho thương lái, sau đó xuất sang Trung Quốc.

ĐÀO TẬN GỐC, TRỐC TẬN RỄ

Trên quốc lộ 6, chúng tôi xuống đèo Pha Đin về huyện Tuần Giáo, Điện Biên. Dọc hai bên đường, chứng kiến rễ cây phơi dày đặc. Dừng xe bắt chuyện đây là loại cây gì, thì được người dân (dân tộc Thái) cho biết, theo tiếng Thái là cây Cò Té, còn tiếng kinh thì không biết. Chỉ còn lại rễ, không còn lá, cành, chúng tôi không biết là cây gì, cho đến khi nhờ chỉ tận nơi mới biết là cây mua.

Anh Lường Văn Hạnh ở bản Lói, xã Quài Tở, một chủ thu mua đang phơi bên đường cho biết: “Hơn 2 năm trở lại đây, thương lái từ dưới xuôi kéo về đây đặt mua rễ cây mua. Nghe vậy, cũng không tin, bởi ở đây chúng tôi chỉ biết cây mua quả ăn được, lá dùng nấu nước cho trẻ con mới sinh chữa bệnh ngứa, ghẻ và đọt cây chữa đau bụng, còn rễ không biết tác dụng làm gì. Chỉ biết họ đặt tiền bảo chúng tôi thu mua rễ. Trước đây 1 kg có giá 1.000 đồng nhưng năm nay tăng lên 2.000 đồng. Như cơ sở tôi bình quân mỗi ngày thu 2 tấn rễ mua tươi. Sau khi phơi khô, đóng bao nhập được 4.000 đồng/kg. Tính ra mỗi kg tôi lời được 1.000 đồng”.


Chủ cơ sở thu mua Lường Văn Hạnh đang chia nhỏ rễ mua phơi khô

Cũng theo anh Hạnh, ban đầu việc đào cây mua chỉ là những người thường xuyên đi rừng tiện đào về, nhưng hiện tại thì rất nhiều gia đình tham gia vào việc này. Giá cao, dễ bán nên nhiều người, nhiều nhà rủ nhau đi đào. Trung bình 1 ngày, 1 người có thể đào được gần 1 tạ. Với giá 2.000 đồng/kg, thì đây quả là số tiền không nhỏ đối với người dân nơi đây, do đó đã thúc đẩy người dân đổ xô đi đào.

Để chứng kiến đào rễ mua, hôm sau tôi theo anh Lò Văn Hùng và chị vợ Lò Thị Thương ở bản Huổi Nọ, xã Quài Tở lên rừng. Sáng sớm, từ bản Huổi Nọ, tôi chạy xe máy bám theo anh Hùng cùng vợ, đi được khoảng 3 km, anh Hùng bảo dừng xe lại và để xe ở đấy. Anh Hùng bảo: “Giờ đi bộ nhé, ở đây không có để mà đào nữa”. Anh nói tiếp: “Trước đây, cây mua nhiều lắm nhưng chúng tôi đào hết rồi. Cây to, cây nhỏ đều đào lấy hết. Khu đồi này giáp ranh giữa xã Tủa Tình và Quài Tở nên còn, chứ các ngọn đồi của xã chúng tôi đào hết từ lâu rồi”. Nghe anh nói vậy, tôi đùa: Các bác không trừ lại ít cây cho mọc với. Anh Hùng liền nói: “Cây nhỏ, cây to đều bán được, thấy cây nào đào cây nấy”.

Sau gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi đến khu rừng có nhiều cây mua còn sót lại. Anh Hùng và vợ chuẩn bị đồ nghề bắt đầu một ngày làm việc. Anh Hùng có nhiệm vụ đào lên, còn vợ theo sau vứt bỏ hết cành lá, chỉ lấy rễ rồi cho vào bao. Trong một thời gian ngắn có đến hàng chục cây mua được anh Hùng đào lên và lấy sạch cả gốc lẫn rễ. Gặp gốc to thì cho khoảng 3 kg rễ, bụi nhỏ rễ như ngón tay cũng nhặt bằng sạch”.

Tôi hỏi: Đào thế này có ai ngăn cấm không? Anh Hùng nói: “Vợ chồng tôi đào rễ mua hơn hai năm nay chẳng ai cấm cả. Ở đây, nếu có cấm là những khu rừng có chủ họ cấm thôi. Giá càng đắt thì người đào nhiều. Ngày trước mỗi ngày hai vợ chồng tôi đào được 2 đến 3 tạ là bình thường, giờ may lắm được 1 tạ. Rễ mua giờ khan hiếm lắm”.

Gặp ông Lò Văn Hoan, trưởng bản Huổi Nọ, ông cho biết: “Chính quyền xã, huyện cũng không nhắc nhở người dân vào rừng đào rễ mua. Nói thật với các anh loài cây này đã cho người dân nơi đây nguồn thu nhập đáng kể, nếu có ngăn cũng khó. Trong thôn hiện có 45 hộ dân, trừ những ngày mưa còn lại ngày nắng tất cả lại kéo nhau vào rừng đào hết”.

Rời xã Quài Tở, chúng tôi về xã Tênh Phông, Quài Nưa, Mùn Chung… huyện Tuần Giáo, tình trạng người dân đào rễ mua sôi động chẳng kém. Tại nhiều cánh rừng, hàng ngày người dân kéo nhau đi đào. Mỗi ngày hàng chục tấn rễ được nhập các điểm thu mua. Mua bị đào tràn lan, khu đồi nào cũng ngày càng trọc lốc.

CÓ BAO NHIÊU CŨNG MUA HẾT

Có mặt tại một điểm thu mua rễ mua huyện Tuần Giáo có tên hợp tác xã vận tải Tây Bắc, đóng tại xã Quài Tở, chúng tôi chứng kiến một lượng lớn rễ mua được đóng thành từng bao chất lên ô tô chở đi. Một người ở cơ sở cho hay: Biết tin Trung Quốc có thu mua rễ mua nên tranh thủ lúc nông nhàn bà con trong bản tranh thủ lên rừng đào về bán. Ở đây, cây mua mọc rất nhiều trên những vạt rừng nên rất dễ đào và vận chuyển bán. Chúng tôi chỉ mua lại của bà con, sau đó đưa lên Lạng Sơn xuất qua Trung Quốc.


Rễ mua phơi dày đặc hai bên quốc lộ 6, đoạn đi qua huyện Tuần Giáo, Điện Biên

Người này còn khoe: “Với cơ sở chúng tôi, người dân có bao nhiêu cũng mua hết. Ở đây, không phải cơ sở chúng tôi mà còn nhiều cơ sở khác nữa”. Tôi hỏi: Có biết Trung Quốc mua làm gì không? Trả lời: “Cái này chịu, chúng tôi chỉ vận chuyển đến cửa khẩu ở Lạng Sơn và giao hàng cho họ. Hết lượt hàng này đến lượt khác, chứ không biết họ mua về sử dụng vào việc gì. Họ bảo với chúng tôi, có bao nhiêu cũng mua hết, có hàng là a lô đưa lên”.

Cây mua phân bố nhiều ở các vùng đất nghèo dinh dưỡng, trung du, đồi núi thấp, khả năng chịu hạn tốt, có tác dụng giữ đất. Theo y học cổ truyền, lá và rễ cây mua có tác dụng lợi tiểu, cầm máu, tiêu viêm, hạ nhiệt, giảm đau. Người ta đào rễ mua vào mùa thu, rồi rửa sạch, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô để dùng dần; còn lá được thu hái quanh năm, khô hay tươi đều tốt.

Một số bài thuốc dân gian từ cây mua như chữa viêm gan cấp và mạn tính; chữa đinh râu, mụn nhọt, vết thương bầm tím... Thực tế cho thấy, thương lái chỉ thu mua phần rễ nhập sang Trung Quốc, còn nguồn dược liệu từ lá, cành, thân thì bỏ phí… gây nguy cơ thất thoát nguồn dược liệu.

Trao đổi với PV NNVN, ông Đào Văn Phúc, Phó chủ tịch xã Quài Tở, cho biết: Riêng địa bàn xã có 3 điểm thu mua rễ mua. Tình trạng thu mua diễn ra hơn 2 năm nay. Dù chưa ai biết giá trị thực sự của rễ loại cây này, nhưng với việc thương lái vào tận nhà, hỏi mua giá cao đã khiến hàng trăm hộ gia đình không quản nguy hiểm vào tận rừng sâu để đào.

Tôi hỏi: Thế xã có biện pháp nào ngăn chặn không? Ông Phúc cho hay: “Xã chẳng có biện pháp nào cả. Cây mua thường mọc ở đồi núi trọc nên không có chế tài nào xử lý. Hiện mạnh ai người ấy làm, bà con đào rễ mua có thêm được thu nhập, dẫn đến đào càng nhiều".

Trao đổi với ông Bạc Cầm Phong, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuần Giáo về việc người dân đào rễ mua, ông Phong cho hay: Cây mua mọc ở đất trống đồi núi trọc, thuộc cây bụi. Trong danh mục cây quý không thấy cấm. Nếu mà cấm thì chúng tôi có biện pháp ngay. Quả thực, chúng tôi cũng không biết cây này bán đi đâu, họ mua để làm gì”.

Trước tình trạng khai thác rễ mua một cách ồ ạt như vậy, cây mua đang bị chính người dân nơi đây tận diệt, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên cần có những biện pháp quyết liệt.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm