| Hotline: 0983.970.780

Kinh hãi rau "ăn" thuốc BVTV

Thứ Ba 11/12/2012 , 09:25 (GMT+7)

Tại Đồng Nai, đi khảo sát tại một số khu vực rau lớn, người trồng ai cũng ý thức được tác hại của thuốc BVTV, nhưng họ vẫn khẳng định: “Sâu không chết thì… nông dân chúng tôi sẽ chết!”.

Dùng thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cây, thuốc tăng trưởng một cách tràn lan không đúng tiêu chuẩn, liều lượng khiến rau trồng hiện nay không còn an toàn. Tại Đồng Nai, đi khảo sát tại một số khu vực rau lớn, người trồng ai cũng ý thức được tác hại của thuốc BVTV, nhưng họ vẫn khẳng định: “Sâu không chết thì… nông dân chúng tôi sẽ chết!”.

CÒN SÂU CÒN XỊT

Xã Lộ 25, huyện Thống Nhất là một trong những khu vực làm nông nghiệp lớn của tỉnh Đồng Nai. Vào vai một nhà vườn đi học hỏi kỹ thuật, được người dân cho biết ấp 1 hiện nay là vựa rau lớn nhất xã với hơn 30% người dân trồng.

Vào sâu trong một con hẻm nhỏ, tôi tìm đến vựa rau lớn nhất ấp với hơn 10 hộ trồng san sát nhau. Tại nhà ông Phương, một hộ trồng rau lớn ở đây, phải trình bày lâu lắm, người vợ mới bắt đầu mở lời: “Mùa này đang là cuối mùa cải xanh, cải thìa nên sâu bệnh, bọ nhiều, phun thuốc teo cả cây nhưng vẫn không hết”. Vừa nói, tay bà vừa loay hoay nhặt bỏ những chiếc lá cải bị sâu khoét những lỗ nhỏ. Gần đó, ông chồng và người con đang hí hoáy cấy xà lách để kịp bán Tết. Ngưng tay một lát, bà vợ kể tiếp: “Rau trồng thì năm nào cũng lắm sâu bệnh, xịt thuốc liên tục vẫn không hết. Có ngày hôm trước xịt không ăn thua, hôm sau lại tiếp tục xịt cho đến khi chúng chết hẳn mới thôi”.

Không chỉ gia đình ông Phương, bất kể ai ở đây cũng thế, cứ thấy sâu hại, bệnh là người dân lại mua thuốc phun. Thời gian phun chủ yếu vào sáng sớm và chiều tối, nhiều nhất là đối với cải thìa, cải ngọt. Nhiều cây rau teo tóp, nhỏ xíu do bị “ăn” thuốc quá nhiều. Trung bình, trồng một cây rau từ lúc cấy bén rễ đến lúc thu hoạch khoảng chừng 3 tuần, xịt đồng đều các loại thuốc trừ sâu, kích thích rễ, thuốc tăng trưởng liên tục và chỉ ngưng 1 tuần trước lúc bán.


Rau trồng vẫn đang gây lo ngại cho người dân bởi tồn dư thuốc BVTV

Đặc biệt, các hộ trồng dưa leo, khổ qua tại đây cho biết thông số phun thuốc gấp hơn rau nhiều lần. Nhà ông Khỏe tại ấp 1, xã lộ 25, đang trồng và chăm sóc dưa leo thuê cho một nhà vườn. Thấy người hỏi kỹ thuật, ông thẳng thắn trả lời: “Cây dưa leo thì sâu, bướm rất nhiều. Bệnh vàng lá, thối nhũn rất dễ mắc phải. Chỉ cần 3 ngày mưa là có thể bị bệnh. Thuốc xài nhiều không biết bao nhiêu loại mà kể. Từ Carbenzim, Enspray 99EC..., rồi là các thuốc dưỡng, thuốc tăng trưởng...”. Vừa nói, ông vừa lôi tôi vào xó bếp chỉ hàng chục vỏ thuốc trừ sâu vứt la liệt, rồi cả ngoài vườn.

Tính ra đến nay, ông dùng đến cả vài chục loại thuốc BVTV khác nhau, loại tốt thì dùng dài dài, còn những loại “dởm” thì hôm trước, hôm sau sâu, bệnh vẫn cứ sờ sờ, lại bỏ dùng loại khác. Nhiều hôm sát ngày thu hoạch, sâu, bướm lên nhiều, lại cũng phải đem ra phun cho tiệt hẳn. Có tuần, phun tới 5/7 ngày, tiền thuốc tốn cả triệu đồng vẫn không bớt. Qua vườn kế bên, vẫn vang vang tiếng nói: “Em xịt thuốc liên tục cho chị”. Nhìn đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi đang ăn ngon lành trái dưa leo vừa bứt ngay tại cây mà chúng tôi thấy lo lắng thay.


Ông Khỏe đang tiến hành bỏ thuốc

Theo người dân, họ không nắm rõ bệnh gì thì dùng thuốc gì, muốn mua cứ đến tiệm Tuấn bán thuốc BVTV gần chợ Bầu Cá người bán sẽ chỉ cách dùng thuốc. Nằm ngay cạnh lộ, cách chợ Đông Hòa (Bầu Cá cũ) khoảng 200m, tiệm này có quy mô được coi là lớn nhất tại đây. Tôi gặp chủ tiệm thuốc nói là vườn nhà bị sâu rầy nhiều lắm, phun nhiều loại thuốc mà vẫn không khỏi thì được chị “chỉ điểm” ngay cho một hộp thuốc kèm lời giới thiệu: “Thuốc này phun 1 lần là đảm bảo sạch hết!”. Hỏi thuốc tăng trưởng cho dưa leo thì chị ta lập tức đưa ngay loại ABIO-3 “siêu to trái”. Và hầu như, tất cả thuốc người dân đều được chủ cửa hàng “chỉ điểm”, hiệu quả thì dùng tiếp, không thì lại mua loại khác chứ cũng không biết bệnh gì, thuốc gì là phù hợp.

GIẤY CHỨNG NHẬN… VỨT XÓ

Theo số liệu được Hội Nông dân Xã Lộ 25 cung cấp, từ đầu năm đến nay đã tổ chức 19 cuộc tập huấn, với sự tham gia của hơn 1.300 nông dân quanh khu vực về các vấn đề kỹ thuật trồng rau sạch, rau an toàn, các mô hình cây trồng hiệu quả. Nhiều hộ được cán bộ nông nghiệp tập huấn rất kỹ càng từ cách ủ đất, ủ phân, đến liều lượng phun thuốc, được trao cả giấy chứng nhận hộ rau sạch của xã. Tuy nhiên, trước thực trạng khảo sát, có thể thấy rằng việc tập huấn thực tế hầu như không đem lại kết quả gì. Nhiều hộ như nhà ông Phương, được cấp giấy chứng nhận rau sạch cũng bỏ xó, có khi bảo tìm cũng chưa chắc tìm được. Bà vợ ông cho hay: “Xã, huyện xuống tập huấn nhiều, chỉ cách trồng rau, còn cấp cả giấy rau sạch, nhưng rồi cũng bỏ xó”. Nhiều gia đình được hướng dẫn theo tiêu chuẩn rau an toàn VietGAP, có bảng hiệu hẳn hoi, nhưng “thực hiện lại là chuyện khác”.

Bà cho biết, hướng dẫn thì hướng dẫn vậy, nhưng cứ nhìn vào giá cả rau bèo nhèo, đất đai không có, làm sao mà thực hiện. Người ta dạy ủ đất 2 đến 3 ngày trước khi gieo hạt, nhưng gia đình bà thì vừa làm đất là gieo ngay mới kịp rau cung cấp chứ đất đâu mà ủ. Rồi là ủ phân, nhiều quy tắc lắm, nhiều cái còn không hiểu. Phân thì là phân sinh học, lấy về cần thì bón luôn, không để đó, thiếu thì dùng. Bảo phun thuốc đúng liều, đúng loại nhưng phun mà sâu hại, bệnh còn thì lại phải phun cho đến khi chết hẳn. “Người dân bán không được rau thì dân thiệt chứ ai thiệt”, bà nói.

Ông Vũ Hồng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân Xã Lộ 25 cho biết: “Thực sự mà nói, rau sạch ở vùng này không có. Mở các lớp tập huấn chủ yếu để hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con về tác hại khi phun quá nhiều thuốc BVTV, những bệnh tật nó gây ra, dạy bà con cách trồng trọt, chăn nuôi, chủ yếu vẫn là ở ý thức mỗi người”. Cũng theo ông, giá rau thấp, thương lái thu mua không nhiều, việc trồng rau sạch theo đúng tiêu chuẩn tốn kém chi phí và thời gian rất nhiều nên người dân không làm theo. Điệp khúc đầu ra vẫn cứ kéo dài mãi, từ dân cho đến lãnh đạo đều vướng.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai: “Tỉnh có rất nhiều đợt tập huấn, lấy mẫu rau xét nghiệm tại nhiều khu vực trồng rau lớn tại các huyện như Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán... để kiểm tra dung lượng nhiễm vi sinh vật, thuốc BVTV. Đối với các hộ vi phạm vượt quá mức quy định, mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền cho nông dân hiểu là chủ yếu”.

Xem thêm
Giải pháp canh tác thông minh với đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh

Quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL có thể là cách làm và giải pháp để đồng hành 'Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh'.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm