| Hotline: 0983.970.780

Cần xử lý nghiêm minh

Thứ Ba 18/12/2012 , 10:46 (GMT+7)

Những ngày gần đây, dư luận Bắc Kạn đặc biệt quan tâm khi nạn khai thác vàng thổ phỉ tại mỏ vàng Pác Lạng bùng phát mạnh trở lại.

Từ khi Liên doanh Cty Archipelago Resources Plc; Tổng Công ty Khoáng sản Vinacomin và Cty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn hạ bút phê về việc chấm dứt quá trình thăm dò 4 năm tại mỏ vàng Pác Lạng (Ngân Sơn - Bắc Kạn), nạn vàng thổ phỉ ở đây lại bùng phát tạo nên những mối ngờ vực khó hiểu ở ngọn núi Ma Nu…

>> Tài nguyên bị bòn rút

Những ngày gần đây, dư luận Bắc Kạn đặc biệt quan tâm khi nạn khai thác vàng thổ phỉ tại mỏ vàng Pác Lạng bùng phát mạnh trở lại. Sự việc có thể dẫn đến hiểu lầm lẫn nhau giữa chính quyền và doanh nghiệp thực hiện dự án. NNVN đã tiếp cận hồ sơ vụ việc để có thông tin rộng đường bạn đọc…

Liên doanh chấm dứt

Ngày 25/8/2011, Liên doanh Cty Archipelago Resources Plc (gọi tắt Cty ARP); Tổng Công ty Khoáng sản Vinacomin và Cty CP Khoáng sản Bắc Kạn có Biên bản thỏa thuận 3 bên, để tiếp tục thực hiện dự án thăm dò vàng và các khoáng sản đi kèm tại khu vực Pác Lạng, huyện Ngân Sơn.

Theo nội dung của Biên bản thỏa thuận này, hai công ty chủ lực là Cty ARP và Tổng Công ty Khoáng sản Vinacomin sẽ rút khỏi dự án thăm dò vì “mỏ Pác Lạng không đủ điều kiện để đầu tư khai thác công nghiệp”. Do vậy, các bên thống nhất bàn giao toàn bộ hồ sơ dự án cho Cty CP Khoáng sản Bắc Kạn (Cty khoáng sản) chịu trách nhiệm quản lý, thụ hưởng, đồng thời đầu tư thêm kinh phí để thực hiện các bước tiếp theo của dự án thăm dò quặng vàng tại mỏ Pác Lạng.

Cùng thời điểm đó, phía Liên doanh có công văn gửi Bộ TN&MT, tỉnh Bắc Kạn khi đã hết hiệu lực giấy phép gia hạn thăm dò. Để triển khai công tác tiếp nhận và quản lý nhà nước về khoáng sản theo quy định, UBND tỉnh Bắc Kạn họp và có Thông báo số 99/TB-UBND ngày 1/9/2011 về Họp bàn quản lý bảo vệ mỏ vàng Pác Lạng, chỉ đạo Cty khoáng sản phải chủ động về kinh phí thực hiện sự ủy quyền của đối tác. Giao UBND huyện Ngân Sơn chủ trì, phối hợp với đơn vị còn quyền lợi tổ chức quản lý khu vực mỏ Pác Lạng, không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép.

Có sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Bắc Kạn, ngày 7/9/2011, Cty khoáng sản Bắc Kạn và UBND huyện Ngân Sơn đã nhanh chóng có Biên bản làm việc và đã thống nhất cùng có trách nhiệm trong việc giám sát công tác bảo vệ, theo phương án kinh phí thuê bảo vệ do Cty khoáng sản chịu trách nhiệm, đồng thời Cty cũng thực hiện việc thăm dò các bước tiếp theo của dự án tại mỏ Pác Lạng. Ngoài ra còn tổ chức giám sát công tác bảo vệ mỏ, không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép. Trong giai đoạn này, tình trạng khai thác trái phép vẫn có diễn ra nhỏ lẻ, tuy nhiên chỉ ở những đối tượng đi nhặt sái, đục khoét trộm trong hang, chủ yếu là người địa phương không có việc làm lên núi dặt dẹo nhặt sái quặng vàng nghiền bán kiếm tiềm mua gạo, nên chẳng mấy ai để ý.

Sự việc êm đềm trôi, đến tháng 5/2012, số người đến làm vàng trái phép cứ liên tiếp gia tăng và hợp đồng 3 bên giữa UBND huyện Ngân Sơn, Cty khoáng sản và Cty TNHH dịch vụ bảo vệ Thiên Thành (Cty Thiên Thành) bị đảo lộn, khi không thể ngăn cản được dòng người đến đào đãi vàng trái phép.

Đổ lỗi cho nhau?

Phía UBND huyện Ngân Sơn cho rằng, nguyên do Cty khoáng sản Bắc Kạn đã huy động vốn của 22 cổ đông, rồi cho mỗi cổ đông được cử 5 người canh giữ các vị trí đã lựa chọn. Lợi dụng vào việc góp vốn, các cổ đông đưa thêm người vào khai thác bừa bãi. Tuy nhiên, trong báo cáo số 115/BC-UBND ngày 12/6/2012 do Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn ký cũng đã khẳng định tại mục 4 rằng: UBND huyện Ngân Sơn và các cơ quan cấp trên sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nếu phát hiện Cty TNHH dịch vụ bảo vệ Thiên Thành không thực hiện đúng các nội dung theo hợp đồng bảo vệ đã ký kết, UBND huyện sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng với Cty Thiên Thành.

Như vậy, một mặt UBND huyện Ngân Sơn đổ lỗi cho việc khai thác này là do phía Cty khoáng sản Bắc Kạn tạo nên. Mặt khác, huyện Ngân Sơn lại khẳng định rằng “người mình thuê làm bảo vệ mà không hoàn thành sẽ bị chấm dứt hợp đồng” khiến người đọc khó hiểu đâu là thủ phạm?

Theo quy định, việc xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép thuộc thẩm quyền UBND huyện Ngân Sơn. Việc để xảy ra tình trạng khai thác trái phép mà không báo cáo là lỗi thuộc Cty Thiên Thành. Phía Cty khoáng sản Bắc Kạn chỉ có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền thuê bảo vệ, nếu như Cty Thiên Thành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo Hợp đồng góp vốn, Cty khoáng sản Bắc Kạn thực hiện đúng luật đầu tư, việc gọi cổ đông góp vốn cho thực hiện dự án khai thác vàng tại Pác Lạng là việc làm bình thường theo quy định. Mỗi cổ đông góp vốn họ đều có quyền được lựa chọn một cửa hang theo thỏa thuận.

Ông Mai Văn Bản - Tổng Giám đốc, Chủ tịch hội đồng quản trị Cty khoáng sản Bắc Kạn: “Chúng tôi rất mong muốn chính quyền vào cuộc làm rõ ai đã khai thác trái phép quặng vàng tại mỏ Pác Lạng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Trong các Bản cam kết góp vốn giữa Cty khoáng sản với các cổ đông mà chúng tôi đã thu thập được, đều có chỉ rõ những điều khoản mà bên cổ đông phải nghiêm túc thực hiện, nếu tự ý khai thác hoặc có vi phạm sẽ mất cả chì lẫn chài, điều khoản phía Cty khoáng sản Bắc Kạn đã bắt buộc cổ đông luôn chắc và khép kín: “Khi góp vốn theo cam kết… sẽ được thành lập một tổ đội khai thác trực thuộc Cty cổ phần đầu tư khai thác mỏ vàng Pác Lạng sau khi Cty này được thành lập. Trong thời gian mỏ chưa được cấp giấy phép thì bên B (cổ đông) được phép cử 5 người tham gia công tác bảo vệ tại khu vực được giao nhiệm vụ bảo vệ và lập danh sách cung cấp cho bên A trước khi vào khu vực mỏ. Trong thời gian bảo vệ, bên B không được phép tổ chức khai thác dưới mọi hình thức. Trường hợp khi điểm mỏ vàng Pác Lạng được cấp giấy phép khai thác mà bên B không góp vốn theo đúng thỏa thuận hoặc trong thời gian bảo vệ mỏ bên B tổ chức khai thác trái phép thì bên B sẽ mất quyền được thành lập 1 tổ khai thác trực thuộc Cty mới sau khi thành lập và khi đó Biên bản thỏa thuận này đương nhiên mất hiệu lực, bên B sẽ không được hoàn lại toàn bộ số tiền đã đặt cọc cho bên A…”.

Với những điều khoản đã ký với Cty khoáng sản Bắc Kạn, các cổ đông sẽ không dại gì tự ý khai thác trái phép để rồi rước họa vào thân. Chính vì vậy, phía huyện Ngân Sơn cho rằng việc khai thác khoáng sản trái phép tại mỏ vàng Pác Lạng là do các cổ đông của Cty khoáng sản lợi dụng rất cần được làm rõ. Vì suốt nhiều năm qua, phía Cty khoáng sản Bắc Kạn đã cùng các đối tác tốn kém nhiều thời gian, kinh phí thực hiện dự án thăm dò quy mô công nghiệp, có lẽ họ chỉ mong đạt đến mục đích lớn hơn là quyền được cấp mỏ vàng Pác Lạng. Theo đó họ sẽ không dại gì “tham bát bỏ mâm” như suy luận của nhiều người.

Chiểu theo nội dung của Bản thỏa thuận góp vốn này, phía Cty khoáng sản Bắc Kạn sẽ mong muốn chính quyền các cấp chỉ rõ cổ đông nào tự ý khai thác vàng trái phép, từ đó họ sẽ có cớ chấm dứt ngay hiệu lực của Bản cam kết góp vốn đã ký, và đương nhiên cổ đông vi phạm sẽ phải trả giá đắt, vì không có cơ hội được quyền khai thác và nhận lại số tiền đã đặt cọc. (Hết)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghệ An gỡ khó cho thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu

Từ nguồn 400 tỷ đồng điều chỉnh, bổ sung, nút thắt xoay quanh công tác giải phóng mặt bằng của dự án thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu đã tìm ra hướng tháo gỡ.