| Hotline: 0983.970.780

Cần mạnh dạn vô cảm với chăn nuôi nhỏ lẻ

Thứ Sáu 21/12/2012 , 10:11 (GMT+7)

Chăn nuôi và trồng trọt được ví như anh em, trong lúc trồng trọt đạt được nhiều thành tựu thì chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn.

PGS.TS Lê Thanh Hải
Chăn nuôi và trồng trọt được ví như anh em, trong lúc trồng trọt đạt được nhiều thành tựu thì chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn. NNVN đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Lê Thanh Hải, BCH Hội chăn nuôi Việt Nam xung quanh vấn đề này.

“NHẮM MẮT CŨNG BIẾT”

PGS.TS Lê Thanh Hải nói: Bây giờ bất kỳ một ai quan tâm đến chăn nuôi cũng có thể nhắm mắt mà đưa ra 5 nguyên nhân chính kìm hãm ngành chăn nuôi là do: Dịch bệnh xảy ra nhiều và chưa được kiểm soát; Giá cả không ổn định; Giá thức ăn cao; Giống và kỹ thuật chưa tốt đồng đều; Chính sách vĩ mô còn bất cập.

Theo ông thì thứ tự sắp xếp của 5 nguyên nhân trên như thế nào?

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là giá cả đầu ra không ổn định, bởi chính nguyên nhân này không những làm thiệt hại cho hàng triệu hộ nông dân, hàng vạn chủ trang trại mà còn làm nản lòng những ai muốn đầu tư cho chăn nuôi.

Hiện nay người chăn nuôi VN phải sử dụng thức ăn với giá cao. Liệu có thể giảm giá nếu VN hạn chế được nhập khẩu?

Phần lớn nguyên liệu để sản xuất TĂCN như bắp, đậu nành, bột cá chúng ta đều phải nhập khẩu. Cũng đã có ý kiến cho rằng VN nên bớt lúa để trồng bắp, trồng đậu, vấn đề này nên để các anh bên ngành trồng trọt phát biểu nhưng tôi biết cũng không phải dễ. Bột cá thì lợi thế của mình cũng không bằng các nước Mỹ Latinh. Công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung của mình cũng chưa phát triển. Theo lý thuyết là có thể sử dụng 15% gạo để giảm bớt bắp nhưng hiện chưa có nghiên cứu nào bài bản để khẳng định. Nói tóm lại, việc VN tự sản xuất lấy nguyên liệu thức ăn gia súc là chuyện cần có thời gian, không làm ngay được.

CẦN MẠNH DẠN “VÔ CẢM” VỚI CHĂN NUÔI NHỎ LẺ

Quay trở lại 5 nguyên nhân gây cản trở cho chăn nuôi, theo ông chúng ta có thể đột phá từ đâu?

Để gỡ khó cho chăn nuôi, theo tôi, trước hết phải xác định rõ ràng rằng cần tập trung nguồn lực cho chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ hay chăn nuôi trang trại. Hiện nay chúng ta có tới 6,5 triệu hộ nông dân có chăn nuôi (chiếm 70% đầu con và 60% sản lượng) nhưng chỉ có 6.202 trang trại chăn nuôi. Mối quan tâm đầu tiên của những người làm chính trị thời gian qua bao giờ cũng ở con số 6,5 triệu hộ này, bởi họ là số đông, là nhân tố ổn định xã hội, thế nhưng để kiểm soát được dịch bệnh, chuyển giao được TBKT cho họ lại tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Cứ mỗi đợt dịch bệnh lại đền bù tiêu hủy, lại hỗ trợ, lại cấp không văcxin, khoanh giãn nợ, hỗ trợ tái đàn… Trong lúc đó nhà nước lại chẳng tốn đồng bạc nào cho các trang trại theo các quy mô khác nhau. Tôi nghĩ đã đến lúc cần mạnh dạn “vô cảm” với chăn nuôi hộ nhỏ lẻ, bởi càng để lâu thì ngành chăn nuôi càng trì trệ.

Khoa học đã góp nhiều công cho chăn nuôi kinh tế hộ nhỏ lẻ, ngay cả đề tài được giải thưởng Hồ Chí Minh do ông chủ trì?

Trước 1975, cả 2 miền Nam, Bắc chủ yếu là chăn nuôi thương phẩm với các giống heo cải tiến như giống Ba Xuyên, Thuộc Nhiêu, Móng Cái. Không ai ngờ 30 năm sau, cán bộ KHKT của Viện KHKT Miền Nam đã chủ trì cùng một số cán bộ khoa học của Đại học Nông lâm và một số cơ sở chăn nuôi ở phía Nam đã nghiên cứu chọn lọc và nhân thuần thành công được giống Yorshire Việt Nam nâng tỷ lệ nạc từ 45 - 47% (1980) lên 50 - 52% (1990), sau đó lên 58% và nay là 62%. Các nghiên cứu tiếp theo từ 2001 - 2010 đã hoàn chỉnh mô hình giống ông bà, cụ kỵ, nâng cao được tính chính xác trong chọn giống hiện đại nhờ chọn lọc liên kết gen… Hiện nay các quần thể heo Ba Xuyên, Thuộc Nhiêu đã được thay thế bằng quần thể heo Yorshire và con lai của chúng có năng suất cao hơn ba lần giống cũ...

Nhờ đưa được các tiến bộ kỹ thuật về giống cũng như các kỹ thuật mới vào sản xuất cho nông hộ mà chúng ta xây dựng được loại hình chăn nuôi trang trại có quy mô như hiện nay. Tuy nhiên nếu nhìn lại thì chúng ta vẫn có thể nói nếu tỉnh táo hơn, có chính sách tốt hơn thì đóng góp của giới khoa học công nghệ cho chăn nuôi còn nhiều hơn, hiệu quả hơn. Không hiểu nổi Viện Chăn nuôi là Viện cấp quốc gia sử dụng kinh phí nghiên cứu nhiều nhất mà sản phẩm của họ mấy năm qua chỉ là “lợn cắp nách”, “gà ri vàng rơm”, các đề tài nghiên cứu thì theo kiểu “bốc thuốc bắc” có nghiên cứu cơ bản nhưng vẫn mang tính trình diễn, chưa trở thành hàng hóa.

Hiện nay đang có chủ trương tách bộ phận chăn nuôi của Viện KHKTNN Miền Nam để thành lập phân viện chăn nuôi phía Nam, theo tôi, cần thận trọng bởi đây là cơ sở nghiên cứu chăn nuôi duy nhất, số cán bộ KHKT không nhiều nhưng những kết quả của các đề tài tạo giống vịt nông nghiệp, gà thả vườn, heo nạc, bò sữa, kỹ thuật chuồng trại, thức ăn công nghiệp... đã khẳng định giá trị và tầm vóc. Cần học họ việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với thị trường, cần tạo điều kiện để Viện KHKTNN Miền Nam phát huy được lợi thế, sự xáo trộn liệu đã thực sự cần thiết?

KHÔNG SỢ NƯỚC NGOÀI

Đang có hiện tượng ngành chăn nuôi từ thức ăn đến con giống đang bị các doanh nghiệp nước ngoài chi phối. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Các doanh nghiệp nước ngoài hiện chiếm 80% thị phần về thuốc thú y, 60,9% thị phần về thức ăn, 50% thị phần về trứng, đại đa số về giống gà lông trắng… Tôi muốn thay chữ “chiếm” bằng chữ “đóng góp” bởi tôi thấy đấy là nhân tố kích thích sản xuất phát triển, chuyển giao kỹ thuật nhanh và hiệu quả. Phần lớn các chủ trại heo, trại gà đều từng một thời gia công cho CP. Tất nhiên họ có nhiều lợi nhuận và chuyển về nước, tỷ như CP Trung Quốc lãi mỗi năm ở VN khoảng 200 triệu USD. Họ làm ăn tốt hơn các doanh nghiệp VN vì họ có lợi thế về hầu hết các mặt từ khoa học công nghệ đến vốn liếng và kinh nghiệm quản trị. Theo thời gian, những lợi thế này sẽ giảm dần theo mức độ trưởng thành của các doanh nghiệp VN.

Đã có doanh nghiệp nước ngoài đi tiên phong. Vậy liệu VN mình có cần tiếp tục nghiên cứu?

Chăn nuôi chỉ phát triển trên 3 chân trụ: Chính sách, khoa học công nghệ và bộ máy quản lý. Có chính sách tốt thì sẽ hấp dẫn đầu tư sản xuất. Có bộ máy tốt thì chính sách triển khai mới được thông suốt, mới chấm dứt thảm cảnh Cục Chăn nuôi yêu cầu báo cáo nhưng chỉ có 27/63 tỉnh, thành chấp nhận. Có khoa học công nghệ tốt thì chăn nuôi mới hiệu quả. Giống lợn Yorshire được Anh công nhận từ 1886 nhưng đến nay họ vẫn tiếp tục nghiên cứu để ngày một tốt hơn theo nhu cầu thay đổi về thị hiếu của con người, ví dụ như trước đây người ta cần nạc cao nên phải có tỷ lệ nạc cao, còn gu ngày nay lại là nạc mềm, có vị thơm vì vậy phải nghiên cứu tỷ lệ mỡ dắt cao. Nghiên cứu khoa học là kế thừa và phát triền, khoa học chăn nuôi ở VN cũng vậy, đây là con đường đi mãi của nhiều thế hệ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm