| Hotline: 0983.970.780

Lấy ý kiến toàn dân

Thứ Tư 09/01/2013 , 09:02 (GMT+7)

Ngày 8-1, Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi hiến pháp.

* Khẳng định và làm rõ hơn quyền con người

Ngày 8-1, Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 của Quốc hội (QH) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi hiến pháp.

Theo ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 124 điều. Như vậy, so với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Cụ thể:

Về Lời nói đầu: Trên cơ sở kế thừa Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992, dự thảo Lời nói đầu được sửa đổi theo hướng nêu khái quát, cô đọng và súc tích hơn về truyền thống, lịch sử vẻ vang của đất nước, dân tộc, lịch sử lập hiến của nước ta; nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, mục tiêu xây dựng đất nước và ý nguyện của nhân dân ta trong việc ban hành và sửa đổi Hiến pháp, theo đó, “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Về chế độ chính trị (Chương I): một trong những điểm mới của bản Dự thảo là bổ sung và phát triển nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” theo tinh thần của Cương lĩnh. Đây là điểm rất mới của Dự thảo Hiến pháp. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực. Dự thảo cũng quy định cụ thể hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua QH, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước mà không chỉ thông qua QH và HĐND như Hiến pháp năm 1992.

Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được nhấn mạnh tại Chương II. Dự thảo làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Đồng thời, sắp xếp lại các điều theo các nhóm quyền để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, bảo đảm tính khả thi hơn. Dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, bổ sung quyền sống (Điều 21), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 22), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 23), quyền kết hôn và ly hôn (Điều 39), quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (Điều 44), quyền xác định dân tộc (Điều 45), quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 46)... Dự thảo quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng (Điều 15).

Bảo vệ Tổ quốc (Chương IV): Dự thảo xác định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, phải được thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Dự thảo khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sự gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế và góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Về Quốc hội (Chương V): Dự thảo bổ sung thẩm quyền của QH trong việc phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC (khoản 7, Điều 75) để phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình TAND, làm rõ hơn vai trò của QH trong mối quan hệ với cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đồng thời nâng cao vị thế của Thẩm phán theo tinh thần cải cách tư pháp. Đồng thời bổ sung thẩm quyền của QH trong việc giám sát, quy định tổ chức và hoạt động, quyết định nhân sự đối với Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập (các khoản 2, 6, 7 và 9 Điều 75).

Bản dự thảo mới lần này cũng làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong việc định hướng, điều hành hoạt động.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Phải tập hợp đầy đủ chính xác ý kiến của nhân dân 

Phát biểu khai mạc buổi lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nhân dân có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, một công việc hệ trọng của quốc gia. Ý kiến của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng của Dự thảo. 

Box3: Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH cho biết, thời gian để nhân dân góp ý được bắt đầu từ ngày 2/1/2013 đến hết ngày 31/3/2013. Mọi tầng lớp nhân dân trong nước, người VN định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức trung ương và địa phương có thể góp ý trực tiếp, đóng góp bằng văn bản, tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, qua Trang thông tin điện tử của QH hoặc các hình thức phù hợp khác.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.