| Hotline: 0983.970.780

Kiên quyết cho dừng sản xuất

Thứ Năm 10/01/2013 , 08:33 (GMT+7)

Ngày 3/1, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang ký yêu cầu nhà máy tinh bột Long Giang dừng SX.

Mặc dù người dân ở xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu nhà máy dừng hoạt động để bảo vệ môi trường, nhưng Nhà máy tinh bột Long Giang (thuộc Cty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh) vẫn phớt lờ...

Xả thải ra suối

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Trưởng thôn 1 Lệ Kỳ (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh), bức xúc cho chúng tôi hay: “Tôi đại diện cho 170 hộ với 660 khẩu ở đây thực sự kêu cứu đến các cấp lãnh đạo, mong sao sớm có biện pháp xử lý để bảo vệ môi trường và cuộc sống của bà con”. Cũng theo ông Bảo, nhà máy đã xả thải trực tiếp ra môi trường làm ô nhiễm khu vực dân cư trầm trọng. Người dân phát hiện nhà máy xả nước thải bẩn trực tiếp ra môi trường, chảy xuống dòng suối Cầu Hai.

Liên quan đến xả thải ở nhà máy này khiến một công nhân tử vong, ông Trần Văn Tường - Trưởng CA xã Vĩnh Ninh cho biết: “Sáng ngày 22/12/2012, ông Lê Thanh Mẫn (cán bộ quản đốc nhà máy) đã lặn xuống hồ nước thải để bịt miệng cống nước xả thải trực tiếp ra môi trường. Lúc này, cống đang xả tự do. Do áp lực nước xả quá mạnh nên ông Mẫn bị hút vào lòng ống xả (có chiều dài khoảng 7m) và tử vong tại chỗ. Ngay sau khi sự việc chết người xảy ra, lãnh đạo nhà máy đã không báo cáo đến chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để xử lý”.

Tuy nhiên, sau sự việc đó, nhà máy vẫn hoạt động và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiện tại nhà máy, nước từ hồ chứa bã sắn, hồ chứa nước thải thấm qua tuyến đê bao chảy thành dòng đen ngòm về phía khu dân cư và suối Cầu Hai. Hàng chục hộ dân đã tổ chức đến gặp lãnh đạo nhà máy yêu cầu có biện pháp xử lý và tố cáo nhà máy còn gây ô nhiễm đến suối Khe Cự gần đó.

Vậy nhưng, trước sự tố cáo của người dân, ông Lê Văn Thơ - Giám đốc Cty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh vẫn quanh co cho rằng việc xả nước thải là không có, mà là do sự cố (?).

Bỏ qua việc phát triển vùng nguyên liệu

Trước khi triển khai xây dựng nhà máy, ngành NN-PTNT tỉnh Quảng Bình đã có quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cây dong riềng với diện tích gần 3.000 ha tại 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Theo ông Hoàng Min - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình thì nhà máy muốn tồn tại và phát triển vấn đề quan trọng hàng đầu là phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, được quy hoạch vùng nguyên liệu từ năm 2008, nhưng đến thời điểm cuối năm 2012, lãnh đạo nhà máy thừa nhận là chỉ có được 30 ha nguyên liệu dong riềng. Thực tế, trong 30 ha này thì diện tích dong riềng mà người dân tự phát trồng tận dụng đất đai để phục vụ cho sinh hoạt gia đình cũng chiếm gần nửa so số diện tích mà nhà máy đưa ra.

Vào ngày 9/1, ông Văn Thuyết - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh cho hay, theo quy hoạch đến năm 2015, nông dân trong huyện sẽ trồng được 1.750 ha cây dong riềng cho nhà máy. Trong niên vụ trồng dong riềng phục vụ cho vụ sản xuất 2013, phía nhà máy có liên hệ để triển khai nhưng sau đó lại không có động thái gì thêm.

Phải dừng sản xuất

Trước những sự việc vi phạm nghiêm trọng đến môi trường của Nhà máy Chế biến tinh bột Long Giang, ngày 3/1, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang ký yêu cầu nhà máy nghiêm túc thực hiện: “Dừng hoạt động sản xuất để xử lý sự cố môi trường; không để nước thải chưa xử lý chảy trực tiếp ra môi trường...”.

Làm việc với phóng viên báo NNVN, ông Phan Xuân Hào - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Quảng Bình) cho biết: “Đã tổ chức kiểm tra tại nhà máy vào sáng 7/1 và chỉ đạo nhà máy dừng hoạt động thu mua và sản xuất tinh bột sắn”.

Tương tự, tại huyện Lệ Thủy, cũng không thấy nhà máy triển khai trồng nguyên liệu. Ông Phạm Hữu Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Quy hoạch của tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy tinh bột Long Giang gần 1.300 ha. Tuy nhiên, việc triển khai gần như không có gì”.

Cũng theo phản ánh của lãnh đạo các xã Mai Thủy, Thái Thủy... (huyện Lệ Thủy) thì vào tháng 10/2012, khi thông tin báo chí phản ánh nhà máy xây dựng với mục đích phát triển và sản xuất dong riềng nhưng lại chuyển hướng sang thu mua, chế biến sắn thì lãnh đạo nhà máy có đến đặt vấn đề để phát triển vùng nguyên liệu. Nhưng rồi sau đó, không thấy cán bộ nhà máy quay lại.

Gần đây nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo Cty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh phải đẩy mạnh đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích trồng theo quy hoạch. Có lộ trình và kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cụ thể báo cáo các sở, ngành chức năng, các địa phương và UBND tỉnh để có sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện...

Tuy nhiên, Cty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh đã phớt lờ ý kiến chỉ đạo này, bỏ qua nhiệm vụ phát triển vùng nguyên liệu cây dong riềng mà chỉ chăm chút thu mua, sản xuất tinh bột sắn, dẫn đến việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Không phát triển vùng nguyên liệu, vào vụ sản xuất lại thu mua chụp giật nguyên liệu sắn và lại gây ô nhiễm môi trường làm người dân điêu đứng” - ông Nguyễn Ngọc Bảo - Trưởng thôn 1 Lệ Kỳ tỏ ra lo lắng thực sự.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.